Ngành giáo dục có những chuyển biến tích cực
Theo Chủ tịch nước, trong 2 năm học vừa qua, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Kế hoạch dạy học bị gián đoạn, nhiều trường lớp phải tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến, học sinh nhiều địa phương phải tạm dừng đến trường, ảnh hưởng tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh.
Trong bối cảnh đó, ngành giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, nỗ lực cố gắng vừa bảo đảm an toàn phòng dịch, vừa hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ của năm học. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được giữ vững, có mặt còn tiến bộ hơn.
Chủ tịch nước khẳng định, thành tựu chung đó có sự đóng góp tích cực của mỗi thầy cô giáo, mỗi em học sinh, của từng trường học, từng cơ sở giáo dục đào đạo, từng cán bộ và đơn vị quản lý giáo dục, cũng như sự quan tâm chăm lo của các bậc phụ huynh, của mỗi gia đình, mỗi dòng họ và toàn xã hội, trong đó có Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên.
Đổi mới mô hình trường chuyên, lớp chọn cho phù hợp, hiệu quả
Đến thăm và dự lễ khai giảng năm học mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt vui mừng về truyền thống và bảng vàng thành tích của các thế hệ thầy trò của 05 khối chuyên Trường Đại học Tổng hợp (trước đây) và Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (hiện nay) đã dày công vun đắp trong 57 năm qua.
Nhiều học sinh của trường đã trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý hàng đầu của đất nước, nhà khoa học hàng đầu của khu vực và quốc tế như GS Đào Trọng Thi, GS Trần Văn Nhung, GS Đàm Thanh Sơn hay GS Ngô Bảo Châu…
Thành tích xuất sắc của nhiều thế hệ học sinh nhà trường không chỉ mang lại niềm tự hào cho gia đình, nhà trường và đất nước mà còn khẳng định bản lĩnh, tài năng, trí tuệ của con người Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Tại lễ khai giảng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên phải nỗ lực phấn đấu dạy tốt và học tốt hơn nữa với tất cả ý chí và khát vọng của mình.
Chủ tịch nước mong các em học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên cũng như tất cả các em học sinh trong cả nước hãy thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy, tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nối tiếp các thế hệ cha anh, phấn đấu không ngừng học hỏi, tiếp thu tinh hoa tri thức của nhân loại, bồi đắp trí tuệ, nhân cách, hoàn thiện bản thân, tự khẳng định mình để mai sau lập thân, lập nghiệp và cống hiến thật nhiều cho đất nước.
Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ cho nhà giáo
Năm học mới 2022-2023 đã chính thức bắt đầu với tất cả các thầy cô giáo và các em học sinh trong cả nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh ngành giáo dục đã xác định chủ đề năm học 2022-2023 là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo” và đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện.
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2022-2023, Chủ tịch nước đề nghị toàn ngành giáo dục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Trong đó, Bộ GDĐT tập trung chỉ đạo tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, hướng vào phát triển con người toàn diện cả năng lực và phẩm chất, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ của đất nước, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế. Hoàn thiện các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân, phù hợp với từng loại hình đào tạo...
Cùng với đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt; thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện bổ sung đủ biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 - 2026 theo đúng kết luận của Bộ Chính trị.