Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì, điều hành hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; đại diện các Ban Đảng và Văn phòng Trung ương Đảng theo dõi, chuyên quản Đảng bộ tỉnh Nghệ An và các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Kiến tạo thêm động lực tăng trưởng
Nghe và cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách, cải cách hành chính 6 tháng đầu năm; các ý kiến trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đồng thuận với những kết quả đạt được, cũng như 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm do Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình.
Theo đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, bất định; cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị tỉnh đã chủ động nắm bắt tình hình, đưa ra các giải pháp ứng phó, linh hoạt, kịp thời, trọng tâm, trọng điểm trước các vấn đề, khó khăn, thách thức phát sinh.
Đồng thời, sự năng động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, nỗ lực của người dân là yếu tố quan trọng cộng hưởng mang lại sự phục hồi của nền kinh tế tỉnh qua từng tháng, từng quý.
GRDP của Nghệ An quý II tăng 7,22%, cao hơn so với quý I (6,38%), qua đó, đưa GRDP 6 tháng đầu năm nay tăng 6,76%, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 cả nước, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (6,15%).
Kết quả về thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Một số công trình trọng điểm của quốc gia triển khai trên địa bàn và công trình trọng điểm của tỉnh cũng đã hoàn thành, hoặc trong giai đoạn nước rút để hoàn thành.
Những kết quả đạt được 6 tháng qua đang tạo đà cho sự tăng tốc trong 2 quý còn lại của năm nay. Tuy nhiên, hiện nay, để tạo dựng thêm động lực mới cho tăng trưởng, Nghệ An đang đối mặt với một số thách thức cần rốt ráo giải quyết như giải phóng mặt bằng, đặc biệt là mặt bằng để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trong bối cảnh quỹ đất trong các khu công nghiệp hiện hữu gần như được lấp đầy; khó khăn của doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động;…
Dựa trên thực tiễn tình hình, ý kiến các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thảo luận sôi nổi các vấn đề liên quan.
Đồng chí Lê Trường Giang - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thị ủy Hoàng Mai đã báo cáo về những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng KCN Hoàng Mai II có tổng diện tích 344 ha, gắn với các giải pháp của địa phương và đề xuất với tỉnh.
Tương tự, đồng chí Hà Xuân Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Diễn Châu đã báo cáo công tác giải phóng mặt bằng KCN VSIP Nghệ An rộng 500 ha triển khai trên địa bàn huyện.
Liên quan đến nội dung này, đồng chí Lê Tiến Trị - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Quản lý KKT Đông Nam đề nghị các địa phương liên quan, trong đó có huyện Diễn Châu và thị xã Hoàng Mai phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung giải phóng để bàn giao mặt bằng của 2 khu công nghiệp trọng điểm trên sớm nhất nhằm tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Bởi hiện nay, dòng vốn FDI vào tỉnh đang thuận lợi song chưa có quỹ đất để bố trí dẫn đến thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm mới đạt 300 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm 2023 đã đạt hơn 700 triệu USD.
Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiến độ thực hiện mở rộng Khu kinh tế Đông Nam, đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An và quá trình thực hiện các thủ tục để xây dựng cảng biển nước sâu Cửa Lò.
Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Nguyễn Viết Hưng đề cập đến công tác cải cách hành chính, đề nghị các ngành, địa phương quan tâm khắc phục các điểm thành phần còn thấp của các chỉ số PCI, PAPI; đồng thời, quyết liệt chỉ đạo chấn chỉnh đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, để tạo ra môi trường lành mạnh, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn nữa.
Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cũng cho biết, dự kiến trong tháng 10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua Đề án điều chỉnh địa giới, mở rộng không gian đô thị Vinh và Đề án sắp xếp địa giới hành chính xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025; do đó, đề nghị các địa phương liên quan chủ động thực hiện.
Về tình hình ở vùng cao, biên giới của tỉnh, đồng chí Vi Hòe - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn phát biểu cho biết, huyện đã hoàn thành 1.800 căn nhà cho hộ nghèo và đang tích cực phối hợp để hoàn chỉnh đề án phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn do Bộ NN&PTNT hỗ trợ. Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cũng kiến nghị tháo gỡ một số vướng mắc để tái định cư người dân vùng sạt lở, giao đất, giao rừng cho người dân.
Lãnh đạo một số địa phương, ngành đã báo cáo về tình hình trên địa bàn liên quan đến tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời, đề xuất đối với tỉnh về một số vấn đề nhằm tháo gỡ vướng mắc xuất phát từ thực tiễn địa phương…
Nắm chắc địa bàn, bám sát cơ sở
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý khái quát lại những điểm sáng nổi bật, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững của tỉnh; cũng như đồng tình với các khó khăn, thách thức mà các đại biểu đã chỉ ra.
Trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình trong 6 tháng cuối năm 2024, gắn với nhiều nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng cần phải triển khai, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung cao độ, nắm bắt kịp thời thời cơ, thuận lợi, thấy hết những khó khăn, thách thức; từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ tại địa phương, cơ quan, đơn vị để quyết tâm thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Trong đó, các địa phương, ngành cần phải rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội Đảng các cấp để tham chiếu khả năng hoàn thành; quyết tâm thực hiện đạt kết quả cao nhất.
Đồng thời, tỉnh cần tập trung cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Theo đó, cần tiếp tục bám sát để đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành cho tỉnh các cơ chế, chính sách mới thuộc thẩm quyền của người đứng đầu Chính phủ. Mặt khác, HĐND tỉnh cần cụ thể hóa các thẩm quyền được Quốc hội cho phép phân cấp theo Nghị quyết.
Người đứng đầu Tỉnh ủy đồng thời yêu cầu tập trung để thực hiện tốt Đề án điều chỉnh địa giới, mở rộng không gian đô thị Vinh và Đề án sắp xếp địa giới hành chính xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025, dự kiến sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong tháng 10/2024.
Đặc biệt, để kiến tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh, người đứng đầu Tỉnh ủy yêu cầu cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và hiệu quả thu hút đầu tư, quyết tâm giữ vững tốp 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước trong năm 2024.
Muốn vậy, bên cạnh phát huy hiệu quả công tác giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư, vấn đề mấu chốt hiện nay phải khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để có quỹ đất công nghiệp sạch và giải quyết tốt việc cung ứng lao động cho các nhà đầu tư.
Trong đó, đối với những khó khăn trong cung ứng lao động hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tại hội nghị về nội dung này sẽ được UBND tỉnh tổ chức tới đây phải gắn liền với các nhà tuyển dụng. Cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải vào cuộc quyết liệt đối với nhiệm vụ này.
Bí thư Tỉnh ủy đồng thời yêu cầu tập trung giải ngân vốn đầu tư công; nếu thấy cần thiết có thể thay thế cán bộ hoặc chuyển vốn từ dự án giải ngân kém sang dự án giải ngân tốt, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, góp phần tăng trưởng, tạo việc làm, lưu thông hàng hóa.
Ngoài ra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, các cơ quan hữu quan dày công, bám sát tiến độ, tập trung cao độ để thực hiện các công trình trọng điểm, trong đó, đặc biệt lưu ý phải hoàn thành các thủ tục để khởi công cảng biển nước sâu Cửa Lò trong năm nay.
Đối với khu vực miền Tây Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục nắm vững, thực hiện tốt phương châm "3 yên" (yên dân, yên địa bàn, yên biên giới); trong đó, cần lưu ý tập trung chăm lo tốt công tác an sinh xã hội như làm nhà cho hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở.
Đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh quan điểm, người đứng đầu cấp ủy phải bám sát cơ sở, những việc khó phải xắn tay vào việc để chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết kịp thời.
Người đứng đầu Tỉnh ủy đã trao đổi, chỉ đạo rõ hướng xử lý đối với các kiến nghị, trong đó, giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc có nên thành lập trung tâm phát triển quỹ đất ở một số địa bàn trọng điểm theo như kiến nghị hay không.
Cũng trong chương trình, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 18/8/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay; cho ý kiến kết quả thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 2/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030.
Sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 88-CTr/TU ngày 20/6/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã thống nhất thành lập 4 tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030.