Thứ sáu, 22/11/2024, 04:51

ĐBQH vẫn còn băn khoăn với đề xuất nồng độ cồn bằng “0”

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 24/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, nội dung cấm tuyệt đối lái xe khi trong cơ thể có nồng độ cồn, quy định tỷ lệ nồng độ cồn bằng “0” nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.

 

Các đại biểu chia thành 2 luồng ý kiến, cho rằng nên cấm tuyệt đối theo tờ trình của Chính phủ và một số khác lại nêu quan điểm uống rượu bia vượt ngưỡng cho phép thì mới cấm, mới phạt.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, quy định người tham gia giao thông, đặc biệt, tài xế lái xe không được sử dụng rượu bia là vấn đề rất nhiều đại biểu quan tâm. Đồng thời, cử tri và người dân rất đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, với mức đo nồng độ cồn bằng “0”, đại biểu cho biết sẽ phản biện về nội dung này. Theo đó, nên chấp nhận hơi thở có nồng độ cồn nhưng phải nằm trong giới hạn nhất định theo quy định của pháp luật.

 

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)

Ông Hòa lý giải, hiện nay, có rất nhiều trường hợp trong món ăn có sử dụng một chút rượu bia để chế biến: “Trường hợp này, khi ăn xong mà bị đo nồng độ cồn và bị xử phạt thì không đảm bảo. Đây là một bất cập. Thêm nữa, có những trường hợp có uống ít rượu bia nhưng nghỉ cách mấy giờ đồng hồ. Thậm chí, uống từ buổi buổi chiều ngày hôm nay, về nghỉ ngơi, ngủ đến sáng mai đi, thì tôi chắc rằng khi đo nồng độ cồn những trường hợp này trong hơi thở vẫn còn hơi men”.

 

Đại biểu đoàn Đồng Tháp một lần nữa khẳng định: “Quy định không được uống rượu, bia là đúng nhưng phải có quy định rành mạch rõ ràng, cụ thể trong hơi thở của người tài xế lái xe cho phép tỷ lệ nồng độ cồn là bao nhiêu? Như vậy sẽ đảm bảo”. 

Đồng thời, đại biểu cho rằng, cần phải có sự đánh giá thật sự khách quan về vấn đề này, trong đó lưu ý đến văn hóa vùng nông thôn, dân tộc, các dịp lễ Tết…: “Đặc biệt, ở vùng nông thôn, người đồng bào dân tộc và lễ nghĩa, Tết nhất... mọi dịp đều có rượu, bia”.

Trả lời cụ thể về việc “nới” tỷ lệ nồng độ cồn nhất định thì có lo ngại sẽ dẫn đến uống quá chén, ông Hòa cho rằng, cần quy định nồng độ cồn trong hơi thở được tỷ lệ là bao nhiêu thay vì “nồng độ cồn bằng 0”. 

Cũng nêu ý kiến về nội dung này bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) bày tỏ lo ngại, với quy định trong dự thảo luật, người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, thì bất kỳ ai khi tham gia giao thông cũng có thể sẽ bị xử phạt ở mức thấp nhất. 

Đại biểu đề xuất thiết kế lại quy định theo hướng cụ thể mức nồng độ cồn, phải có mức “chặn dưới”:  “Chẳng hạn nồng độ cồn từ 1-50 phạt bao nhiêu, từ 50-100 thì phạt bao nhiêu… Nếu không, đôi khi không uống gì, thổi cũng lên nồng độ cồn bởi bản thân trong hệ thiêu hoá cũng sinh ra hơi, ra khí và có thể thổi là sẽ lên nồng độ”. 

Dbqh van con ban khoan voi de xuat nong do con bang 0 hinh anh 2
 Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) trao đổi bên hành lang Quốc hội

Bà Phong Lan cho rằng, quy định này cần có sự hợp lý, có lộ trình cụ thể để người dân dần hạn chế, tiến tới không sử dụng rượu bia trước khi lái xe.

“Chúng ta tuyên truyền để người dân bớt uống rượu chứ không phải để người dân tránh công an. Chúng ta phải giao quyền tự chủ cho người dân điều khiển ý thức của mình, chứ không phải là giao quyền tuyệt đối cho công an như thế này”, bà Phong Lan nhấn mạnh.

Trước đó, tham gia góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cũng băn khoăn về việc cấm tuyệt đối trong máu có nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Ông Hiệp khẳng định đồng tình, khi vừa uống rượu, bia mà tham gia giao thông thì phải phạt. Tuy nhiên, buổi tối người dân uống rượu, sáng hôm sau đi làm hay người ta đi uống buổi trưa, đến buổi tối đêm đi xe lại bị phạt vì trong máu vẫn còn nồng độ cồn bị phạt thì cũng băn khoăn.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây