Thứ năm, 21/11/2024, 20:51

Đề xuất điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp cho bác sĩ tuyến cơ sở

Bộ Y tế đề xuất ban hành chính sách điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế tuyến cơ sở, y tế dự phòng.

Cổng TTĐT Chính phủ chiều nay đã tổ chức tọa đàm 'Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định' để làm rõ hơn về ý nghĩa của việc chuyển hướng chiến lược với những thành quả kiểm soát dịch, phục hồi và phát triển KTXH như thời gian vừa qua.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, dịch bệnh dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bà Hương phân tích, trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin giảm theo thời gian. Nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu...

Hiện đất nước mở cửa, dịch bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan đang xâm nhập là không thể tránh khỏi. Vì vậy nữ Thứ trưởng Y tế cho rằng Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực phòng, chống các dịch bệnh. Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và nghiên cứu, triển khai tiêm ngay cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi khi có đủ cơ sở khoa học.

Thứ trưởng cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch; mua sắm, đấu thầu; huy động, vận động các nguồn lực trong điều kiện cấp bách, khẩn cấp, chưa có tiền lệ, khó lường, khó dự báo, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tính khẩn cấp, nhanh, hiệu quả trong phòng, chống dịch...

Ảnh: Hoàng Hà

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho nhân viên y tế, Thứ trưởng Y tế nhấn mạnh, cần ban hành chính sách điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế tại tuyến cơ sở, y tế dự phòng. Đặc biệt tăng cường năng lực, khả năng cung cấp dịch vụ y tế, mở rộng phạm vi chi trả tại các trạm y tế xã để tham gia chống dịch tốt nhất.

"Chúng ta cũng cần có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, công nhận liệt sĩ đối với lực lượng này nếu hy sinh khi làm nhiệm vụ. Tạo cơ chế chính sách thông thoáng, bình đẳng cho y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 vì chúng ta qua các đợt dịch đặc biệt là đợt dịch thứ 4 chúng ta thấy vai trò rất quan trọng của y tế tư nhân", bà Hương nói.

Các nước có thể học hỏi kinh nghiệm phòng, chống dịch Việt Nam

TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, hôm nay là ngày thứ ba bà có mặt tại Việt Nam. Bà đánh giá NQ128 là dấu mốc vô cùng quan trọng là sự chuyển đổi từ việc kiểm soát virus, kiểm soát sự lây lan bằng mọi giá và bây giờ chuyển sang trạng thái chung sống với Covid-19, hoặc quản lý bền vững để có thể cân bằng giữa việc áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch cộng với việc mở cửa nền kinh tế, xã hội.

Bà cho rằng Việt Nam đã "rất sáng suốt" trong việc đưa ra Nghị quyết này. NQ128 được đưa ra thông qua một quá trình có sự tham vấn rất sâu rộng với sự lãnh đạo của Chính phủ có sự tham gia của các bộ ngành, các đối tác, chính quyền địa phương, các đối tác quốc tế.

TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là một trong những bài học quan trọng nhất trong phòng chống Covid-19, bởi vì ngành y tế không thể một mình đương đầu với ovid-19 được mà cần sự chung tay chung sức của toàn xã hội.

NQ128 là văn bản giúp cân bằng phát triển xã hội nói chung cũng như áp dụng các biện pháp y tế công cộng. Những điều Việt Nam đưa vào NQ128 cũng là những điều Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo. "Sau 1 năm chúng ta đang ở vị thế thoải mái hơn điều đó đã thể hiện rất rõ hiệu quả của Nghị quyết này", bà Angela Pratt chia sẻ.

Phân tích lại diễn biến dịch và cách ứng phó của Việt Nam, Trưởng đại diện WHO nhận định, Việt Nam đã có các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng thực sự mạnh mẽ để ứng phó, giữ cho số ca mắc và tử vong sớm trong đại dịch ở mức thấp.

Khi có vắc xin, Việt Nam triển khai tiêm nhanh chóng đạt được độ bao phủ dân số. Hơn 260 triệu liều đã được tiêm, trở thành một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Vào thời điểm này năm ngoái, chỉ có 16% dân số đã được tiêm 2 liều, hiện tại là hơn 85%.

Bà cũng nhìn nhận, sự nỗ lực và sự hy sinh của cộng đồng, kể cả trong thời kỳ giãn cách thực sự khó khăn. Việt Nam đã kiên định với các biện pháp và thực thi hiệu quả những chính sách đó. Một yếu tố quan trọng là sự không mệt mỏi của ngành y tế. "Được sự hỗ trợ của các ngành, họ làm việc không ngày nghỉ, suốt ngày đêm. Tôi đặc biệt muốn ghi nhận những nỗ lực và cam kết của các nhân viên y tế", bà nêu.

Theo bà, các nước trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Bài học này cũng cần được phát huy, chuẩn bị để ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai.

 

Theo Trần Thường/ Báo Nhân dân
Link Gốc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây