Vào biên chế ở tuổi 45
Nhiều ngày nay, điện thoại của thầy Nguyễn Duy Trình (45 tuổi, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành), liên tục có tin nhắn chúc mừng từ các đồng nghiệp, các thế hệ học trò. Sau 20 năm phấn đấu, cuối cùng nam giáo viên dạy thể dục của Trường Tiểu học Hùng Thành cũng nhận được quyết định vào biên chế khi mà mái đầu đã điểm bạc.
Thầy giáo Trình là 1 trong 372 giáo viên hợp đồng ở huyện Yên Thành được nhận vào biên chế ngay trước ngày khai giảng năm học mới. “Thật sự rất vui. Chẳng biết nói gì hơn nữa”, thầy Trình xúc động nói trong ngày nhận quyết định.
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Thể dục Thể thao Đà Nẵng, thầy Trình về quê, xin dạy hợp đồng cho Trường Tiểu học Hùng Thành với mức lương 200 nghìn đồng/tháng. Bố là thương binh, mẹ lại thường xuyên bệnh tật, cuộc sống gia đình dựa chủ yếu dựa vào 5 sào ruộng kèm khoản trợ cấp của bố, cả nhà đặt nhiều hy vọng vào cậu con trai là thầy Trình được ăn học đàng hoàng, có công việc ổn định.
Nhưng từ lúc thầy Trình đi làm, cuộc sống không cải thiện là bao khi tiền lương hợp đồng hàng tháng quá ít ỏi, nhiều năm không được vào biên chế. Sau khi lập gia đình rồi lần lượt hai đứa con ra đời, vợ chồng thầy Trình càng thêm vất vả. Vợ thầy là giáo viên mầm non, sức khỏe yếu, nên không làm thêm được công việc gì. Trong khi đó, đồng lương của thầy gần 20 năm qua lên được mức 290 nghìn đồng, rồi 340 nghìn đồng và giờ được khoảng 2,6 triệu đồng mỗi tháng, chưa trừ bảo hiểm.
Trong suốt gần 20 năm đi dạy, thầy Trình vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo cho đến Chủ tịch UBND huyện… Thầy cũng là nhân vật nổi tiếng trên báo chí 3 năm trước, khi liều mình cứu một nam sinh đuối nước, sau đó được nhiều đơn vị tặng Bằng khen. Để phụ giúp gia đình, nhiều năm nay, nam giáo viên này phải làm nghề "thợ đụng". Tức là đụng gì làm nấy, ai thuê gì cũng làm. Những ngày không có tiết dạy, thầy Trình xin đi làm thợ hồ, có khi đi sửa điện. Những ngày hè, thầy còn mở lớp dạy bơi cho đám trẻ trong làng, để kiếm thêm thu nhập.
Tương tự thầy giáo Trình, thầy Phan Tất Tuấn (42 tuổi), cũng không giấu nổi xúc động khi được nhận vào biên chế sau thời gian dài phấn đấu. Thầy Tuấn có năng khiếu thể dục, thể thao. Dù dáng người nhỏ nhưng thầy chơi giỏi nhiều môn như bóng đá, bóng chuyền. Đam mê nghề giáo, Phan Tất Tuấn chọn Cao đẳng Sư phạm, khoa Giáo dục thể chất theo học. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp, thầy được huyện Yên Thành ký hợp đồng về dạy thể dục tại Trường Tiểu học Quang Thành.
Sau 20 năm đi dạy, mức lương của thầy Tuấn nhận về cũng chỉ vỏn vẹn 1,9 triệu đồng mỗi tháng. Vợ làm nhân viên tại trạm y tế xã, lương cũng chưa đến 5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, dù đã lập gia đình từ lâu, nhưng đến nay vợ chồng thầy Tuấn vẫn chưa thể cất ngôi nhà để ra ở riêng. Họ vẫn phải ở chung trong ngôi nhà chật hẹp của bố mẹ. Vì mức lương quá thấp, thầy cũng nhiều lần nghĩ đến việc làm thêm nghề khác để có tiền giúp theo đuổi ước mơ vào biên chế. Tuy nhiên, ở cái vùng quê nghèo này, để kiếm được việc làm phụ không phải dễ. Vì thế, cả gia đình phải trông chờ vào mẫu ruộng.
“Mới vào biên chế được ít ngày, chưa nhận tháng lương đầu tiên nên chưa biết mức thu nhập sẽ được tính như thế nào. Cũng rất háo hức, hy vọng sẽ cải thiện được thu nhập”, thầy Tuấn chia sẻ.
Hơn 2.000 giáo viên hợp đồng được vào biên chế
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Xuân Tĩnh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành cho biết, đợt này toàn huyện có 372 giáo viên hợp đồng được vào biên chế, trong đó có nhiều giáo viên hợp đồng trên dưới 20 năm như thầy Trình, thầy Tuấn. “Hôm nhận quyết định, ai nấy đều phấn khởi. Chúng tôi cũng mừng thay cho họ, rất xứng đáng!”, ông Tĩnh nói.
Cũng theo ông Tĩnh, trong số 372 người này, có hơn 200 người là giáo viên mầm non hợp đồng diện 06 và 09. “Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Thành chỉ còn 1 người là giáo viên hợp đồng diện này chưa được xét vào biên chế vì bằng cấp không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, suất biên chế này vẫn để dành đó, cho họ thời gian để đi học bổ sung rồi xét tuyển vào sau với quan điểm là toàn bộ giáo viên hợp đồng dạng này phải được vào biên chế”, thầy Tĩnh nói và cho hay, trên địa bàn huyện hiện không còn nhiều giáo viên hợp đồng, trong đó chủ yếu là giáo viên ký hợp đồng với trường, đóng bảo hiểm từ năm 2015 tới nay.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Nội vụ, từ ngày 11/7/2023 đến 30/8/2023, ngành Giáo dục cấp huyện đã tuyển dụng được 1.540 người vào biên chế. Còn trong giai đoạn từ tháng 10/2022 đến ngày 11/7/2023, con số này là 812 người. Ngày 30/8/2023 chính là thời hạn mà UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các huyện, thành, thị phải hoàn thành việc tuyển dụng. Tuy nhiên, sau thời hạn này, vẫn còn 4 địa phương đang tiến hành quy trình tuyển dụng với 383 chỉ tiêu.
Cụ thể, thành phố Vinh đã phê duyệt kết quả trúng tuyển và đang hoàn thiện hồ sơ cá nhân để ban hành quyết định tuyển dụng 183 người, huyện Kỳ Sơn 77 người, huyện Tân Kỳ 119 người. Còn huyện Tương Dương thì mới chỉ phê duyệt danh sách thí sinh đủ điều kiện dự tuyển vòng 2 và chuẩn bị xét tuyển vòng 2 cho 4 chỉ tiêu.
Trong 2 tháng qua, ngoài huyện Yên Thành tuyển dụng số lượng lớn giáo viên hợp đồng, huyện Quỳnh Lưu tuyển dụng được 278 người; Đô Lương 174 người; Nghi Lộc 152 người; Anh Sơn 104 người; Thanh Chương 101 người; Hưng Nguyên 85 người; TX. Hoàng Mai 76 người; Quỳ Hợp 67 người; Diễn Châu 45 người; Quế Phong 45 người; TP. Vinh 28 người và huyện Quỳ Châu 13 người.
Cũng theo báo cáo từ Sở Nội vụ, đối với riêng giáo viên mầm non hợp đồng diện 06 và 09, việc tuyển dụng đã hoàn thành. Tuy nhiên, vẫn còn 29 trường hợp chưa được vào biên chế do cá nhân mới có trình độ trung cấp sư phạm mầm non. “Đối với những trường hợp này, vẫn giữ lại 29 chỉ tiêu đó và sẽ tiến hành quy trình tuyển dụng khi họ có trình độ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên”, đại diện Sở Nội vụ nói.
Ngoài ra, trong đợt tuyển dụng vừa qua, có 56 chỉ tiêu biên chế đã được UBND các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu… thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng song không đủ hồ sơ dự tuyển. Như vậy, đến nay ngành Giáo dục Nghệ An đã tuyển dụng được 2.352 viên chức, đang làm quy trình tuyển dụng 383 chỉ tiêu, còn 29 chỉ tiêu cho giáo viên mầm non hợp đồng dạng 06 và 09 chờ bổ sung bằng cấp và 56 chỉ tiêu không đủ hồ sơ dự tuyển.