Thứ hai, 16/09/2024, 15:21

Kỳ Sơn làm theo lời Bác

(hoinhabaonghean.vn) - Chuyến công tác lên huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn-Nghệ An năm ấy, chúng tôi cùng nhau đi đến các xã Tây Sơn, Huồi Tụ, Mường Lống…để tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nhất là việc từng bước khôi phục, trồng rừng pơ-mu, sa-mu của bà con người Mông, người Khơ-mú, người Thái…trên địa bàn.
pơ mu
Rừng pơ-mu ở Kỳ Sơn
 
Dẫn đường, giới thiệu từng nơi chốn, từng con người, từng sự việc giúp chúng tôi là một cán bộ trẻ người Mông, anh Lầu Bá Chò - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy. Khi xong xuôi công việc, bắt tay cám ơn, hẹn gặp lại nhau rối rít, cả đoàn mới “ngã ngửa” ra rằng, Lầu Bá Chò là cháu ngoại của một người Mông nổi tiếng không chỉ ở Kỳ Sơn-Nghệ An mà trong cộng đồng người Mông và đồng bào miền núi vùng cao cả nước. Đó là ông Vừ Chông Pao - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người được Đảng và Nhà nước tin cậy giao nhiều trọng trách lớn  trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở miền biên viễn Kỳ Sơn.

Kỳ Sơn nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng-an ninh, riêng đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào có chiều dài hơn 203km, địa hình rừng núi chiếm tới 95,4% diện tích tự nhiên của toàn huyện. Trên địa bàn có 23 tộc người, trong đó có 5 dân tộc anh em chủ yếu cùng sinh sống: Mông, Khơ-mú, Thái, Kinh, Hoa… Nỗi lo vùng biên giới ở đây không chỉ từ địa hình xa xôi, hiểm trở, kinh tế- xã hội nghèo nàn, lạc hậu gây ra vô vàn khó khăn, phức tạp, mà còn đến từ sự chống phá của các thế lực xấu bên ngoài “móc nối” với những người địa phương vốn nhẹ dạ, cả tin để  gây chia rẽ, phá hoại, kể cả sau khi nước nhà độc lập và dựng xây chế độ mới.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng và Nhà nước ta luôn giành sự quan tâm sâu sắc đến vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa như Kỳ Sơn. Nhân dân các dân tộc nơi đây, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, các cán bộ, đảng viên đã luôn một lòng theo Đảng, Bác Hồ, đoàn kết bên nhau, đi theo cách mạng để từng bước ổn định cuộc sống mới. Các thế hệ cán bộ, đảng viên và người dân ở Kỳ Sơn gần như “thuộc lòng” câu chuyện chống phỉ Châu Phà (Vua Trời) hồi đầu những năm 60 thế kỷ XX, do ông Vừ Chông Pao - Già bản người Mông, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là người đi đầu và tổ chức thực hiện thắng lợi mà sách vở còn ghi chi tiết cho con cháu học tập và làm theo.

…Chuyện rằng, trước tình hình phỉ nổi loạn, quân dân Kỳ Sơn triển khai nhiều phương án tấn công xóa bỏ nhưng không sao nhổ được tận gốc. Đang lúng túng trước thực tế phức tạp thì các ông Vừ Chông Pao và Vừ Dông Xênh được Trung ương Đảng và Chính phủ mời ra Hà Nội dự kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1963 và thật bất ngờ được Bác Hồ gặp gỡ, rồi hỏi thẳng câu chuyện. Ông Pao thưa với Bác “Vụ nổi loạn Châu Phà ở Kỳ Sơn, người Mông đi theo nhiều nhất, người Khơ Mú đi một số, người Thái, người Kinh không đi… Bất lợi là càng giáo dục thì càng đi nhiều, thật sự thành địch, đi cầm súng bắn lại bộ đội, bắn lại đồng bào. Mình bắt được thì xử tử hình, có súng thì xử tội 3 năm, đi theo địch nếu bắt được thì xử 3-6 tháng tù giam…”.
Nghe xong, Bác nói ngay: “Không được, không được các chú ơi! Theo Bác, chúng ta phải xác định kẻ thù chính của ta là ai, bạn của ta là ai? Theo Bác, 54 dân tộc này là bạn của ta, ta không nên đẩy bạn trở thành địch. Nếu các chú làm vậy thì đánh địch suốt đời không hết! Ta nên ra kêu gọi đồng bào về theo cách mạng. Phải cảm hóa họ, giáo dục họ, đoàn kết họ… Các chú về mở hội nghị tại huyện, mời tất cả các già làng có uy tín để truyền đạt lời của Bác…”

Ngay sau đó, một hội nghị tại khu tản cư của cơ quan chính quyền huyện ở bản Xốp Nhị đã diễn ra trong 3 ngày với đại biểu là tất cả các “đầu dòng”, “đầu họ” và những gia đình có con em theo phỉ. Hội nghị quán triệt chủ trương, chính sách khoan hồng của Đảng và Chính phủ, có phương pháp tìm chọn những đối tượng để kêu gọi mang súng trở về với nhân dân. Cùng lúc, Ban chỉ đạo chống phỉ, dẹp loạn của huyện được thành lập, các tổ đội lần lượt tỏa xuống các bản làng để tuyên truyền, vận động, tập trung vào các gia đình có người thân theo phỉ Châu Phà. Ông Pao trực tiếp đi tận Mường Lống vận động và thu được kết quả tích cực. Sau mấy tháng, lần lượt 58 người quay súng trở về với dân bản. Đến tháng 7/1964, thổ phỉ Châu Phà cơ bản bị xóa sổ!

Từ đó, đồng bào các dân tộc ở Kỳ Sơn được sống yên ổn, hòa đồng, cùng nhau vượt khó, đi lên, xây dựng cuộc sống mới như ngày hôm nay. Trong vô vàn điều mới, cái mới mà bà con Kỳ Sơn làm được, có việc bảo ban nhau tự giác, tự  nguyện trồng mới, trồng lại, chăm sóc, bảo vệ các cánh rừng pơ-mu, sa-mu ở Tây Sơn, ở Huồi Tụ…mà đoàn chúng tôi vừa đến thăm, tìm hiểu cụ thể.

Pơ-mu, sa-mu là các loại cây gỗ quý hiếm, có tuổi đời hàng trăm năm chỉ sống và phát triển trên vùng núi cao hàng nghìn mét so với mặt biển. Gỗ pơ-mu, sa-mu có thể dùng làm nhà, lợp mái, càng lâu càng bền trong mưa nắng, mù sương biên viễn. Hình ảnh cây pơ-mu, sa-mu trăm tuổi trên các cánh rừng Kỳ Sơn luôn song hành cùng hình ảnh những già làng, trưởng bản gương mẫu, đi đầu, tiêu biểu là ông Vừ Chông Pao trong câu chuyện chống phỉ Châu Phà và trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở Kỳ Sơn nói riêng và vùng miền núi rẻo cao phía Tây Nghệ An nói chung. Các cánh rừng trồng mới pơ-mu, sa-mu ở Kỳ Sơn đang ngày một xanh tốt và mở rộng. Các thế hệ con cháu ông Vừ Chông Pao, trong đó có cháu ngoại Lầu Bá Chò đang tích cực học tập trau dồi, mở mang kiến thức mọi mặt, giữ gìn và phát huy bản sắc các dân tộc vùng cao để cùng nhau đoàn kết, tự tin thực hiện nhiệm vụ được giao. Đó chính là cách tốt nhất để thực hiện lời Đảng, lời Bác Hồ dạy năm nào với Kỳ Sơn, trong điều kiện, hoàn cảnh, thời cơ và vận hội mới./.
 
Bùi Sỹ Hoa
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây