Thứ năm, 28/03/2024, 14:19

Đề xuất tăng lương cho cán bộ, viên chức để tạo 'kích thích mới'

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, năm 2023-2024 cần xem xét tăng lương cho cán bộ, viên chức để tạo ra sự kích thích mới.

Một loạt các vấn đề cần điều chỉnh

Chiều 18/9, tại diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng điều hành phần trao đổi, thảo luận.

Đề xuất tăng lương cho cán bộ, viên chức để tạo 'kích thích mới' ảnh 1

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), trong bối cảnh năm 2022, Việt Nam có một loạt chính sách tài khóa được thực hiện chưa có tiền lệ, có ba “cái được” trong việc thực hiện các chính sách tài khoá và tiền tệ hỗ trợ. Theo đó, việc hỗ trợ giảm thuế và hỗ trợ tài khóa đã giúp tình hình vĩ mô ổn định; một số gói hỗ trợ liên quan tới việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng như hỗ trợ người lao động góp phần cho việc ổn định về kinh tế xã hội, giải quyết việc làm.
ê
PGS.TS Vũ Sỹ Cường nêu rõ, trong năm 2022 đến 2025 sẽ có một loạt các vấn đề cần điều chỉnh.
Theo đó, ngoài chính sách hỗ trợ giảm thuế thì các chính sách khác chưa thực sự hiệu quả; việc triển khai gói hỗ trợ về nhà ở còn hạn chế; chương trình đầu tư công còn rất chậm sẽ đặt ra thách thức nhất định trong năm tài khóa từ 2023 – 2025.
Từ những phân tích trên, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, cần tiếp tục xem xét các chính sách đã thiết kế để điều chỉnh khi cần; bên cạnh đó vai trò giám sát của cơ quan dân cử các cấp như HĐND các cấp và Quốc hội rất quan trọng trong việc đầu tư công.

 
Đề xuất tăng lương cho cán bộ, viên chức để tạo 'kích thích mới' ảnh 2

PGS.TS Vũ Sỹ Cường

Về các chính sách tài khóa, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, nên rút kinh nghiệm từ các chính sách thực tiễn cho thấy, chính sách nào đơn giản, dễ thực hiện và trực tiếp thì hiệu quả rất cao. Do đó, một trong những chính sách đã trì hoãn để chia sẻ cùng người dân là việc hoãn tăng lương. Ông Cường cho rằng, năm 2023-2024 cần xem xét tăng lương cho cán bộ, viên chức để tạo ra sự "kích thích mới".

Ưu tiên mua hàng trong nước

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho rằng, cần có trọng tâm ưu tiên đối với ngành xuất khẩu khi nguồn lực hạn chế.

Ông Trường viện dẫn theo thống kê, dệt may chỉ có kim ngạch xuất khẩu thứ 4 trong các ngành nhưng thặng dư thương mại của ngành dệt may luôn đứng thứ nhất. Tuy nhiên, đến giờ phút này những dư địa chính sách chúng ta đã thực hiện sớm, đem lại lợi ích cho ngành dệt may và các ngành xuất khẩu khác thì các quốc gia khác cũng đã áp dụng.

Trong khi đó thị trường thế giới diễn ra một xu thế ngược lại, tức là đột nhiên trở nên “lạnh”. Cầu của thế giới giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát cao. Nếu trong 8 tháng năm 2022, bình quân mỗi tháng xuất khẩu được 3,7 – 3,8 tỷ đôla, thì dự kiến 4 tháng cuối năm chỉ xuất được khoảng 3,1 đến 3,2 tỷ đô la.

Ông Lê Tiến Trường kiến nghị, khi nguồn lực hạn chế cần phải có trọng tâm ưu tiên. Đối với ngành xuất khẩu phải xuất phát từ hai điểm là thặng dư đem lại xuất siêu cho Việt Nam; khả năng sử dụng lao động và khả năng dẫn đầu để đưa tỷ lệ nội địa cao, tức là phục hồi đơn vị xuất khẩu nhưng kéo theo nhiều đơn vị trong nước khác cũng được phục hồi.

Đề xuất tăng lương cho cán bộ, viên chức để tạo 'kích thích mới' ảnh 3

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường

Trước những khó khăn trong ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường đề nghị ưu tiên đối với việc mua hàng trong nước để làm xuất khẩu, hậu kiểm không cần nộp trước thuế VAT và thuế nhập khẩu để tăng cường khả năng tiêu thụ hàng hóa nội địa. Về trung hạn, cần đầu tư đổi mới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Trả lời câu hỏi về định hướng chính sách của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tác động của đại dịch cũng như những xung đột chính trị quốc tế gây ảnh hưởng nhiều mặt với nền kinh tế Việt Nam, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn thị trường lao động, tăng giá nguyên liệu đầu vào.

Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ sử dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa trong thời gian vừa qua. Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, các chính sách miễn giảm, hoãn thuế đã có tác động trực tiếp đối với tình hình kinh tế, đời sống người dân. Nhiều chính sách tài khóa, như gói chính sách tài chính hỗ trợ người lao động thuê nhà, gói hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai đem lại hiệu ứng tích cực.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có quyết sách đưa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức sàn, thay đổi này tạo ảnh hưởng nhanh chóng, được cử tri và nhân dân hưởng ứng. Chính sách này còn được tiếp tục thực hiện đến 31/12. Quốc hội, Chính phủ cũng đã có những quyết sách quan trọng, tạo điều kiện mở rộng nguồn cung, sẵn sàng cho các biến cố trong tình hình thế giới khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế về thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội trong Kỳ họp sắp tới, để có công cụ linh hoạt ứng phó với các tình huống giá năng lượng, xăng dầu biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

"Bộ Tài chính đã sẵn sàng nghiên cứu kỹ lưỡng, chủ động trong các giải pháp tài khóa, để có các phương án, kịch bản đa dạng ứng phó với tất cả các tình huống, đúng như phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu", ông Chi nói.

Theo GS.Andreas Hauskrecht (Đại học Indiana, Hoa Kỳ), nhìn vào chỉ số dự báo thị trường, chỉ số thị trường tương lai cũng như các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất trong những tháng cuối năm 2022 và 2023. Khi FED thay đổi chính sách tiền tệ, khả năng cao FED sẽ tạo suy thoái ở Mỹ. Điều này cũng tác động đến kinh tế Việt Nam, nhất là tỷ giá Việt Nam đồng/Đô la Mỹ (VND/USD). Dự báo đồng Việt Nam sẽ tăng mạnh so với đồng Euro và các đồng tiền khác. Khi đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề thanh toán, ảnh hưởng nhất đến giá trị xuất nhập khẩu.

Theo Báo Tiền Phong

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây