Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Người ta nói rằng, chuyển đổi số trước sau cũng phải làm. Chất cách mạng trong các cơ quan báo chí, nếu chúng ta không giữ thì sẽ mất dần. Theo ông, làm sao để chúng ta chuyển đổi số thành công nhưng giữ được chất cách mạng trong báo chí?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Báo chí nước ngoài đi theo quan niệm độc giả là trên hết. Điều đó không có gì sai. Nghĩa là, báo chí của họ phải phục vụ khán thính giả bằng mọi cách. Khán giả đi đâu, thích gì thì báo chí đi theo, phục vụ.
Nhưng báo chí cách mạng chúng ta không phải chỉ như vậy. Nói rộng hơn, chúng ta phụng sự dân tộc, phụng sự xã hội, phụng sự Đảng và Nhà nước. Đó là thứ khiến chúng ta khác với báo chí trên thế giới.
Các cơ quan báo chí trên thế giới phát triển vì sự tồn vong của chính họ. Cần hiểu chính xác, dù họ có quy mô lớn hay nhỏ, có nhiều hay ít lợi nhuận thì về cơ bản, họ hoạt động giống như là kinh doanh. Mục tiêu là nhắm tới lợi nhuận. Bên cạnh lợi nhuận, họ phục vụ độc giả bằng những thông tin chính xác. Họ sẽ bán hàng bằng những câu chuyện, hình ảnh dựa trên niềm tin của người dùng đối với họ.
Nhưng báo chí cách mạng chúng ta trách nhiệm đầu tiên là phụng sự xã hội, phụng sự nhân dân. Trong khái niệm rộng lớn đó, có độc giả. Cái gì có lợi cho Nhà nước, cho dân tộc, cho nhân dân thì chúng ta làm.
Sẽ có những câu chuyện, nó là thực tế nhưng nếu không có lợi ích cho dân tộc, cho nhân dân thì các nhà báo nên suy nghĩ để quyết định làm hay không . Tính định hướng của báo chí chúng ta, có những ý kiến chê bôi, nhưng thực ra rất là quan trọng.
Có rất nhiều giá trị của nền kinh tế tư bản, của phương Tây mà thế giới từng ca tụng thì trong giai đoạn Covid-19 cho thấy nó không phù hợp.
Ví dụ, yếu tố lợi ích cá nhân được đặt lên cao nhất nên người ta không chấp nhận tiêm vắc xin. Trong khi chúng ta sẵn sàng tiêm vắc xin để xã hội đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng. Hay việc người phương Tây không thích đeo khẩu trang, không thích ai đó xâm phạm vào quyền cá nhân của họ. Điều đó là đúng, đáng trân trọng, cần bảo vệ, nhưng khi xảy ra khủng hoảng thì lại cần được thoả hiệp, được đặt sau lợi ích của xã hội, của dân tộc.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Báo chí cách mạng Việt Nam khác với tất cả những báo chí các nước khác, trong đó có từ khoá lớn nhất là từ “phụng sự”, “trách nhiệm”, vì nhân dân, vì dân tộc, vì Đảng.
Tuy nhiên, có một sự thực nữa, báo chí đang phải bươn chải trong đời sống kinh tế. Theo ông, kinh tế báo chí đang ở tình trạng như thế nào? Nhiều cơ quan báo chí đang kêu khó. Có giải pháp nào để cơ quan báo chí đỡ phải lo về mặt kinh tế để phụng sự được tốt hơn?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Tôi phải nói một ý kiến khá là không vui. Đa số cơ quan báo chí Việt Nam đang quá lệ thuộc vào nguồn thu quảng cáo. Trong khi báo chí nước ngoài đã đa dạng hoá nguồn thu từ rất lâu.
Báo chí nước ngoài đã nhìn thấy sự sụt giảm doanh thu quảng cáo, đặc biệt là báo in, sau đó là phát thanh, truyền hình. Ngay cả với báo điện tử, doanh thu quảng cáo đi ngang, không tăng lên như kỳ vọng.
Sau đại dịch, doanh thu quảng cáo trên thế giới đi lên, đặc biệt mức chi cho các nền tảng số tăng lên nhưng phần dành cho báo chí không tăng, thậm chí nhiều nơi giảm đi.
Tuy nhiên, các cơ quan báo chí chúng ta, từ báo in cho đến phát thanh truyền hình, báo điện tử đã không nhanh nhạy. Chúng ta vẫn quá lệ thuộc vào quảng cáo, trong khi quảng cáo chỉ là 1 trong 13-15 mô hình tạo doanh thu cho báo chí trên thế giới mà thôi.
Chúng tôi đã biên dịch và phát hành khá nhiều ấn phẩm về đổi mới sáng tạo trong báo chí trên thế giới. Vài năm qua, người ta gợi mở rất nhiều mô hình kinh doanh như vậy.
Bên cạnh quảng cáo, là thu phí từ người dùng. Có rất nhiều cách, thu phí đọc báo điện tử chỉ là một cách. Hoặc tổ chức sự kiện, thương mại điện tử, kinh doanh dịch vụ truyền thông, dịch vụ công nghệ, hoặc bán dữ liệu của mình. Có rất nhiều cách thức như vậy nhưng rất ít cơ quan báo chí Việt Nam đa dạng hoá mô hình của mình.
Theo nghiên cứu của báo chí thế giới, trong khoảng 13-15 mô hình kinh doanh, mỗi cơ quan báo chí, nếu muốn phát triển bền vững phải sử dụng tối thiểu 3 mô hình kinh doanh.
Nhưng như chúng ta thấy, báo chí Việt Nam vẫn theo mô hình kinh doanh khá là đơn giản.
Nhiều cơ quan báo chí của chúng ta chưa đổi mới sáng tạo trong việc tạo ra nguồn thu nên có những khó khăn nhất định.
Trong những năm đầu của đại dịch Covid-19, nhiều cơ quan báo chí cho biết, doanh thu của họ sụt giảm tới 60-70%. Nhưng gần đây, tình hình đã được phục hồi nhất định.
Tuy nhiên, lời khuyên của chúng tôi là nếu chừng nào chúng ta chưa đa dạng hoá nguồn thu dựa vào thế mạnh riêng cho mỗi tờ báo thì còn khó khăn. Không có công thức riêng cho một tờ báo nào cả. Không phải mô hình này tờ báo này áp dụng là thành công thì tờ báo kia cũng thành công.
Các tờ báo dựa vào thế mạnh riêng, năng lực riêng của mình, phải tự tìm hiểu xem, mô hình nào là phù hợp với họ để tạo ra nguồn thu.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Mỗi một tờ báo sẽ có một cách làm riêng của mình. Tuy nhiên, sẽ có một công thức chung cho tất cả các tờ báo là hãy bắt đầu làm đi?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Công thức chung duy nhất là đừng chờ đợi. Theo tôi là như vậy.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Theo ông, yếu tố nào là then chốt? Công nghệ hay nội dung hay con người?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Thực ra, nội dung hay công nghệ vẫn là con người. Sự sáng tạo nằm ở chính con người. Chỉ có con người mới biết nên tổ chức sản xuất nội dung như thế nào cho phù hợp, nội dung này nhắm tới độc giả của mình, nội dung kia có tài trợ thì phục vụ các nhà quảng cáo thì cũng phải làm cho có hiệu quả.
Áp dụng công nghệ cũng chỉ là áp dụng công cụ. Không áp dụng công nghệ, chúng ta chỉ lan toả nội dung của mình tới một số lượng người nhất định. Nếu áp dụng công nghệ, sẽ nâng lên được rất nhiều lần, tại sao ta không áp dụng? Công nghệ giúp lan toả nội dung hiệu quả hơn và còn đưa nội dung lan truyền trúng đích nữa.
Nội dung làm ra rất hay rồi, nhưng đăng lên internet, đến được ai thì đến. Điều đó khác với việc sử dụng công nghệ để nhắm trúng đích. Sử dụng công nghệ còn giúp chúng ta làm các sản phẩm báo chí hiện đại hơn. Nếu chúng ta làm thông thường, đưa lên website, mobile, cho thêm ảnh, video thì sẽ không hấp dẫn.
Nhưng nếu sử dụng công nghệ, chúng ta đưa vào như graphic tương tác, biết dẫn dắt câu chuyện trực quan thì người dùng dễ cảm thụ hơn.
Hoặc chúng ta sử dụng công nghệ để nắm bắt hành vi người dùng. Nếu theo dõi thông thường, sử dụng công cụ miễn phí thì sẽ không thể nắm bắt hành vi người dùng.
Nhưng nếu sử dụng trí tuệ nhân tạo, sẽ nắm bắt được là người dùng đến với mình, có bao nhiêu nam, bao nhiêu nữ, traffic đến từ đô thị hay nông thôn, họ thích đọc loại tin nào, đọc xong thì họ sẽ đến tin nào? Họ đọc trang của mình xong thì họ sẽ đến trang nào rồi lại quay lại trang của mình?
Nếu chúng ta nắm bắt và sử dụng các công cụ hiệu quả như vậy thì sẽ giúp chúng ta rất nhiều.
Tóm lại, vấn đề này phải nằm ở tư duy người lãnh đạo, của từng phóng viên, biên tập viên. Chúng ta chính là người muốn cái gì, chi phối cái gì và sử dụng nó ra sao.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Những người làm báo ở Việt Nam tiếp cận tri thức thế giới rất tốt và nắm khá rõ, mình phải làm gì? Chẳng hạn tư duy hãy tận dụng mạng xã hội, đứng trên lưng mạng xã hội để mình đi tiếp, mình sẽ biến trang báo của mình trở thành một mạng xã hội thu nhỏ. Hoặc mình sử dụng các công nghệ khác đã phát triển như thương mại điện tử để ứng dụng vào làm báo. Các tổng biên tập đều nắm rất rõ. Nhưng bắt tay vào làm thì lại không có ai làm, không tìm được người làm.
Vì chưa có thị trường công nghệ cho báo chí. Đó là một sự thật được nhìn thấy. Theo ông, có giải pháp nào cho sự thiếu hụt thị trường công nghệ báo chí?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Thực ra, tôi không tin là mọi người đã hiểu vấn đề này. Nhiều người nói là hiểu nhưng chưa chắc đã hiểu. Ví dụ, cần khai thác, sử dụng mạng xã hội nhưng chúng ta không biết làm cách nào cho đúng.
Theo dõi nhiều cơ quan báo chí, tôi thấy họ cũng xây dựng fanpage, Youtube, Tiktok nhưng không đủ kỹ năng thành thạo để làm hiệu quả. Tôi biết nhiều bạn trẻ, chỉ đam mê facebook thôi, khi làm các nền tảng khác, thì lại không làm được. Nhưng khi các bạn nghiên cứu kỹ, các bạn có thể tư vấn một cách chính xác, nếu với nội dung này, sửa lại cái ảnh, viết lại caption, đăng vào giờ này thì đảm bảo đạt chất lượng hiệu quả.
Trong các cơ quan báo chí của chúng ta, không có biên tập viên phụ trách riêng mạng xã hội. Ở nước ngoài, có hẳn một vị trí công việc như vậy (social editor). Chúng ta là chỉ giao cho nhóm này, ban kia, phụ trách fanpage và cứ thế mà làm.
Có nơi khá hơn thì thuê một số đối tác có chuyên môn cao để cùng đồng hành. Chúng ta không có những người mang tính hoạt động chuyên môn về vấn đề này.
Hoặc chúng ta muốn mở rộng hoạt động kinh tế báo chí sang lĩnh vực khác như E- commerce, nhưng liệu chúng ta có người hiểu thực sự về E- commerce và muốn làm thì làm gì hay không? Không đơn giản là chúng ta bắt tay với một đối tác rồi thoả thuận với nhau, họ muốn làm gì thì làm mà chúng ta phải có người thực sự hiểu để làm việc với họ.
Ngoài ra, về mặt nhân sự công nghệ, đối với cơ quan báo chí cũng là vấn đề rất nan giải.
Các tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới đã phát triển theo hướng mediatech, tức làm truyền thông và xây dựng bộ phận công nghệ rất quy mô, hoành tráng như New York Times, Washington Post, Guardian, BBC, Reuters…, ở châu Á có South China Morning Post…. . Khởi thuỷ, đó đều là các tập đoàn chuyên về nội dung. Nhưng sau đó, họ xây dựng bộ phận công nghệ rất hoành tráng để trở thành tập đoàn media- tech.
Trong khi đó, một xu hướng ngược lại là, các ông lớn công nghệ đầu tư rất nhiều vào media và trở thành tech media.
Hai bên này đều có lợi thế, nội dung rất giỏi và công nghệ cũng rất mạnh. Nhưng đa số các cơ quan báo chí trên thế giới, đặc biệt trong đó có Việt Nam, quy mô chỉ khoảng vài chục người. Ít cơ quan báo chí có quy mô vài trăm người. Cùng đó, báo chí ở quy mô cấp ngành, địa phương, quy mô rất hạn chế thì rất khó xây dựng bộ phận tech bên cạnh bộ phận media.
Bài toán hiện nay theo gợi ý của các chuyên gia nước ngoài là, với các cơ quan báo chí có quy mô nhỏ và vừa, cách tốt nhất là thuê đối tác công nghệ. Tất nhiên, chúng ta phải tìm hiểu các đối tác đó, phải đồng hành với họ để họ hiểu thực sự cách thức làm của chúng ta và phải đồng hành lâu dài, làm các dự án ổn định.
Thậm chí, không nên chỉ có một đối tác công nghệ chiến lược mà nên có hai, ba đối tác để phòng các trường hợp khi phát sinh những vấn đề không thuận lợi với một đối tác.
Nhưng mặc dù thuê ngoài như vậy nhưng trong mỗi một toà soạn, ít nhất vẫn cần có những con người đóng vai trò như người điều phối, đủ hiểu về hoạt động của đơn vị, đủ hiểu về công nghệ, như một cầu nối giữa nội dung và kinh tế và đối tác công nghệ kia. Hướng đi như vậy sẽ hiệu quả hơn và không nhất thiết phải đầu tư kinh phí lớn cho bộ phận công nghệ.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Rõ ràng, các cơ quan báo chí đang đứng trước rất nhiều thách thức. Mỗi khi đứng trước thách thức, chúng ta nhìn vào lý do chúng ta được sinh ra để có được bài học và đi tiếp. Vậy lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam có những bài học gì gợi ý cho chúng ta đi tiếp?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Lịch sử báo chí Việt Nam cũng như lịch sử của dân tộc Việt Nam cho thấy, mỗi khi gặp khó khăn, ý chí và tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam rất cao. Thực tiễn cho thấy, sự đoàn kết, ý chí mãnh liệt của người Việt Nam giúp chúng ta vượt qua rất nhiều cuộc khủng hoảng trong quá khứ.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, thực tế của thời đại ngày nay không phải như thế. Chúng ta có ý chí rồi, đoàn kết rồi, có mong muốn hướng thiện, làm những điều tốt đẹp rồi nhưng nếu chúng ta không đổi mới sáng tạo, không mạnh dạn đi con đường khác biệt, khó khăn hơn thì không dễ vươn lên.
Chúng tôi nghĩ rằng, bên cạnh những phẩm chất vốn có của người Việt Nam, luôn luôn đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết trong những thời khắc khó khăn, sự cần cù, tinh thần tích cực, mong muốn vươn lên thì chúng ta vẫn phải thúc đẩy yếu tố đổi mới sáng tạo, dám chấp nhận những rủi ro, những sai lầm để tạo ra những thử nghiệm quan trọng.
Bây giờ, không phải thuần tuý chúng ta cạnh tranh với nhau trong nước nữa mà chúng ta đang ở một sân chơi sòng phẳng với thế giới. Khi chúng ta thua thiệt, đừng nghĩ là chúng ta chỉ thua trên sân nhà với lượng độc giả ở nhà mình mà chúng ta đang mất đi những kênh thông tin quan trọng để giúp đưa thông tin, hình ảnh con người Việt Nam đến với thế giới.
Lúc này, câu chuyện không chỉ là tồn vong của một cơ quan báo chí, không phải là câu chuyện là 5-7 hay 20 nhà báo mất việc mà là câu chuyện đất nước Việt Nam sẽ mất đi những kênh thông tin quan trọng, kể cả đối nội và đối ngoại.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Quay lại chủ đề chính của chúng ta, mỗi một giai đoạn, ta có một nhiệm vụ quan trọng nhất. Thời kỳ chiến tranh, ta cần chiến thắng. Thời kỳ Đổi mới, chúng ta phải đổi mới bắt kịp thế giới. Thời kỳ này, Đảng đã xác định, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển vào năm 2045. Vậy những người làm báo chúng ta nên làm gì để góp phần vào mục tiêu chung lớn lao của dân tộc?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Sứ mệnh của báo chí trong thời kỳ nào cũng là góp phần phản ánh trung thực thông tin của đời sống xã hội, cung cấp tri thức hữu ích cho người dùng, là tiếng nói cầu nối giữa người dân với Đảng- Nhà nước, tạo diễn đàn, sân chơi nhiều tiếng nói để mọi người hiểu nhau. Đảng hiểu người dân nghĩ gì, người dân hiểu đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước.
Chúng ta tạo ra nơi để mọi người được trao đổi, thảo luận, có nhiều tiếng nói quan điểm được chia sẻ, để tìm ra hướng đi tốt nhất, hiệu quả nhất cho xã hội.
Báo chí cách mạng hướng tới mục tiêu như vậy.
Trong thời đại hiện nay, trong kỷ nguyên số, muốn đạt mục tiêu cao của đất nước, hướng tới một dấu mốc là nước phát triển thì báo chí phải làm nhiều hơn nữa, hơn là thuần tuý chỉ phản ánh những gì đang diễn ra.
Báo chí phải mang tính dẫn dắt. Thay chạy theo người dùng trên các nền tảng thì báo chí phải nghiên cứu trước, đón chờ để biết người dùng có khả năng di chuyển lên các nền tảng nào để đón chờ. Chúng ta sẽ có các nội dung phù hợp phục vụ độc giả.
Báo chí nên chủ động hơn hay vì thụ động như bây giờ.
Làm thế nào để báo chí đi trước một bước, cung cấp thông tin thay vì là sự việc xảy ra, chúng ta chỉ phản ánh. Khi chúng ta dùng keyword đương nhiên của báo chí là reporting, tức là cái gì xảy ra rồi thì chúng ta mới đưa tin về nó. Nhưng bây giờ, chúng ta phải đi trước. Phải nghĩ ra những giải pháp có khả năng xảy ra trong xã hội.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Trong tất cả những việc khó mà chúng ta phải làm, từ khoá mà chúng ta phải làm được, theo tôi nghĩ, là từ “khát vọng”. Từ khoá đó đã được ghi trong Nghị quyết của Đại hội Đảng là khát vọng trở thành nước phồn vinh, hạnh phúc. Vậy thì, báo chí ngoài việc làm report, đưa tin, phản ánh, phân tích, tìm ra giải pháp đi trước thì còn phải làm những gì nữa để tạo ra khát vọng cho người dân Việt Nam?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Khát vọng là một yếu tố rất quan trọng. Trong báo chí, đó còn là sự đam mê về nghề nghiệp. Dù có khát vọng, đam mê nhưng điều rất quan trọng là phải làm những gì có tính thực tế cao.
Để thực hiện khát vọng của mình thì mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo, phóng viên, hàng ngày hàng giờ phải bồi dưỡng kỹ năng để đạt được khát vọng đó.
Mỗi nhà báo, mỗi tờ báo, cả hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam nói chung phải nghĩ đến kỹ năng, biện pháp hàng ngày, hàng giờ, của ngày hôm nay, của ngày mai, của năm tới để bồi bổ, nâng cao, tự hoàn thiện mình. Đó có thể là kỹ năng kể chuyện, kỹ năng báo chí, kỹ năng công nghệ còn thiếu để khát vọng dễ trở thành hiện thực.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Khát vọng còn lớn hơn nữa, không chỉ là khát vọng của chính chúng ta trong cơ quan báo chí, của cá nhân mà phải truyền thành khát vọng đó thành khát vọng của cả dân tộc, để cả dân tộc có khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045. Nhiệm vụ đó còn to hơn nữa. Chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Báo chí khơi dậy khát vọng cho cả dân tộc là nhiệm vụ khó khăn. Nhưng nếu nghĩ là khó thì chúng ta sẽ không bao giờ làm được. Nếu thực sự chúng ta mong muốn làm được điều đó thì có thể mong muốn được 1, hay 2, hay 3 là tuỳ nỗ lực, sáng tạo của mình. Chính nhiệt huyết của mỗi nhà báo, mỗi tờ báo có khả năng sẽ tạo ngọn lửa lớn hơn trong xã hội, trong công chúng.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Ông hình dung hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam trong tương lai sẽ như thế nào?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Để thực hiện được sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam không đơn giản là câu chuyện sống còn của cơ quan báo chí. Đó là câu chuyện đưa được tiếng nói của Đảng, Nhà nước một cách chính xác, công bằng, cân bằng đến mọi người dân trong nước và thế giới với sự kiên định vừa làm tròn trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội. Không chỉ vậy, còn đồng thời thực hiện được mục tiêu kinh tế để báo chí chủ động phát triển thay vì phải trông mong vào bầu sữa của Nhà nước.
Thực hiện song hành hai nhiệm vụ này là rất khó khăn.
Chúng tôi nghĩ rằng, đây là thời điểm giao thời. Chuyển đổi số là một bộ lọc có thể làm biến mất một số cơ quan chậm chân hay một nhóm cơ quan báo chí xa rời mục tiêu, định hướng của báo chí cách mạng nhưng nó sẽ là kim chỉ nam dẫn dắt cho đa số cơ quan báo chí còn lại đồng hành, đi trên con đường xa hơn.
Từ những biến đổi trên thế giới trong thời gian vừa qua, như tôi đã nói, có những giá trị của xã hội từng được tung hô thì thực ra, không phải như vậy. Có những giá trị của chủ nghĩa xã hội trước đây bị coi thường, nhưng vừa qua, được thừa nhận là hoàn toàn đúng đắn.
Nếu chúng ta kiên định đi theo con đường của chúng ta, lại có sự ủng hộ, đầu tư của các cơ quan chức năng, sự nỗ lực tự thân các nhà báo để thực hiện song song hiệu quả 2 tiêu nêu trên thì báo chí sẽ phát triển bền vững.
Chúng ta sẽ thấy có những giá trị của báo chí chỉ có trong thời kỳ chiến tranh, thời kỳ đầu Đổi mới sẽ được thể hiện trong báo chí hiện đại.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Rất cảm ơn nhà báo Lê Quốc Minh đã tham gia bàn tròn trực tuyến của báo VietNamNet. Nhân dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam xin chúc ông và những người làm báo Việt Nam dồi dào sức khoẻ, tiếp tục công cuộc đổi mới, hoàn thành tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng.
Theo VietNamNet
Xem phần 1 tại: https://hoinhabaonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/hay-phan-anh-dung-nhung-gi-xay-ra-trong-xa-hoi-120.html