Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị định về vị trí việc làm và biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập .
Nghị định này nhằm thay thế Nghị định số 62/2020/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đề xuất sửa đổi quy định về trình tự phê duyệt biên chế công chức từ hằng năm thành 5 năm |
Theo Bộ Nội vụ, Kết luận số 40-KL/TW2, quy định biên chế được giao giai đoạn 2022-2026 không bao gồm lao động hợp đồng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự quyết định việc sử dụng hợp đồng lao động và trả lương, phụ cấp cho lao động hợp đồng theo quy định từ ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
Theo đó, số người làm việc tại vị trí hỗ trợ, phục vụ sẽ không được tính vào tổng biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao theo quy định và cũng không được xác định trong cơ cấu viên chức theo chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Chính vì vậy, quy định về căn cứ xác định biên chế công chức, số người làm việc tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP không còn phù hợp, cần phải sửa đổi.
Bộ Nội vụ cũng viện dẫn, theo Quy định số 70-QĐ/TW3, Bộ Chính trị đã giao thẩm quyền quản lý biên chế cho Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế và trực tiếp quản lý biên chế các tỉnh ủy, thành ủy;
Ban cán sự đảng Chính phủ trực tiếp quản lý biên chế các bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đơn vị sự nghiệp ở Trung ương; hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương…
Phê duyệt biên chế từ hằng năm thành 5 năm
Dự thảo Nghị định của Chính phủ đang được Bộ Nội vụ soạn thảo, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc xác định vị trí việc làm và quản lý biên chế công chức, biên chế sự nghiệp;
Sửa đổi quy định về trình tự phê duyệt biên chế công chức từ hằng năm thành 5 năm để phù hợp với quy định quản lý biên chế tại Quy định số 70-QĐ/TW và việc thẩm định;
Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thẩm định, giao biên chế công chức, biên chế sự nghiệp;
Đồng thời sửa đổi, bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm việc điều chuyển biên chế công chức, số lượng người làm việc giữa các bộ, ngành hoặc giữa bộ, ngành với địa phương hoặc giữa bộ, ngành, địa phương với Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; Quyết định điều chuyển biên chế công chức làm việc ở nước ngoài giữa nước này sang nước khác;
Bộ Nội vụ cũng đề xuất bổ sung thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, ngành, địa phương;
Bỏ quy định các bộ, ngành, địa phương không gửi kế hoạch biên chế công chức, số lượng người làm việc theo quy định thì sẽ bị xem xét tỷ lệ tinh giản biên chế cao hơn 1% với tỷ lệ giảm biên chế theo lộ trình hàng năm…