Thứ sáu, 22/11/2024, 00:25

Truông Bồn - Bản hùng ca huyền thoại

Sự hy sinh của Tiểu đội 2 - "Tiểu đội thép" của Đại đội thanh niên xung phong 317 ở Truông Bồn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là biểu tượng gan góc, kiên cường, bất chấp hiểm nguy vì miền nam ruột thịt, vì sự nghiệp thống nhất non sông.
Các chiến sĩ Thanh niên xung phong Tiểu đội 2, Đại đội 317 Truông Bồn san lấp hố bom. (Ảnh: Báo Nghệ An)
Các chiến sĩ Thanh niên xung phong Tiểu đội 2, Đại đội 317 Truông Bồn san lấp hố bom. (Ảnh: Báo Nghệ An)
 

Truông Bồn - một "Cung đường lửa"

Trong tiếng Nghệ, "truông" là danh từ để chỉ một vùng đất hoang, có nhiều cây cỏ, là một đoạn đường dốc chạy giữa 2 vách núi hiểm trở.

Truông Bồn là một thung lũng chạy dài giữa hai dãy núi thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tính theo chiều dài bắc-nam, địa danh này bắt đầu từ Cầu Om đến dốc U Bò, với trung tâm là khe Vực Chỏng và khép lại ở điểm nút phía nam tại dốc Kỳ Lợn.

Trong chiến tranh chống Mỹ, Truông Bồn là nơi có vị trí chiến lược quan trọng trong tổng thể tuyến đường giao thông chiến lược bắc-nam. Truông Bồn là một trong những điểm tập kết hàng hóa, vũ khí lớn của miền bắc.

Do đặc thù của chiến tranh và yêu cầu về quân sự, Truông Bồn trở thành "yết hầu" giao thông, nơi luôn có mức độ tập trung cao các tuyến vận tải qua địa bàn Nghệ An tiến vào Ngã ba Đồng Lộc, để từ đó tạo lập nguồn hàng chủ đạo cho toàn tuyến vận tải Trường Sơn.
TB1Truông Bồn là một thung lũng chạy dài giữa hai dãy núi thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Trước những thất bại trên chiến trường miền nam, ngày 5/8/1964, Mỹ ngang nhiên huy động không quân, hải quân tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất với miền bắc.

Đường Hồ Chí Minh-đường Trường Sơn trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt. Dốc Truông Bồn, dốc Kỳ Lợn, Ba Hàng, Cầu Đòn, Cầu Cao, Cầu Thấp, phà Nam Đàn, đò Vạn Rú, núi Trét (Nam Đàn), phà Linh Cảm, Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)... là những túi bom đạn mà đủ loại máy bay Mỹ ném xuống suốt ngày đêm.

Truông Bồn được không quân Mỹ coi là một trong những "điểm tắc lý tưởng" ở vị trí "cổ họng" vận tải mặt đất với đường độc đạo chỉ dài khoảng 5km.

Các nhân chứng lịch sử bám trụ nơi đây từng coi Truông Bồn là "Yết hầu của mạch máy giao thông", "Cung đường lửa", " Túi bom", "Cửa tử"...

Có ngày, máy bay Mỹ đánh phá tới 131 lần nhằm biến Truông Bồn thành "Vùng đất chết".

Để bảo đảm giao thông luôn được thông suốt trên tuyến đường huyết mạch, Đội Thanh niên xung phong 300 đã thành lập "Tiểu đội thép" thường xuyên bám trụ ở Truông Bồn.

Tiểu đội gồm 13 nữ và 2 nam, là những đội viên xuất sắc của huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên do chị Trần Thị Bảo làm Tiểu đội trưởng. Nhiệm vụ chủ yếu được giao là sửa đường, khắc phục hậu quả sau những trận bom, bảo đảm cho đoạn đường dài 5km qua Truông Bồn luôn thông suốt 24/24 giờ.

Trước khi được điều về Truông Bồn làm nhiệm vụ, những thanh niên xung phong này đã từng bám trụ, bám đường và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm giao thông tại các trọng điểm ác liệt như kênh Nhà Lê, Cầu Cấm, cầu Phương Tích, Rú Đụn, Cầu Gang...

Với tinh thần anh dũng, ý chí quả cảm, vô song, với khẩu hiệu " Địch phá, ta cứ đi", "Tiểu đội thép" đã từng đưa hàng nghìn xe qua trọng điểm Truông Bồn ở những thời điểm đánh phá ác liệt nhất.

Đặc biệt, trong những đêm tối trời, đèn gầm của xe không dám bật, những thanh niên xung phong đã lấy bẹ chuối rải trên mặt đường làm "cự" cho xe qua. Nhiều đội viên đã lấy thân mình, mặc áo trắng chạy trước xe để dẫn đường trong đêm. Họ đã trở thành những "cọc tiêu sống" của những đoàn xe.

Truông Bồn - Nỗi đau huyền thoại

Đến tháng 10/1968, khi cả tiểu đội sắp hoàn thành nghĩa vụ sau 3 năm, 4 đội viên trong "Tiểu đội thép" đã có giấy gọi đi học ở Hà Nội. Nhưng các chị đã xin được ra mặt đường làm thêm ngày cuối cùng, sửa lại đoạn đường thật đẹp làm kỷ niệm trong giờ phút chia tay. 4 giờ sáng ngày 31/10/1968, Tiểu đội 2 - "Tiểu đội thép" do chị Trần Thị Thông làm Tiểu đội trưởng nhận được mệnh lệnh "Bằng mọi giá phải mở đường máu" để cho đoàn xe quân sự đi qua Truông Bồn trước khi trời sáng.

Đến 6 giờ 10 phút, khi công việc nặng nhọc sắp hoàn thành thì bất ngờ một tốp máy bay địch lao tới trút 152 quả bom. Truông Bồn chìm trong khói lửa trong ngổn ngang mảnh bom và đất đá. Ngớt tiếng bom, Đại đội thanh niên xung phong 317 cùng các đơn vị bạn dồn sức đào bới, tìm kiếm các chị, các anh. Cả tiểu đội còn 1 người sống sót duy nhất là Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông.

TB2Các anh, các chị đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Người nhiều tuổi nhất là chị Nguyễn Thị Tâm vừa tròn 22 tuổi. Người ít tuổi nhất là chị Nguyễn Thị Hoài mới 17 tuổi và chưa ai kịp xây dựng hạnh phúc lứa đôi.

Các anh chị của Tiểu đội 2 - "Tiểu đội thép" của Đại đội 317 đã ngã xuống trước một ngày Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố chấm dứt hoàn toàn ném bom bắn phá miền bắc không điều kiện (1/11/1968).

Các anh, các chị đã ra đi khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi mang theo trong mình cả ước mơ, hoài bão về một ngày chiến thắng.

Anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm hy sinh khi đã cầm trên tay tờ quyết định của tổ chức với dự định sẽ về quê chuẩn bị tổ chức đám cưới. Chị Đàm Thị Bốn trước khi ra hiện trường cũng vừa nhận được tin anh trai đã hy sinh ở chiến trường miền nam, ở nhà chỉ còn cha mẹ già không ai chăm sóc. Nhưng, chị vẫn tình nguyện ở lại cùng tiểu đội làm nhiệm vụ và hy sinh. Chị Trần Thị Doãn hy sinh khi trên tay vẫn còn buộc quyết định kết nạp Đảng. Thế nhưng, bữa cơm chia tay và những kế hoạch trọng đại của cuộc đời đã vĩnh viễn không trở thành hiện thực. Bởi, họ đã tận hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc với tinh thần "Còn ở lại đơn vị 1 giờ là còn chiến đấu".

Truông Bồn - Tráng ca bất tử

Trong suốt 30 năm trường chinh với 2 cuộc kháng chiến chống thực dân và Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta đã ghi dấu nhiều chiến địa danh lịch sử bởi những con người làm nên lịch sử: 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc, 10 nữ du kích ở Lam Hạ, 8 nữ thanh niên xung phong làm nên Hang Tám Cô huyền thoại, 10 nữ du kích Nam Phú bên dòng sông Bến Hải...

Sự hy sinh của Tiểu đội 2 - "Tiểu đội thép" của Đại đội thanh niên xung phong 317 ở Truông Bồn, huyện Đô lương, tỉnh Nghệ An là biểu tượng gan góc, kiên cường, bất chấp hiểm nguy vì miền nam ruột thịt, vì sự nghiệp thống nhất non sông.

Bởi vậy, ngày 31/10 nhiều năm qua đã trở thành ngày kỷ niệm Chiến thắng Truông Bồn và nơi đây đã trở thành bản hùng ca huyền thoại, một tráng ca bất tử.

Trong Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn hiện nay đang còn lưu giữ dòng bút tích của một vị khách người Mỹ có tên là Alfred Postell: "Tôi đã từng đi thăm nhiều đài tưởng niệm chiến tranh tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng không có nơi nào mang lại cảm xúc mãnh liệt như Truông Bồn. Nó mang lại cho người ta cảm giác vừa đau đớn, vừa kinh ngạc. Từ một đài tưởng niệm hữu hình, nó khắc ghi trong tim mỗi người một đài tưởng niệm vô hình mà day dứt, không thể nào quên".

Đất nước ta đã sạch bóng quân thù để xây dựng và phát triển. 54 năm qua, thời gian có thể dần xóa mờ vết thương chiến tranh, nhưng không thể xóa mờ nỗi đau và niềm tự hào của một dân tộc với những thế hệ anh hùng trong kháng chiến.

Truông Bồn là đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ để phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong đó có sự đóng góp xứng đáng của hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ của 9 Đại đội thanh niên xung phong thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tỉnh Nghệ An.

Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã được hồi sinh ngay trên "Tọa độ chết" năm xưa.

Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn hôm nay đã và đang được đầu tư, xây dựng ngày càng khang trang hơn, xứng đáng với sự cống hiến và hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ trên cung đường huyền thoại Truông Bồn, trở thành "Địa chỉ đỏ" giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống cách mạng, là nơi hằng ngày đón tiếp nhiều người dân cả nước đến thăm viếng 1.240 cán bộ, chiến sĩ và 13 thanh niên xung phong "Tiểu đội thép" anh hùng.

Truông Bồn luôn mãi là một bản anh hùng ca bất tử.


Theo Trần Trung Hiếu/ Báo Nhân dân


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây