Thứ tư, 24/04/2024, 20:11

Lê Hồng Phong - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Cách mạng Việt Nam

(Hoinhabaonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Lê Hồng Phong (6/9/1902- 6/9/2022), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề: “Đồng chí Lê Hồng Phong - Người chiến sĩ cộng sản Quốc tế kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”. Hội Nhà báo Nghệ An xin cung cấp một số tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong.
 
lhp

Thuở nhỏ, Lê Hồng Phong có tên là Lê Văn Dục, anh bắt đầu đi học trường làng, đổi tên là Lê Huy Doãn. Khi rời quê hương xuất dương ra nước ngoài hoạt động, để giữ bí mật cho bản thân và khỏi liên lụy đến gia đình, anh đã đổi tên là Lê Hồng Phong. Thời kỳ hoạt động ở nước ngoài, Lê Hồng Phong đã nhiều lần thay họ đổi tên, nhưng cái tên kỷ niệm là Lê Hồng Phong trước lúc rời quê hương đã được dùng cho đến hết cuộc đời.
      Lê Huy Doãn sinh ngày 6-9-1902, trong một gia đình nông dân tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Thân phụ là ông Lê Huy Quán, con trai trưởng của cụ Lê Văn Lệ, hậu duệ đời thứ 12 của họ Lê ở Nghệ An. Thân mẫu Lê Huy Doãn là bà Phạm Thị Thứ, người tổng Nam Kim, huyện Nam Đàn.
      Sau khi Lê Huy Doãn thi đậu bằng Sơ học yếu lược, cha lâm bệnh qua đời, mẹ đau yếu, Doãn phải nghỉ học, ra Vinh xin việc làm để giúp mẹ nuôi em và học thêm tiếng Pháp. Thời gian đầu, anh xin làm thư ký cho hiệu buôn Thuận Ký người Hoa ở gần sông Cửa Tiền. Ban ngày đi làm công để kiếm tiền, tối về anh tranh thủ học thêm tiếng Pháp. Tại Vinh, Lê Huy Doãn đã làm quen nhiều thanh niên học ở Trường Cao Xuân Dục và những người công nhân làm việc trong các nhà máy ở Vinh - Bến Thủy.Trong số họ có anh Phạm Thành Khôi (sau này lấy tên Phạm Hồng Thái). Anh Khôi đã giới thiệu và xin cho Lê Huy Doãn vào cùng làm việc ở nhà máy Diêm Bến Thủy.
Lê Huy Doãn và Phạm Thành Khôi rất hiểu những mánh khóe bóc lột của bọn chủ nhà máy đối với công nhân. Các anh vận động những công nhân làm việc lâu năm ở Vinh Bến Thủy như Lê Mao, Lê Viết Thuật, Lê Doãn Sửu, Nguyễn Thị Vi Nình, Nguyễn Thị Bảy...đoàn kết đấu tranh đòi các quyền lợi chính đáng. Cuộc đấu tranh của công nhân giành thắng lợi, nhưng Lê Huy Doãn và Phạm Thành Khôi bị chủ nhà máy đuổi việc. Họ bị đuổi việc đúng vào dịp cụ Phan Bội Châu vừa cử Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu từ Quảng Châu Trung Quốc về nước để vận động thanh niên xuất dương và nhận thêm kinh phí quyên góp do các ông bà: Vương Thúc Oánh, Ngô Quảng, Trần Thị Trâm, Võ Trọng Đài, Võ Trọng Ân ở nhà đã chuẩn bị. Sau Tết Nguyên Đán năm Giáp Tý (1924), đoàn của Lê Huy Doãn, Phạm Thành Khôi đã tạm biệt người thân, từ giã quê hương lên đường xuất dương.
 Để giữ bí mật và tránh liên lụy đến gia đình, anh em trong đoàn đã thay tên: Lê Huy Doãn đổi thành Lê Hồng Phong, Phạm Thành Khôi đổi thành Phạm Hồng Thái. Sau những ngày đi đường gian khổ, trèo đèo, lội suối, vượt dãy Trường Sơn, qua sông Mê Kông, Lê Hồng Phong và anh em trong đoàn đã được cụ Võ Trọng Đài đưa đến Trại Cày của cụ Đặng Thúc Hứa ở Phì Chịt (Đông Bắc Xiêm). Sau mấy tháng học tập và rèn luyện tại Trại Cày, cụ Đặng Thúc Hứa đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, căn cước và kinh phí đi đường rồi gửi Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái từ Xiêm sang Quảng Châu - Trung Quốc. Tháng 4 năm 1924, Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu giới thiệu Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái vào tổ chức Tâm Tâm Xã.
Tháng 6/1924, biết tin Toàn quyền Đông Dương Mechlanh có chuyến đi từ Đông Dương sang Nhật Bản để bàn việc trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài, trên đường về, Mechlanh sẽ dừng tại tô giới của Pháp ở khách sạn Víchtoria (Quảng Châu) dự tiệc chiêu đãi. Tâm Tâm Xã liền bàn kế hoạch để mưu giết toàn quyền Đông Dương Mechlanh. Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn và những người trong tổ chức Tâm Tâm Xã nhất trí chọn Phạm Hồng Thái là người thực hiện nhiệm vụ ám sát. Tối 19/6/1924, kế hoạch ám sát toàn quyền Đông Dương Mechlanh không được mỹ mãn, Phạm Hồng Thái hy sinh, là một tổn thất lớn cho cách mạng Việt Nam. Để tưởng nhớ và quyết tâm trả thù cho anh, Lê Hồng Sơn đã thay anh em Việt Nam, làm bài thơ khóc Phạm Hồng Thái: “ Nước mất nhà tan ngất hận thù … Hồn nước tỉnh mau vang tiếng gọi. / Lệ đau thương khóc chiếc thuyền trơ…”
     Mùa Thu năm 1924, sau khi Phạm Hồng Thái hy sinh, để có thêm kiến thức quân sự, với khả năng của bản thân và sự giúp đỡ của cụ Hồ Học Lãm, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn và Trương Vân Lĩnh được nhận vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố. Tiếng bom Sa Điện của Phạm Hồng Thái“Như chim én nhỏ báo hiệu mùa Xuân”. Tháng 11/1924,  Quốc tế Cộng sản cử lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước Nga về Quảng Châu - Trung Quốc hoạt động. Được sự giúp đỡ của cụ Phan Bội Châu và Hồ Học Lãm, tháng 2/ 1925, Nguyễn Ái Quốc tuyển chọn 9 thanh niên tích cực trong Tâm Tâm Xã gồm  Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Trương Vân Lĩnh, … để thành lập nhóm “Cộng sản Đoàn” theo chủ nghĩa Mác- Lênin và cách mạng tháng Mười Nga. Tiếp đó, Người thành lập Hội Thanh niên cách mạng đồng chí, đưa thanh niên Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản. Ngôi nhà 132 Đường Văn Minh -Quảng Châu được  chọn làm trụ sở hoạt động của Hội để mở các lớp đào tạo lý luận chính trị đặc biệt.                                                            
     Tháng 12/1925, Lê Hồng Phong tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố, Nguyễn Ái Quốc giới thiệu đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc và tiếp tục vào học Không quân (Trường Hàng không Quảng Châu thời gian 9 tháng). Tháng10/1926, Nguyễn Ái Quốc đề nghị Chính phủ Tôn Dật Tiên, cử Lê Hồng Phong sang Liên Xô, tiếp tục vào học tại Trường Lý luận quân sự không quân ở Lêningrát. Tháng 12 năm 1927, Lê Hồng Phong chuyển sang thành phố Bôrítxgơlépxcơ để tiếp tục học tại Trường đào tạo phi công quân sự số 2 cho đến tháng 11/1928, Lê Hồng Phong tốt nghiệp mãn khóa học.
       Năm 1928, phong trào cách mạng ở trong nước dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Hội Thanh niên và Tân Việt cách mạng Đảng đang phát triển mạnh. Xét thấy cách mạng Việt Nam và các nước Đông Dương lúc này đang rất cần một nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc hơn là một phi công chiến đấu giỏi, theo cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Quốc tế Cộng sản quyết định chuyển đồng chí Lê Hồng Phong sang học lớp đào tạo lý luận chính trị khóa 3 dài hạn (1928 - 1931) tại Trường Đại học Phương Đông. Nhờ tinh thần học tập hăng say và ý thức kỷ luật tốt, lập trường chính trị vững vàng, ngày 25/5/1929, đồng chí Lê Hồng Phong đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô.
     Tháng 5 năm 1931, sau khi tốt nghiệp khóa học, Lê Hồng Phong tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Phương Đông. Thời gian này, cách mạng Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Ở trong nước, Pháp tập trung đàn áp khủng bố phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh trong máu và lửa, các tổ chức Đảng lần lượt bị vỡ, các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến ba kỳ: (Xứ ủy, Tỉnh ủy, Huyện ủy) lần lượt bị bắt, tù đày và chém giết (Tổng Bí Thư Trần Phú,  Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ - Nguyễn Phong Sắc; Bí Thư Xứ ủy Bắc Kỳ - Nguyễn Đức Cảnh;  Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - Nguyễn Tiềm, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh - Nguyễn Thiếp). Ở nước ngoài, ngày 6/6/1931, Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hồng Kông, các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh, Nguyễn Thị Minh Khai lần lượt bị bắt hoặc bị trục xuất, trụ sở hoạt động của Đảng bị khám xét. Trước tình hình đó, để có người trực tiếp chỉ đạo khôi phục phong trào, tháng 11/1931, Quốc tế Cộng sản quyết định cử đồng chí Lê Hồng Phong trên cương vị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương về nước để khôi phục hệ thống tổ chức Đảng ở Việt Nam và kết nối với phong trào cách mạng ở các nước Đông Dương.
     Thực hiện Quyết định của Quốc tế Cộng sản, cuối năm 1931, đồng chí Lê Hồng Phong tìm đường trở về Tổ quốc, chặng đường đi thật gian nan vì bọn mật thám bủa vây khắp mọi nẻo đường. Từ Liên Xô, Lê Hồng Phong đi qua Pháp, đến Nam Kinh, Inđônêxia, Xingapo rồi đến Trại Cày của Cụ Đặng Thúc Hứa ở Phì Chịt (Xiêm) để bắt liên lạc với tổ chức Đảng. Đi đến đâu cũng bị cảnh sát ở Xiêm theo dõi, Lê Hồng Phong buộc phải quay lại Băng Cốc rồi đi sang Hồng Kông để tìm đường về Việt Nam. Trong khi chưa tìm được đường về Việt Nam an toàn, thời gian chờ đợi, ngày 20/3/1932, Lê Hồng Phong tham gia lớp học của Trường Đại học Quảng Châu, với mục đích vừa để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm, đồng thời tìm cách bắt liên lạc với các đồng chí đang hoạt động ở Quảng Châu để nắm thêm tình hình cách mạng trong nước. Từ Quảng Châu, Lê Hồng Phong đến Nam Ninh (Quảng Tây), bắt liên lạc với đồng chí Hoàng Đình Dong - Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương đang hoạt động ở vùng biên giới Việt -Trung. Ngày 16/5/1932, Quốc tế Cộng sản đã thông qua“ Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương”, đồng chí Lê Hồng Phong là người chịu trách nhiệm phổ biến và tổ chức thực hiện. Tháng 3/1934, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt đến Ma Cao để bàn thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong được cử làm Thư ký của Ban Chỉ huy ở ngoài, đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Biên tập Tạp chí Bônsơvích phụ trách công tác Tuyên truyền, đồng chí Nguyễn Văn Dựt phụ trách công tác Thanh tra của Đảng.
      Tháng 6/1934, tại Ma Cao, đồng chí Lê Hồng Phong triệu tập và chủ trì cuộc Hội nghị các đại biểu Đảng ở trong nước. Hội nghị thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng với nhiệm vụ: Xúc tiến thành lập các Xứ ủy để cử đại biểu đi dự Đại hội lần thứ Nhất vào đầu năm 1935, tuyên bố giải tán Đông Dương viện trợ bộ ở Xiêm, phối hợp với Xiêm ủy thành lập cơ quan liên lạc giữa hai Đảng. Hội nghị đã giới thiệu các đồng chí Lê Hồng Phong (Trưởng đoàn), Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nọn đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Mátxcơva.
Từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935, tại Ma Cao Trung Quốc, Đại hội I của Đảng đã bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Thư ký của Đảng và bầu 12 đồng chí trong Ban chấp hành Trung ương Đảng. Mặc dù đồng chí Lê Hồng Phong đang làm nhiệm vụ Trưởng đoàn Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII ở Liên Xô, nhưng vai trò và tư tưởng chỉ đạo Đại hội Đảng của đồng chí đã được thể hiện trong tiến trình và kết quả của Đại hội I. Đại hội lần thứ I của Đảng là sự kiện quan trọng đánh giá thời kỳ khôi phục và phát triển của cách mạng Việt Nam, mở đường cho Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Chi bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản sau này. Có được kết quả đó phải kể đến công lao đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong sau khi nhận nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản giao phó.          
      Là đại biểu chính thức, trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương, tại hội trường Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, phiên họp thứ 9 vào chiều ngày 29/7/1935, đồng chí Lê Hồng Phong trình bày bản tham luận nổi tiếng, khái quát về lịch sử phát triển của phong trào cách mạng ở các nước Đông Dương từ năm 1930-1935, đặc biệt là ở hai tỉnh Nghệ-Tĩnh và sự ra đời chính quyền Xô viết. Kết thúc bản tham luận, đồng chí Lê Hồng Phong được cả hội trường đứng lên vỗ tay tán thưởng, các đồng chí trong đoàn Chủ tịch Đại hội cũng đến bắt tay chúc mừng. Đại hội bầu đồng chí Lê Hồng Phong là Ủy viên chính thức của Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản (có 46 Ủy viên Ban chấp hành của 23 quốc gia có đại biểu chính thức). Thật đáng tự hào, cùng với uy tín của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hai bài tham luận xuất sắc của Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã góp phần làm rạng danh trang sử vàng đấu tranh của Đảng.
      Sau Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong từ Liên Xô trở về Thượng Hải, Trung Quốc để triệu tập và chủ trì cuộc hội nghị vào tháng 7/1936, nhằm phổ biến tinh thần của Đại hội Quốc tế Cộng sản và truyền đạt Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nhiệm vụ và phương hướng hoạt động của Đảng trong giai đoạn mới:“ Trung ương Đảng phải chuyển về trong nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào, không thỏa hiệp với bọn tờrốtkít, thành lập Mặt trận Dân tộc dân chủ rộng rãi chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc”.                                                                             
     Trước tình hình khẩn trương của phong trào cách mạng trong nước và Quốc tế, đầu tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong đã bàn giao công việc của Ban chỉ huy ở ngoài lại cho đồng chí Phùng Chí Kiên phụ trách. Ngày 10/11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong  bí mật về đến Sài Gòn- Chợ Lớn, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Ngày 29/3/1938, Lê Hồng Phong dự Hội nghị của Ban Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương. Hội nghị đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng bí thư.
Thực dân Pháp biết Lê Hồng Phong là một Ủy viên của Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản đã về nước lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Để ngăn chặn hoạt động của Lê Hồng Phong, thực dân Pháp đã tung mật thám khắp nơi, ngày đêm dò la, lùng sục, quyết bắt cho bằng được. Ngày 22/ 6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong đã bị bắt, bị kết án 6 tháng tù giam, ba năm quản thúc. Ngày 23/12/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị trục xuất khỏi Nam kỳ, giải về Nghệ An, ngày đêm bị bọn lính và mật thám theo dõi, không cho ra khỏi nhà. Mặc dù bị quản thúc, nhưng với trí tuệ và sự thông minh, khôn khéo, đồng chí Lê Hồng Phong đã ngồi viết báo rồi bí mật liên lạc với tổ chức bên ngoài và tờ báo“Dân Chúng” để đăng một loạt bài ở các số 67, 68, 69, 72 với bút danh là T.B (Trí Bình).
     Đầu năm 1940, để tập trung cho cuộc chiến tranh lần thứ hai, thực dân Pháp đã ra lệnh bắt tất cả các chiến sĩ cộng sản ở Nghệ- Tĩnh, (kể cả những đồng chí vừa được hết hạn tù mới trở về), đồng chí Lê Hồng Phong lại bị bắt. Tòa án thực dân Pháp đã kết tội Lê Hồng Phong với tội danh:“hoạt động lật đổ ”, bắt và giải vào Sài Gòn giam tại Khám Lớn. Ngày 22/10/1940, Tòa Thượng thẩm Sài Gòn đã kết án Lê Hồng Phong 5 năm tù giam, mất quyền công dân vì tội “hoạt động lật đổ”. Những ngày Lê Hồng Phong bị giam tại Khám Lớn Sài Gòn, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, người vợ yêu thương vào nhà giam để lung lạc tinh thần và ý chí cách mạng của cả hai vợ chồng, nhưng chúng đã bị thất bại. Không khuất phục được tinh thần gang thép của Lê Hồng Phong, chúng đã đưa Lê Hồng Phong ra nhà tù Côn Đảo, nơi địa ngục trần gian để tìm cách giết dần, giết mòn. Trong ngục tù đế quốc, Lê Hồng Phong đã tỏa sáng chất thép và khí tiết trung dũng kiên cường của người cộng sản. Tinh thần đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu không khoan nhượng với kẻ thù, quyết tử cho Tổ quốc của Lê Hồng Phong đã nêu tấm gương sáng ngời cho các chiến sĩ ở ngục tù Côn Đảo noi gương và học tập. Trong bài: “Bát cơm chan máu”, đồng chí Ngô Đăng Đức, người bạn tù chính trị ở Côn Đảo với Lê Hồng Phong đã viết:
       “... Sau một ngày khổ sai mệt nhọc, dưới những trận mưa roi tàn ác, mặt đồng chí Lê Hồng Phong hằn lên những vết roi ngang dọc, chỗ tím bầm lại, chỗ sưng húp lên, có chỗ còn loét ra ri rỉ máu… Người đồng chí gầy đét, chỉ còn da bọc xương… bê bết máu… Đồng chí Lê Hồng Phong đã ngày đêm vận động, giác ngộ quần chúng và chuẩn bị kế hoạch đấu tranh. Giờ phút ấy đã đến !”. Sau khi kể lại chuyện đấu tranh của đồng chí Lê Hồng Phong ở ngục tù Côn Đảo, đồng chí Ngô Đăng Đức đã kết luận:
     “ Gươm giáo của kẻ thù có thể chặt đứt thép, gang, nhưng nó sẽ oằn đi khi chặt phải dũng khí của người cộng sản !”.  
      Sự tra tấn độc ác, dã man của kẻ thù nơi địa ngục trần gian Côn Đảo đã làm đồng chí Lê Hồng Phong kiệt sức. Ngày 6/9/1942, trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí Lê Hồng Phong đã dồn hết sức để trăn trối lời cuối cùng với anh em đồng chí:
    “ Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng: Cho đến giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Khi đánh giá về lớp cán bộ đa tài, trung kiên bất khuất thời kỳ dựng Đảng, Chủ tịch Hồ chí Minh đã khẳng định:
   “ Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ,...và trăm ngàn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. ....Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng mới khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”
      Ghi nhớ công lao và và noi gương tinh thần kiên cường bất khuất của đồng chí Lê Hồng Phong, trong các chiến dịch chống Pháp và chống Mỹ, nhiều đơn vị được mang tên Lê Hồng Phong. Tên của Lê Hồng Phong được đặt cho các đường phố lớn và trường học ở thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An, cùng nhiều địa phương trong cả nước. Tỉnh ủy Nghệ An đã vinh danh đồng chí Lê Hồng Phong trong sách:“Nghệ An - những tấm gương cộng sản”“ Nghệ An những con người tiêu biểu” ./. 
 
                                                                                  Trương Quế Phương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây