Thứ năm, 21/11/2024, 18:40

Cho mượn sách giáo khoa: Cách làm cũ vẫn hay

Nhiều năm về trước, khi việc sắm một bộ sách mới cho con mỗi năm là nỗi vất vả với nhiều gia đình, chuyện học bằng những quyển sách mượn là một phần ký ức đáng nhớ của thời áo trắng.
 
Cho mượn sách giáo khoa: Cách làm cũ vẫn hay - Ảnh 1.

Học sinh lớp 2 Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) trong giờ học môn tự nhiên xã hội với sách giáo khoa mới - Ảnh: NHƯ HÙNG
 

Chiều 5-8, tại cuộc làm việc với TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã bày tỏ mong muốn Hà Nội và TP.HCM có thể thí điểm mua sách giáo khoa để học sinh mượn từ thư viện đầu năm. và trả lại vào cuối năm học. Sách cũng sẽ được "chuyền tay" qua nhiều thế hệ học sinh...

Nỗi lo mùa tựu trường

Hơn 25 năm công tác trong thư viện Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Đạ Tẻh, Lâm Đồng), thầy Đỗ Đại Thắng nhớ hoài những năm học cuối thập niên 1990. Lúc ấy, vùng Đạ Tẻh còn hoang vu, người dân, nhất là đồng bào dân tộc, còn phải chạy từng bữa cơm, lo cái ăn cái mặc. Hầu hết nhà nào cũng đẻ nhiều con, ít thì ba bốn đứa, nhiều thì bảy tám. 

Vậy nên mỗi đợt tựu trường, trong khi trẻ nhỏ đứa nào cũng náo nức thì ba mẹ lại lo lắng đủ đường từ chuyện tiền học, quần áo đến cả sách vở.

"Hồi đó đông con, sắm mỗi đứa một bộ sách gần như không thể. Thậm chí chỉ mua một bộ sách mới cho một trong những đứa con thôi cũng cần tính toán rất nhiều. Trường tôi lúc ấy được phân bổ sách cho vùng khó khăn. Giáo viên chủ nhiệm nắm tình hình của lớp, sau đó thống kê lại rồi báo cáo cho thư viện. Trên danh sách này, chúng tôi sẽ phân bổ sách sao cho phù hợp" - ông Thắng kể.

Nhưng không thể đủ nhu cầu. Thầy Thắng nhớ lại nhiều lúc mỗi lớp có 30 em - tức gần hết cả lớp - cần sách nhưng mỗi lớp cũng chỉ được cho mượn được 15 bộ. Thế là giáo viên sẽ phải linh hoạt "xoay tua" cho các em. Mỗi em có thể mượn về nhà trong các ngày xen kẽ. "Đó là một thời để nhớ về chuyện học, chuyện sách vở thời khó. Nhưng qua mỗi năm, kinh tế càng khá giả, số gia đình mượn sách ít dần và giờ thì hầu hết gia đình đều chuộng cho sắm sách riêng" - thầy Thắng nói.

Trong khi đó, cô T.H. kể rằng khoảng 10 năm trước khi cô còn công tác tại Trường tiểu học T. - ngôi trường có nhiều học sinh người dân tộc Khmer, cô thấu hiểu rõ hoàn cảnh gia đình của các em ở nơi đây. "Thời điểm đó, được đến trường đã là một sự nỗ lực lớn của gia đình, còn có sách và đồ dùng học tập đầy đủ là ước mơ xa xỉ" - cô H. nhớ lại.

Rất nhiều em muốn mượn sách giáo khoa ở thư viện. Tuy nhiên, do nằm ở một khu vực xa xôi, điều kiện thiếu thốn, thư viện cũng không có đủ cả bộ sách để cho tất cả các em. 

Vậy nên, dù mỗi dịp đầu năm nhiều phụ huynh, học sinh tất tả đến hỏi thăm chuyện sách vở, trường cũng chỉ có thể cho mỗi em mượn 1-2 quyển nào mà các em cảm thấy cần thiết nhất chứ không thể mượn cả bộ.

Nhiều học sinh vẫn có nhu cầu mượn sách

Hiện cô H. đã chuyển công tác về Trường tiểu học H.D., nơi có điều kiện tốt hơn trước. Dù vậy, cô cho rằng đâu đó vẫn còn không ít học sinh mong được nhà trường hỗ trợ cho mượn sách giáo khoa. Thương các em, giáo viên ở trường sẽ xem xét trong lớp có bao nhiêu học sinh muốn được mượn sách giáo khoa rồi báo lại số lượng với giáo viên chủ nhiệm ở lớp cấp trên. Thầy cô sẽ vận động học sinh gửi lại sách đã học để chia sẻ với các em khóa dưới.

Cô tâm sự: "Chúng tôi xin sách, rồi đôi lúc thì tự bỏ thêm tiền túi. Gần 30 năm làm nghề giáo, lại là giáo viên tiểu học - lứa tuổi mà các em rất cần được quan tâm chăm sóc và cần sớm nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, tôi hiểu và thương các em nhưng cũng không thể giúp được tất cả nên đôi lúc cũng thấy rất chạnh lòng".

Cô Lê Thị Hương - làm thủ thư tại Trường THCS Tùng Thiện Vương (quận 8, TP.HCM) - cho biết hiện tại dù mức sống của TP đã khá giả, việc có được một bộ sách mới nằm trong tầm tay, nhưng với một số gia đình đặc biệt lại là vấn đề không nhỏ. Mỗi năm trường đều vận động một số học sinh có điều kiện có thể để lại sách cho các bạn năm sau.

"Cách đây mấy năm, có một bà ngoại đã già dẫn cháu đến trường nhập học. Ba mẹ em ly hôn, em về ở với bà, hai bà cháu cùng nhau nương tựa. Hôm đó vào nhập học, bà mới bày tỏ nỗi niềm rằng mấy nay chắt bóp nhưng không có đủ tiền mua sách cho cháu. Trường lập tức cho cháu mượn một bộ sách giáo khoa riêng, còn quyên góp thêm một số dụng cụ học tập cho em", cô Hương nói.

1xxxx 3(Read-Only)

Một tiết đọc sách trong thư viện tại TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN

12 năm đến trường bằng sách mượn
Tôi đến trường suốt 12 năm phổ thông bằng những bộ sách giáo khoa đi mượn. Gần tới ngày khai giảng, mẹ tôi sang nhà bác xin bộ sách của chị về cho tôi học, còn bộ sách tôi vừa dùng xong lại được chuyển cho một đứa em họ khác. Mấy chị em trong dòng họ cứ thay nhau học cho đến khi đứa cuối cùng học xong thì chắc cũng được 6-7 lần.

Lúc ấy dù còn bé, chúng tôi đã được dạy giữ sách rất cẩn thận để năm sau các em còn dùng. Tôi không bao giờ viết vào sách, nếu có chỉ viết bút chì để dễ xóa đi. Không bôi mực, vẽ râu vào các ông người trong sách. Không làm quăn mép sách. Chúng tôi tự bọc sách bằng những tờ báo Nhân Dân cũ, rồi dán nhãn ghi tên. Cứ mỗi năm học sau, sách lại được khoác lên mình tấm áo mới, trông cũng tươm tất.

Trong 12 năm ấy, có hai năm lớp 4 và lớp 5 tôi được mượn sách của nhà trường. Đó cũng là hai năm duy nhất tôi được học sách mới. Dĩ nhiên khi tôi trả lại cho cô giáo vào cuối năm học, nó cũng chỉ cũ đi một tí. Tôi còn kẹp vào cuốn sách đầu tiên một tấm thiệp chúc bạn học sau sẽ gặp nhiều may mắn.

Tôi biết ơn những người đã cho chị em tôi mượn sách. Những bộ sách mượn đã đi cùng tôi suốt tuổi ấu thơ, cho tôi cơ hội đến trường và nuôi dưỡng trong tôi lòng yêu sách vở cho đến ngày nay.

MAI THỊ HOA (cựu học sinh Trường THPT Hà Trung, Thanh Hóa)

Không bắt buộc mỗi học sinh cần sách riêng

Nguyễn Thiên Phúc - hiện đang là sinh viên tại Calvin University (Mỹ) - chia sẻ kể: "Mình học cấp III ở Việt Nam được 1 học kỳ thì bay sang Mỹ để tiếp tục việc học. Lúc mới chuyển vào trường mới, mình khá bất ngờ vì các bạn ở đây đều không phải tự mua sách giáo khoa, về sau thì mình mới biết không chỉ trường mà các trường khác cũng vậy".

Phúc cho biết ở Trường The Potter's House, trường cấp III nơi Phúc từng theo học, học sinh có thể thoải mái đến thư viện trường để mượn sách giáo khoa. Nếu không đủ sách vẫn có thể làm bài chung với bạn cùng lớp chứ không bắt buộc mỗi học sinh đều cần có sách riêng.

"Cuối năm học sinh sẽ trả lại sách cho thư viện, theo mình quan sát thì trường hợp mất sách cũng rất hiếm khi xảy ra, giáo viên và học sinh đều rất tin tưởng lẫn nhau và tôn trọng tài sản chung của nhà trường" - Phúc cho biết thêm.

Anh chị em "chuyền tay" nhau bộ sách

Cô Nguyễn Thị Bốn - thủ thư tại thư viện Trường THPT Xuân Lộc (Đồng Nai) - cho biết hiện trường vẫn còn nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn học tập. Dù nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường nhưng vẫn có một số gia đình mà anh, chị, em trong nhà phải lần lượt chuyền tay nhau một bộ sách giáo khoa để học.

Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ dữ dội, rất nhiều học sinh không thể mua được sách giáo khoa để học. Cô Bốn cho biết lý do chủ yếu là do địa phương phong tỏa theo chỉ thị 16, các hiệu sách đóng cửa cũng không thể mua hàng trực tuyến. Phần khác là do gia cảnh của các em khó khăn, lại thêm đại dịch hoành hành nên không thể gồng gánh thêm chi phí mua sách giáo khoa.

"Lúc ấy, thư viện liên hệ với giáo viên chủ nhiệm các lớp nhờ thống kê danh sách nhu cầu của học sinh. Rồi chúng tôi đóng gói sách giáo khoa, giao về các lớp cụ thể để phân phát cho các em. Nhờ vậy mà việc học tập trong mùa dịch của các em phần nào dễ dàng hơn", cô Bốn chia sẻ.

Theo Tuổi trẻ Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây