Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện. Ảnh: Nhật Bắc/VGP Nhật Bắc. |
Chiều 6/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện. Cùng tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số địa phương gồm: Hà Nội, Hà Giang, Nghệ An, Sóc Trăng, Khánh Hoà.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, tham gia cuộc họp có đại diện các sở, ngành liên quan.
Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Phúc |
Với mục tiêu mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững, thời gian qua, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đã xác định rõ phạm vi của các dịch vụ tài chính cơ bản và các nhóm đối tượng ưu tiên. Đó là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, những người yếu thế như phụ nữ, người già, người khuyết tật, lao động di cư, và doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Chiến lược cũng đặt ra các giải pháp bao phủ toàn bộ các khía cạnh của tài chính toàn diện, gồm: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; phát triển các tổ chức, kênh cung ứng; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính; hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng của cơ sở hạ tầng tài chính; giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Thanh toán qua Internet banking ngày càng phổ biến. Ảnh: Thanh Phúc |
Với những nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân, doanh nghiệp đã có sự cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, thanh toán không dùng tiền mặt cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chính sách tài chính toàn diện vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong bối cảnh một nền kinh tế đang phát triển và đang chuyển đổi. Theo đó, tại các thành phố, đô thị, việc tiếp cận các sản phẩm tài chính khá dễ dàng, nhưng một bộ phận người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn gặp khó khăn và hạn chế về tiếp cận tài chính; tình trạng tín dụng đen còn tồn tại gây bức xúc xã hội; chính sách tài chính toàn diện bao phủ nhiều ngành nhưng việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức chưa phát huy được hết sự đồng bộ và hiệu quả…
Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình triển khai chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia của Nghệ An. Ảnh: Thanh Phúc |
Tại Nghệ An, sau 2 năm thực hiện Quyết định 149 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, Kế hoạch hành động số 569 của UBND tỉnh về thực hiện các nội dung về chiến lược tài chính toàn diện, Nghệ An đã lồng ghép các mục tiêu vào các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và hằng năm của tỉnh. Đồng thời lồng ghép vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Về việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, đến nay, hạ tầng dịch vụ ngân hàng đã phát triển đầy đủ, rộng khắp các địa phương, tạo điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng đến các tổ chức, cá nhân. Trong đó, có một số chỉ tiêu đạt và vượt so với toàn quốc như: Tỷ lệ xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính/Tổng số xã, thị trấn trên địa bàn đến hết năm 2021 là 33,41% (Tỷ lệ này của cả nước là 32,13%); Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản giao dịch ngân hàng đến 30/6/2022 là 75% (trong khi tỷ lệ này toàn quốc là 68,44%); Tỷ lệ dư nợ tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn là 45% (cả nước là 25%)…
Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh. Ảnh: Thanh Phúc |
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 2,13 triệu thẻ ngân hàng lưu hành, 2.643 đơn vị trả lương qua tài khoản; 87% tổng số tiền thanh toán tiền điện qua ngân hàng; 47,6% tổng số tiền thanh toán tiền nước qua ngân hàng; 87% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán qua ngân hàng; có 40,3% số cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị đã chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng…
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 5 chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô TYM; 1 chương trình tài chính vi mô VietED; hoạt động của tài chính vi mô của Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp. Hoạt động của các tổ chức, chương trình này đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh.
Việc tuyên truyền, giáo dục về tài chính toàn diện được quan tâm, chú trọng; Minh bạch hoá cơ cấu phí và các loại phí dịch vụ đối với người tiêu dùng tài chính; các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Đến nay, cơ bản hạ tầng dịch vụ ngân hàng trên địa bàn tỉnh phát triển khá đầy đủ, phân bổ rộng khắp từ thành thị tới nông thôn. Ảnh: Thanh Phúc |
Tại cuộc họp, Nghệ An đã kiến nghị, đề xuất một số vấn đề: Đề nghị ngành ngân hàng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện về chiến lược chuyển đổi số quốc gia; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư để thúc đẩy và phát triển tài chính toàn diện; Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với ngân hàng và các bộ, ngành liên quan nhằm tích hợp dữ liệu công dân với căn cước công dân và tài khoản ngân hàng để người dân tiện sử dụng.
https://baonghean.vn/nghe-an-mot-so-chi-tieu-ve-chien-luoc-tai-chinh-toan-dien-dat-va-vuot-post257169.html