Thứ bảy, 07/09/2024, 20:47

Cầu Truyền hình Nghệ An – Huế: Khởi nguồn hoài bão cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc

(Hoinhabaonghean.vn) - Sự nghiệp cách mạng và cuộc đời vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu đã trở thành di sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, mỗi năm đến sinh nhật Người, nhân dân cả nước nói chung và Đảng bộ chính quyền, nhân dân Nghệ An nói riêng lại có các hoạt động ý nghĩa để tưởng nhớ, tri ân vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Với mong muốn tái hiện lại một giai đoạn lịch sử gắn liền với sự ra đời và tuổi thơ của một nhân vật lịch sử - Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, ý tưởng thực hiện Cầu truyền hình Nghệ An - Huế đã được Ban Biên tập Đài PT-TH Nghệ An thảo luận kỹ lưỡng và quyết định ngay trong cuộc họp đầu năm. Sau khi có sự kết nối giữa Ban Biên tập hai Đài và được sự đồng ý về chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, UBND hai tỉnh Nghệ An - Thừa Thiên Huế, Đài PT-TH Nghệ An và Đài PT-TH Thừa Thiên Huế đã quyết định triển khai thực hiện Cầu truyền hình Nghệ An - Huế với tựa đề “Làng Sen nuôi chí lớn”, nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024). Chương trình lên sóng đúng vào ngày 8/5/2024 và được truyền hình trực tiếp trên sóng NTV, TRT và 45 Đài PT-TH địa phương trong cả nước, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả 2 tỉnh Nghệ An - Huế và nhân dân ở khắp mọi miền quê của Tổ quốc.

                                                                             
6
Các đại biểu dự chương trình tại điểm cầu Nghệ An

Không phải hào quang rực rỡ của sân khấu dàn dựng quy mô, mà là một không gian đúng và phù hợp với phong cách bình dị, những năm tháng lặng thầm, đời thường của Người thời niên thiếu ở Nam Đàn và Thành phố Huế có phụ mẫu, anh chị em của Người. Vì thế sân khấu thực cảnh đã được tái hiện tại 2 điểm cầu: Mái nhà tranh đơn sơ ở làng Hoàng Trù xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi Ngườ cất tiếng khóc chào đời vào 134 năm về trước và Trường THPT chuyên Quốc học Huế, Thành phố Huế, nới gắn liền với thời niên thiếu và những ngày đầu tiếp nhận hệ tư tưởng cách mạng tiến bộ. 
 
7
Ca khúc Tiếng sáo diều tuổi thơ được biểu diễn tại đầu cầu Nghệ An

“Làng Sen nuối chí lớn” là Câu truyền hình Chính luận - Nghệ thuật. Đan xen giữa các phóng sự, dẫn chuyện của phóng viên, MC tại những nơi Bác đã cất tiếng khóc chào đời, sống, học tập thời thơ ấu và giao lưu trò chuyện với các nhà nghiên cứu lịch sử…là những ca khúc bất hủ, những hoạt cảnh nghệ thuật sinh động về Bác, về người mẹ Làng Sen ở 2 đầu cầu Nghệ An và Huế. Từ “Nếp nhà”, đến “Nỗi đau nước mất nhà tan” và cuối cùng là”Khởi nguồn chí lớn”, 3 phần của chương trình được liên kết chặt chẽ bằng hình ảnh, móc xích qua các luận cứ, nhận định lịch sử để đi đến vấn đề chủ đạo và cốt lõi đó là: ngọn nguồn tư tưởng cách mạng, những yếu tố tác động, hình thành nên hoài bão cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Để từ đây Người bắt đầu một hành trình vạn dặm đầy gian khổ để quyết định vận mệnh của cả dân tộc.
 
1.Tuổi thơ đau buồn
Trong hành trình vạn dặm của một cuộc đời cách mạng đi qua 79 mùa xuân, xuất phát từ Hoàng Trù, Chung Cự (nay là Kim Liên), Nam Đàn, Nghệ An và kết thúc là Ba Đình lịch sử, có thể nói đoạn đường ngắn nhất nhưng cũng là bi thương, đau khổ nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là từ Nghệ An đến Huế. Dù sau này Bác đi nhiều nơi, mỗi địa danh Người dừng chân hay có những năm tháng gắn bó, hoạt động cách mạng đều có những dấu ấn lịch sử, nhưng Cầu truyền hình "Làng Sen nuôi chí lớn” chỉ dừng lại khai thác và tái hiện thời ấu thơ và niên thiếu của Người ở Nghệ An và Huế.
 
3
Sân khấu thực cảnh tái hiện thuở ấu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cùng với mái nhà lá đơn sơ ở Hoàng Trù(Nam Đàn – Nghệ An), nhà lưu niệm Dương Nỗ và ngôi nhà 112(nay là 158) Mai Thúc Loan – Huế, những vât dụng, nếp sinh hoạt của gia đình, những phân đoạn trò chuyện giữa MC và 2 nhà nghiên cứu lịch sử: TS Chu Đức Tính – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh và TS Nguyễn Thế Phúc – Trưởng khoa Lý luận chính trị, Đại học Khoa học Huế đã khắc họa đậm nét số phận một gia đình điển hình, một con người điển hình những năm đầu thế kỷ XX. Ở 2 phần này, khán giả được lắng mình trong những câu chuyện kể, những phân tích sâu sắc về nền tảng văn hóa, tư tưởng, hoàn cảnh gia đình, truyền thống dòng tộc quê hương hình thành nên nhân cách của Người và những lý giải vì sao ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan quyết định đưa 2 con vào Huế sinh sống.  Cất tiếng khóc chào đời ở làng Hoàng Trù, sau đó Nguyễn Sinh Cung theo cha mẹ vào Huế sinh sống, rồi lại trở về Làng Sen và vào Huế lần nữa, một đoạn đường, một quãng đời đưa thoi lận đận cùng nỗi gian truân, tần tảo của mẹ và sự nhọc nhằn vất vả của cha. Tha phương, nếm trải cuộc sống thiếu thốn chẳng là gì cho đến khi chịu đựng nỗi đau mất mẹ trong tiếng khóc khát sữa của em, Nguyễn Sinh Cung dù còn nhỏ nhưng đã thấm thía hết nỗi cơ cực của người dân nô lệ.

“Nếp nhà” – truyền thống yêu nước của gia đình, dòng họ và quê hương và “Nỗi đau nước mất nhà tan” – những vết thương lòng, những kí ức đau buồn tuổi niên thiếu chính là những tác nhân có ảnh hưởng quan trọng, góp phần quyết định đến chí hướng cách mạng của Người sau này.

2.
Khởi nguồn chí lớn
Từ nỗi đau nước mất nhà tan, sự tủi nhục, lầm than của người dân nô lệ, cùng những ảnh hưởng của gia đạo, gia phong, truyền thống cách mạng của quê hương Nghệ An, chí lớn của Nguyễn Tất Thành được khởi nguồn từ quãng thời gian trở lại Làng Sen và vào Huế lần thứ 2 để học tập tại trường Đông Ba và Trường Quốc học Huế. Phần 3 “Khởi nguồn chí lớn”, hoài bão cứu nước, cứu dân dần hình thành trong Nguyễn Tất Thành khi cậu được tiếp xúc với nhiều nhân sỹ yêu nước qua các cuộc đàm đạo của cha ở Làng Sen và các phong trào ở trường học Huế. Những trải nghiệm từ gia đình, xã hội thời niên thiếu cùng nhân sinh quan và thế giới quan hơn người chính là ngọn nguồn cho hành trình cứu nước ở tuổi 21 của Nguyễn Tất Thành.
 
5

Trong phần này, khán giả đã gặp lại TS Chu Đức Tính và Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoa – Hội khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời được thăm lại Làng Sen, Trường Quốc học Huế nơi Người sơ khai tiếp nhận hệ tư tưởng tiến bộ và cách mạng đầu tiên. Đây cũng là phân đoạn có những lý giải xác thực của các nhà nghiên cứu về việc Nguyễn Tất Thành vì sao không chọn sang Nhật theo phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, vì sao ông Nguyễn Sinh Sắc dù làm quan và chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng phong kiến nhưng lại không ủng hộ con đường cách mạng của các sỹ phu yêu nước lúc bấy giờ, mà quyết định cho 2 con vào học ở những ngôi trường cấp tiến là trường Pháp - Việt Đông Ba và Quốc học Huế?

Quãng thời gian Người sống ở quê nhà Nam Đàn và Huế tuy ngắn ngủi nhưng thực sự có ý nghĩa quan trọng, quyết định cuộc đời, số phận của Người và của cả dân tộc Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi nói về quãng thời gian này của Bác đã nhận định: “Những năm tháng đó là thời gian rất quan trọng đối với sự hình thành nên con người Nguyễn Ái Quốc  - Hồ Chí Minh, thời gian hình thành nên một con người lạ lùng, với những ý tưởng lạ lùng, đưa đến những thành tựu là lùng”
4
Tiến sĩ Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, trò chuyện trong chương trình tại điểm cầu Nghệ An.
 
Gắn bó sâu đậm là thế, nhiều kí ức đau buồn là thế nhưng vì bôn ba tìm đường cứu nước, sau này việc nước bồn bề, rồi đất nước hai miền chia cắt, nên cho đến khi trút hơi thở cuối cùng Người vẫn chưa một lần được trở lại thăm Huế, dù trong lòng luôn nặng nghĩa nặng tình và đau đáu nhớ thương.
Xen kẽ những dòng chính luận chính là những giai điệu vừa hùng hồn, vừa trữ tình từ những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh và Huế ngọt ngào, sâu lắng như: Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Tiếng sáo diều tuổi thơ, Lời ru tuổi thơ, Bác Hồ có một chuyến đi, Người mẹ Làng sen; Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Câu hò nhớ Bác, Dấu chân phía trước và Người là niềm tin tất thắng. Cảm xúc của khán giả trong cả nước thực sự vở òa khi xem hoạt cảnh dân ca Nghệ Tĩnh ”Lời ru cuối cùng của mẹ” tái hiện lại những giây phút đau thương bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Người, day dứt, bất an khi vắng chồng, để lại 2 con thơ mà lìa xa cõi đời, do NSND Hồng Lựu và nghệ sỹ nhỏ tuổi Công Minh biểu diễn.

                                                                                                 
8
 E-kip sản xuất chương trình của NTV

Cầu Truyền hình Nghệ An – Huế ”Làng Sen nuôi chí lớn” là tình cảm thành kính của những người làm Phát thanh – Truyền hình hai tỉnh Nghệ An – Thừa Thiên Huế giành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhân ngày sinh lần thứ 134 của Người. Những hình ảnh sinh động chân thực qua sân khấu thực cảnh, những câu chuyện kể về thời niên thiếu của Người và cả những ca khúc bất hủ, hoạt cảnh xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về người mẹ Làng Sen gói trọn trong 105 phút của chương trình chỉ là những lát cắt trong thiên sử thi - cuộc đời bình dị, sinh động và vĩ đại của Người, nhưng đã mang đến cho khán giả 2 đầu cầu Nghệ An – Huế và nhân dân cả nước những cảm xúc đặc biệt.    

Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây