Thứ sáu, 11/10/2024, 00:43

“Qua miền Tây Bắc” và cuộc hành trình của lòng biết ơn

(hoinhabaonghean.vn) - Khi được giao nhiệm vụ thực hiện một series ký sự truyền hình, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, chúng tôi không khỏi lo lắng. Đề tài về sự kiện “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này, không chỉ Việt Nam, mà truyền thông thế giới cũng đã khai thác rất nhiều, thậm chí đã từng có những bộ phim tài liệu, những tác phẩm báo chí kinh điển ra đời từ Điện Biên Phủ.Làm thế nào để chuyển tải tới công chúng thông tin về chiến dịch Điện Biên Phủ một cách đẩy đủ, nhưng lại “dễ xem”, đó là yêu cầu nghề nghiệp được đặt ra với ê kíp chúng tôi.
 - 70 năm trước, vì sao các bác lại có thể ngược lên miền Tây Bắc, kinh qua mọi gian khổ ở chiến trường Điện Biên Phủ?
 - Đó là bởi lòng biết ơn, ơn Đảng, ơn Bác Hồ”
Rất nhiều người từng tham chiến, phục vụ chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ đã nói với chúng tôi như thế… Và cuộc hành trình của chúng tôi, trong những tháng ngày thực hiện series ký sự “Qua miền Tây Bắc” cũng có thể gọi là “Cuộc hành trình của lòng biết ơn”, biết ơn những người đã có những cống hiến, hi sinh cho tổ quốc từ 70 năm về trước.

Khi được giao nhiệm vụ thực hiện một series ký sự truyền hình, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, chúng tôi không khỏi lo lắng. Đề tài về sự kiện “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này, không chỉ Việt Nam, mà truyền thông thế giới cũng đã khai thác rất nhiều, thậm chí đã từng có những bộ phim tài liệu, những tác phẩm báo chí kinh điển ra đời từ Điện Biên Phủ.
Làm thế nào để chuyển tải tới công chúng thông tin về chiến dịch Điện Biên Phủ một cách đẩy đủ, nhưng lại “dễ xem”, đó là yêu cầu nghề nghiệp được đặt ra với ê kíp chúng tôi.

Hiển nhiên, đầu tiên lại là việc kiếm tìm tài liệu để đọc - hiểu. Một việc làm của bất kỳ nhà báo nào, khi bắt tay thực hiện đề tài của mình. Và nếu tạm gọi những thông tin lịch sử chúng tôi thu thập được là “lý thuyết” thì công đoạn ngay sau đó, tìm kiếm nhân vật, nhân chứng, có thể gọi là “thực tiễn”. Đó là những ngày làm tiền kỳ tốn không ít thời gian, công sức của những người làm báo hình, đến từ Đài PT&TH Nghệ An.

Ngay sau dịp Tết nguyên đán 2024, chúng tôi bắt đầu lần tìm đến nhiều địa phương trong tỉnh, dò hỏi thông tin để có thể gặp gỡ với những người 70 năm về trước từng có mặt ở chiến trường Điện Biên Phủ.
Cựu chiến binh Nguyễn Thế Viên, cụ ông năm nay đã ở tuổi 95, là người chúng tôi tìm đến đầu tiên. Nhà cụ ở xã Hùng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Cụ từng là phóng viên tờ “Tin mặt trận” ở chiến trường Điện Biên Phủ khói lửa. Người đồng nghiệp lớn tuổi ấy, tuy tuổi đã cao nhưng còn hết sức minh mẫn. Điều làm chúng tôi mừng thầm là bởi chính những người làm báo sẽ dễ hiểu chuyện và chia sẻ thông tin cho nhau hơn. 3 cuộc gặp gỡ cựu chiến binh Nguyễn Thế Viên, chúng tôi gần như có đầy đủ các thông tin về Tây Bắc, Điện Biên 70 năm về trước. Bởi nhà báo quân đội này thực sự là một pho sử sống, khi ông từng có hơn 1000 bài viết, 1500 bức ảnh về Điện Biên Phủ xưa và nay. Điều làm cả ê kíp càng vui là ông đã nhận lời sẽ tham gia cuộc hành trình thăm lại Điện Biên cùng đoàn làm phim. Có nghĩa rằng, ông sẽ là nhân vật chính, người dẫn chuyện trong 7 tập ký sự “Qua miền Tây Bắc” mà chúng tôi sẽ thực hiện.

 
ANH 1
Gặp gỡ Cựu chiến binh, Nhà báo chiến trường Nguyễn Thế Viên

Một kịch bản sản xuất được hình thành ngay sau đó; mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Chúng tôi dự kiến sẽ khởi hành vào sáng 15/3/2024. Trưa 14/3, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ cựu chiến binh Nguyễn Thế Viên: “Bác không thể tham gia cùng đoàn được rồi Dũng ạ, dù bác rất muốn. Sức khỏe của bác không cho phép, từ hôm qua đến giờ, bác lại trở bệnh”. Đối với những người làm phim, thông tin này như “sét đánh ngang tai”. Một cuộc hội ý khẩn cấp đã được tổ chức, tôi - đạo diễn chương trình, nói với nhà báo Nguyễn Kiều Hưng - trưởng đoàn công tác: “Sao mà hành trình này giống hết chiến dịch Điện Biên Phủ vậy anh? Phương châm tác chiến bị thay đổi rồi, chúng ta đã “kéo pháo vào”, giờ lại “kéo pháo ra” chăng?”. Đó là một câu nói vui trong phút thất vọng, nhưng hình như cũng khẳng định với mọi người: chúng tôi không còn lựa chọn khác, mà sẽ vẫn phải quyết định lên đường, dù thiếu vắng cựu nhà báo Nguyễn Thế Viên - người dự kiến sẽ là nhân vật dẫn chuyện.

Vẫn còn một điều may mắn, thông tin về Điện Biên Phủ mà chúng tôi cần, gần như đã được nắm bắt, ghi chép kỹ lưỡng. Và mục tiêu của chúng tôi là sẽ kể về cuộc hành trình này như một sự biết ơn những người đi trước, từ những câu chuyện nhỏ nhất ở chiến trường Điện Biên Phủ. Đương nhiên, chúng tôi lúc này đã hiểu rằng: quân dân Thanh - Nghệ - Tĩnh nói chung và Nghệ An nói riêng, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, là lực lượng có đóng góp lớn nhất để làm nên đại thắng nơi chiến trường.

6h sáng ngày 15 tháng 3 năm 2024, chúng tôi khởi hành từ Đài PT&TH Nghệ An. Đoàn làm phim quyết định sẽ thực hiện một lộ trình theo đúng lời kể của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa: đi từ Nghệ An, ra Thanh Hóa, ngược lên miền Tây Bắc theo hướng Hòa Bình, Sơn La rồi đến Điện Biên. Trên cung đường Tây Bắc “dốc núi cao cao”, ngoằn ngoèo ấy, chúng tôi bắt đầu cảm nhận được sự gian nan, vất vả, như chính lời kể của các cựu chiến binh.
 
ANH 3
 Trên cung đường lên Tây Bắc
 
Cú bấm máy đầu tiên chúng tôi thực hiện tại Suối Rút, Mai Châu, Hòa Bình, nơi năm xưa là điểm dừng chân huấn luyện của lực lượng Thanh niên xung phong và bộ đội Điện Biên. Đó là một vùng rừng heo hút, thâm u nơi đầu nguồn thủy điện Hòa Bình. Dù không ai bảo ai nhưng trong tưởng tượng của chúng tôi, làm sao người ta có thể đi bộ lên đến đây được, chưa nói là việc dừng chân huấn luyện giữa vùng rừng thiêng, nước độc trong mọi khó khăn, thiếu thốn và hiểm nguy. Nhưng đây lại chính là những nghĩ suy làm dậy lên trong chúng tôi lòng biết ơn thế hệ những người mà cách đây 70 năm đã làm nên những điều kỳ diệu.
 
ANH 4
Cú bấm máy đầu tiên tại Suối Rút, Mai Châu, Hòa Bình

Cuộc hành trình của chúng tôi bởi thế như có thêm động lực. Đi qua những địa danh như ngã ba Cò Nòi, rồi đèo Pha Đin, vào Tuần Giáo, chúng tôi lại càng thấu hiểu những lời thơ, những khúc ca được cất lên từ 70 năm trước “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”, “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/ Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù”.

Tận giữa đêm, đoàn làm phim mới đến thành phố Điện Biên Phủ anh hùng. Sau này, khi hỏi lại các thành viên trong đoàn, tôi mới thấy mọi người đều chung một suy nghĩ, xúc cảm khi đến đây. Dưới ánh đèn đường lẫn trong sương mờ, thấp thoáng cụm di tích Đồi A1, rồi nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên, tượng đài chiến thắng… Tất cả làm cho mỗi chúng tôi đều cảm nhận được mạch nguồn linh khí, hồn thiêng mây ngàn, và nghe như tiếng quân reo đang vọng về đâu đây.
 
ANH 5a
 
ANH 5b
Di tích Đồi A1 và nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ
 
Những xúc cảm ấy liên tục được bồi đắp trong gần 1 tuần đoàn làm phim có mặt nơi đây, được lắng nghe, chứng kiến những câu chuyện kể từ trong lịch sử hào hùng của Điện Biên Phủ. Nghẹn ngào trong những câu chuyện của thuyết minh viên từ bảo tàng chiến thắng; rưng rưng khi thắp những nén nhang trước những ngôi mộ không tên ở nghĩa trang Điện Biên; xúc động, tự hào trong những câu chuyện kể của các cựu chiến binh trên di tích đường kéo pháo, trên đồi A1, tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
ANH 6
Lắng nghe câu chuyện từ bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
 
Hình ảnh và thông tin từ Điện Biên được chúng tôi thể hiện bằng chính cảm xúc của những người làm phim. Và đó là dữ kiện để về sau, mạch kịch bản của chúng tôi được tiến triển theo đúng dòng tâm trạng đó, với việc ra đời 7 tập ký sự - mang thông điệp của 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Đường lên Điện Biên; Mùa xuân nơi chiến hào; Hò dô ta nào; Người cắm cờ trên đỉnh Him Lam; Máu trộn bùn non; Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng; Người về từ Điện Biên.

Dĩ nhiên, câu chuyện của hiện trường không chỉ dừng lại ở cung đường từ Nghệ An lên Điện Biên, mà cuộc hành trình sau đó còn là những ngày chúng tôi đến với đất Phú Thọ, nơi năm xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn đại đoàn quân tiên phong “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; rồi xuống thủ đô Hà Nội để gặp gỡ, phỏng vấn các chuyên gia nghiên cứu lịch sử; và đặc biệt là việc trở về Nghệ An để tiếp tục phần việc còn lại, là gặp gỡ những nhân chứng, là những cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội Điện Biên Phủ…
 
ANH 7
 Đoàn làm phim tại di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ
 
 
Tập trung khai thác những câu chuyện bình dị, đời thường từ những nhân chứng, chúng tôi đã có thêm dữ kiện để chuẩn bị cho khâu hậu kỳ, hứa hẹn sẽ có “chuyện hay”. Đó là những lời kể: “50 phần trăm thanh niên xung phong chúng tôi không có dép”, “ở dưới chiến hào người mẹp như con trâu”, và “chúng tôi dùng mũ lọc nước bùn để uống”, rồi “sợ là không sợ, như đi cày rứa”; hay những câu chuyện về sự quả cảm “Tôi lên cho, nói rồi chiến sĩ Trần Can cầm cờ xông lên cao điểm Him Lam”; “Bị thương rồi, cái gót chân lằng nhằng, tôi lấy lưỡi lê chặt phăng nó đi”… Tất cả những câu chuyện như thế, và nhiều chuyện khác nữa, đã đảm bảo cứ liệu để chúng tôi bám vào mạch tư tưởng của phim: lòng biết ơn thế hệ đi trước qua những câu chuyện kể, và cho ra đời 7 tập Ký sự “Qua miền Tây Bắc”, được phát trên sóng truyền hình Nghệ An và 19 Đài Phát thanh - truyền hình cả nước đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
 
ANH 8
 Đoàn làm phim bên di tích Tượng đài kéo pháo Điện Biên Phủ
 
Với chúng tôi, hành trình ấy giờ đã qua đi, nhưng ở lại vẫn là niềm reo vui của cả dân tộc; và là lời nhắc nhớ mỗi người: để có được chiến thắng lịch sử ấy, biết bao người đã ngã xuống, để rồi máu xương hòa vào đất trời, sông núi Điện Biên, làm cho mảnh đất này trở nên linh thiêng, để “hoa mơ lại trắng/ vườn cam lại vàng”./.
 
Bút ký của nhà báo Ngọc Dũng - Đài PTTH Nghệ An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây