Vì sao chưa ngăn chặn, hạn chế được các cuộc gọi lừa đảo? Cơ quan chức năng đã xử phạt các nhà mạng vi phạm về quản lý SIM di động như thế nào? Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có những trao đổi liên quan vấn đề này tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều 13-5.
Cuộc gọi lừa đảo đều có số di động cụ thể, sao không xử lý được?
Tại họp báo, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã nêu các câu hỏi xung quanh vấn đề: Tại sao chưa ngăn chặn, hạn chế được tình trạng các cuộc gọi lừa đảo? Liệu có phải do cơ quan quản lý nhà nước và nhà mạng chưa mạnh tay khi các cuộc gọi lừa đảo đều có số di động cụ thể mà vẫn không xử lý được? Như vậy, phải chăng việc định danh thông tin cá nhân thuê bao chưa hiệu quả?
Đại diện Cục Viễn thông cho rằng qua khảo sát, xác minh của các dịch vụ viễn thông đối với phản ánh của các sở TT&TT liên quan đến các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, các SIM này đều có đầy đủ thông tin thuê bao và là các SIM đã tồn tại trong giai đoạn trước đây, do một bộ phận người dân đã đăng ký SIM sau đó không dùng nữa. Người sử dụng không còn là người đứng tên khi đăng ký nhưng không thực hiện cập nhật lại thông tin thuê bao.
-
Thuê 50 người 'ẩn' trong căn hộ chung cư gọi điện lừa đảo 'nhận quà'
-
Bình chọn gái gọi nhận hoa hồng, bị lừa đảo... mất luôn tiền tỉ
"Để hạn chế tình trạng này, như đã trao đổi tại cuộc họp báo tháng 4-2024, bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai hệ thống 1414 bảo đảm trả về danh sách toàn bộ số thuê bao mà cá nhân đã đăng ký" - Cục Viễn thông thông tin thêm.
Đồng thời đề nghị "rất mong người dân chủ động tra cứu thông tin thuê bao trên 1414 (qua cú pháp TTTB + số giấy tờ gửi 1414) và thông báo tới doanh nghiệp viễn thông để xử lý các thuê bao mình không đứng tên đăng ký".
Cũng liên quan đến việc kiểm tra, rà soát người sử dụng nhiều thuê bao đã được bộ yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông triển khai, Cục Viễn thông cho biết theo báo cáo các doanh nghiệp đã rà soát, làm rõ (chuẩn hóa lại thông tin, cam kết đang sử dụng đúng mục đích) với khoảng 5,75 triệu thuê bao thuộc tập một giấy tờ thông tin cá nhân sở hữu từ 4 - 9 SIM.
Chưa phát hiện SIM phát triển mới không đúng quy định
Tuổi Trẻ Online cũng nêu câu hỏi: "Bộ đã xử phạt các nhà mạng vi phạm về quản lý SIM di động như thế nào? Nếu vẫn còn tái diễn để SIM kích hoạt sẵn trên thị trường, do đại lý bán thì có xử lý người đứng đầu như Bộ TT&TT đã công bố không?".
Đại diện Cục Viễn thông khẳng định Bộ TT&TT đã nêu rõ quan điểm từ ngày 15-4-2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định.
Trường hợp phát hiện các vi phạm, Thanh tra bộ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm (có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển mới), đồng thời Bộ TT&TT sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có hình thức kỷ luật.
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị (Thanh tra bộ, Cục Viễn thông) tổ chức khảo sát, kiểm tra, xác minh đến thời điểm hiện tại kết quả xác minh sơ bộ cho thấy các trường hợp này đều có đầy đủ thông tin thuê bao.
"Các đơn vị đang tiếp tục tổ chức khảo sát thực tế, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông làm rõ một số nội dung. Rất mong các cơ quan báo chí tiếp tục ủng hộ, gửi các phản ánh có liên quan để tổ chức xác minh, xử lý nghiêm các sai phạm.
Trong trường hợp phát hiện sai phạm, chắc chắn bộ sẽ xử lý nghiêm và công bố công khai kết quả" - đại diện Cục Viễn thông cam kết.