Thứ tư, 16/10/2024, 04:12

Nghĩ về Bác của chúng ta

Mỗi lần nhớ đến Bác, mỗi lần kỷ niệm sinh nhật Người là một dịp để ta thêm suy ngẫm. Học tập và làm theo thật tốt tư tưởng vĩ đại, tấm gương đạo đức sáng ngời của Người, ta mới có thể tự tin khi cất lên tiếng nói từ trái tim mình: Bác Hồ của chúng ta.
Theo cha rời làng Sen vào Huế lần thứ 2 vào năm 1906, đến ngày về thăm lại quê nhà vào sáng 16/6/1957, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, Bác Hồ của chúng ta phải xa quê tới 51 năm. Ra đi từ thủa niên thiếu với hai bàn tay trắng, trở về Người đã là Cụ già gần 70 tuổi với cả giang sơn độc lập, tự do.

TÌNH NHÀ VÀ VIỆC NƯỚC

Trong chúng ta, nhiều người không nhớ đã bao lần về thăm quê Bác, đã bao lần được nghe kể lại những câu chuyện đã quen thuộc về Người mà vẫn cứ trào dâng xúc động. Sau hơn 50 năm biền biệt trong nỗi nhớ khắc khoải “xa nhà chốc mấy mươi niên”, Người về lại quê nhà không phải trên cương vị Chủ tịch nước, mà với tư cách của một người con đi xa lâu ngày, nay về thăm lại quê cha, đất mẹ, thăm lại bà con lối xóm nghèo khó, tủi cực năm xưa.

Nhiều nhân chứng kể lại, sáng 16/6/1957, khi Bác vừa về đến Nghệ An, các đồng chí lãnh đạo tỉnh mời Bác vào nghỉ tại nhà khách mới xây dựng, nhưng Bác ôn tồn: “Bác xa nhà, xa quê đã lâu rồi, nên cần về thăm nhà trước đã. Nhà khách là dành để tiếp khách, cho khách ở. Bác là người nhà chứ có phải khách đâu”. Điều mà sau này ít người để ý, đó là Bác về quê nhà đúng vào buổi sáng Chủ nhật. Chắc hẳn đây không phải là sự ngẫu nhiên đối với một con người luôn dĩ công vi thượng”, luôn rành mạch việc công, việc tư như Bác của chúng ta.

Bà con nhân dân xã Kim Liên đón Bác về thăm năm 1957. Ảnh BTHCM.jpg
Bà con nhân dân xã Kim Liên đón Bác về thăm năm 1957. Ảnh: BTHCM

Theo Đặc san thông tin tư liệu, số XVI, tháng 9/2014 của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 15/10/1954 - Ngày Bác về lại Thủ đô cho đến ngày 12/8/1969- ngày Bác đã ốm nặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có 923 lần đi thực tế, làm việc, thăm hỏi các địa phương, đơn vị. Các tỉnh Bác về thăm nhiều như: Bắc Ninh 18 lần, Hưng Yên 10 lần, Hải Phòng 9 lần, Thái Bình 5 lần, Thanh Hoá 4 lần, Quảng Ninh 9 lần… Lịch sử đảng bộ các địa phương và qua hồi ức của nhiều người có may mắn được gặp, làm việc với Bác đều ghi dấu biết bao câu chuyện cảm động, những lời dạy ân cần, sâu sắc ngay từ chính việc làm, lối sống, nhân cách cao cả của Người.

Chỉ qua câu chuyện Bác tới thăm gia đình một chị lao công nghèo khổ giữa Thủ đô vào đêm 30 Tết năm nào đã lay động, thức tỉnh biết bao người về đạo lý “lá lành đùm lá rách” trong đời sống hàng ngày; về căn bệnh quan liêu, thiếu gần dân, chăm lo cho dân của một bộ phận là “công bộc” của dân. Giáo dục, rèn dũa cán bộ, nhân dân từ tất cả những gì tự nhiên toát ra từ suy nghĩ, việc làm gương mẫu của mình, đó là phương pháp cách mạng, là đạo đức Hồ Chí Minh.

Với quê nhà, từ ngày nước nhà được độc lập tháng 9/1945, đến ngày “về với thế giới người hiền”, Bác Hồ chỉ về thăm quê hương được vỏn vẹn hai lần, lần thứ 2 vào các ngày 08 - 11/12/ 1961. Bộn bề việc nước là vậy, trong sâu thẳm lòng mình, Bác luôn dành cho quê hương nghĩa trọng tình cao” một tình cảm ấm áp, sự quan tâm sâu sắc.

Bác-Hồ-về-thăm-quê.png
Nhân dân Nghệ An chào đón Bác Hồ về thăm lần thứ 2 (ngày 9/12/1961); Bác Hồ nói chuyện với bà con làng Sen (xã Kim Liên), thăm HTX Vĩnh Thành (Yên Thành) và Nông trường Đông Hiếu (Nghĩa Đàn). Ảnh: Tư liệu

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1930 đến trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Bác Hồ có 9 bài báo, 31 bức thư, 10 bài nói chuyện, 3 bức điện gửi cho quê nhà. Đặc biệt, giữa năm 1969, tiên lượng được sức khoẻ của mình, Bác đã gửi thư cho Ban chấp hành đảng bộ Nghệ An “Sắp tới phải làm gì? Đó là: Tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa/ Khôi phục và phát triển kinh tế/ Hết sức chăm lo đời sống nhân dân và cố gắng góp nhiều công sức hơn nữa để cùng quân, dân cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”. Đảng bộ, nhân dân Nghệ An luôn coi đây là Di chúc thiêng liêng Người dành riêng cho quê nhà, là động lực phấn đấu thực hiện bằng được lời dạy của Bác: Mong đồng bào đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.

Bác Hồ tại phòng làm việc nhà 54.jpg
Trong sâu thẳm lòng mình, Bác luôn dành cho “quê hương nghĩa trọng tình cao” một tình cảm ấm áp, sự quan tâm sâu sắc. Ảnh: Tư liệu

NƯỚC NON VẪN NƯỚC NON NHÀ NGÀN NĂM

Bác Hồ sinh ra từ làng Chùa quê mẹ, gắn bó tuổi thơ với làng Sen quê cha ở Nam Đàn, xứ Nghệ. Thẳm sâu trong tim Bác, quê hương còn là làng Dương Nỗ, là thành Nội - nơi gắn liền với tuổi thơ bên người mẹ hiền cả một đời tảo tần để chồng, cho con học hành, nuôi chí lớn; là nỗi đau thương đến tột cùng vì mất mẹ, mất em, khi Bác mới 10 tuổi; Là kinh kỳ xứ Huế - nơi nuôi dưỡng, giáo dục tri thức, hình thành nhân cách, lòng yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc.

Chắc hẳn, cùng với quê hương Nam Đàn, Nghệ An, những năm tháng tuổi thơ ở Kinh thành Huế chính là thời gian rất quan trọng trong việc tiếp nhận tri thức, hình thành nhân cách, tư tưởng yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc của người thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Quê hương của Bác là đất trời Bình Khê - Bình Định nhiều nắng gió - nơi Nguyễn Tất Thành đến chia tay cha; nơi Bác được truyền thêm khát vọng cứu nước từ thân phụ mình: Nước mất, không đi tìm đường cứu nước, tìm cha mà làm gì? Liên tưởng tới hoàn cảnh Nguyễn Trãi tiễn biệt phụ thân Nguyễn Phi Khanh nơi ải Nam Quan vào mùa hè năm Đinh Hợi 1407; khi Nguyễn Phi Khanh dạy con trai: Hãy quay về Nam, tìm đường phục hận, hơn là rỏ lệ nam nhi ủy mỵ trên đoạn đường thống hận hờn oan này…

Trường Dục Thanh, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học năm 1910.jpg
Trường Dục Thanh, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Tên gọi của Bác Hồ lúc 20 tuổi) dạy học năm 1910. Ảnh: BTHCM

Còn nhớ, trước ngày viết Di chúc gửi lại cho đời sau, ngày 15/2/1965, Bác Hồ đã về Côn Sơn, “thăm” Nguyễn Trãi. Sinh ra cách nhau hơn 5 thế kỷ (1380-1890), song như có sự trùng hợp kỳ lạ, như cuộc hẹn của lịch sử của hai nhà chính trị, quân sự kiệt xuất, của hai thi nhân, nhân cách vĩ đại. Dường như đó là sự trùng hợp, sự tiếp nối của tư tưởng “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “nước lấy dân làm gốc”; là trái tim lớn của những vĩ nhân “Bui một tấc lòng ưu ái cũ, đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”.

Với Cao Bằng, sau này là căn cứ địa Việt Bắc, nơi có thiên thời địa lợi nhân hòa”, nơi có phong trào tốt từ trước” được Bác chọn làm căn cứ cách mạng sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Nơi đây, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Lô Lô… đã coi Bác như cha, như ông của mình; nuôi nấng, chở che ông Ké cùng các cơ sở cách mạng. Nhân dân kính yêu Bác mà đi theo cách mạng, không sợ gian khổ hy sinh vì cách mạng. Tổng Bí thư Lê Duẩn nói: Cuộc đời của Bác Hồ gắn bó mật thiết với đất nước Việt Nam, đặc biệt với đồng bào Cao Bằng… Đó là vinh dự, là niềm tự hào của Cao Bằng”.

Bác Hồ về thăm bà con Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) tháng 2-1961.jpg
Bác Hồ về thăm bà con Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) tháng 2/1961. Ảnh: Tư liệu

Với đồng bào Nam bộ, Bác luôn dành một tình cảm thật đặc biệt. Năm 1969, khi tiếp nhà báo Marta Rojas (Báo Granma- cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, Bác nói: Ở miền Nam, mỗi người, mi gia đình đều có một ni đau riêng. Gộp ni đau khổ của mi người, mi gia đình lại thì thành ni đau khổ của tôi”.

Quê hương với Bác luôn đồng nghĩa với nước non nhà ngàn năm”, là Bắc - Nam sum họp”. Quê hương, đất nước luôn là nỗi niềm, là ý chí nhất quán, khát vọng cháy bỏng trong trái tim Người: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”. Có lẽ đó là sự đánh giá đầy đủ nhất, sâu sắc nhất và cũng giản dị nhất về Bác của chúng ta.

Bác Hồ với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc.jpg
Bác Hồ với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc. Ảnh: TTXVN

BÁC ĐỂ TÌNH THƯƠNG CHO CHÚNG CON

Mỗi lần nhớ đến Bác, mỗi lần kỷ niệm sinh nhật Người là một dịp để ta thêm suy ngẫm. Bác để cho chúng ta một di sản thật đồ sộ. Đó là một đất nước độc lập, toàn vẹn, một sự nghiệp Cách mạng chói ngời, một tấm gương trong sáng và lối sống cao đẹp đến tinh khiết. Bác còn để lại: “Muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

“Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Đó là sự trong sáng của tình yêu với non sông đất nước, tình thương yêu với nhân dân, với mỗi phận người trong nghĩa bao la của hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng. Đó là những suy nghĩ, việc làm mỗi ngày ta cần học tập từ Bác: “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm dù là việc nhỏ. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”.

Bác Hồ với nhân dân trong buổi nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân Hà Bắc ngày 9-2-1967.jpg
Bác Hồ với nhân dân Hà Bắc ngày 9/2/1967. Ảnh: Tư liệu

Luôn nghĩ và thành tâm làm được ngày càng nhiều hơn, tốt hơn lời căn dặn giản dị mà sâu ấy của Người, ta mới xứng đáng phần nào với tình thương yêu trời biển Bác dành cho ta. Học tập và làm theo thật tốt tư tưởng vĩ đại, tấm gương đạo đức sáng ngời của Người, ta mới có thể tự tin khi cất lên tiếng nói từ trái tim mình: Bác Hồ của chúng ta.


Nguyễn Như Khôi/baonghean.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây