Thứ bảy, 07/09/2024, 22:33

Tít và ý nghĩa của tít - nhìn từ một số thể loại báo hình

( Hoinhabaonghean.vn) - Một tác phẩm báo chí ra đời có thu hút, tạo được dấu ấn và đưa lại hiệu quả thực sự về mặt tuyên truyền hay không, đòi hỏi phải hội tụ đủ các yếu tố cần, trong đó việc đặt tít là một trong những nội dung quan trọng. Công đoạn này được thực hiện không đơn thuần chỉ đủ để góp phần cấu thành một tác phẩm hoàn chỉnh mà còn thể hiện sự tôn trọng nghề nghiệp, tỏ rõ phong cách và cả trăn trở của tác giả trong quá trình tác nghiệp để có một tác phẩm báo chí đích thực. Đối với các thể loại báo hình cũng vậy.
z5572891829244 6e02ad79f09e19efa5893228118a402e

Trong một tác phẩm báo chí hoàn chỉnh, không có yếu tố nào đứng ở vị trí thứ yếu. Điều hiển nhiên là như các loại hình báo chí khác, một tác phẩm truyền hình ra đời, tất yếu phải có đầu đề của nó. Nói một cách ví von là đã “sinh con” thì phải đặt tên, mà đặt tên thì dài hay ngắn cũng phải có ý nghĩa. Một tác phẩm dù thuộc thể loại nào (tin, phóng sự, phóng sự dài kỳ, phim tài liệu, ký sự, phỏng vấn, tọa đàm…) thì việc đặt tít, rút tít, giật tít (nhan đề, tiêu đề, đầu đề) đều phải được quan tâm, coi trọng. Hay nói cách khác, đặt tít là một công đoạn không thể thiếu, một yêu cầu bắt buộc trong chuỗi các yếu tố cấu thành để hoàn chỉnh một tác phẩm trước khi phát sóng.

Mục đích của việc đặt tít là nhằm bao quát được chủ đề và nội dung của tác phẩm. Một tác phẩm ra đời mà kết tinh, hội tụ được đầy đủ các yếu tố cần (về nghiệp vụ) và phản ánh khách quan sự vật, hiện tượng, gây được sự chú ý của khán giả, lại có tác dụng tuyên truyền, cổ vũ thì có thể nói sẽ thành công. Dĩ nhiên, thành công đó không thể thiếu vắng việc đặt tít. Thành công đó cũng thể hiện rõ tâm huyết, yêu nghề, sự sáng tạo và cả trình độ của tác giả. Trong một số trường hợp, đòi hỏi tác giả phải hướng đến “nghệ thuật” đặt tít. Một tác phẩm mà tác giả tìm được đề tài hay, có tính thời sự, giải quyết vấn đề thấu đáo, có sức hấp dẫn, nhưng tít lủng củng, dài dòng, rườm rà, tối nghĩa, không hoặc ít gây sự chú ý thì phần nào cũng làm giảm đáng kể sự quan tâm của khán giả.

z5572887320164 089bc8e9b1ec73989d32bd281bfb2173Ngược lại, nếu tít bao hàm được các tiêu chí cần và đủ, mới và lạ nhưng không trừu tượng, rối rắm thì sẽ gây sự chú ý nhiều hơn. Điều này cũng dễ hiểu, bởi về mặt tâm lý thì tít hay (nhìn, đọc nghe hay), tít lạ (nhìn, đọc nghe lạ) thường thu hút, thậm chí gây sự tò mò cho người xem, nhất là đối với đồng nghiệp. Có thể kể đến như phim tài liệu “Bốn mùa trong rừng thẳm” của nhóm phóng viên Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam. Mặc dù chỉ đạt giải Khuyến khích tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII năm 2022 nhưng có thể nói cái tít này khá ấn tượng, bởi nó giống như tên của một cuốn tiểu thuyết. Hoặc tít lạ kiểu như phim tài liệu “HơMông thức giấc” của nhóm tác giả Đài PT&TH Kon Tum (đạt giải C Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI năm 2021).

Trong tác nghiệp, để đặt được tít một tác phẩm vừa đúng tầm và bao quát được nội dung, bảo đảm mục đích tôn chỉ, có tác động tích cực đến cộng đồng, vừa hấp dẫn người xem không phải dễ. Mặc dù không có quy định cụ thể nào nhưng qua thực tế cho thấy, đặt tít ngắn gọn, dùng từ phổ thông, dễ hiểu đã và đang được áp dụng khá phổ biến đối với các thể loại báo hình. Đặt tít ngắn gọn, trước hết làm cho người xem và cả bản thân tác giả dễ nhớ. Đi sâu vào nội dung, nếu tác phẩm giải quyết được vấn đề thấu đáo, thực sự đưa lại hiệu quả tốt về mặt tuyên truyền thì lại càng để lại dấu ấn. Phim tài liệu “Tìm tên cho cá” của nhóm tác giả Đài PT&TH Nghệ An giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ XVII là một cái tít như thế. Yếu tố gây sự chú ý trước hết cho người xem ở cái tít của phim tài liệu này là người tìm tên cho cá đó là ai? Một cá nhân hay cả một tập thể?. Cá ở đây là một loài cụ thể hay nhiều loài và ở đâu?. Rồi nhiều yếu tố liên quan đến cả quá trình tìm tên cho cá…

Hay như phóng sự “Ma trận giếng khoan” của nhóm tác giả Đài PT&TH Nghệ An (đạt giải B Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII năm 2022) cũng là một cái tít ngắn gọn nhưng gây sự chú ý cho người xem ngay từ đầu. Tuy nhiên, chỉ khi xem xong thì mới hiểu rõ ý nghĩa của tít và nội dung của tác phẩm. Có thể nói, cách đặt tít của hai tác phẩm này dù ít hay nhiều đều góp phần nâng tầm để đạt giải cao như thế. Trong hoạt động nghiệp vụ, đối với đồng nghiệp thân quen, có những tác phẩm khi đọc, hay nhìn đầu đề là có thể phán đoán được tác giả của nó. Tất nhiên, mỗi thể loại của mỗi loại hình báo chí đều có tính đặc thù. Đối với các tác phẩm dài kỳ (phim tài liệu, phim tài liệu khoa học, phóng sự, ký sự) thì nhất thiết phải đặt tít (tên) của từng kỳ cụ thể. Đáng kể như các ký sự dài kỳ: “Về lại cứ địa xưa” (Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Nam Bộ), “Âm vang Điện Biên Phủ” do Trung tâm Phim tài liệu Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện. Seri ký sự dài kỳ “Ký sự nước Lào” do nhóm phóng viên Đài PT&TH Nghệ An thực hiện cũng là một điển hình. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, ngoài Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, chưa có một Đài PT&TH địa phương nào thực hiện được một ký sự dài kỳ có tầm như thế. Về mặt nghiệp vụ, cách dùng từ đặt tít của ký sự này vừa ngắn gọn, phù hợp thể loại, vừa cảm thấy nhẹ nhàng, dễ hiểu và còn ẩn chứa cả sự tinh tế trong đó. Mặc dù chưa biết nội dung cụ thể nhưng khi nhìn đầu đề hoặc nghe giới thiệu trên sóng, phần nào đã thu hút người xem bởi điểm nhấn đầu tiên của “Ký sự nước Lào” là nó mang yếu tố nước ngoài, được thể hiện ngay từ cái tít.

       Về nghiệp vụ, ai cũng biết tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đặt tít cho các tác phẩm báo chí thuộc các thể loại của các loại hình nói chung, các thể loại của báo hình nói riêng. Từ thực tế cho thấy, cùng một chủ đề, sát hơn nữa là cùng một sự kiện, một vấn đề nhưng nếu tác giả, hay nhóm tác giả biết cách lựa chọn từ ngữ phù hợp để đặt tít thì tít sẽ trở thành “linh hồn”, điểm nhấn gây sự chú ý đầu tiên, đồng thời góp phần làm tăng thêm hiệu quả tuyên truyền và nâng tầm của tác phẩm báo chí đó./.
 
Võ Xuân Báu
PCT Thường trực Hội Nhà báo Hà Tĩnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây