Thứ sáu, 13/09/2024, 06:47

Sẽ chuyển giấy chứng minh nhân dân sang sử dụng hoàn toàn CCCD

Đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật tán thành đề xuất thay thế Giấy chứng minh nhân dân vẫn còn thời hạn để chuyển sang sử dụng hoàn toàn thẻ Căn cước công dân (CCCD).

 

Ngày 17/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tờ trình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Trong đó, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 5. Việc sửa đổi bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 5 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với các nhóm chính sách như: Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân…

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật. Ảnh: QH

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, Thường trực Uỷ ban Pháp luật nhận thấy chính sách được đề xuất cơ bản chỉ tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến thẻ Căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, không phải sửa đổi tổng thể, toàn diện các chính sách lớn của luật.

Đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật và các cơ quan tán thành việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân. Tuy nhiên, đề nghị quy định chỉ cấp quyền đọc thông tin tích hợp trong thẻ Căn cước công dân phù hợp với yêu cầu quản lý, giao dịch của công dân trong từng trường hợp cụ thể, bảo đảm bí mật đối với những thông tin không trực tiếp liên quan.

Mặt khác, do thông tin được đề xuất tích hợp, bổ sung đều là thông tin cá nhân, gắn với quyền con người, quyền công dân, nên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, thống nhất với các Bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực để đưa ra giải pháp phù hợp, có tính khả thi.

Thường trực Uỷ ban Pháp luật và các cơ quan nhận thấy, việc mở rộng, bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là cần thiết, phù hợp với chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.

Tuy nhiên, Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, xác định rõ những loại thông tin cá nhân và phạm vi thông tin chuyên ngành nào cần được bổ sung; cần duy trì hay không tiếp tục duy trì cơ sở dữ liệu chuyên ngành nào để tránh trùng lặp, chồng chéo.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc bổ sung thông tin lưu trữ như đề xuất là không thực sự cần thiết vì về mặt kỹ thuật chỉ cần kết nối và cấp quyền khai thác thông tin giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là có thể truy cập được thông tin từ cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Việc tồn tại song song hai hệ thống thông tin cùng về một nội dung vừa gây tốn kém về mặt tài chính vừa có thể phát sinh rủi ro trong trường hợp thông tin trong hai hệ thống không khớp nhau. 

Đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật và Uỷ ban Quốc phòng an ninh đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi. Bởi dưới 14, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nên thông tin nhân dạng khó chính xác; phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự.

Một số ý kiến cho rằng chính sách cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi như đề xuất của Chính phủ là phù hợp, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hiện nay. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn về đặc điểm nhân dạng của trẻ em để ghi nhận trong thẻ, xác định cụ thể lộ trình thực hiện theo từng lứa tuổi nhất định để bảo đảm tính khả thi.

Dự án luật sửa đổi lần này cũng hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.

Thường trực Uỷ ban Pháp luật và các cơ quan cơ bản nhất trí với nội dung của chính trên. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc chưa bổ sung quy định về “tài khoản định danh điện tử” vào dự thảo Luật vì đây là vấn đề mới được triển khai thực hiện chưa lâu, cần có thêm thời gian kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá để luật hóa.

Về đề nghị thay thế Giấy chứng minh nhân dân vẫn còn thời hạn để chuyển sang hoàn toàn sử dụng bằng thẻ Căn cước công dân, đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật tán thành đề xuất này của Chính phủ. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm bỏ Sổ hộ khẩu giấy, đề nghị đánh giá tác động kỹ để từ đó xác định lộ trình thay thế phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tránh gây xáo trộn, bức xúc cho công dân.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6. Đồng thời, giao Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 4/2023.


Quang Phong/Vietnamnet
 Tags: bỏ CMND

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây