Thứ sáu, 11/10/2024, 01:56

Khi nào nên lấy gió trong và gió ngoài trên ô tô?

Hai chế độ lấy gió trong, gió ngoài trên hệ thống điều hòa ô tô có những tác dụng rất khác nhau, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng không khí, đảm bảo sức khoẻ mà còn giúp xe tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Đa số các mẫu ô tô hiện này đều được trang bị 2 chế độ lấy gió trong và lấy gió ngoài, thường được hiển thị bởi một nút bấm hoặc cần gạt trên bảng điều khiển tap lô của xe. Rất nhiều người mới lái, thậm chí lái xe lâu năm không để ý hoặc không hiểu ý nghĩa, sự khác biệt và lúc nào thì nên chọn chế độ lấy gió trong, còn lúc nào nên lấy gió ngoài.

Nút lấy gió trong trên cụm điều khiển điều hoà thường có ký hiệu mũi tên quay đầu trong xe.
Nút lấy gió trong trên cụm điều khiển điều hoà thường có ký hiệu mũi tên "quay đầu" trong xe.
 

Sự khác nhau của hai chế độ lấy gió

Giống như tên gọi, lấy gió ngoài là chế độ hệ thống điều hoà, quạt gió sẽ hút luồng không khí từ môi trường bên ngoài vào trong xe. Không khí này sẽ đi qua lọc gió, sau đó vào giàn nóng của điều hoà trước khi được đưa vào để duy trì nhiệt độ trong cabin ô tô.

Ưu điểm của chế độ lấy gió này đó là không khí trong xe luôn được thay đổi, giàu ô xy, giúp những người trên xe tỉnh táo, đỡ say xe hơn. Tuy nhiên chế độ này cũng có nhược điểm là nếu nguồn không khí bên ngoài không sạch thì trong xe sẽ rất mùi. Vào mùa hè, khi nhiệt độ không khí rất cao, việc lấy gió ngoài sẽ gây áp lực cho hệ thống điều hoà của xe.

Ngược lại, ở chế độ lấy gió trong, hệ thống điều hòa sẽ sử dụng chính nguồn không khí bên trong khoang lái, chạy qua lọc gió điều hoà và quay ngược trở lại các cửa gió. Hiểu một cách khác, không khí này sẽ được "tái sử dụng" liên tục bên trong xe.

Chế độ này thường được các lái xe sử dụng do có ưu điểm là tránh được không khí ô nhiễm và mùi khó chịu bị hút vào cabin. Ngoài ra, chế độ này cũng có khả năng làm mát nhanh hơn, giúp tiết kiệm nhiên liệu đáng kể, nhất là vào mùa hè. Tuy vậy, nếu lấy gió trong quá lâu, lượng ô xy trong cabin sẽ giảm sút, khiến những người trên xe dễ say, khó thở.

Hiểu về cơ chế hoạt động và ưu nhược điểm của mỗi chế độ lấy gió sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí trong khoang lái. (Ảnh minh hoạ).
Hiểu về cơ chế hoạt động và ưu nhược điểm của mỗi chế độ lấy gió sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí trong khoang lái. (Ảnh minh hoạ).
 

Khi nào nên lấy gió trong, khi nào lấy gió ngoài?

Theo các tài xế giàu kinh nghiệm, tùy vào điều kiện sử dụng môi trường bên ngoài, có thể sử dụng hai chế độ này một cách linh hoạt, cụ thể như sau:

- Lấy gió ngoài: Nên sử dụng ngay lúc khởi động xe để lấy khí tươi từ bên ngoài. Phù hợp khi lái xe với tốc độ khá cao, chở đông người, đi đường dài ngoài đô thị và những nơi có không khí trong lành, mát mẻ.

- Lấy gió trong: Phù hợp với mọi dải tốc độ, đặc biệt là đi trong thành phố. Nên dùng trong điều kiện nhiệt độ cao (mùa hè), chất lượng môi trường bên ngoài không tốt (ô nhiễm, có bụi, mùi,...) và khi đi dưới trời mưa để tránh hút ẩm vào cabin và kính lái.

Ở nhiều dòng xe đời mới có chế độ điều hoà tự động, khi đó hệ thống cảm biến của chiếc xe sẽ tự tính toán và đưa ra chế độ lấy gió phù hợp.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên người dùng nên chủ động sử dụng kết hợp cả hai chế độ này để đạt hiệu quả tối ưu nhất. Đồng thời chủ xe nên bảo dưỡng hệ thống điều hòa, thay lọc gió định kỳ và vệ sinh khoang nội thất, cửa gió để luôn có không khí sạch trong khoang lái.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây