Thứ hai, 02/12/2024, 05:34

Bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sau 27,5 ngày làm việc

Sáng 29/6, sau 27,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao theo đúng quy định của pháp luật và nội quy Kỳ họp, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và tiến hành phiên bế mạc. Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị chủ trì.

 

bna_f75a3905c253600d3942.jpg
Quang cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Nam An

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Về công tác nhân sự, Quốc hội đã xem xét, quyết định việc bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XV đối với đồng chí Trần Thanh Mẫn; bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với đồng chí Tô Lâm; bầu Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XV đối với đồng chí Nguyễn Thị Thanh; phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với đồng chí Tô Lâm; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Lê Thành Long; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với đồng chí Nguyễn Thanh Hải; phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với Thượng tướng Lương Tam Quang; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh đối với đồng chí Trần Thanh Mẫn và Thượng tướng Lương Tam Quang; cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với đồng chí Đinh Tiến Dũng thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

290620241008-z5584560374559_011023ca725951d3c05ef73f78940f6a.jpeg
Các đồng chí: Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội.

Về công tác lập pháp, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật; xem xét, thông qua 21 nghị quyết; trong đó Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An nhằm bổ sung các cơ chế, chính sách khác phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế của tỉnh Nghệ An, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh nhanh và bền vững, phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nghị quyết có 8 điều, quy định bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý đô thị, tài nguyên; tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương.

Trong đó, có những nội dung quan trọng, như: Cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An; sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030; việc khai thác, phát triển quỹ đất đô thị; UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 phó chủ tịch...

Quốc hội đã thực hiện nhiều hoạt động giám sát tối cao, trong đó dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn 3 vị bộ trưởng và Tổng Kiểm toán Nhà nước về 4 lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường - Công thương - Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Kiểm toán Nhà nước; các Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn.

bna_dfb1ef1f1549b717ee58.jpg
Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc. Ảnh: Nam An

Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, để bảo đảm yêu cầu “pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung chỉ đạo, quán triệt, khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các các luật, nghị quyết vừa được Kỳ họp thứ 7 thông qua để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Đồng thời, đề nghị các cơ quan hữu quan, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, chủ động, khẩn trương chuẩn bị các nội dung sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn đối với hoạt động của Quốc hội.

290620240957-z5584512403413_bb61ced48b35d5763f3c19ea0c43366a.jpeg
ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên bế mạc. Ảnh: Quochoi.vn

Nhấn mạnh năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2021-2026; với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sát sao, kịp thời của Đảng; sự chủ động, đồng hành, giám sát linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội; sự quản lý, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, các địa phương; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, nhất định đất nước ta sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.


Thành Duy/baonghean.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây