Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì hội thảo trực tuyến lấy ý kiến về dự thảo Quy định luân chuyển cán bộ |
Quy định gồm 7 chương, 35 điều, trong đó quy định mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm, thẩm quyền trong quản lý cán bộ và nguyên tắc, trách nhiệm, thẩm quyền, tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử; tái cử, chỉ định, điều động và biệt phái cán bộ. Quy định này áp dụng đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh.
Quy định số 18-QĐ/TU nêu rõ 8 nội dung trong quản lý cán bộ cũng như trách nhiệm quản lý và quyết định đối với cán bộ, theo đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trực tiếp quyết định một số nội dung trong công tác cán bộ, đồng thời phân công, phân cấp cho các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị quyết định một số khâu, nội dung về công tác cán bộ đối với một số chức danh lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và các chức danh cán bộ khác; ủy quyền cho Thường trực Tỉnh ủy quyết định một số khâu, nội dung trong công tác cán bộ.
So với Quy định 3703-QĐ/TU, Quy định lần này có bổ sung thêm các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý gồm: Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Quốc hội chuyên trách và Thư ký đồng chí Bí thư Tỉnh ủy theo các quy định của Trung ương. Đồng thời, kế thừa việc phân cấp cho cấp ủy, tổ chức đảng quản lý đối với các chức danh: Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã; Mặt khác, tăng cường phân cấp quản lý mạnh hơn nữa đối với các chức danh như: Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Ủy viên Ban Thường vụ các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh cho các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc.
Quy định cũng phân cấp quản lý đối với cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu, theo đó ủy quyền cho Thường trực Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến đối với các chức danh: Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nguyên Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chuyên trách; các chức danh khác do Đảng đoàn, ban cán sự đảng, cấp ủy, cơ quan, đơn vị và Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho ý kiến tùy vào chức danh trước khi thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu.
Về việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử: Cán bộ, đảng viên đang trong thời gian bị kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, xem xét, xử lý kỷ luật, bị kiến nghị xử lý vi phạm theo kết luận thanh tra, giải quyết tố cáo và bị điều tra thì chưa thực hiện quy hoạch, ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại khi đã đến thời hạn bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, thi nâng ngạch, bậc, phong, thăng quân hàm, nâng lương, phong tặng danh hiệu, khen thưởng, từ chức hoặc thôi việc. Cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức danh tương đương trở lên; có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 02 năm (24 tháng). Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; cán bộ được đề nghị bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý (cao hơn) lần đầu phải đủ tuổi để công tác trọn 1 nhiệm kỳ; cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật) như sau: 12 tháng đối với hình thức kỷ luật Khiển trách; 30 tháng đối với hình thức kỷ luật Cảnh cáo; 60 tháng đối với hình thức kỷ luật Cách chức.
Quy định cũng nêu rõ quy trình giới thiệu nhân sự từ nguồn nhân sự tại chỗ được thực hiện theo 5 bước, thành phần tham dự và nguyên tắc lựa chọn cụ thể của từng bước. Trong đó, tại bước 2 nếu không có người nào đạt số phiếu từ 30% số phiếu giới thiệu trở lên thì không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo; tại bước 3 nếu nhân sự được giới thiệu khác với bước 2 thì tập thể lãnh đạo họp, thảo luận, phân tích kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, xem xét, quyết định lựa chọn nhân sự để giới thiệu ở bước tiếp theo (bằng phiếu kín) theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Người được lựa chọn phải có số phiếu giới thiệu ít nhất 2/3 trở lên của tổng số thành viên tập thể lãnh đạo theo quy định. Trường hợp không có người đạt số phiếu ít nhất 2/3 thì không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.
Quy định cũng nêu thời gian giữ chức vụ cấp trưởng không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp (từ 8 năm trở lên ở cùng một địa phương, cơ quan, đơn vị) được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành.
Về việc bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử: Quy định nêu rõ, chậm nhất 90 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm, cấp có thẩm quyền phải thông báo để cán bộ chuẩn bị thủ tục bổ nhiệm lại theo quy định. Cán bộ sau khi được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vì một trong các lý do: Sức khỏe không bảo đảm; uy tín giảm sút; không hoàn thành nhiệm vụ; vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước,... thì cấp có thẩm quyền quyết định việc thay thế, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức, cách chức, không chờ hết thời hạn giữ chức vụ, hết nhiệm kỳ công tác.
Việc bổ nhiệm lại đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý còn từ 2 năm công tác trở lên thì phải thực hiện quy trình bổ nhiệm lại theo quy định; trường hợp còn dưới 2 năm công tác thì người đứng đầu và tập thể lãnh đạo thảo luận, xem xét, nếu cán bộ còn sức khỏe, uy tín, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, biểu quyết (bằng phiếu kín), báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kéo dài thời hạn giữ chức vụ cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mà không phải thực hiện quy trình bổ nhiệm lại. Cán bộ không được bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc bố trí công tác khác theo nguyên tắc không được bố trí chức vụ tương đương hoặc cao hơn.
Đồng thời, để cụ thể hóa Thông báo Kết luận số 20-TB/TW, ngày 08/9/2022 của Bộ Chính trị “về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật” và Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW, ngày 20/9/2022 của Ban Tổ chức Trung ương về hướng dẫn thực hiện Điểm 3, Thông báo số 20-TB/TW, ngày 08/9/2022 của Bộ Chính trị, Quy định 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng dành một chương (chương IV) để định hướng bố trí và quy trình thực hiện đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sau khi bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành và thay thế Quy định số 3703-QĐ/TU, ngày 09/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị căn cứ quy định này để quy định cụ thể việc phân cấp, thẩm quyền, trách nhiệm, nội dung quản lý cán bộ; quy trình, thủ tục bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử, điều động, biệt phái đối với cán bộ trong diện được phân cấp quản lý.