Mang đến cho người nghe có sự tương tác dễ dàng, tiện lợi
+ Các nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, những công nghệ mới ra đời tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có báo chí. Thưa ông, trước thực tế ấy, người làm phát thanh đã tận dụng những nền tảng mới này ra sao?
- Tôi thấy rằng, xu hướng hiện nay phát thanh sử dụng nền tảng số rất nhiều. Chúng ta vẫn nghĩ internet ra đời, mạng xã hội ra đời đó là thách thức, là lực cản rất mạnh mẽ cho phát thanh. Tuy nhiên, thực tế đây lại là cơ hội để phát thanh phát huy được những điểm mạnh của internet, của mạng xã hội để đến được với công chúng.
Người ta vẫn nói Đài phát thanh nhưng không cần ăng-ten, khi tác phẩm phát thanh được đưa lên các nền tảng mạng xã hội vẫn được công chúng đón nhận một cách dễ dàng. Nhờ các nền tảng này tác phẩm phát thanh đến được với số lượng công chúng nhiều hơn, đặc biệt là đến được với đối tượng độc giả trẻ. Các Đài phát thanh cũng sử dụng hình thức mới như là livestream các chương trình phát thanh để khán giả có thể nhìn thấy hình ảnh của các biên tập viên, của các nhà báo, người dẫn chương trình đang làm việc, họ luôn có sự tương tác với khán giả.
Xu hướng phát triển mạnh đó còn phải kể đến việc sử dụng Podcast, một trong những cách thức, làm audio mới làm công chúng tiếp cận được sản phẩm bằng âm thanh, tiếp cận đến sự tiện lợi. Các nền tảng này giúp thính giả có thể download về máy, về điện thoại của mình để nghe lúc nào cũng được. Bất cứ lúc nào, ở đâu, vừa làm việc vừa có thể nghe được phát thanh. Qua đó nắm bắt được thông tin, vừa có độ giải trí. Podcast cho người nghe có sự tương tác dễ dàng, tiện lợi. Và còn rất nhiều xu hướng của phát thanh hiện đại nữa, tuy nhiên đây là những điều căn cốt nhất của xu hướng phát thanh hiện nay.
Liên hoan Phát thanh lần thứ XVI – 2024 với chủ đề “Phát thanh Việt Nam – đa dạng trong chuyển đổi số” thu hút 81 đơn vị dự thi. Với 380 tác phẩm của 10 thể loại: Phóng sự, chương trình chuyên đề, phỏng vấn, chương trình phát thanh tiếng Dân tộc, câu chuyện truyền thanh, chương trình Phát thanh trực tiếp, ứng dụng nền tảng số, podcast, kỹ thuật dàn dựng xuất sắc và giọng vàng. Ban giám khảo sẽ chấm chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất với từng thể loại để tham gia Vòng chung khảo tại tỉnh Thanh Hóa, dự kiến vào tháng 7/2024. |
+ Bên cạnh cơ hội là không ít những thách thức. Thưa ông, trong những thách thức ngày càng lớn của công nghệ, người làm phát thanh cần thay đổi như thế nào để phù hợp nhu cầu của công chúng, đi tắt đón đầu nhu cầu ấy?
- Người làm báo nói chung và người làm phát thanh nói riêng cần phải đổi mới trước những xu hướng mới, những cơ hội mới mà công nghệ mang lại. Nó mang lại thách thức đối với người làm phát thanh. Tuy nhiên dù có dùng cách thức làm phát thanh mới nào thì kỹ năng nghiệp vụ của nhà báo vẫn là điều chúng ta thấy rất quan trọng.
Chúng ta phải biết kỹ năng viết lời cho tác phẩm phát thanh, biết trò chuyện, linh hoạt khi nói chuyện trên phát thanh, tạo ra cho mỗi tác phẩm phát thanh có sự gần gũi nhất định. Muốn làm được vậy, người làm phát thanh phải có kiến thức một cách sâu rộng. Đặc biệt đối với người làm Podcast, livestream... cần phải có khả năng ăn nói lưu loát, không làm phát thanh theo kiểu truyền thống với kịch bản có sẵn mà thường sáng tạo, nhanh nhạy ngay trong lúc họ sản xuất chương trình. Người làm phát thanh không đủ kỹ năng, vốn kiến thức chắc chắn họ không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Xu hướng làm phát thanh mới ngày càng được đón nhận
+ Nghĩa là muốn đạt hiệu quả, người làm phát thanh cần trang bị nhiều kỹ năng, và phẩm chất để bắt nhịp xu hướng mới, thưa ông?
- Đúng vậy. Trong giai đoạn hiện nay mỗi nhà báo cần phải biết sử dụng công nghệ, đây là điều quan trọng vô cùng, trong đó có công nghệ thu thanh, công nghệ dàn dựng chương trình. Biết đăng tải và phân phối lên các nền tảng mạng xã hội và các nền tảng khác, nếu không biết sử dụng sẽ rất khó tiếp cận được với nhiều khán thính giả.
Ngoài ra, nhà báo cũng cần hiểu công chúng, phải tương tác với công chúng, là những kỹ năng trò chuyện với công chúng. Nếu làm phát thanh không biết tương tác với công chúng, không biết quảng bá sản phát thanh của mình đến được nhiều người thì rất khó giữ chân khán, thính giả. Dù tác phẩm có hay đến mấy sẽ không đạt được hiệu quả tuyên truyền.
Với người làm phát thanh đầu tiên cần phải có sự tâm huyết và làm bất cứ đề tài gì cũng cần nghĩ tới công chúng. Khi chúng ta đưa bất cứ một thông tin nào cũng cần quan tâm đến vấn đề trung thực, chính xác, nêu vấn đề có tác động đến xã hội, làm cho công chúng có sự hiểu biết nhiều hơn, như vậy tác phẩm phát thanh mới có sự lan tỏa mạnh mẽ hơn.
+ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI lấy chủ đề “Phát thanh Việt Nam, đa dạng trong chuyển đổi số”, ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của chủ đề năm nay chứ?
- Qua mỗi năm, Liên hoan Phát thanh toàn quốc cho thấy lĩnh vực này có sự phát triển mạnh mẽ hơn, mặc dù phát thanh vẫn chịu tác động mạnh mẽ từ các nền tảng mạng xã hội, chịu thách thức từ mạng xã hội nhưng các nhà báo đã vượt qua và ngày càng có những thay đổi mạnh mẽ hơn.
Các chương trình phát thanh hiện nay ngày càng phong phú, đa dạng hình thức thể hiện được đầu tư hơn, phát huy được thế mạnh của phát thanh. Tuy nhiên, một trong những hiệu quả là ứng dụng được nền tảng số, chuyển đổi số vào trong việc sản xuất và phân phối các tác phẩm một cách rất nhuần nhuyễn. Việc tận dụng công nghệ, chuyển đổi số đem lại sự thay đổi mạnh mẽ cho người làm phát thanh như: Việc tương tác với công chúng; đo lường số lượng công chúng đến với mình, họ tranh thủ được những thông tin từ thính giả, khán giả cung cấp, những đóng góp, nhận xét của công chúng để tạo ra nội dung hấp dẫn, gần gũi hơn.
Tôi thấy trong các kỳ liên hoan, các nhà báo làm phát thanh đều rất sáng tạo, riêng năm nay lần đầu tiên đưa hạng mục giải thưởng Podcast vào Liên hoan Phát thanh toàn quốc. Việc này nhận được sự tham gia hưởng ứng của những nhà báo làm phát thanh từ Trung ương đến địa phương. Chứng tỏ một điều là xu hướng làm phát thanh mới đã được các đài phát thanh truyền hình đón nhận.
Điều này cũng khẳng định phát thanh luôn chuyển mình, luôn có những đổi mới thì chắc chắn phát thanh sẽ luôn tồn tại và phát triển mạnh mẽ, là một thế mạnh trong lĩnh vực báo chí được khán giả ngày càng đón nhận.
+ Xin cảm ơn ông!