Đây là nội dung trong kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tại Hội nghị giao ban về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 được tổ chức vào ngày 20/9/2022.
Trong 9 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, ban hành nhiều văn bản đôn đốc, thành lập đoàn kiểm tra, làm việc với các địa phương để hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc... nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn đạt thấp.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị giao ban toàn tỉnh về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 vào ngày 20/9. Ảnh: Phạm Bằng |
Tính đến ngày 10/9, tỷ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh mới đạt 29,7%, nếu không tính nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia (giao vốn trong tháng 5/2022) thì tỷ lệ giải ngân đạt chỉ đạt 36,52%. Có 18/21 huyện, thành phố, thị xã và 28/44 chủ đầu tư ngoài huyện giải ngân dưới mức bình quân chung cả tỉnh, trong đó có 15 đơn vị chủ đầu tư chưa giải ngân. Tính theo dự án, còn 61/201 dự án chưa giải ngân.
Ngoài những nguyên nhân khách quan, một số sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn chưa đảm bảo năng lực.
Công tác chuẩn bị đầu tư còn hạn chế, chuẩn bị dự án không kỹ, không sát, hồ sơ thủ tục chậm (cùng một đối tượng dự án nhưng có chủ đầu tư làm nhanh, làm tốt, có chủ đầu tư lại chậm). Về giải phóng mặt bằng có những nguyên nhân khách quan nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan, các địa phương cần quan tâm và xác định mặt bằng phải đi trước một bước.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, từ nay đến hết năm chỉ còn 4 tháng, trong khi khối lượng công việc còn lại rất lớn, các ngành, các cấp cần tập trung, quyết liệt triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận tại Hội nghị giao ban toàn tỉnh về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 vào ngày 20/9/2022. Ảnh: Phạm Bằng |
Các ngành, các cấp phải bám sát mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết 124/NQ-CP ngày 15/9/2022, căn cứ số dự án, số vốn đầu tư công năm 2022 để thực hiện theo đúng cam kết, tối thiểu phải giải ngân đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.
"Yêu cầu Sở Nội vụ, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh trong quá trình xếp loại cuối năm, lưu ý đối với tập thể và cá nhân người đứng đầu đơn vị không hoàn thành cam kết giải ngân vốn đầu tư công thì tối thiểu không đề xuất xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022".
CHỦ TỊCH UBND TỈNH NGUYỄN ĐỨC TRUNG
Các cấp, ngành khẩn trương hoàn thành việc phân bổ và giao chi tiết kế hoạch Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2022, trình HĐND tỉnh thông qua trước ngày 30/9/2022. Sau khi được giao vốn, khẩn trương tổ chức đấu thầu để triển khai thi công, phấn đấu trước 31/10/2022 giải ngân tối thiểu 30% kế hoạch vốn được giao.
Các cấp, các ngành tập trung xử lý các khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, mỏ đất, thủ tục đất đai, giá nguyên vật liệu; hỗ trợ các ngành, các địa phương, cố gắng rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu, tư vấn có năng lực, kinh nghiệm; Kiên quyết thay các nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm làm chậm giải ngân vốn. Chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung các mũi thi công, cố gắng rà soát khối lượng thực hiện để nghiệm thu và giải ngân hàng tuần, hàng tháng.
Các nhà thầu đang tập trung thi công dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hoá) đến Cửa Lò (Nghệ An). Ảnh: Phạm Bằng |
Các chủ đầu tư rà soát kỹ, làm việc với nhà thầu để lên kế hoạch về tiến độ và giải pháp thi công theo tinh thần cố gắng giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao, hạn chế việc điều chỉnh, trả vốn. Riêng đối với 7 dự án quá hạn sử dụng vốn ngân sách Trung ương dự kiến không giải ngân hết chỉ tiêu kế hoạch, các chủ đầu tư tập trung các biện pháp để giải ngân hết kế hoạch được giao, tăng tỷ lệ giải ngân, hạn chế tối đa việc kéo dài sang năm 2023.
Các ngành, các địa phương chủ động trong việc rà soát, đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 sát thực tế để đăng ký nhu cầu vốn, chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023; Xem xét giảm hoặc dừng bố trí vốn kế hoạch năm 2023 đối với các địa phương, sở, ngành, chủ đầu tư giải ngân năm 2022 không đạt yêu cầu. Đối với các chủ đầu tư giải ngân tốt, ưu tiên trong tham mưu bố trí vốn kế hoạch năm 2023.
Theo Phạm Bằng/ Báo Nghệ An