Những ngày qua, câu chuyện hàng loạt nhân viên y tế công lập ở nhiều tỉnh thành chuyển việc, nghỉ việc khiến dư luận xôn xao. Có nhiều lý do khiến họ chọn cách "tháo chạy" ở nơi mình từng gắn bó nhiều năm, nhưng nổi cộm nhất là... thu nhập quá thấp.
"Bụng đói thì đam mê kiểu gì?"
Trung tuần tháng 6, chúng tôi liên hệ với anh V.C. (37 tuổi), kỹ thuật viên xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai), giữa lúc nơi đây rộ lên thông tin có hơn 200 nhân viên y tế, bao gồm 76 bác sĩ đã nghỉ việc sau mùa dịch.
Không bất ngờ trước lời đề nghị được hỏi thăm tình hình công việc, anh C. thẳng thắn rằng mình sắp nằm trong danh sách ra đi. Anh tiết lộ, thống kê trên chỉ là "bề nổi" của thực trạng đau lòng tại bệnh viện.
Theo kỹ thuật viên xét nghiệm ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai), anh vào làm tại đây năm 2012, với mức lương khoảng 6 triệu đồng. Đến nay, sau hơn 10 năm công tác, lương của anh đã lên thêm… 500.000 đồng. Cộng với tiền trực 115.000 đồng/đêm (mức dùng cho bệnh viện hạng 1), chưa tháng nào thu nhập của anh cao hơn 8 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt, giá thức ăn, xăng cứ tăng phi mã, hai con trai 2 tuổi và 7 tuổi của anh lại đang tuổi ăn, tuổi lớn.
"Vợ tôi làm giáo viên cũng không khá khẩm hơn, mỗi ngày phải chạy từ Đồng Nai về Dĩ An (Bình Dương) 17-18 cây số. Bám víu bệnh viện mà lương như vậy làm sao nuôi con ăn học. Bụng đói thì đam mê kiểu gì" - anh C. chua chát chia sẻ.
Anh C. chia sẻ, thời gian gần đây có phòng khám tư nhân gần nhà mời về làm với mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng. Bản thân anh đang chờ được làm thủ tục nâng ngạch chứng chỉ hành nghề từ cao đẳng lên đại học, trước khi ra đi sau thời gian dài gắn bó. Anh không còn hy vọng gì về thu nhập ở bệnh viện.
Anh Vũ Tiền Giang (41 tuổi) là nhân vật mà Dân trí có dịp từng gặp cuối năm 2021, khi anh liên tục ngược xuôi từ nhà ở miền Tây lên TPHCM chống dịch suốt 2 năm ròng rã, dù thu nhập bèo bọt. Nhưng rồi đam mê cũng không thể giữ chân nam y sĩ ở lại với Trạm Y tế phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) sau 8 năm gắn bó, khi lương hàng tháng anh nhận chỉ có 4,9 triệu đồng.
Nhận cuộc gọi, anh Giang cười buồn thông báo, mình đã chuyển về một cơ sở y tế tại tỉnh Tiền Giang từ đầu năm 2022. Anh tâm sự, sau mùa dịch, ngoài công việc tiếp tục phòng chống Covid-19, anh cùng các đồng nghiệp phải tham gia tiêm chủng mở rộng, các chương trình phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng… Nhiều ngày anh làm từ sáng đến tối muộn rất cực, chưa kể trực đêm... nhưng chế độ đãi ngộ không cải thiện.
"Mình về quê, lương cũng vậy nhưng chỉ làm hành chính, công việc được giao là phụ trách các bệnh không lây nhiễm, da liễu, y tế học đường nên nhẹ hơn nhiều. Về gần nhà nên đỡ tốn tiền xăng, có thời gian lo cho vợ con. Thu nhập không cao nên vợ mình cũng phải kinh doanh thêm mỹ phẩm để kiếm sống" - anh Giang chia sẻ.
Bỏ nghề y bán vật liệu xây dựng, chạy Grab
Cũng rời y tế tuyến cơ sở sau nhiều năm gắn bó là chị D.T.G. (31 tuổi, quê Bình Dương). Chị G. kể, 9 năm đi làm, mức lương của chị tại một trạm y tế ở TP Thủ Dầu Một, chỉ vỏn vẹn 5,5-6 triệu đồng, tính luôn cả tiền trực đêm.
Trước dịch, công việc không quá bận, nhưng từ lúc Covid-19 xuất hiện, chị và các nhân viên trạm gần như không ngơi nghỉ. Từ khoanh vùng truy vết, nhận F0 đến trực khu cách ly, tiêm vaccine Covid-19, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà họ đều phải làm. Đến sau khi mở cửa trở lại, trạm y tế phải lo các bệnh mùa, tiêm chủng mở rộng, hàng chục chương trình y tế tuyến cơ sở, nhưng vẫn gánh luôn việc khai báo y tế. Hôm nào có lịch trực, chị G. nhận thêm 80.000 đồng/đêm.
"Điều tôi bức xúc là việc quyết toán tiền đi lấy mẫu, tiêm vaccine Covid-19 rất chậm và bị bắt bẻ thủ tục nhiều. Đi làm mệt nhưng lấy tiền công sức, mồ hôi nước mắt của mình lại khó khăn. Đến giờ đã nghỉ việc nhiều tháng nhưng tôi vẫn chưa có tiền tiêm" - chị G. nói.
Hiện tại, chị đang phụ bán vật liệu xây dựng cho gia đình. Đôi khi nhớ nghề, chị chọn đi làm bán thời gian tại các phòng khám tư, với tiền công 250.000 đồng/buổi, cao gấp 2-3 lần so với làm ở trạm y tế.
Ngoài kiến nghị nâng đãi ngộ cho y bác sĩ tuyến cơ sở, chị G. cho rằng cần nghiên cứu tinh giản các chương trình y tế dự phòng tại trạm y tế. Chị phân tích, các bệnh như lao, da liễu, bệnh xã hội… người dân có mắc cũng chỉ đến phòng khám và bệnh viện, không vào trạm y tế nữa. Thế nhưng, nhân viên trạm vẫn phải xuống từng khu phố tuyên truyền, giữ thuốc, làm báo cáo hàng tháng... rất cực và hình thức.
"Trước mắt tôi vẫn ở nhà bán vật liệu, thời gian thoải mái tự do mà thu nhập tốt hơn. Cũng hơi tiếc khi phải bỏ chuyên môn vì đã học và theo ngành nhiều năm, nhưng cực quá. Ở trạm của tôi và các trạm xung quanh cũng có nhiều anh chị khác đã nghỉ" - chị G. chia sẻ.
Tranh thủ quãng thời gian không có khách đặt xe công nghệ, anh C.S. (35 tuổi) dừng chân ở một góc vỉa hè tiếp chuyện chúng tôi. Cách đây vài tuần, anh S. vẫn là nhân viên tại Trạm y tế phường Cầu Kho (quận 1, TPHCM), lương 4,1 triệu đồng/tháng.
Mấy năm trước, S. làm điều dưỡng tại một bệnh viện hạng 1 ở TPHCM. Vì thu nhập cũng bèo bọt, anh bỏ ra ngoài làm mướn. Đến khi Covid-19 hoành hành, anh S. quyết định xin vào trạm y tế, vừa có thu nhập lo cho gia đình, vừa dùng chuyên môn góp sức chống dịch. Nhưng sau thời điểm TPHCM mở cửa trở lại, bất cập của ngày trước lại ùa về. Áp lực công việc, lương thấp cộng thêm việc chi trả tiền trực không rõ ràng khiến anh chán ngán.
"Vì không phải nhân sự trong biên chế nên tôi không nhận được tiền thu nhập tăng thêm theo quý. Điều này thật sự bất công vì tôi cũng làm như mọi người, thậm chí mệt hơn. Buổi tối sau ca trực tôi phải xin đi làm gia sư tại nhà kiếm thêm, hoặc ai kêu gì làm đó, kiếm tiền phụ vợ lo cho con" - anh S. chia sẻ.
Từ ngày bỏ nghề y lần 2 ra ngoài chạy xe ôm, cuộc sống của S. dễ thở hơn nhiều. Có ế khách, mỗi ngày anh cũng kiếm được tối thiểu 200.000-300.000 đồng. Công việc lại linh động giờ giấc, có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình. Hỏi làm sao để giữ được nhân viên y tế, anh S. chỉ chốt gọn 2 chữ "tăng lương". Làm ở đâu, nghề gì thì cũng áp lực như nhau, quan trọng là phải sống được.
Gần 900 y bác sĩ ở Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển công tác
Từ năm 2021 đến tháng 4/2022, toàn ngành y tế Hà Nội có 758 người xin nghỉ việc, gần 100 người xin chuyển công tác. Trong năm 2021 có 532 người xin nghỉ việc và 82 người xin chuyển công tác. Còn tính từ tháng 1 đến 4/2022, toàn ngành y tế Thủ đô có 226 người nghỉ, việc và 17 người xin chuyển công tác.
Tổng cộng, từ đầu năm 2021 đến ngày 30/4 năm nay, Thủ đô có gần 857 cán bộ y tế nghỉ việc, chuyển công tác.
Khi lãnh đạo ngành y cũng… "bí"
Phóng viên Dân trí đã liên hệ tìm hiểu thông tin hàng loạt nhân viên y tế ồ ạt xin nghỉ việc ở Đồng Nai và được một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này chia sẻ, đây không chỉ là vấn đề ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, mà toàn tỉnh đều có. Thậm chí, vị này nhận định còn là tình trạng chung của nhiều địa phương.
Nguyên nhân dẫn đến việc y bác sĩ xin nghỉ cơ bản giống nhau: Thu nhập thấp, áp lực công việc nhiều, nguy cơ rủi ro cao.
"Muốn giải quyết tình trạng này phải làm sao tăng thu nhập cho anh em, phân công công việc hợp lý. Nói là vậy nhưng thực sự chúng tôi cũng đang "bí". Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu, tìm giải pháp để trình Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường các chính sách hỗ trợ. Nhưng đó chỉ mới là ý tưởng…" - vị trên tâm tư.
Lý giải việc rơi vào thế "bí", lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cho rằng sau mùa dịch, lượng bệnh nhân giảm, kéo theo nguồn thu của các bệnh viện giảm. Trong đó, tuyến y tế càng thấp, càng căng thẳng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1, người thầy của nhiều thế hệ sinh viên y khoa cho rằng, lương thấp là lý do nhân viên y tế dễ bỏ ngành. Có trường hợp ông cũng dùng biện pháp tâm lý, tình cảm, khuyên học trò, đàn em ở lại làm để giúp người nghèo, nhưng được phản hồi là "không còn lựa chọn nào khác".
Bác sĩ Khanh đề nghị, sắp tới khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi Luật Khám chữa bệnh, cần tập trung vào việc nâng lương. Đặc biệt, phải trả tiền đúng với công sức trực đêm của nhân viên y tế, thay vì cho rằng đây là đặc thù nghề nghiệp và "trả cho có". Ngoài ra, có thể tạo điều kiện cho y bác sĩ làm ngoài giờ, làm dịch vụ để cải thiện thêm thu nhập.
Về môi trường làm việc, nhân viên y tế, nhất là tuyến cơ sở phải được học tập để nâng cao năng lực và phải được làm đúng chuyên môn. Thực tế hiện nay, nhiều bác sĩ trẻ được đưa về trạm y tế toàn bị giao đi làm các chương trình dự phòng, chương trình tiêm chủng… thay vì thực hiện chức năng chữa bệnh.
"Lãnh đạo cơ sở y tế cần tạo ra môi trường có sự phản hồi, phản biện chứ không phải làm việc áp đặt, "trên dồn xuống dưới" sẽ dễ khiến các bác sĩ chán nản" - bác sĩ Khanh nhận định.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế công lập
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế hôm 23/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, rà soát các quy định liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực ngành y; hoàn thiện các quy định, chính sách về đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, nhất là nguồn lực cho y tế cơ sở.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn trong hợp tác công - tư ở lĩnh vực y tế; xây dựng phương án tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để tăng nguồn lực cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Yêu cầu Bộ Y tế có phương án chủ động phù hợp để cân đối giữa các địa bàn, giữa các tuyến, giữa các chuyên ngành khác nhau…
Bộ Y tế cần phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-1Theo Hoàng