Thứ năm, 21/11/2024, 16:16

Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập

Chiều 21/6, tại thành phố Vinh, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì.

Dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An; Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng các sở, ngành, địa phương.

Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập ảnh 1
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh Thành Duy

2.866 CƠ SỞ CHƯA ĐƯỢC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP

Nghệ An đã tiến hành sáp nhập 4.108 đơn vị hành chính, khối, xóm, đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó, sáp nhập 35 xã (giảm 20 xã), sáp nhập 3.903 khối, xóm, bản (giảm 2.090 khối, xóm); sáp nhập 170 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện (giảm 101 đơn vị).

Theo đó, sau sáp nhập có 476 cơ sở dôi dư, trong đó, các đơn vị cấp xã dôi dư 37 cơ sở; các khối, xóm, bản dôi dư 400 cơ sở, các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, các huyện dôi dư 39 cơ sở.

Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập ảnh 2

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh điều hành và đặt vấn đề về việc giải trình công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Cùng với đó, tổng số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp sau sáp nhập là 4.302 cơ sở với tổng diện tích đất hơn 5.987.638 m2 và diện tích nhà là hơn 715.994 m2. Trong đó, cấp xã 184 cơ sở; khối, xóm, bản 3.937 cơ sở; đơn vị sự nghiệp công lập 181 cơ sở.

Trong đó, số cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt phương án sắp xếp quản lý, sử dụng là 1.436 cơ sở, với tổng diện tích hơn 1.673.589 m2 và diện tích nhà hơn 227.011 m2; theo đó, giữ lại để tiếp tục sử dụng là 1.398 cơ sở; bán tài sản trên đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất 6 cơ sở; thu hồi 9 cơ sở và điều chuyển 23 cơ sở.

Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập ảnh 3

Đồng chí Cao Tiến Trung - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình bày đánh giá báo cáo của UBND tỉnh về công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập ảnh 4

Đồng chí Vương Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn phát biểu làm rõ về tình hình công tác xử lý tài sản công trên địa bàn sau sáp nhập. Ảnh: Thành Duy

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện này vẫn còn đến 2.866 cơ sở, với tổng diện tích đất hơn 4.314.049 m2 và diện tích nhà gần 488.983 m2 cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt phương án sắp xếp. Cụ thể là ở cấp xã có 122 cơ sở; khối, xóm, bản còn 2.613 cơ sở; đơn vị sự nghiệp công lập là 131 cơ sở.

Tại cuộc làm việc, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND một số đơn vị cấp huyện, Sở Tài chính và UBND tỉnh đã đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương trong việc hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, đơn vị trong việc xây dựng, triển khai thực hiện phương án sắp xếp, quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập; giải pháp để đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.

Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập ảnh 5

Đồng chí Phạm Chí Kiên - Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa phát biểu về tình hình xử lý tài sản công sau sáp nhập trên địa bàn thị xã. Ảnh: Thành Duy

Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập ảnh 6

Đồng chí Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nêu ý kiến về phương án sắp xếp, xử lý đối với nhà văn hóa khối, xóm, bản sau sáp nhập. Ảnh: Thành Duy

Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập ảnh 7

Đồng chí Trần Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Tài chính giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan đến công tác xử lý tài sản công sau sáp nhập với góc độ đơn vị được giao tham mưu cho UBND tỉnh về vấn đề này. Ảnh: Thành Duy

Mặt khác, từ số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, thực trạng sau khi sáp nhập thì điều kiện làm việc (diện tích đất, trụ sở, cơ sở vật chất) vừa thiếu lại vừa thừa, thiếu đồng bộ, bất cập; tỷ lệ số cơ sở nhà, đất đề nghị giữ lại tiếp tục sử dụng khá cao; việc sắp xếp, xử lý mỗi địa phương đơn vị thực hiện có những quan điểm khác nhau. Đây cũng là vấn đề đưa đưa ra phân tích, làm rõ;…

Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, đối với 2.866 cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt phương án sắp xếp, UBND tỉnh sẽ hoàn thành phê duyệt vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, đồng chí cũng nêu lên hướng chỉ đạo xử lý cụ thể đối với những cơ sở vướng thủ tục hồ sơ pháp lý. Đặc biệt là những khó khăn khi bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các nhà văn hóa khối, xóm khiến người mua không “mặn mà”;…

Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập ảnh 8

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu tại phiên giải trình làm rõ một số vấn đề về công tác xử lý tài sản công sau sáp nhập. Ảnh: Thành Duy

CẦN XỬ LÝ RỐT RÁO GẮN VỚI TRÁCH NHIỆM CỤ THỂ

Kết luận phiên giải trình, trước thực trạng số cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt phương án sắp xếp còn lớn, trong đó, chủ yếu lại nằm ở khối, xóm, bản, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đã phân tích, làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tồn tại này.

Theo đó, về chủ quan cho thấy, việc sắp xếp chưa được quan tâm đúng mức, không phân cụ thể ai chịu trách nhiệm, không theo dõi, đôn đốc chưa quyết liệt. Đi đôi với đó, về mặt khách quan, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhận định, đây là việc không phải dễ dàng; sau khi sắp xếp xảy ra tình trạng vừa thừa, vừa thiếu diện tích, không gian cục bộ.

Mặt khác, hồ sơ pháp lý một số cơ sở nhà đất chưa đảm bảo để đề xuất phương án sắp xếp; chưa bố trí kinh phí đo đạc, kiểm kê, đánh giá tài sản. Các tài sản này cũng không dễ bán và chuyển nhượng do chủ yếu nằm ở khối, xóm, bản nên lợi thế so sánh về địa tô thấp.

Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập ảnh 9

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý kết luận phiên giải trình. Ảnh: Thành Duy

Trên cơ sở phân tích những nguyên nhân chủ quan, khách quan, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đề nghị ngay sau phiên giải trình, lãnh đạo UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo xử lý rốt ráo vấn đề này thông qua ban hành kế hoạch, phương án; xây dựng tiến độ, phân công trách nhiệm cụ thể; gắn với trách nhiệm người đứng đầu và thi đua, khen thưởng.

Cùng với đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo rà soát lại quy hoạch đất đai, gắn liền với các thiết chế văn hóa ở khối, xóm, bản để sử dụng những tài sản này một cách phù hợp, hiệu quả, có tầm nhìn lâu dài. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gợi mở hướng xử lý là cần quy hoạch, xây dựng những nhà văn hóa khối, xóm, bản thuộc diện sắp xếp thành điểm sinh văn hóa, thể thao phục vụ cho nhân dân thông qua kêu gọi nhân dân chung tay, góp sức để thay đổi công năng sử dụng.

Mặt khác, các địa phương, các ngành liên quan cần thống kê, rà soát lại các trụ sở của cơ quan Nhà nước đóng trên địa bàn do cấp trên quản lý để có phương án xử lý đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, vì đây là những trụ sở có vị trí đắc địa.

Để công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng lưu ý cần phải sắp xếp, bố trí kinh phí cho các địa phương để phục vụ trích đo tại những cơ sở hồ sơ chưa đầy đủ; đồng thời cần ứng dụng phần mềm quản lý đồng bộ và có thống kê, cập nhật thường xuyên.

Nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng, được cử tri và Nhân dân rất quan tâm và đó cũng là lý do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình này, vì vậy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An yêu cầu, cần phải triển khai ngay các giải pháp một cách quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, qua đó, đến hết năm 2022 hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp làm cơ sở để thực hiện nhằm tránh lãng phí đất đai. Trong phiên giải trình cuối năm nay, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiếp tục nghe kết quả thực hiện về vấn đề này.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây