Thứ năm, 21/11/2024, 20:47

4 nội dung đặc biệt quan trọng của Nghị quyết 18

Theo TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Nghị quyết 18 của Hội nghị trung ương 5 khoá XIII có nhiều nội dung mới, trong đó có bốn nội dung có giá trị đặc biệt quan trọng.
Toàn cảnh Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại điểm cầu Nghệ An.

Nghị quyết (NQ) 18 có nhiều nội dung mới, có giá trị đặc biệt quan trọng trong lộ trình hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tình hình mới. Nhiều nội dung đặt ra có ý nghĩa lớn về kinh tế, chính trị, xã hội... mà khi Luật Đất đai được sửa đổi theo tinh thần này sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề thực tiễn.

Thứ nhất, nội dung NQ có tác động trực tiếp đến kế hoạch lập pháp, lập quy tổng thể của Nhà nước, đặt ra nhu cầu hoàn thiện các luật nội dung quan trọng. Để thể chế hóa, NQ không chỉ đặt ra nhu cầu cấp bách sửa đổi Luật Đất đai mà còn đặt vấn đề hoàn thiện các luật chuyên ngành liên quan như Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tố tụng hành chính… Điều này rất có ý nghĩa trong hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thứ hai, sự đổi mới tư duy trong quản lý đất đai. Bên cạnh việc tiếp tục khẳng định chế độ đặc biệt về sở hữu đất đai thì chủ trương của NQ cho thấy sự linh hoạt trong chế độ quản lý, tiệm cận với cơ chế quản lý đất đai mang tính thị trường định hướng XHCN (dù cần thêm những chủ trương mới nhất quán và rõ ràng hơn).

Đặc biệt, chủ trương bỏ khung giá đất là điểm mới và đắt giá của NQ, cho thấy sự quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Đảng về chính sách đất đai. Nếu nội dung này được Luật Đất đai tiếp thu và sửa đổi thì chắc chắn những thực trạng về khiếu nại, tố cáo, kiện tụng kéo dài liên quan đến đất đai thời gian qua sẽ được tháo gỡ.

NQ cũng chủ trương loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực hợp lý, phù hợp với yêu cầu phân cấp, phân quyền hiện nay, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Hay với quan điểm mở đối với đối tượng, hạn mức sử dụng đất nông nghiệp và có tính đến đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương cũng có thấy chủ trương thúc đẩy thị trường hóa đất nông nghiệp. Điều này giảm thiểu tình trạng “đóng băng”, gây lãng phí đất nông nghiệp, đồng thời đáp ứng được nhu cầu thay đổi ngành nghề, lao động ở nông thôn khi người dân có nhu cầu. Những nội dung này của NQ không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà qua đó còn đạt được ý nghĩa chính trị sâu sắc, giải quyết được cơ bản những tồn đọng, vướng mắc giữa người dân và cơ quan quản lý đất đai.

Thứ ba, NQ đặt ra nhiệm vụ tăng cường kiểm soát về sử dụng, quản lý đất đai, tránh tùy tiện hoặc buông lỏng quản lý do thiếu thể chế. Có thể kể đến như “các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định”; giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; đánh thuế cao hơn với người sở hữu nhiều nhà đất, đầu cơ và bỏ hoang...

Thứ tư, NQ đề cao vai trò của người dân trong sử dụng, quản lý đất đai, không phải với tư cách người sử dụng đất mà là tư cách chủ thể giám sát, phản biện chính sách, pháp luật về đất đai. Điều này cho thấy không chỉ Đảng đề cao sự tôn trọng nhân dân trong các quyết sách của Đảng và Nhà nước, mà thực chất chính là điều kiện để bảo đảm hiện thực hóa hàng loạt chủ trương đổi mới của Đảng về đất đai.

TP.HCM có thể vận dụng tinh thần của NQ18, đề nghị trung ương phê chuẩn cơ chế đặc thù trong quản lý đất đai, kể cả việc vận dụng để xin cơ chế đặc thù thay thế NQ54.

Theo Truyenhinhnghean.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây