Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì lễ thông xe tại điểm cầu Bình Thuận.
Cùng tham dự tại các điểm cầu còn có đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng đại diện lãnh đạo của các bộ, ban ngành trung ương và địa phương.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, hai đoạn tuyến cao tốc được khánh thành và thông xe ngày hôm nay sẽ nối Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền Trung. Dự án đưa vào khai thác càng ý nghĩa hơn khi nhu cầu đi lại du lịch của người dân tăng cao, đồng thời cũng là trước yêu cầu phát triển đất nước.
Nhấn mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong các đột phá của nước ta, những năm qua, Đảng và Nhà nước dành nguồn lực lớn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và là nguồn lực quan trọng của từng vùng. Các công trình đường cao tốc, cảng biển, hàng không đang được tích cực xây dựng, tạo diện mạo mới, giúp liên kết giữa các vùng miền, mở ra không gian đô thị phát triển mới, giảm thiểu chi phí logitics…
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành một nguồn lực lớn đầu tư cao tốc để đến năm 2025 có 3.000km đường bộ cao tốc và 5.000km vào năm 2030. Từ năm 2000-2020, nước ta chỉ tổ chức làm trên dưới 1.000km cao tốc. Tuy nhiên, từ nay đến 2025 có thêm 2.000km cao tốc, như vậy trong 5 năm tới sẽ làm đường bộ cao tốc bằng 2 lần của 20 năm trước.
Cho rằng hành lang kinh tế vận tải Bắc-Nam là xương sống, mang tính quyết định, tạo động lực đột phá giữa các địa phương, Thủ tướng cho biết sau khi đưa 2 dự án này vào thông xe, tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông hiện nay đã đưa vào khai thác khoảng 800/2.063km. Tháng 5 này sẽ tiếp tục đưa dự án cao tốc Phan Thiết-Vĩnh Hảo và Nha Trang-Cam Lâm có chiều dài 150km vào sử dụng. Như vậy, tính đến tháng 5/2023 có khoảng 950km đường cao tốc theo trục Bắc-Nam (chiếm 47-48%) so với kế hoạch đề ra đến năm 2025.
Đối với dự án cao tốc Bắc-Nam, Thủ tướng cũng thừa nhận công trình gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, dịch COVID-19, biến động giá vật liệu, thiếu hụt nguồn vật liệu, thời tiết diễn biến thất thường, gây khó khăn cho nhà thầu thi công và tiến độ của dự án. Khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Đánh giá cao sự vào cuộc của các nhà thầu, Ban quản lý dự án khi đã huy động đủ máy móc nhân công, “vượt nắng, thắng mưa”, Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc chủ động của các bộ, ngành nhanh chóng giải quyết các vấn đề liên quan, nỗ lực của các cấp chính quyền, giải phóng mặt bằng tái định cư, giải quyết thiếu hụt vật liệu…
Lưu ý các dự án cao tốc cần phối hợp hài hòa, chia sẻ rủi ro, đảm bảo lợi ích giữa nhà thầu, Nhà nước và người dân, Thủ tướng cho rằng, các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 không chia nhỏ các gói thầu; các tiêu chuẩn tiêu chí lựa chọn nhà thầu có uy tín kinh nghiệm, đảm bảo thi công tiết kiệm, an toàn lao động, không đùn đẩy né tránh, chịu trách nhiệm, nghiêm túc rút kinh nghiệm làm bài học cho các dự án tiếp theo…
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 652,86 km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công).
Tính đến cuối tháng 4/2023, Dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15,2 km) và Cam Lộ - La Sơn (98,3 km) đã đưa vào khai thác. Các Dự án thành phần Mai Sơn - QL45 dài 63,37km (đã hoàn thành 53,67km, còn khoảng hơn 9km và các hạng mục còn lại sẽ được hoàn thành trước 30/6/2023) và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km chính thức đưa vào khai thác ngày 29/4/2023. Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km) và Dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm (dự án PPP, dài 49,1 km) dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2023.
Các đoạn tuyến khác đã được Bộ GTVT đang chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành đưa vào khai thác như: Dự án thành phần QL45 - Nghi Sơn (dài 43,28 km), Dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu (dài 50 km) và Dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu (dài 6,01 km) dự kiến hoàn thành quý III và IV năm 2023. Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (dự án PPP, dài 49,3 km) và Dự án đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (dự án PPP, dài 78,5 km) sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Đối với Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45: Dự án có chiều dài tuyến khoảng 63,37 km đi qua các tỉnh Ninh Bình (chiều dài khoảng 14,35 km), tỉnh Thanh Hóa (chiều dài khoảng 49,02 km). Cụ thể, Dự án đi qua địa phận các huyện Yên Mô, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp của tỉnh Ninh Bình và các huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, thành phố Thanh Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống của tỉnh Thanh Hóa.
Tổng mức đầu tư dự án: 12.111 tỷ đồng. Chủ đầu tư Bộ GTVT; Ban QLDA Thăng Long được giao là đại diện chủ đầu tư. Dự án được khởi công tháng 9/2020, đến nay đã cơ bản hoàn thành và được Bộ GTVT tổ chức khánh thành đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 29/4/2023 đối với đoạn tuyến từ đầu Dự án đến Km327+780 (hết nút giao Đông Xuân) với chiều dài 53,67 km; đối với đoạn tuyến từ sau nút giao Đông Xuân đến cuối Dự án hiện nay chưa có điểm kết nối (thông qua nút giao Vạn Thiện thuộc Dự án thành phần ĐTXD đoạn QL45 - Nghi Sơn) nên sẽ được đưa vào khai thác đồng bộ khi đoạn tuyến cao tốc từ QL45 - Nghi Sơn hoàn thành (dự kiến trong tháng 8/2023).
Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ rút ngắn hành trình di chuyển, đẩy nhanh thời gian kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị từ Hà Nội với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, cũng như từ Bắc vào Nam; tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến. Bên cạnh đó, việc hoàn thành đưa vào khai thác dự án sẽ khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên QL1A đoạn qua các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá.
Đối với Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài tuyến khoảng 99 km đi qua các tỉnh: Bình Thuận (chiều dài khoảng 47,5km) và tỉnh Đồng Nai (chiều dài khoảng 51,5km). Chiều dài đoạn tuyến nối từ cao tốc đến QL1A khoảng 2,6km. Dự án có điểm đầu: Nằm trên tuyến đường từ QL1A đi Mỹ Thạnh (cách QL1A khoảng 2,6km), tỉnh Bình Thuận (điểm cuối dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); điểm cuối: Kết nối với tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại khoảng Km43+125 (theo lý trình dự án đường cao tốc TP.HCM- Long Thành - Dầu Giây) thuộc xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Dự án đi qua địa phận các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân của tỉnh Bình Thuận và các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, thị xã Long Khánh của tỉnh Đồng Nai. Tổng mức đầu tư là 12.577,5 tỷ đồng. Chủ đầu tư: Bộ GTVT; Ban QLDA Thăng Long được giao là đại diện chủ đầu tư.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP Hồ Chí Minh đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên QL1A. Giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung bộ; cũng như từ Bắc vào Nam. Dự án còn góp phần tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.