Dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng
Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến tình hình kinh tế - xã hội, đầu tư công, công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm.
Vượt qua nhiều thách thức, khó khăn, kinh tế- xã hội tỉnh Nghệ An vẫn duy trì được đà tăng trưởng tương đối mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm.
Nhiều chỉ số có mức tăng trưởng duy trì ở mức khá cao như: GRDP, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)… Bên cạnh đó, so với cùng kỳ, thu ngân sách Nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê công bố, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An (GRDP) 6 tháng đầu năm nay ước tăng 6,76% (quý I tăng 6,38%; quý II tăng 7,22%), đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 cả nước, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (6,15%).
Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,13%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 9,95% (riêng công nghiệp ước tăng 11,32%); khu vực dịch vụ ước tăng 5,85% thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,77%.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 11.897 tỷ đồng, đạt 74,8% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 140,2% cùng kỳ và vượt kịch bản đề ra (8.615 tỷ đồng).
Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 11.052 tỷ đồng, đạt 76% dự toán, bằng 139,9% cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước thực hiện 836 tỷ đồng, đạt 64,3% dự toán, bằng 144,2% cùng kỳ năm 2023.
Tính đến ngày 25/6/2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 40 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 14.297,7 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm ngoái, tổng vốn đầu tư cấp mới gấp 1,14 lần; đồng thời điều chỉnh 84 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 23 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng 6.955,9 tỷ đồng.
Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 21.253,6 tỷ đồng. Trong đó, thu hút được 3 dự án FDI/48 triệu USD, tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh 291,6 triệu USD.
Tuy vậy, thực tiễn đặt ra một số thách thức, khó khăn đòi hỏi phải tập trung chỉ đạo, giải quyết trong 6 tháng cuối năm được các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra.
Đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh đề nghị rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu để đề ra các giải pháp thực hiện; đồng thời nâng cao hiệu quả phối hợp xử lý công việc giữa các sở, ngành với địa phương.
Đồng chí Phạm Trọng Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nêu lên những khó khăn của doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động; qua đó đề nghị có giải pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Mặt khác, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng đề nghị cần nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền cấp huyện đối với nhiệm vụ giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Thống nhất cao với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm về phát triển kinh tế - xã hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đánh giá cao vai trò chỉ đạo, điều hành của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An với tinh thần đoàn kết, tập trung nâng cao hiệu quả lãnh đạo, điều hành.
Phó Bí thư Tỉnh ủy đồng thời đề nghị quan tâm thêm vấn đề giải quyết khiếu nại, khiếu kiện từ cơ sở; dồn lực để giải ngân kinh phí đền bù giải phóng mặt Quốc lộ 1A.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phân tích, làm rõ thêm về việc thực hiện các chỉ tiêu cơ bản trong 6 tháng đầu năm như: GRDP, thu ngân sách, thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm thêm để thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp VSIP Nghệ An II (Thọ Lộc) và Hoàng Mai II, do hiện nay tiến độ chưa đạt mục tiêu, để tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Đề cập đến vấn đề khó khăn của doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nếu không nhìn thẳng vấn đề này, thì đây sẽ là nút thắt về thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới. Bởi ngoài hỗ trợ về thủ tục, mặt bằng, hạ tầng thì lao động là yếu tố quyết định đối với doanh nghiệp khi lựa chọn đầu tư.
Trên cơ sở đó, người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An cho biết, đã giao Sở LĐ -TB&XH phối hợp với Ban Quản lý KKT Đông Nam, các ngành chuẩn bị tổ chức Hội nghị chuyên đề để tháo gỡ vấn đề này; đồng thời kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét ban hành chỉ thị, hoặc nghị quyết lãnh đạo đối với việc cung ứng lao động phục vụ nhà đầu tư.
Liên quan đến công tác cải cách hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đã giao Sở Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ dám nghĩ, dám làm; đồng thời đề nghị quan tâm thêm về vấn đề này nhằm cởi bỏ tâm lý e ngại khi thi hành công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung đề nghị tỉnh cần phải chủ động xây dựng kế hoạch, làm việc với các bộ, ngành Trung ương để có hướng dẫn, chủ động xây dựng các nội dung trọng tâm nhằm sớm cụ thể hóa Nghị quyết số 137 của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 và thời hạn thực hiện trong 5 năm.
Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Nghệ An
Kết luận nội dung này, ghi nhận những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đã lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, cải cách hành chính trong 6 tháng cuối năm.
Cùng với đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần tiến hành rà soát kết quả thực hiện một số chỉ tiêu khó đạt của nhiệm kỳ 2020 - 2025 như: GRDP, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cuối tháng 9/2024. Đây là 3 chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh trình độ, chất lượng phát triển của nền kinh tế và cuộc sống của người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đồng thời yêu cầu chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 137 của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; đồng thời tham mưu cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Mặt khác, HĐND tỉnh cũng cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách được phân cấp trong Nghị quyết số 137.
Đồng chí Thái Thanh Quý yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh; quan tâm thực hiện chương trình làm nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở.
Đồng chí Thái Thanh Quý cũng lưu ý một loạt các vấn đề quan trọng cần tập trung thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư như: giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp VSIP Nghệ An II, Hoàng Mai II; hoàn thành các nội dung để khởi công Cảng biển nước sâu Cửa Lò và thực hiện Dự án điện khí LNG.
Đặc biệt, trước những khó khăn đặt ra trong tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy thống nhất với quan điểm được lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH báo cáo tại cuộc làm việc là cần nhìn nhiều chiều; qua đó yêu cầu tại Hội nghị chuyên đề sắp tới do UBND tỉnh tổ chức cần mời lãnh đạo các huyện, thành, thị, các doanh nghiệp tham gia để trao đổi, tìm giải pháp.
Mặt khác, đồng chí Thái Thanh Quý cũng yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để kết nối cung cầu lao động; xem xét tham mưu để tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ để cùng với chính sách của doanh nghiệp thu hút lao động.
Cũng trong chương trình làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe, cho ý kiến về chủ trương xây dựng Nghị quyết HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường THPT thực hiện mô hình phổ thông dân tộc bán trú vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Nghệ An; phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2023; phương án phân bổ ngân sách các tỉnh hỗ trợ tỉnh Nghệ An; phân bổ ngân sách Trung ương bổ sung cho tỉnh Nghệ An và nhiều nội dung quan trọng khác.