Chủ nhật, 08/09/2024, 14:45

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

“Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Khoảnh khắc lịch sử, tự hào

Nhà báo Ngọc Đản - cả cuộc đời làm báo, nay tuổi đã ngoài 70 nhưng ông vẫn hãnh diện, tự hào về những năm tháng làm phóng viên chiến trường. Ông xúc động kể với tôi những năm tháng không quên ấy và luôn cho rằng mình may mắn vì được sống trong những giờ khắc quan trọng của lịch sử.

nguoi phong vien chien truong ngoc dan va nhung ky uc kho quen hinh 1

Nhà báo Ngọc Đản (phải) và các đồng nghiệp vượt đèo Hải Vân từ Huế ra thành phố Đà Nẵng tháng 3/1975. Ảnh: Nhà báo Ngọc Đản cung cấp.

Năm 1972, hàng mấy tháng liền nhà báo Ngọc Đản cùng với các phóng viên tiền phương “nằm vùng” tại mặt trận Quảng Trị. Vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ông đã lăn lộn tại đây hơn 20 ngày đêm. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, ông cùng với các đồng nghiệp chứng kiến giải phóng thành phố Huế ngày 26 tháng 3, ngày 29 tháng 3 ở mặt trận Đà Nẵng. Và đặc biệt, ngày 30 tháng 4 ông trở thành một trong những phóng viên đầu tiên ở Sài Gòn, ghi lại được những hình ảnh Nội các Dương Văn Minh đầu hàng ngay tại phòng khánh tiết Dinh Độc Lập, cán bộ chiến sĩ Quân đoàn 2 áp giải vị Tổng thống ngụy sang Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng quân giải phóng.

nguoi phong vien chien truong ngoc dan va nhung ky uc kho quen hinh 2

Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 Phạm Xuân Thệ (người đi bên phải), dẫn Tổng thống Dương Văn Minh và nội các ra đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng.

Năm 1979, khi đang làm phóng viên quân sự Báo Nhân Dân, ông đến với nhiều đơn vị chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang trong vòng lửa đạn. Năm 1984 theo đoàn quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, lên tận biên giới Campuchia - Thái Lan và chứng kiến các đơn vị chiến thắng rút quân về nước, năm 1988, ông có mặt ở Trường Sa, là người đầu tiên đưa tin về sự kiện Gạc Ma và cuộc chiến đấu anh hùng của cán bộ, chiến sĩ ta bảo vệ Đảo…

Nghẹn ngào khi được hỏi về thời khắc lịch sử ngày 30/4 mà ông được chứng kiến, nhà báo Ngọc Đản kể: Tôi và đồng nghiệp Hoàng Thiểm được lệnh chủ động tìm kiếm, liên hệ với Quân đoàn II tiến về Sài Gòn. 11 giờ 24 phút ngày 30/4, chúng tôi có mặt trước Dinh Độc Lập. Chọn đúng thời cơ, trong những giây phút đầu tiên đó, tôi đã ghi lại được những tấm hình lịch sử: Ông Dương Văn Minh đầu hàng đang bước xuống bậc tam cấp theo sự quản lý của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, Lữ đoàn 203; Hình ảnh Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Lữ đoàn 204 Phạm Xuân Thệ; Chân dung Đại đội trưởng Bùi Quang Thận, từ xe tăng 843 nhảy lên tầng thượng của Dinh Độc Lập treo lá cờ Tổ quốc…

nguoi phong vien chien truong ngoc dan va nhung ky uc kho quen hinh 3

Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh do Nhà báo Ngọc Đản chụp lúc 11h30 ngày 30/04/1975.

Tôi đã ghi được lại cả những nhân chứng sự kiện xe tăng 390 với sự có mặt của nữ nhà báo Pháp Phrăng-xoa Đơ Muyn-đô; nữ biệt động Nguyễn Trung Kiên (tức cô Nhíp) dẫn đầu chiếc xe tăng đánh chiếm Tân Sơn Nhất… Báo Nhân Dân và Quân đội nhân dân ngày 3 tháng 5 đã đăng những hình ảnh đầu tiên về giờ phút lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975 từ những hình ảnh, tin tức chúng tôi chuyển về.

Phóng viên chiến trường là người chiến sĩ đặc biệt

Với nhà báo Ngọc Đản, phóng viên chiến trường là người chiến sĩ đặc biệt. “Trước hết các phóng viên chiến trường có mặt ở hầu hết các trận địa, nơi diễn ra các trận đánh ác liệt, nóng bỏng nhất. Đã có nhiều phóng viên hy sinh tại chiến trường khi đang tác nghiệp nơi chiến hào, hay trên các cứ điểm mà cán bộ, chiến sĩ ta vừa xông lên đánh chiếm, hay bảo vệ. Những bài viết, bức ảnh báo chí đầy ắp các chi tiết sinh động với chân dung những con người cụ thể, phản bác những thông tin dối trá của đối phương…”- nhà báo Đậu Ngọc Đản nhấn mạnh.

Đó là chưa kể, phóng viên chiến trường là người trực tiếp tác nghiệp tại mặt trận. Xét về mặt nghiệp vụ là phải “tác chiến” tại chỗ nên phải có phong cách chủ động tìm kiếm thông tin, ghi chép hằng ngày, “ba cùng” với các chiến sĩ.

“Kinh nghiệm muôn thuở, đặc trưng nghề nghiệp là thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác. Viết rồi mà không đưa về nhanh tòa soạn để các Ban Biên tập khai thác, xử lý là coi như công toi…” – nhà báo Đậu Ngọc Đản tiếp tục mạch cảm xúc để trao đổi thêm về kinh nghiệm tác nghiệp.

Ông chia sẻ rằng, ngày nay sự phát triển của khoa học và công nghệ thông tin đã làm đổi thay bộ mặt và chất lượng thông tin báo chí, nhất là khả năng truyền tải, đưa tin cập nhật đến từng phút, từng giây các sự việc, sự kiện nổi bật, sức lan tỏa khắp toàn cầu. Nhưng ở vào thời điểm những năm 70 của thế kỷ trước, phóng viên chiến trường của Việt Nam đưa tin phụ thuộc vào các phương tiện kĩ thuật thô sơ. Các máy điện báo, têlêtuýp, các trạm quân bưu đặt tại các Sở chỉ huy cấp Quân khu, Bộ Tư lệnh mặt trận, ở xa nơi xảy ra chiến sự, có khi phải đi bộ hàng mấy ngày đường. Các phóng viên phải tìm mọi cách liên lạc để gửi bài, ảnh. Gặp được cán bộ chiến sĩ nhận lệnh ra Hà Nội là bằng mọi cách liên hệ, cầu cứu họ giúp đỡ. Có người đã hy sinh trên đường về Sở chỉ huy mặt trận để gửi tin tức. Đây là công đoạn hết sức quan trọng, đòi hỏi sự sáng tạo, nhanh nhẹn của phóng viên.

nguoi phong vien chien truong ngoc dan va nhung ky uc kho quen hinh 4

Nhà báo Đậu Ngọc Đản.

Nhà báo Ngọc Đản kể lại: “Năm 1975, chúng tôi đã đưa tin, bài, ảnh về Hà Nội bằng con đường nhanh nhất mà có khi các hãng báo chí phương Tây cũng phải bất ngờ. Ngày đầu giải phóng Huế, các phương tiện truyền thông, liên lạc bị cắt đứt, nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam bố trí một chiếc ô tô đặt ở phía bắc cầu Mỹ Chánh (vì lúc đó chiếc cầu bị phá hủy không có phương tiện nào qua sông được). Trưa ngày 26/3, sau khi thu thập xong tài liệu, chúng tôi chuyển ngay cho người lái xe. Từ đó, xe chạy 2 ngày đêm ròng rã ra Hà Nội, và những hình ảnh đầu tiên Huế giải phóng ra mắt bạn đọc kịp thời. Cũng trong hoàn cảnh đó, ngày 30/4, các phương tiện thông tin ở Sài Gòn bị cắt đứt, tê liệt hoàn toàn.

Chúng tôi đã nhờ Trưởng công xa Cảnh sát của chính quyền ngụy Sài Gòn là anh Võ Cự Long, lái chiếc xe Jeep 6 máy đưa tôi và anh Hoàng Thiểm về Đà Nẵng. Một mình anh Long lái xe suốt chiều, tối 30, đến rạng sáng ngày 2/5 về đến sân bay Đà Nẵng. Ngay buổi trưa hôm đó, một dịp may hiếm có, anh Hoàng Thiểm đã đi chuyến bay C130 đầu tiên sau ngày giải phóng từ Đà Nẵng về Hà Nội. Ngày hôm sau các báo ở Hà Nội đã đăng những hình ảnh lịch sử của chúng tôi sớm nhất”.

Gần 50 năm làm báo, nhà báo Đậu Ngọc Đản đã có quãng thời gian là phóng viên chiến trường gắn mình với lịch sử hào hùng của dân tộc đầy ý nghĩa. Với ông, những kí ức một thời đạn bom ấy vẫn còn nhiều câu chuyện muốn chia sẻ và đang được ông ấp ủ cho cuốn hồi ký trong năm tới. Qua những câu chuyện được kể, ông đã cho người đọc hiểu về một thế hệ phóng viên chiến trường đầy nhiệt huyết, vừa có tri thức, năng lực về nghề nghiệp vừa quyết đoán hành động ở những thời điểm quan trọng. Không rèn luyện, không giữ vững ý chí chiến đấu không thể trở thành phóng viên mặt trận, phóng viên chiến trường. Phẩm chất, phong cách làm báo chiến trường và cách tiếp biến để phù hợp với thời đại thông tin mới hôm nay vẫn còn nguyên giá trị…

Hà Vân/Congluan.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây