Thứ sáu, 13/09/2024, 07:25

Ảnh hưởng của nội dung từ AI tới báo chí Việt Nam - phân tích trường hợp ChatGPT

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sản xuất nội dung từ trí tuệ nhân tạo (AIGC), ngành báo chí trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những sự thay đổi chưa từng có.
 

Tóm tắt:

- Cơ hội ChatGPT đem tới cho ngành báo chí Việt Nam: Cách mạng trong công tác sản xuất tin tức; Phát triển kĩ năng nghề nghiệp của người làm báo.

- Thách thức của ChatGPT đối với ngành báo chí Việt Nam: Có thể làm suy yếu góc nhìn, quan điểm của phóng viên; Có thể sẽ dẫn đến những rủi ro về an ninh mạng, rò rỉ dữ liệu; Tiềm ẩn nguy cơ làm méo mó thông tin; Vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT) và bản quyền.

- Lưu ý khi sử dụng công nghệ AIGC trong công tác sản xuất báo chí: Làm rõ ranh giới và trách nhiệm khi sử dụng công nghệ AIGC; Xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng; Đổi mới chương trình đào tạo ngành Báo chí - truyền thông.

Bài viết tập trung phân tích những cơ hội và thách thức mà ngành báo chí Việt Nam sẽ phải đối mặt trong bối cảnh công nghệ AIGC đang phát triển rất mạnh mẽ như hiện nay, mà cụ thể là trường hợp ChatGPT. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất những giải pháp và khuyến nghị cho ngành báo chí Việt Nam khi sử dụng công nghệ AIGC vào công tác sản xuất tin tức báo chí, bao gồm làm rõ ranh giới sử dụng công nghệ AIGC, xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, điều chỉnh chương trình đào tạo báo chí để phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay.

Định nghĩa về AIGC và xu hướng phát triển hiện nay AIGC là viết tắt của Artificial Intelligence-Generated Content, có nghĩa là nội dung do AI tạo ra thông qua dữ liệu khổng lồ hiện có (thường là văn bản, âm thanh hoặc hình ảnh...). Tuy nhiên, định nghĩa về AIGC trong các nghiên cứu hiện nay còn tồn tại nhiều quan điểm và chưa có sự thống nhất.

aigc-copy.png

Theo Sách trắng về AI do Viện nghiên cứu Thông tin Trung Quốc định nghĩa “AIGC” được định nghĩa là một phương pháp sản xuất nội dung tự động, trong hệ sinh thái tạo ra nội dung gồm có nội dung được tạo chuyên nghiệp (PGC), nội dung do người dùng tạo (UGC) và mới nhất là nội dung được tạo ra bởi công nghệ AI. Học giả Trung Quốc - Li Baiyang chỉ ra thêm rằng AIGC đã trở thành một nội dung thông tin mạng tổng quát mới với sự phát triển của các hình thức mạng và những thay đổi trong công nghệ AI.

Đứng từ góc độ tiến hóa công nghệ, phòng thí nghiệm của Tập đoàn công nghệ Tencent định nghĩa AIGC theo nghĩa hẹp là một phương thức sản xuất sử dụng AI để tự động tạo ra nội dung, còn theo nghĩa rộng, sự phát triển của AIGC thể hiện một xu hướng mới trong công nghệ AI, AIGC không chỉ còn là những nhận thức thu thập về thế giới hiện nay mà còn là những xu thế phát triển mới của công nghệ tương lai.

Mặc dù không có định nghĩa thống nhất về AIGC, nhưng chúng ta có thể thấy rõ trong các quan điểm trên đều nhấn mạnh vào vai trò cốt lõi và không thể thay thế của công nghệ AI trong việc tạo ra nội dung, các quan điểm đều khẳng định AIGC là một phương thức sản xuất nội dung mới, kết hợp khả năng mạnh mẽ của công nghệ AI và có thể tự động tạo ra nhiều dạng nội dung khác nhau.

Quá trình phát triển của AIGC có thể được khái quát thành ba giai đoạn dưới đây:

Giai đoạn sơ khai (thập niên 1950 đến 2010):

Trong giai đoạn này, việc ứng dụng AIGC chủ yếu chỉ giới hạn ở các thí nghiệm quy mô nhỏ. Ví dụ, vào năm 1957, Ledger Shearer và Leonard Isaacson đã sử dụng các chương trình máy tính để hoàn thành tác phẩm âm nhạc do máy tính tạo ra đầu tiên trong lịch sử. Đến năm 1966, Joseph Weizenbaum và Kenneth Colby hợp tác phát triển robot đàm thoại giữa người và máy đầu tiên “Eliza”. Tuy nhiên, do những hạn chế về mặt kỹ thuật và chi phí vào thời điểm đó, AIGC đã không đạt được ứng dụng quy mô lớn.

Giai đoạn phát triển (đầu thế kỉ XXI đến giữa những năm 2010): Với sự tiến bộ nhanh chóng của các thuật toán “deep learning” (học sâu), AIGC bắt đầu được ứng dụng vào sử dụng thực tế.

Giai đoạn bùng nổ (từ giữa những năm 2010 đến nay): Trong giai đoạn này, với sự xuất hiện của các thuật toán tiên tiến như Generative Adversarial Networks (GAN), nội dung do AIGC tạo ra bắt đầu thể hiện sự đa dạng và chất lượng dần được cải thiện. Năm 2017, AI “XiaoIce” của Microsoft đã phát hành tập thơ đầu tiên hoàn toàn do AI tạo ra. Đến năm 2021, OpenAI tung ra dòng mô hình DALL-E, có thể tạo ra hình ảnh chất lượng cao dựa trên mô tả được cung cấp.

Vào cuối năm 2022, sự ra đời của ChatGPT do OpenAI phát hành đã làm bùng nổ thế giới công nghệ, tiếp theo là nhiều mô hình ngôn ngữ quy mô lớn liên tiếp được phát hành vào năm 2023 như: Bard của Google, LLaMa của Meta, Alpaca của Stanford, Wen Xinyiyan của Baidu, Tongyi Qianwen của Alibaba và GLM của ĐH Tsinghua và nhiều mô hình khác vẫn đang được tiếp tục phát triển.

chatgpt-2.jpeg

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ AIGC, ChatGPT ra đời vào cuối năm 2022 và nhanh chóng trở thành một trong những công nghệ AIGC phổ biến nhất trên thế giới. Là một mô hình ngôn ngữ tiên tiến nhất tính đến thời điểm hiện tại, ChatGPT không chỉ kế thừa các tính năng cốt lõi của AIGC mà còn kết hợp cơ chế lặp lại của quá trình học tăng cường phản hồi của con người, cho phép nó hiểu và tạo ra ngôn ngữ của con người tốt hơn và tự nhiên hơn.

Khả năng này giúp cho ChatGPT không chỉ hoàn thành dễ dàng các nhiệm vụ như hội thoại, tạo nội dung, viết email mà còn đi sâu vào các lĩnh vực phức tạp hơn như thiết kế, lập trình, dịch thuật và mã hóa.

Ngoài ra, sự xuất hiện của ChatGPT cũng tác động sâu sắc đến ngành báo chí trên toàn thế giới. Cụ thể là phương thức sản xuất tin tức truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức trước những nội dung được tạo ra bởi AI. Một số nhà nghiên cứu dự đoán rằng đến năm 2025, AIGC sẽ chiếm 30% nội dung trực tuyến, điều này chắc chắn dẫn đến những thay đổi to lớn trong công việc sản xuất tin tức của ngành báo chí trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Thách thức của ChatGPT đối với ngành báo chí Việt Nam

Công tác sản xuất tin tức

Trước đây, nhà báo, phóng viên (PV) có thể được coi là trung tâm của quá trình sản xuất tin tức, nhưng điều này có thể thay đổi khi ChatGPT xuất hiện. Công nghệ AI có thể khiến cho phương thức sản xuất tin tức cũng bắt đầu có những sự thay đổi sâu sắc. ChatGPT không chỉ có thể tạo nội dung về các chủ đề cụ thể mà còn có khả năng lập kế hoạch lựa chọn chủ đề, viết dàn ý và giải thích chủ đề với số lượng lớn và có vẻ “rất chân thực”.

Ngoài ra, những PV, nhà báo hay các cá nhân sáng tạo nội dung thường đưa góc nhìn, quan điểm của mình vào việc sản xuất tin tức, tuy nhiên, nếu ChatGPT tham gia quá sâu sắc vào quá trình này, những nét riêng biệt kể trên có thể bị suy yếu hoặc thậm chí biến mất, thay vào đó là hàng loạt nội dung được tạo ra dập khuôn và máy móc.

Phương thức truyền thông

Sự phát triển không đồng đều của cơ sở hạ tầng thông tin giữa các địa phương khác nhau tại Việt Nam là một trở ngại lớn trong quá trình chuyển đổi số (CĐS), đặc biệt là đối với ngành báo chí truyền thông hiện nay. ChatGPT có thể sẽ dẫn đến những rủi ro về an ninh mạng, rò rỉ dữ liệu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc người dùng tiếp nhận thông tin. Cụ thể là, khả năng tự tạo nội dung của ChatGPT sẽ khiến cho người dùng tại Việt Nam có khả năng bị “bao trùm” bởi các nội dung không phải do con người tạo ra, dẫn đến các nguy cơ về tin giả, lừa đảo trực tuyến qua mạng ngày càng lớn hơn. Điều này đặt ra yêu cầu đối với ngành báo chí Việt Nam cần phải tăng cường chặt chẽ kiểm soát nội dung và đảm bảo tính chính xác của thông tin được truyền thông.

Người tiếp nhận

Kể từ khi ra đời, các chuyên gia công nghệ thường có khuyến nghị sử dụng ChatGPT bằng tiếng Anh vì mô hình ngôn ngữ này được huấn luyện nhiều trên tập dữ liệu tiếng Anh. Nói như vậy, tức là khi xử lý nội dung bằng tiếng Việt, ChatGPT có thể có những thiếu sót và không chính xác nhất định, ví dụ như những nội dung liên quan đến lịch sử, văn hóa đặc thù của Việt Nam, do được huấn luyện chủ yếu ở trên mô hình ngôn ngữ tiếng Anh nên các kết quả tạo ra có thể sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều bởi các quan điểm dựa trên tài liệu tiếng Anh mà nó được huấn luyện.

Ngoài ra, người sử dụng Internet tại Việt Nam có một tỉ lệ không nhỏ là độ tuổi thanh thiếu niên, đây là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi các nguồn thông tin trên Internet, nếu là những nguồn thông tin không chính xác hoặc sai sự thật thì hậu quả mang lại sẽ rất nghiêm trọng.

Cơ quan quản lý

Từ khi ra mắt vào năm 2022, ChatGPT đã nhanh chóng trở thành một công cụ hàng đầu trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên, mặc dù cũng mang theo một số rủi ro tiềm ẩn, nhất là khi nó được sử dụng cho mục đích sai trái. Theo dữ liệu từ Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS), trong 2023, Việt Nam đã ghi nhận 13.900 vụ tấn công mạng. Nguy cơ này càng tăng cao nếu các nhóm có ý đồ xấu sử dụng ChatGPT hoặc công nghệ AIGC tương tự để làm méo mó thông tin và lan truyền chúng trên Internet.

Ngoài ra, vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT) và bản quyền cũng được tranh luận khá nhiều khi có sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ AI. Một số ý kiến cho rằng do nội dung của AIGC không do con người tạo ra và thiếu tính độc đáo, nên không thể nằm trong diện được bảo vệ bởi luật bản quyền. Trong khi đó, một nhóm quan điểm khác cho rằng khả năng đổi mới mà AI mang lại trong quá trình sáng tạo nên được công nhận và bảo vệ. Luật SHTT và bản quyền hiện nay ở Việt Nam, vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể nào cho vấn đề này, điều này khiến cho việc xác định quyền SHTT cho nội dung được tạo ra bởi AI vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Cơ hội mà ChatGPT đem tới cho ngành báo chí Việt Nam

Cách mạng trong công tác sản xuất tin tức

ChatGPT, với khả năng xử lý và tạo ra ngôn ngữ tự nhiên ưu việt, mở ra một loạt cơ hội mới cho ngành truyền thông và báo chí Việt Nam. Đầu tiên, ChatGPT có khả năng tổng hợp và sản xuất nội dung một cách nhanh chóng, giúp các cơ quan báo chí truyền thông giảm thiểu thời gian từ khi thu thập thông tin đến khi phát hành tin tức. Trong bối cảnh thông tin liên tục cập nhật, khả năng này giúp báo chí cạnh tranh được với tốc độ của mạng xã hội và các nguồn tin tức trực tuyến khác.

Thứ hai, ChatGPT có thể tạo ra nội dung dựa trên sở thích và hành vi của người dùng, giúp các tổ chức tin tức cung cấp trải nghiệm đọc tin được cá nhân hóa. Điều này không chỉ tăng cường sự tương tác và sự hài lòng của độc giả mà còn giúp tối ưu hóa việc phân phối nội dung, đảm bảo rằng độc giả nhận được tin tức phù hợp và hấp dẫn nhất với họ.

Cuối cùng là hiệu quả về chi phí: Việc áp dụng ChatGPT vào quá trình sản xuất tin tức có thể giảm bớt chi phí lao động và tăng hiệu quả trong quản lý nội dung. AI có thể giúp tự động hóa một số quy trình làm việc, như tìm kiếm và tổng hợp thông tin, dịch thuật tin tức sang các ngôn ngữ khác, hoặc thậm chí tạo ra bản nháp đầu tiên của bài viết, giảm thiểu thời gian và công sức của con người.

Phát triển kĩ năng nghề nghiệp của người làm báo

Tương tự như báo chí trên thế giới, các nhà báo, biên tập viên (BTV) ở Việt Nam hiện vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào việc sáng tạo và biên tập tin tức. Nhưng với sự xuất hiện của ChatGPT và các công nghệ AIGC khác, vai trò của những người làm báo ở Việt Nam có thể sẽ có những thay đổi đáng kể. Cụ thể là, ChatGPT có thể giúp cho những người làm báo mở rộng kỹ năng của họ ra ngoài việc viết và biên tập truyền thống, ví dụ như lập kế hoạch, kiểm duyệt, và tối ưu hóa nội dung bằng việc khai thác công nghệ mới.

Ngoài ra, các nhà báo có thể sử dụng AIGC trong việc kiểm duyệt nội dung và phân tích dữ liệu báo cáo một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó tăng cường độ tin cậy và chiều sâu của các báo cáo, đáp ứng nhu cầu thông tin chất lượng cao của công chúng. Những điều này không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu về chất lượng của nội dung báo chí mà còn giúp các cơ quan truyền thông của Việt Nam thu hút thêm nhiều độc giả và tăng thêm tầm ảnh hưởng, lợi thế cạnh tranh trong ngành truyền thông.

Những lưu ý khi sử dụng công nghệ AIGC trong công tác sản xuất báo chí

Làm rõ ranh giới và trách nhiệm khi sử dụng công nghệ AIGC

Đầu tiên, những công nghệ AIGC như ChatGPT cần được xác định rõ là công cụ phụ trợ để nâng cao hiệu suất thu thập, sàng lọc thông tin trong giai đoạn đầu của công tác sản xuất tin tức. Với các thông tin quan trọng, đặc biệt là những thông tin nhạy cảm, liên quan đến các vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước thì vẫn cần phải dựa vào các PV và BTV chuyên nghiệp để đảm bảo tính chính xác và phong cách riêng biệt của tin tức. Ngoài ra với các thông tin có sự tham gia của công nghệ AIGC vào quá trình sản xuất, cần phải có người biên tập chịu trách nhiệm rõ ràng, điều này vừa chắc chắn cho độ tin cậy của thông tin mà còn có thể nhanh chóng truy cứu trách nhiệm nếu có vấn đề xảy ra. Các cơ quan truyền thông cũng cần minh bạch và ghi chú rõ với những tin tức, thông tin có sử dụng công nghệ AIGC để đảm báo tính minh bạch, độ tin cậy của thông tin.

Xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng

Với sự phát triển nhanh chóng của ChatGPT và các công nghệ AIGC khác, các cơ quan quản lý báo chí của Việt Nam cần cập nhật và cải thiện các quy định của ngành một cách kịp thời dựa trên đề xuất của các bên liên quan. Hiện nay, việc hợp tác trực tiếp với đội ngũ phát triển các công nghệ AIGC như ChatGPT ở Việt Nam sẽ gặp những hạn chế nhất định, nên Việt Nam có thể cân nhắc việc tự đổi mới, hợp tác với các chuyên gia công nghệ trong nước hoặc tham khảo các thông lệ tiên tiến của quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn do công nghệ AIGC như ChatGPT mang lại.

Ngoài ra, việc ứng dụng ChatGPT và các công nghệ AIGC khác vào công tác sản xuất báo chí, các cơ quan báo chí Việt Nam có thể lắng nghe phản hồi của công chúng để đảm bảo việc triển khai công nghệ của mình phục vụ công chúng và lợi ích cộng đồng một cách hiệu quả nhất.

01-ghatgpt-1-1024x337.jpeg

Đổi mới chương trình đào tạo ngành Báo chí - truyền thông

Trước những thách thức mới do các công nghệ AIGC như ChatGPT mang lại cho ngành báo chí, việc thiết kế chương trình đào tạo nghiệp vụ báo chí của Việt Nam rất cần được cập nhật và điều chỉnh kịp thời. Điều này đòi hỏi sinh viên phải nắm vững kiến thức cơ bản và ứng dụng thực tế của các công nghệ AICG khi thực hành nghề nghiệp. Tuy nhiên, chỉ nắm bắt công nghệ thôi là chưa đủ. Trước sự phát triển không ngừng của công nghệ AIGC, các nhà báo cần có năng lực tư duy phản biện tốt hơn và phải thực sự hiểu bản chất, ranh giới của việc sử dụng công nghệ AIGC trong công việc của mình.

Muốn vậy, các cơ sở giáo dục đào tạo ngành Báo chí - truyền thông không chỉ chú trọng truyền đạt kiến thức chuyên môn mà còn phải quan tâm đến giáo dục đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho sinh viên. Đồng thời, các cơ sở giáo dục này cần tăng cường hợp tác với các công ty công nghệ để xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của thị trường và xã hội. Sự tích hợp chặt chẽ này không chỉ mang đến cho sinh viên những cơ hội thực hành tốt hơn mà còn đảm bảo rằng sinh viên luôn duy trì được những giá trị cốt lõi của nghề báo trong công việc tương lai mà không vi phạm các quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi sử dụng công nghệ.

Kết luận

Với tư cách là đại diện cho công nghệ AIGC, ChatGPT không chỉ mang lại cơ hội mà còn cả thách thức cho ngành báo chí toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Thứ nhất, công nghệ AIGC như ChatGPT mang lại cho ngành báo chí Việt Nam một phương tiện hiệu quả và sáng tạo trong công tác sản xuất và phổ biến thông tin. Tuy nhiên, sự phổ biến của công nghệ AIGC như ChatGPT cũng mang lại hàng loạt vấn đề về đạo đức và xã hội. Cụ thể là, tính chính xác, minh bạch và độ tin cậy của thông tin đứng trước nguy cơ bị xâm hại bởi tin giả do máy móc tạo ra.

So với các nước có trình độ công nghệ tiên tiến như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam vẫn có những hạn chế nhất định về nhân lực phát triển, sử dụng công nghệ và những hành lang pháp lý liên quan. Tuy nhiên, những thách thức này cũng tạo ra cơ hội cho Việt Nam có những hoạch định chiến lược công nghệ AIGC phù hợp hơn dựa trên điều kiện quốc gia và nhu cầu thực tế.

Nhìn về tương lai, với tốc độ hiện tại, công nghệ AIGC chắc chắn sẽ được ứng dụng rộng rãi và có thêm nhiều ảnh hưởng sâu rộng ngành báo chí Việt Nam, ngành báo chí Việt Nam cần tuân thủ các giá trị cốt lõi, quy tắc nghề nghiệp chuẩn mực để luôn đảm bảo công nghệ AIGC sẽ được phát huy hiệu quả giá trị của nó và hạn chế nhiều nhất những tác động mà nó có thể mang lại.

Tài liệu tham khảo:
1. China Academy of Communications, & JD Discovery Research
Institute. (2022). Artificial Intelligence Generated Content
(AIGC) White Paper. Retrieved from [http://www.caict.ac.cn/
kxyj/qwfb/bps/202209/P020220902534520798735.pdf ]
2. 李白杨,白云,詹希旎,等.人工智能生成内容(AIGC)的技术特征与形态
演进[J].图书情报知识, 2023, 40(1):66-74.
3. Tencent Research Institute. (2023). AIGC Development
Trend Report 2023: Welcoming the Next Era of Artificial
Intelligence. Retrieved from http://www.199it.com/
archives/1558601.html
4. 冯志伟,张灯柯,饶高琦.从图灵测试到 ChatGPT——人机对话的里
程碑及启示[J].语言战略研究,2023,(2):20-24. [11]詹新惠.AIGC 意
味着什么[J].青年记者,2022,(24):125.
5. Số liệu về các cơ quan báo chí Việt Nam 2022. (2022.).
Retrieved from https://www.xaydungdang.org.vn...
hoa-xa-hoi/so-lieu-ve-cac-co-quan-bao-chi-viet-nam-
nam-2022-18260
6. We Are Social. (2023). Internet Việt Nam. Retrieved from
https://www.vnetwork.vn/news/i...
lieu-moi-nhat-va-xu-huong-phat-trien/
7. An toàn thông tin (Ban cơ yếu chính phủ). (2023). Năm
2023: số vụ tấn công mạng nhắm vào các hệ thống tại Việt
Nam tăng 9,5%. Truy cập ngày [ngày bạn truy cập]. https://
antoanthongtin.vn/an-toan-thong-tin/nam-2023-so-vu-
tan-cong-mang-nham-vao-cac-he-thong-tai-viet-nam-
tang-95-109609
8. Dinh, Hang. "Vietnam's journalism training and education
challenge of a free market economy." Asia Pacific Media
Educator 15 (2004): 181-191.
9. Marr, David G. The mass media in Vietnam. Canberra,
ACT: Dept. of Political and Social Change, Research School
of Pacific and Asian Studies, The Australian National
University., 2017./.

 

Vũ Đình Hoàng Anh Tuấn .Tạp chí Thông tin và Truyền thông


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây