Thứ năm, 12/12/2024, 02:49

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An đề nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

Ông Trần Nhật Minh, Đại biểu Quốc hội chuyên trách đoàn Nghệ An cho rằng, với sự phát triển kinh tế - xã hội, xăng đã trở thành nhu cầu thiết yếu hàng ngày, không còn là mặt hàng xa xỉ.

 

Sáng 22/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), sau khi nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra tại Hội trường Diên Hồng.

bna_2388e80a518cead2b39d.jpg
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Nghĩa Đức

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3, cùng các đoàn: Bắc Giang, Quảng Ngãi. Dự thảo luận có đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu đoàn Nghệ An.

bna_4dc264d1dd5766093f46.jpg
Dự thảo luận có đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu đoàn Nghệ An. Ảnh: Nghĩa Đức

Tính toán lộ trình tăng thuế thuốc lá phù hợp

Liên quan đến Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ĐBQH đoàn Nghệ An có 2 ý kiến về đối tượng chịu thuế và mức thuế đối với thuốc lá. Ông Trần Nhật Minh, ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An đề nghị, cân nhắc không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với máy điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống và xăng.

Theo ông, với sự phát triển kinh tế - xã hội, xăng hay máy điều hòa nhiệt độ đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày, không còn là mặt hàng xa xỉ. Ngoài ra, mặt hàng xăng đang chịu một lúc 2 sắc thuế có tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.

bna_dsc08939.jpg
Ông Trần Nhật Minh, ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thúy Vinh

Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, cũng đồng tình không nên đưa mặt hàng điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Báo cáo giải trình của Bộ Tài chính cho biết, một số nước, trong đó có các nước châu Âu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hóa là điều hòa. Tuy nhiên, theo bà Thái Thị An Chung, so sánh đó hơi khập khiễng vì châu Âu thuộc khí hậu ôn đới còn Việt Nam là nhiệt đới, như ở Nghệ An vào mùa hè 38, 39 độ C “nóng như rang”.

bna_9898b1ab082db373ea3c.jpg
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Theo vị đại biểu đoàn Nghệ An, nên nghiên cứu phân tách theo công suất, hay tiêu chí công nghệ để bảo vệ môi trường làm căn cứ xem xét đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với máy điều hòa.

Ví dụ, chỉ đánh thuế với những chủng loại điều hòa không sử dụng công nghệ Inverter (công nghệ biến tần giúp kiểm soát tốc độ quay của máy nén phù hợp với công suất làm lạnh, qua đó tiết kiệm 30-50% lượng điện năng tiêu thụ); hoặc có công suất cao hơn 90.000 BTU…

Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đề nghị bổ sung đối tượng thuộc diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là các sản phẩm hàng xa xỉ như: đồng hồ đắt tiền, túi xách đắt tiền; đồng thời bày tỏ đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội là không nên ủy quyền cho Chính phủ quyết định đối tượng chịu thuế, không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vì theo Hiến pháp và luật định, nội dung này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Bên cạnh đó, cũng liên quan đến dự án Luật này, các đại biểu: Trần Nhật Minh và Thái Thị An Chung cũng bày tỏ đồng tình sự cần thiết bổ sung mức thuế với mặt hàng thuốc lá nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và tăng thuế với các mặt hàng đồ uống có cồn, có đường.

bna_745c12e0ab6610384977.jpg
Các vị ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận sáng 22/11. Ảnh: Nghĩa Đức

Tuy nhiên, các vị đại biểu đều cho rằng, cần tính toán lộ trình tăng thuế phù hợp, đảm bảo trong tổng thể chung; tránh tăng “sốc” ngay khi luật có hiệu lực thi hành làm ảnh hưởng các ngành hàng hiện nay đang giữ vị trí khá quan trọng thu ngân sách và tác động chuỗi cung ứng các ngành hàng này.

Ngoài ra, đại biểu Thái Thị An Chung cũng đề nghị sửa đổi định nghĩa mặt hàng thuốc lá phù hợp để bao quát được các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, bảo đảm tương thích với định hướng sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá thời gian tới.

Đảm bảo thống nhất của văn bản pháp luật về ưu đãi thuế

Phát biểu thảo luận, bà Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An dành thời gian nhận định đến tổng thể, cũng như nêu lên một số vấn đề còn bất cập đối với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) như: Thu thuế đối với thương mại điện tử, quy định mức thuế suất cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; sự tương thích, giải pháp áp dụng ưu đãi thuế khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…

bna_c8dc57abee2d55730c3c.jpg
Bà Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Đặc biệt, theo đại biểu Nguyễn Vân Chi, “linh hồn của” Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp chính là các chính sách ưu đãi thuế. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cho biết, cho đến hiện hành các lĩnh vực được ưu đãi trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không trùng 100%, mà còn ở diện hẹp hơn so với các lĩnh vực đang được ghi tại các văn bản pháp luật về đầu tư.

Vì vậy, theo vị đại biểu đoàn Nghệ An, việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, về mặt nguyên tắc phải nhìn đến tính thống nhất của văn bản pháp luật. Song theo bà, dự thảo Luật về cơ bản được giữ như hiện hành và có bổ sung thêm một số lĩnh vực từ các luật chuyên ngành ban hành sau, nhưng không phải tất cả.

Đại biểu thống nhất khi dự thảo Luật đưa ra nguyên tắc, nếu có vấn đề khác nhau nếu liên quan đến ưu đãi thuế thì áp dụng theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

bna_386ab83101b7bae9e3a6.jpg
Các vị ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận sáng 22/11. Ảnh: Nghĩa Đức

Tuy vậy, ở đây có vấn đề phát sinh là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định: Nếu cùng một vấn đề do Quốc hội ban hành thì văn bản sau có giá trị; dẫn đến trường hợp các luật chuyên ngành ban hành sau khi sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có quy định về ưu đãi thuế thì sẽ áp dụng thế nào khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi có nguyên tắc như đề cập ở trên?

Ngoài ra, vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng băn khoăn với quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt khi dự thảo Luật chỉ mới quy định điều kiện căn cứ chủ yếu dựa vào tổng vốn đầu tư là 30.000 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ quy định giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng 3 năm đầu. Nếu vậy khi hậu kiểm, cơ quan thuế không có cơ sở để kiểm tra doanh nghiệp có đáp ứng điều kiện ưu đãi không vì không rõ 20.000 tỷ sẽ được giải ngân bao giờ?


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây