Thứ năm, 21/11/2024, 17:31

Xử lý tin đồn thất thiệt: Không nghiêm trị, không triệt được tận gốc!

Nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng nặng mức xử phạt để đủ sức răn đe, thậm chí là xử lý hình sự đối với hành vi tung tin giả mới mong triệt tận gốc vấn nạn này.

 

Tin đồn, tin giả xuất hiện từ lâu nhưng gần đây càng rộ lên khi cơ quan chức năng xử lý một số doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu, nhà đất, thì càng nở rộ và càng nguy hiểm. Trước tình hình đó, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật những tổ chức, cá nhân tung tin thất thiệt nhằm xuyên tạc tình hình, nói xấu Đảng, Nhà nước, phá hoại nền kinh tế. Liên quan đến vấn đề này, những ngày qua, dư luận đang nổi bão với tranh luận về mức án của Facebooker Đặng Như Quỳnh - người vừa bị toà án kết án 2 năm tù về tội tung tin đồn thất thiệt. Mức án được cho là chưa đủ rức răn đe. Nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng nặng mức xử phạt để đủ sức răn đe, thậm chí là xử lý hình sự đối với hành vi tung tin giả mới mong triệt tận gốc vấn nạn này.

Một tin đồn “cuốn bay” nghìn tỷ

Ngày 27/10, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Đặng Như Quỳnh 2 năm tù về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”.

xu ly tin don that thiet khong nghiem tri khong triet duoc tan goc hinh 1

Theo cáo trạng, ngày 2/4, khi biết thông tin một số lãnh đạo doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực tài chính, bất động sản bị xử lý, không có thông tin chính xác nhưng Quỳnh vẫn suy diễn, đăng lên Facebook cá nhân việc ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị xử lý hình sự. Cho đến khi các cơ quan tố tụng công bố thông tin chính thức, Quỳnh chỉnh sửa bài viết để khẳng định rằng mình đã biết trước thông tin này. Sau đó Quỳnh tiếp tục đăng tải 2 bài viết cho rằng ông Dũng sở hữu phức tạp nhiều công ty đại chúng, các cơ quan tố tụng sẽ khởi tố, điều tra, bắt tạm giam ông này.

Thông tin do Quỳnh đăng tải được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội làm một số mã chứng khoán của tập đoàn bị bán tháo và bị giảm giá mạnh. Các nhà đầu tư chứng khoán đã làm đơn tố giác Đặng Như Quỳnh về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm uy tín, danh dự, quyền và lợi ích cá nhân cũng như ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, thiệt hại tài sản DN, nhà đầu tư. Với hành vi đó, bản án đó là thích đáng, thậm chí còn thấp, khi hậu quả của nó rất lớn.

Những ngày qua, Tập đoàn Novaland cũng là một đơn vị thiệt hại nặng nề do tin đồn vô căn cứ khi trên mạng xã hội lan truyền thông tin: “Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Biên Hòa cung cấp hồ sơ cho Phòng An ninh kinh tế - Công an TP.HCM về dự án Izumi City và dự án Aqua City về sai phạm trong quản lý đất đai của Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Nai (Dona Coop) trước ngày 15/11/2022”. Trước thông tin này, buộc Novaland phải lên tiếng, khẳng định, đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật, gây tâm lý hoang mang cho nội bộ, cộng đồng, khách hàng, nhà đầu tư.

Chỉ trong vòng 2 tuần qua, thị trường tài chính chao đảo bởi các tin đồn. Chỉ số Vn-Index lao dốc “thủng” mốc 1.000 điểm, chỉ đứng sau đợt khủng hoảng bởi đại dịch COVID-19. Vốn hoá thị trường “bốc hơi” hàng tỷ USD. Tin đồn vẫn xuất phát từ trái phiếu, nhưng tần suất dày hơn, sức tàn phá khủng khiếp hơn khi nhắm thẳng vào các tỷ phú. Có thể kể đến là CTCP Chứng khoán VNDriect (mã VND) giảm sàn 5 phiên liên tiếp, vốn hoá “bốc hơi” 4.300 tỷ đồng. VND bị tung tin mất khả năng thanh toán trái phiếu doanh nghiệp Tập đoàn Trung Nam.

Đỉnh điểm của cơn bão này là tỷ phú Phạm Nhật Vượng của VinGroup (mã VIC, VHM) và Novaland (mã NVL) của ông Bùi Thành Nhơn - Tập đoàn Hoà Bình (HBC). Cổ phiếu VIC, VHM, NVL, HBC bị bán tháo. Bất động sản bị khủng hoảng bởi tin đồn, kéo theo DIG của DIC Corp, KBC thuộc Tập đoàn Kinh Bắc, CEO – Tập đoàn C.E.O và DXG của Đất Xanh... cũng giảm sàn liên tiếp 5 phiên, vốn hoá bay nghìn tỷ đồng. Chưa dừng lại, thị trường tài chính chao đảo theo, các ngân hàng như Techcombank, Sacombank, HDBank… cũng bị đồn mất thanh khoản, cổ phiếu rơi tự do.

Mất tiền chưa phải rủi ro lớn nhất, điều nguy hiểm hơn cả là sự khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư. Với thị trường trường tài chính, niềm tin là yếu tố sống còn. Không có niềm tin thì không có đầu tư, không có gửi tiền; ngược lại sẽ là làn sóng tháo chạy, rút tiền khắp nơi khiến hệ thống ngân hàng mất thanh khoản, trái phiếu vỡ nợ… Chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều quốc gia bị đổ vỡ, rơi vào cảnh vỡ nợ bởi tình trạng này. Đó không phải là cảnh báo.

Cuối tuần qua, để xử lý khủng hoảng, Chủ tịch của VNDriect bà Phạm Minh Hương phải liên tục xuất hiện, ngồi bàn tròn talk show với nhà đầu tư. Một tỷ phú bất động sản, lâu nay chỉ muốn kín tiếng làm ăn, tránh xa thị phi thì giờ ngày nào cũng phải chụp ảnh để trấn an cổ đông. Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn của Bộ Công an khẳng định tại phiên họp báo Chính phủ: “Ông Phạm Nhật Vượng không nằm trong danh sách cấm xuất cảnh”.

Tình hình rất nghiêm trọng, đến nỗi Thủ tướng Phạm Minh Chính phải lên tiếng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 hôm 29/10, yêu cầu kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật những tổ chức, cá nhân tung tin thất thiệt nhằm xuyên tạc tình hình, nói xấu Đảng, Nhà nước, phá hoại nền kinh tế. Rõ ràng, hậu quả mà tin đồn gây ra là vô cùng khủng khiếp. Nó khác xa với động cơ của cá nhân cướp 1 con vịt về chỉ để nhậu... “lai rai”. Khi luật chưa đủ nặng, chưa đủ sức răn đe, thì chúng ta phải sửa lại. Bởi nếu không, tin đồn chắc chắn sẽ còn xảy ra với tần suất ngày càng nhiều hơn, mạnh hơn và gây ra hậu quả còn khủng khiếp hơn nữa.

xu ly tin don that thiet khong nghiem tri khong triet duoc tan goc hinh 2

Khó xác minh tin đồn là tin giả hay tin có căn cứ

Các chuyên gia cho rằng thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản là những thị trường của niềm tin, rất nhạy cảm với tin đồn, tin giả, các DN rất khó ứng xử nhanh nên hậu quả rất lớn, đặc biệt ở nước ta.

Ứng phó với loại tin này, ngoài yêu cầu các DN phải công khai minh bạch, lên tiếng kịp thời các thông tin chính xác, tin cậy để tạo niềm tin thực sự với công chúng. Đối phó với tin đồn, tin giả cũng giống như việc xử lý khủng hoảng, phải nhanh và hiệu quả, đừng để “ép-phê ngược” - điều mà một tập đoàn lớn vừa rồi đã mắc phải, càng đưa DN lao vào khủng hoảng. Mặt khác, để ngăn chặn những tin đồn thất thiệt, trước hết các cơ quan quản lý nhà nước phải nắm bắt thông tin một cách kịp thời, nhanh chóng có phát ngôn chính thống để bác bỏ các tin đồn thất thiệt.

Tuy nhiên, theo như nhìn nhận của Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, khó khăn hiện nay trong xử lý tin giả là việc xác minh tin đồn là tin giả hay tin có căn cứ. “Các cơ quan chức năng có liên quan xác minh và cung cấp thông tin càng chậm là cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng, gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, xã hội, an ninh trật tự và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những tổ chức, cá nhân”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều dịch vụ và phương thức cung cấp nội dung mới phát sinh trên mạng như livestream trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, phát tán nhanh, khi có vi phạm về nội dung thì mức độ ảnh hưởng lớn, gây bức xúc trong xã hội trong khi việc yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy trình mất thời gian. Trong khi đó, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp thường rất ít phản ánh, khiếu nại tới cơ quan chức năng hoặc khởi kiện theo quy định dẫn đến không đủ căn cứ để xử lý vi phạm.

Để khắc phục, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng liên quan khác trong việc kiểm tra, xác minh, điều tra, truy vết và xác định các hành vi, đối tượng vi phạm các quy định về nội dung thông tin để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường đổi mới công nghệ trong công tác rà quét, phân tích dữ liệu, nhằm phát hiện kịp thời nguồn phát tán thông tin vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Giải pháp nữa là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước, Bộ cũng sẽ nghiên cứu, có chính sách phù hợp để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất sản phẩm có giá trị văn hóa, tinh thần phục vụ nhu cầu của độc giả theo phương châm “lấy xây để chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đẩy mạnh phát triển nội dung thông tin có ích trên mạng”.

Phải xử lý hình sự với tin đồn thất thiệt

Hậu quả mà tin đồn gây ra là vô cùng khủng khiếp. Khi luật chưa đủ nặng, chưa đủ sức răn đe, thì chúng ta phải sửa lại. Bởi nếu không, tin đồn chắc chắn sẽ còn xảy ra với tần suất ngày càng nhiều hơn, mạnh hơn và gây ra hậu quả còn khủng khiếp hơn nữa. Tuy nhiên, với quy định hiện hành thì những kẻ tung tin đồn thất thiệt, bịa đặt này chỉ bị xử lý hành chính. Việc pháp luật quy định như vậy là chưa thỏa đáng, không đủ sức răn đe, phòng ngừa, đặc biệt là chưa tương xứng với thiệt hại mà hành vi này gây ra.

Theo quy định hiện hành thì hành vi xúc phạm danh dự, nhâm phẩm của người khác trên mạng xã hội nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội “Làm nhục người khác” tại điểm e, khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với hành vi: “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”; hoặc có thể xử lý về tội “Vu khống” theo điểm e khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với hành vi: “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”

xu ly tin don that thiet khong nghiem tri khong triet duoc tan goc hinh 3

Tuy nhiên, việc áp dụng riêng rẽ đối với hành vi này lại chưa được cụ thể, rõ ràng nên thường chỉ dừng lại xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền mà ít khi chuyển sang xử lý hình sự.

Vì vậy, đã đến lúc cơ quan chức năng cần xem xét bổ sung hành vi này là tội phạm. Theo đó, căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi, nhất là hậu quả mà nó gây ra như thiệt hại về kinh tế, mức độ ảnh hưởng đến nền kinh tế, xã hội để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng liên quan. Bởi đây là loại tội phạm mới rất nguy hiểm do mức độ thiệt hại mà nó gây ra cho xã hội. Đó là chưa kể đến việc các thế lực thù địch, phản động nước ngoài lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng, thiệt hại cho các cá nhân có ảnh hưởng đến kinh tế đất nước, từ đó gây bất ổn đến tình hình kinh tế - xã hội, sự phát triển của đất nước.

Theo Khánh An/congluan.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây