Thứ bảy, 23/11/2024, 04:51

Âm ỉ việc tranh chấp đất rừng trên núi Cắm, xã Châu Hội (Quỳ Châu)

Núi Cắm là tên gọi của dãy núi chia cắt 2 xã Châu Hội và Châu Bình của huyện núi Quỳ Châu (Nghệ An). Trên núi Cắm thuộc phạm vi xã Châu Hội, người ta nói rằng, từ khoảng năm 2010 phát sinh nạn tranh chấp đất rừng, rồi cứ thế âm ỉ kéo dài đến nay...

 

Ghi trên núi Cắm

Chúng tôi có chuyến lên núi Cắm, xã Châu Hội dịp tháng 10/2024, sau khi đường dây nóng Báo Nghệ An nhận được thông tin ở đây tiềm ẩn nạn tranh chấp đất rừng.

z6049290989655_e5592980104d88451721e1d1be0e6e8f.jpg
Sau những cơn mưa tháng 10, muốn lên vùng núi Cắm xã Châu Hội phải theo đường vận chuyển keo từ mạn Châu Bình (Quỳ Châu). Ảnh: Nhật Lân

Lên đỉnh núi Cắm quan sát, dễ nhận thấy đây là một vùng đất bạt ngàn, rất thuận lợi để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Xác nhận điều này, các cán bộ cùng đi cho biết, cũng vì vậy nên phát sinh nạn tranh chấp đất rừng giữa người dân bản Khứm, xã Châu Hội với Công ty TNHH Thanh Thành Đạt - doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất năm 2009.

Theo lời kể của Hoàng Viết Hưng - chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Châu, vùng đất lâm nghiệp núi Cắm trước đây do Lâm trường Cô Ba quản lý.

Năm 2002, sau khi Lâm trường Cô Ba trả đất, UBND tỉnh giao về cho UBND huyện Quỳ Châu. Khoảng năm 2007, Công ty InnoGren từng vào khảo sát sau đó xin thuê đất, nhưng đến năm 2009 UBND tỉnh cho Công ty TNHH Thanh Thành Đạt thuê đất với diện tích hơn 242 ha để trồng rừng nguyên liệu.

Thời điểm này, trong phạm vi đã có một số hộ dân bản Khứm, xã Châu Hội dựng lán trại tổ chức chăn nuôi, làm ruộng ở khe Canh nên phát sinh tranh chấp.

z6049290903727_1efbd5aa350c09ce3f6905905e1d7c15.jpg
  • Núi Cắm hiện tại là vùng trồng keo nguyên liệu, những khoảnh đất trống là nơi người dân mới thu hoạch keo, đang xử lý thực bì. Ảnh: Nhật Lân
 

Năm 2010, khi Công ty TNHH Thanh Thành Đạt tổ chức trồng keo thì nhiều hộ dân bản Khứm kéo lên nhổ cây, dẫn đến có những va chạm. Vì sự việc này, năm 2011, UBND huyện Quỳ Châu phải thành lập đoàn, lên kiểm tra xử lý.

Tuy nhiên, việc giải quyết không dứt điểm nên tranh chấp kéo dài. Tính đến thời điểm năm 2021, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt chỉ trồng được 42 ha trong 242 ha đất được thuê, phần còn lại người dân bản Khứm lấn chiếm sử dụng…

Năm 2021, khi Công ty TNHH Thanh Thành Đạt tổ chức thu hoạch keo thì vấn nạn tranh chấp đất lại bùng lên. Công ty thu hoạch đến đâu, người dân bản Khứm lại tổ chức chiếm đất trồng keo đến đấy. Bởi có tính chất phức tạp, UBND huyện đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tổ chức kiểm tra, xác minh vụ việc…

z6049290907722_aa37dcc5afa1b49be34787a3c129ff6c.jpg
Một khu vực keo đã nhiều năm tuổi của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt trên núi Cắm. Ảnh: Nhật Lân

“Trên núi Cắm, những vùng keo nhiều năm tuổi thuộc Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, còn những diện tích keo non đều thuộc người dân bản Khứm. Ở dọc khe Canh có một số hộ dân dựng lán trại tổ chức chăn nuôi, làm ruộng và trông coi rừng keo…”, ông Hoàng Viết Hưng cho biết.

Trên đường đi, chúng tôi ghé vào trại của ông Lương Văn Nam. Tại đây, ngoài gia đình ông Nam còn có một số phụ nữ bản Khứm lên làm keo nghỉ lại. Biết có “cán bộ”, ông Nam chủ động nói ra rất nhiều chuyện. Từ chuyện tranh chấp đất rừng, đến việc ông đại diện cho người dân bản Khứm kiến nghị vấn đề đất đai.

z6049290960981_c2851a377fbd4a43b13dbb75009d48ab.jpg
Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Châu thông tin đến ông Lương Văn Nam (bên trái) việc UBND huyện đang từng bước giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc ở khu vực núi Cắm. Ảnh: Nhật Lân

Đáng lưu tâm, ông Nam thông tin trước thời điểm Công ty TNHH Thanh Thành Đạt được Nhà nước cho thuê đất, ở khe Canh đã có 6 hộ dân bản Khứm tổ chức sản xuất, chăn nuôi. “Đời ông, đời cha chúng tôi đã vào khe Canh làm ăn. Trước năm 2009 có 6 hộ. Đến năm 2011 có thêm 16 hộ dân bản Khứm lên núi Cắm giữ đất. Bây giờ thì nhiều, có lẽ gần như tất cả các hộ dân bản Khứm đều lên núi Cắm giữ đất trồng keo...”, ông Lương Văn Nam nói.

Và cùng với những người dân ở trong trại, ông Lương Văn Nam khẳng định người dân bản Khứm sẽ tiếp tục giữ đất, không để Công ty TNHH Thanh Thành Đạt trồng mới sau khi khai thác…

Vấn đề phức tạp

Ở huyện Quỳ Châu và xã Châu Hội, chúng tôi được tiếp cận với rất nhiều những tài liệu liên quan, để biết cụ thể hơn diễn biến tranh chấp đất rừng trên núi Cắm.

Công ty TNHH Thanh Thành Đạt được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 446/QĐ-UBND.ĐC ngày 12/10/2009 với diện tích hơn 888,2 ha; trong đó, tại Tiểu khu 190 xã Châu Hội có diện tích 242,39 ha. Năm 2010, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt trồng được 76 ha keo. Đến tháng 12/2011 thì xảy ra việc các hộ dân bản Khứm chặt phá cây keo để xâm chiếm đất.

Thời điểm này, UBND huyện Quỳ Châu chỉ đạo UBND xã Châu Hội cùng Công ty TNHH Thanh Thành Đạt giải quyết nhiều lần nhưng không thành công.

z6049312734300_402a0906ab51aa62eba089099a372d80.jpg
Biên bản làm việc của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường với UBND huyện Quỳ Châu, Công an huyện Quỳ Châu trong ngày 18/8/2022. Ảnh: Nhật Lân
 

Vì vậy, ngày 14/12/2011, UBND huyện Quỳ Châu đã tổ chức làm việc, và có Thông báo kết luận số 32/TB-UBND giải quyết vụ việc. Vậy nhưng, từ năm 2011 đến khoảng tháng 12/2020, các hộ dân bản Khứm đã chiếm đất của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt với diện tích khoảng 200 ha để trồng keo.

Trên diện tích này, người dân đã trồng, thu hoạch 1 vụ keo; trồng vụ thứ hai khoảng 3 – 4 năm tuổi; diện tích thực tế Công ty TNHH Thanh Thành Đạt chỉ sử dụng khoảng 42 ha.

Năm 2021, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt tổ chức khai thác diện tích 42 ha keo để trồng lại. Vào ngày 24/6/2021, khoảng 70 người dân bản Khứm đã xâm chiếm, trồng keo trên đất công ty mới khai thác với diện tích lấn chiếm khoảng 3 ha.

UBND huyện Quỳ Châu đã giao Công ty TNHH Thanh Thành Đạt cùng UBND xã Châu Hội ra thông báo, yêu cầu các hộ dân thu hồi lại cây trồng. Tuy nhiên, các hộ không chấp hành. Vậy nhưng, khi Công ty TNHH Thanh Thành Đạt tổ chức thu hồi số cây trồng thì lại có hơn 80 người dân kéo lên ngăn cản.

z6049290952708_fab9558ab70f918f533f243923c4199f.jpg
Qua trò chuyện cùng người dân bản Khứm tại trại của ông Lương Văn Nam, hiểu nghề trồng rừng đã gắn kết với họ, là thu nhập chính để đảm bảo cuộc sống. Ảnh: Nhật Lân

Ngày 22/7/2022, tiếp nhận văn bản của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt báo cáo về việc người dân bản Khứm lấn chiếm đất, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra làm rõ vụ việc.

Ngày 18/8/2022, sau khi làm rõ các nội dung liên quan, UBND huyện Quỳ Châu nêu quan điểm, đối với phần diện tích 42 ha đang có tình trạng lấn chiếm thì đề nghị xử lý nghiêm; với phần diện tích 200 ha mà người dân đã lấn chiếm từ năm 2010 – 2012, đề nghị Công ty TNHH Thanh Thành Đạt xem xét trả lại để huyện Quỳ Châu giao cho các hộ dân còn thiếu đất sản xuất, ổn định an ninh, trật tự địa phương.

Đồng thời, kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND tỉnh giao Công ty TNHH Thanh Thành Đạt rà soát, xem xét lại nhu cầu sử dụng đất phần diện tích 200 ha người dân bản Khứm đã chiếm dụng...

z6049290943556_af923da4fdedb0185922f7a007dd4547.jpg
Vây quanh bản Khứm, xã Châu Hội là những đồi keo. Ảnh: Nhật Lân

Ngày 24/2/2023, trong lần đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nghĩa Hiếu (nay là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh) lên làm việc, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Châu đã đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và Công ty TNHH Thanh Thành Đạt xem xét trả lại 200 ha đất mà một số hộ dân bản Khứm xã Châu Hội đã lấn chiếm từ năm 2011 – 2012 để huyện giao đất cho các hộ chưa được giao đất sản xuất.

Ngày 9/3/2023, Tỉnh ủy ban hành Thông báo số 841-TB/TU, trong đó, thông báo ý kiến kết luận của đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu về nội dung này là: “Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì làm việc với các sở, ngành, huyện Quỳ Châu, đơn vị liên quan để xem xét giải quyết”.

Ngày 17/3/2023, UBND tỉnh có Văn bản số 1808/UBND-TH triển khai thực hiện Thông báo số 841-TB/TU của Tỉnh ủy…

Cần giải quyết dứt điểm

Ngày 10/10/2024, do vấn đề trên chưa được giải quyết dứt điểm, UBND huyện Quỳ Châu có Văn bản số 1250/UBND-TNMT gửi UBND tỉnh. Tại đây, UBND huyện Quỳ Châu tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH Thanh Thành Đạt “xem xét chuyển trả, giảm diện tích thuê đất đối với diện tích 200 ha đất đã để nhân dân xâm chiếm về cho địa phương quản lý đảm bảo yên dân, ổn định tình hình, không để xảy ra điểm nóng trong tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện”.

z6049290949271_b2f48193152bc603ba9e23a7fbc565d1.jpg
Một phần núi Cắm, phạm vi xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Nhật Lân

Trước kiến nghị của UBND huyện Quỳ Châu, vào ngày 11/10/2024, UBND tỉnh có Công văn số 8935/UBND-NN giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét việc chuyển trả diện tích đất mà các hộ dân bản Khứm xâm lấn, chiếm dụng để trồng keo về địa phương quản lý.

Về phía Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, đến ngày 14/10/2024 có Công văn số 87/CV-TTD, trong đó, nêu hiện nay giấy chứng nhận QSD đất liên quan diện tích 242 ha ở xã Châu Hội đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Nghệ An, nên “Công ty phải thực hiện xóa đăng ký thế chấp trước khi trả lại diện tích trên cho Nhà nước quản lý…”.

z6049312737167_1932cd05c5a599f11ef9749f9f87c5cd-dad66b9e35d4021dd16d919b88ab697b.jpg
Văn bản số 7388/STNMT-QLĐĐ ngày 18/10/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 7388/STNMT-QLĐĐ ngày 18/10/2024 gửi Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Nghệ An và Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, nội dung đề nghị quan tâm xử lý hồ sơ thế chấp của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt.

Tuy nhiên, thời gian Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các đơn vị này phối hợp thực hiện và gửi kết quả là trước ngày 31/10/2024, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm...


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây