Nâng cao chất lượng các cuộc họp giao ban…
Một trong những vấn đề đang được triển khai khá hiệu quả tại địa phương chính là sự phối hợp hiệu quả và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông đến Hội Nhà báo, và từng cơ quan báo chí. Theo đó, sự gắn kết ấy được thấy rõ trong việc tổ chức các cuộc họp giao ban định kì. Đây được coi là “sợi dây liên kết” tích cực, hỗ trợ các phóng viên thường trú trong công tác thông tin tuyên truyền trên địa bàn.
Nhà báo Vũ Kiều Minh - Tổng Thư ký tòa soạn báo Nông thôn ngày nay/ Dân Việt từng có kinh nghiệm thường trú tại Quảng Ninh trong vài năm chia sẻ rằng, một trong những “nguồn tin” mà ông hết sức coi trọng chính là thông tin từ các cuộc giao ban, thông tin báo chí thường kỳ trên địa bàn tỉnh.
Nhà báo Vũ Kiều Minh cho biết: Trong thời gian thường trú, anh tham gia các cuộc họp giao ban thông tin báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo của Tỉnh ủy phối hợp với Sở TTTT của UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì. Hàng tháng cũng được dự cuộc họp giao ban thông tin, thường được tổ chức tại các huyện khác nhau tùy vào nội dung hàng tháng. “Trong các cuộc họp giao ban này, thường có mặt khá đông đủ các phóng viên báo chí của các cơ quan báo chí đang thường trú và hoạt động trên địa bàn tỉnh, hầu hết các vấn đề nóng đều được giải đáp một cách thỏa đáng, đầy đủ. Những câu hỏi, thậm chí là những câu hỏi khó, đều được trả lời một cách trực diện, không vòng vo. Tóm lại, chất lượng thông tin từ những cuộc họp giao ban hàng tuần, hàng tháng đều ở mức từ khá đến tốt” – nhà báo Kiều Minh nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả các cuộc giao ban thường kỳ, trong bối cảnh nhiều đổi mới, nhà báo Vũ Kiều Minh cho rằng, cần tăng cường các nội dung thông tin trong những lĩnh vực liên quan tới an sinh xã hội, đời sống an ninh trật tự. Đây đều là những lĩnh vực liên quan sát sườn tới lợi ích của người dân và cũng là những vấn đề mà báo chí quan tâm, mong muốn phản ánh để đưa lại thông tin cho bạn đọc… Đồng thời, để tăng tính tương tác trong các cuộc họp giao ban giữa người chủ trì và các phóng viên, nhà báo, tránh tình trạng họp giao ban một chiều, ông Minh cho rằng, các cuộc giao ban nên khuyến khích các nhà báo, phóng viên có thể hỏi những vấn đề, thông tin nằm ngoài khuôn khổ nội dung của cuộc họp giao ban, chuyển lại cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền để trả lời bằng văn bản hoặc làm việc trực tiếp sau đó… Có như vậy, các cơ quan thông tấn báo chí sẽ có niềm tin và cảm thấy những cuộc họp giao ban thật sự hữu ích, có hiệu quả.
Đồng quan điểm này, nhà báo Dương Danh Hữu, Tổng Thư ký tòa soạn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi Hội - Báo Thanh Niên cho rằng, bên cạnh việc các cơ quan quản lý, như Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường cơ chế kiểm soát, chế tài mạnh mẽ các vi phạm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Báo chí, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát huy hiệu quả giám sát, phản biện xã hội thì “Chính quyền địa phương cần có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí và phóng viên thường trú. Thông tin cần được cung cấp nhanh chóng, đầy đủ và thường xuyên, đặc biệt là thông tin liên quan đến các vấn đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm…”…
Ứng dụng công nghệ số, nâng cao hiệu lực quản lý phóng viên thường trú
Đây là một trong những cách thức triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và cũng là điểm sáng mà các địa phương khác có thể học hỏi và ứng dụng. Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Sở Thông tin & truyền thông Thừa Thiên Huế cho biết, với mong muốn sử dụng nền tảng công nghệ số để giải quyết các vấn đề bất cập trong việc trao đổi thông tin của cơ quan báo chí với các cơ quan nhà nước, đồng thời hỗ trợ cho công tác tiếp cận thông tin diễn ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế của đội ngũ phóng viên được nhanh chóng, kịp thời và chính xác, bên cạnh các hình thức cung cấp thông tin truyền thống cho báo chí (họp báo định kỳ/đột xuất, văn bản, điện thoại...), năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã chính thức đưa vào khai thác, vận hành Hệ thống mạng lưới phát ngôn hoạt động tại địa chỉ: https://cqs.thuathienhue.gov.vn.
“Chúng tôi thường xuyên cập nhật danh sách và tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí đăng kí hoạt động trên địa bàn; cập nhật danh sách Người phát ngôn của cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh trên trang thông tin điện tử của Sở và trên Cổng TTĐT của tỉnh để các đơn vị, địa phương dễ dàng truy cập, nắm bắt thông tin liên quan khi phóng viên các cơ quan báo chí đăng ký làm việc, qua đó, hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong công tác phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống cho cơ quan báo chí theo tôn chỉ mục đích trong giấy phép hoạt động báo chí.
Sở cũng đã tổ chức tập huấn, hỗ trợ cho cán bộ là Người phát ngôn và Người được giao nhiệm vụ hỗ trợ phát ngôn vận hành hệ thống Mạng lưới phát ngôn tại địa chỉ cqs.thuathienhue.gov.vn và ứng dụng Hue-S.
Hiện nay, nhằm chuẩn hóa các quy trình trên một nền tảng, Sở đã hoàn thiện và phát triển Nền tảng số truyền thông có chức năng kết nối giữa cơ quan nhà nước với cơ quan báo chí trên cơ sở tích hợp, nâng cấp hệ thống Mạng lưới phát ngôn vào quy trình xử lý phản ánh hiện trường trên nền tảng số Hue-S.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, khai thác tối đa các thành tựu của công cuộc chuyển đổi số, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Nền tảng số kết nối truyền thông được tích hợp trên Hue-S triển khai chính thức từ ngày 07/3/2024….” – ông Sơn cho hay.
Có thể nói, với việc tổ chức các cuộc họp giao ban hay sử dụng nền tảng số kết nối truyền thông đã cung cấp một phương thức mới thì đều là những kênh thông tin chính thống, tiện ích, góp phần tăng cường công tác cung cấp thông tin công khai minh bạch trong mối quan hệ giữa địa phương với báo chí, giúp các phóng viên thường trú triển khai thông tin tốt hơn đồng thời giúp các cơ quan chức năng quản lý phóng viên trên địa bàn hiệu quả hơn.