Sáng nay 22-5, sau khi các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.
Phiên khai mạc chính thức kỳ họp thứ 5 diễn ra vào 9h và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri theo dõi.
Dự kiến, sau phần Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng sẽ trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Báo cáo thẩm tra cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày sau đó.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến sẽ trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Đáng chú ý, Quốc hội dành phần thời gian còn lại của buổi sáng và gần như cả buổi chiều ngày hôm nay để họp riêng về công tác nhân sự.
Trước đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và biểu quyết về việc miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội với ông Nguyễn Phú Cường, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
Đồng thời tiến hành quy trình bầu nhân sự thay thế vào vị trí ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
Quốc hội cũng xem xét phê chuẩn đề nghị về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026. Hiện nay, chức vụ này đang do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà kiêm nhiệm.
Kỳ họp thứ 5 dự kiến diễn ra trong 22 ngày làm việc và chia làm 2 đợt. Đợt 1 trong 17 ngày (22-5 đến 10-6) và đợt 2 là 5 ngày (từ 19-6 đến 24-6).
Ngoài công tác nhân sự, tại kỳ họp lần này Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua 20 dự án luật, nghị quyết.
Trong đó có những dự án luật quan trọng như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam...
Cạnh đó là các nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, giảm 2% thuế giá trị gia tăng, nghị quyết liên quan lấy phiếu tín nhiệm…
Cùng đó, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội năm 2022, những tháng đầu năm 2023; giám sát tối cao về việc sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19, y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày…