Thứ sáu, 13/09/2024, 08:22

Phát thanh trên internet với công chúng hiện nay

Thông tin trên nền tảng số phát triển ngày càng mạnh mẽ, các sản phẩm truyền thông tận dụng thế mạnh này để có được lượng công chúng lớn, báo chí cũng không ngoại lệ. Hiện nay, các sản phẩm báo chí chính thống đã chuyển hướng phát triển sang nền tảng số, nhiều trang báo đã có mặt trên các trang mạng xã hội và các kênh tin tức số. Việc chuyển hướng này đã đem lại hiệu quả tích cực khi những bài viết về các thông tin thời sự, xã hội đều tiếp cận được đông đảo của công chúng, đặc biệt là nhóm công chúng trẻ - nhóm đối tượng trước đây không thường xuyên lựa chọn báo nói để tiếp nhận thông tin.
 

Báo phát thanh vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong việc tham gia xử lý các cuộc khủng hoảng đặc biệt, các tình huống khẩn cấp như thiên tai, cháy nổ, biểu tình, vấn đề về giao thông... Chính vì thế, phát triển phát thanh trên internet sẽ tiếp cận gần hơn đối với công chúng, những bản tin radio được lồng ghép khắp các mạng xã hội, trang web,... với đa dạng nội dung và hình thức truyền tải. Các hoạt động này, dần dần giúp báo phát thanh trên internet trở nên phổ biến với công chúng hiện nay.

Phát thanh trên internet là sự kết hợp giữa phát thanh qua FM, AM và internet, sử dụng âm thanh kỹ thuật số phù hợp với nền tảng công nghệ internet và thiết bị đầu cuối máy tính, điện thoại... để truyền thông tin bằng ngôn ngữ đa phương tiện, trong đó, âm thanh tổng hợp là ngôn ngữ chính, để tác động vào nhiều giác quan của đối tượng tiếp nhận.

Phát thanh trên internet là quá trình thể hiện sản phẩm âm thanh dưới dạng thức đa phương tiện (trong đó âm thanh là dữ liệu chủ yếu) và truyền đến công chúng qua mạng internet. Phát thanh trên internet hiện nay có 3 dạng:

Thứ nhất, các chương trình được các Đài Phát thanh và Truyền hình xây dựng, cùng với việc phát sóng trên làn sóng điện cũng đồng thời phát sóng trên các trang web của đài và phát trên các trang mạng xã hội như spotify, podcast, google podcast... Đây là các tác phẩm báo chí thực hiện các chức năng khác nhau và được sự quản lý chặt chẽ của các cấp lãnh đạo.

Thứ hai, các chương trình phát thanh được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng và phát trên nền tảng mạng xã hội. Các dạng có nội dung chủ yếu là quảng cáo, sản phẩm hoặc chia sẻ kinh nghiệm cá nhân.

Thứ ba, các audio phát sóng trên các báo mạng điện tử. Đây là các tác phẩm được đọc trên cơ sở các bài báo trên mạng điện tử, để tăng tính đa phương tiện, nhằm phục vụ nhu cầu tiếp nhận của công chúng có thể nghe mà không phải đọc. Thông thường các báo mạng điện tử nhờ vào công nghệ AI để trợ giúp đọc các tác phẩm này.

Phát thanh trên internet đề cập ở nội dung bài viết này được hiểu theo dạng thứ nhất, là các chương trình, tác phẩm của các đài phát thanh được số hóa để phát trên mạng internet với hình thức đa phương tiện.

Thách thức trong quá trình đưa phát thanh trên internet đến với công chúng

Thứ nhất, chất lượng các chương trình phát thanh trên internet chưa đa dạng và hấp dẫn. Hiện nay, hầu hết các chương trình phát thanh của các đài khi chuyển lên nền tảng số vẫn giữ nguyên nội dung, chỉ khác ở cách thức thể hiện là các tác phẩm không thuộc một chương trình mà đứng độc lập, đơn lẻ. Thính giả không cần chờ đợi để nghe tác phẩm yêu thích mà có thể lựa chọn tác phẩm để nghe ngay lập tức bằng các công cụ tìm kiếm.

Trước đây, một số chương trình phát thanh đã từng được công chúng yêu thích chờ đón nghe bởi sự hấp dẫn trong nội dung như “Đọc truyện đêm khuya”, “Quà tặng âm nhạc”, “Bạn hãy nói với chúng tôi”, trong đó có những bài hát, những lời sẻ chia được lan tỏa rộng rãi. Nhưng giờ đây, các chương trình phát thanh được cho là “Hot” có khẳng định vị trí của mình trong lòng thính giả nữa hay không khi mà điện thoại di động là phương tiện phổ biến đối với tất cả mọi người, với điện thoại di động có kết nối mạng internet thì việc cập nhật thông tin diễn ra nhanh chóng trên mọi lĩnh vực theo đúng nhu cầu. Công chúng chủ động tra cứu thông tin vào thời điểm họ cần cũng như địa điểm họ mong muốn.

Do vậy, nếu không tăng tính chủ động, thiếu sự đổi mới trong nội dung chương trình khiến công chúng không ưu tiên lựa chọn phát thanh để nghe.

Thứ hai, các sản phẩm phát thanh trên internet chưa có sự quảng bá rộng rãi. Phát thanh trên internet giúp thính giả có thể nghe trên máy tính hoặc các thiết bị di động, nhà đài có thể tương tác với công chúng theo các hình thức đa dạng như qua email, mạng xã hội, fanpage... Công chúng hiện đại không còn ngồi hàng giờ tập trung nghe đài mà họ thường tận dụng lợi thế của hoạt động “nghe” là vừa nghe đài vừa kết hợp với công việc khác, do vậy đa số họ nghe đài trong trạng thái di chuyển và nghe qua các thiết bị di động... Họ thường nghe vào thời điểm họ lựa chọn và có thể một phần, một nội dung của chương trình. Do đó, phát thanh cần phải đa dạng hóa và đổi mới. Những kênh tin tức hay, mới mẻ và hấp dẫn cần phải được xuất hiện nhiều hơn trên các trang mạng xã hội nhằm quảng cáo nhiều hơn đến với công chúng. Việc nhiều kênh tin tức xuất hiện nhưng không được quảng bá rộng rãi, là một phần nguyên nhân khiến cho phát thanh trên nền tảng số không thu hút được nhiều lớp thính giả.

Thứ ba, phát thanh trên internet đòi hỏi phải có các thiết bị thông minh có kết nối mạng internet. Hiện nay, nhiều đài phát thanh xây dựng các APP trên điện thoại di động để giúp công chúng thuận tiện khi nghe đài trở nên phổ biến. Công chúng cần thiết bị có kết nối internet để tiếp nhận. Nhưng thực tế không phải nhóm công chúng nào cũng có thể sở hữu các thiết bị thông minh có kết nối mạng internet. Thêm nữa, các sự cố về mạng khi kết nối, hoặc phải thuê bao 3G - 4G với một chi phí nhất định cũng sẽ hạn chế khả năng tiếp nhận thông tin từ các chương trình phát thanh. Điều đó cũng phần nào khiến cho việc đưa phát thanh trên internet đến với công chúng sẽ gặp khó khăn.

Một trong số những giải pháp được đề cập đến là những chương trình phát thanh không cần đến internet, người nghe có thể chủ động lựa chọn tải xuống những thông tin muốn nghe và sau đó chọn thời điểm trong ngày để phát lại. Việc này giúp cho họ cảm thấy thuận tiện hơn trong việc lắng nghe các thông tin phát thanh theo ý thích của mình. Bên cạnh đó các trang web của các đài phát thanh cần có giao diện bắt mắt, các chương trình được thể hiện với hình thức là các điểm nhấn, giúp công chúng dễ tìm kiếm cũng là một trong những cách hữu hiệu để lôi kéo nhóm này nhiều hơn.

Thứ tư, so với thông tin trên báo mạng điện tử và mạng xã hội thì phát thanh trên internet cập nhật thông tin chậm hơn. Mặc dù các chương trình phát thanh có tính chính xác và độ tin cậy cao nhưng vẫn luôn “chậm chân” hơn trong việc đưa đến các bạn nghe đài những tin tức nóng hổi và nhanh chóng nhất. Dẫu biết những thông tin được truyền tải qua phát thanh đã được thông qua quá trình sàng lọc kỹ lưỡng, đảm bảo tiêu chuẩn, nhưng công chúng hiện đại vẫn sẽ hướng tới các nền tảng thông tin khác nhanh chóng hơn.

Trên các APP và web của đài phát thanh hiện nay, hoạt động tương tác chưa sinh động đa dạng như vốn có của nó, nghĩa là công chúng không được trực tiếp tương tác comment dưới bài, like, share chương trình phát thanh yêu thích mà vẫn theo hình thức tương tác truyền thống là gọi điện thoại và email. Điều này cũng khiến người nghe giảm hứng thú với việc tiếp nhận các chương trình phát thanh trên internet.

Một số giải pháp nhằm đưa phát thanh trên internet đến gần hơn với công chúng

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, quan tâm quản lý, đầu tư của các cấp đối với phát thanh trên internet. Sự ra đời của phát thanh trên nền tảng internet như một quy luật tất yếu của sự phát triển. Sản phẩm phát thanh trên internet giúp cho công chúng dễ dàng nắm bắt thông tin trong nhiều mảng, lĩnh vực khác nhau một cách nhanh gọn và tiện lợi hơn. Để tránh việc hiểu sai ý truyền tải chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước thông qua những nguồn tin không chính thống thì việc đưa phát thanh trở thành một công cụ đắc lực trên nền tảng internet là một hoạt động tích cực và đúng đắn mà các cấp ủy, chính quyền nên quan tâm và đầu tư nhiều hơn.

Hai là, thực hiện tốt luật an ninh mạng, xử phạt nghiêm minh những vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Công chúng hiện đại có ưu thế trong việc sử dụng công nghệ để tiếp nhận và truyền thông tin. Họ dành nhiều thời gian cho mạng xã hội nên hiểu khá rõ về mạng xã hội và các dòng thông tin trên đó. Tuy nhiên, thông tin bôi nhọ đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước hay những thông tin đi ngược với lợi ích dân tộc của các thế lực thù địch... trở nên khó kiểm soát khi lan truyền trên mạng internet. Do vậy, phổ biến Luật An ninh mạng là điều cần thiết. Việc ban hành Luật An ninh mạng có tác dụng phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng như: Thông qua không gian mạng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta.

Đối mặt với các cuộc tấncông mạng trên quy mô lớn, cường độ cao. Mất kiểm soát về an ninh, an toàn thông tin mạng. Khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng... Mặc dù đã có những thay đổi nhất định nhưng các quy định hiện nay về việc xử lý các hành vi vi phạm trên không gian mạng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn; chưa đáp ứng được thay đổi của thực tiễn trong tình hình mới. Điều này đã gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật An ninh mạng với các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Việc thắt chặt quản lý an ninh mạng sẽ đảm bảo được hiệu quả truyền tải thông tin của các loại hình báo chí nói chung và báo phát thanh trên internet nói riêng. Chương trình phát thanh của các đài dù không gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát nội dung các chương trình nhưng cũng cần có những hành động cụ thể trong việc thắt chặt an ninh trên không gian mạng đối với những chương trình được phát online trên internet.

Ba là, khẳng định vai trò của báo phát thanh hiện đại với công chúng. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo cho phép tự động hóa trong quá trình cung cấp, truy cập và quản lý nội dung sẽ tạo ra những đòn bẩy phát triển và thách thức cho ngành truyền thông trong đó có loại hình báo phát thanh. Dù các phương thức truyền thông phát triển mạnh mẽ trên thế giới nhưng vẫn không thay thế được các loại hình báo chí, đã có nhiều phán đoán về sự mất đi của một số hình thức thông tin nhưng các loại hình báo chí vẫn tồn tại và phát tiển.

Ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, nhà nước vẫn coi đài phát thanh là loại hình báo chí chính thống, được đầu tư phát triển. Cho đến thời điểm này và trong tương lai, phát thanh vẫn và sẽ là phương tiện thông tin đại chúng quan trọng vì tiện lợi, cơ động trong việc tiếp nhận; dễ dàng tương tác; công chúng có thể thể hiện mình trên sóng với cảm xúc chân thật.

Để bắt kịp với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết các đài phát thanh phải có chiến lược phát triển nội dung theo hướng tích hợp giữa phát thanh truyền thống và phát thanh trên các hạ tầng thiết bị mới như mạng internet, điện thoại thông minh. Qua các App, các đài phát thanh cũng có thể thông báo nội dung đang phát, sắp phát và những nội dung đặc sắc gửi qua điện thoại để công chúng lựa chọn và đón nghe... Lúc này, tính nhanh nhạy của thông tin trên báo phát thanh có thể cạnh tranh với các loại hình truyền thông xã hội, phát thanh sẽ có lợi thế về tính định hướng và chính xác.

Tận dụng ưu thế của mạng xã hội, các chương trình phát thanh có thể sử dụng hình thức livestream để công chúng có thể “nhìn” được hình ảnh của những người làm chương trình mà trước nay vẫn là “ẩn số” đối với công chúng. Hình thức này đã và đang thu hút được lượng công chúng mới đang có mặt đông đảo trên mạng xã hội và đã được một số kênh phát thanh thực hiện như XoneFm, kênh Tin tức và Giao thông Hà Nội của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội... tuy nhiên chưa thường xuyên.

Bốn là, sử dụng các phương thức khác nhau để thu hút công chúng đến với các chương trình phát thanh trên internet. Đổi mới để phù hợp với xu hướng phát triển của công chúng và truyền thông hiện đại là việc làm cần thiết đối với phát thanh hiện nay. Cụ thể, phát thanh cần phát triển theo hướng hiện đại hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình; thông tin có tính tương tác đa chiều, đặc biệt chú trọng phát triển những chương trình có sự tương tác giữa người dẫn chương trình với thính giả trên internet để có thể kịp thời hồi đáp những phản ánh của người nghe; liên kết hoạt động với các cơ quan báo chí khác.

Đài phát thanh cũng có thể xây dựng các ứng dụng APP riêng; xây dựng các podcast theo chủ đề phát trên các ứng dụng. Podcast - một hình thức phát thanh online được nhiều đài phát thanh trên thế giới sử dụng. Những người nổi tiếng và các KOL đang có sức hấp dẫn mạnh mẽ, có tầm ảnh hưởng đối với cộng đồng mạng, công chúng hiện nay rất quan tâm đến “nhất cử nhất động” của những người nổi tiếng hay thần tượng của họ, do vậy cần phát huy vai trò, đưa các nhân vật này tham gia vào các chương trình phát thanh. Đối với các KOL dẫn chương trình, tham gia vào các hoạt động trong chương trình họ có thể giới thiệu trên trang mạng xã hội, với các KOL không tham gia chương trình họ cũng có thể bày tỏ những suy nghĩ, tình cảm, quảng bá các chương trình phát thanh, đây là yếu tố quan trọng để kích thích nhu cầu thông tin phát thanh trên internet.

Nghiên cứu công chúng là một hoạt động quan trọng đối với các cơ quan báo chí, trong đó nghiên cứu công chúng chuyên biệt càng có ý nghĩa hơn khi nhóm này chính là lượng thính giả trung thành của các sản phẩm báo chí. Thành lập ban nghiên cứu thính giả hay thực hiện các cuộc điều tra đối với công chúng để có những đánh giá, hướng đi đúng đắn phù hợp, hoạt động này cần được thực hiện nghiêm túc, khoa học, tránh làm đối phó. Từ đó, có thể kết hợp các nhóm công chúng tham gia vào chương trình hoặc đặt hàng để chính nhóm này xây dựng các chương trình phát thanh phục vụ cho chính họ.

--------------------------------------------

 Tài liệu tham khảo:

1. Đinh thị Thu Hằng (2020), Báo Phát thanh hiện đại, Nxb. Lý luận Chính trị.

2. Phan Văn Kiền, Phan Quốc Hải, Phạm Chiến Thắng, Nguyễn Đinh Hậu (2016), Một số xu hướng mới của báo chí truyền thông hiện đại, Nxb. Thông tin và Truyền thông.

PGS, TS Phạm Thị Thanh Tịnh

Tạp chí Người làm báo


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây