Thứ năm, 28/03/2024, 10:59

Chữa cháy, 3 chiến sĩ hy sinh: Các anh đã cứu 8 người

18h30 ngày 1-8, nhà tang lễ Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) rất đông người thân, bạn bè, đồng đội của 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC vừa dũng cảm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu được 8 người.
 
Chữa cháy, 3 chiến sĩ hy sinh: Các anh đã cứu 8 người - Ảnh 1.

Nhiều phương tiện hỗ trợ các chiến sĩ tiếp cận đám cháy

Trong khu chờ nhà tang lễ, những tiếng khóc, tiếng gọi chồng, gọi con chất chứa đầy nỗi đau đớn không ngừng vang lên.

Các con mồ côi rồi!

"Anh Quân ơi, anh ở đâu rồi, về với mẹ con em. Các con ơi, các con mồ côi bố mất rồi", tiếng gọi của vợ cố trung tá Đặng Anh Quân (sinh năm 1977) vang lên liên tục. 

Gần đó, mẹ trung tá Quân liên tục hỏi về con trai mình. "Quân đâu rồi, sao không gọi điện cho mẹ. Con ơi, lấy máy này gọi cho Quân đi con, gọi Quân về đi con", mẹ anh Quân lạc giọng gọi con. 

Sau khi được vào nhìn chồng, nhìn con lần cuối, mẹ và vợ trung tá Quân đã ngất lịm, phải nhờ bác sĩ cấp cứu. Tỉnh lại, mẹ trung tá Quân lại tiếp tục gọi con, nhắc mọi người nhớ gọi điện cho con.

Vợ chồng anh Quân đang ở cùng mẹ và có 2 con trai, con lớn 17 tuổi, con nhỏ 13 tuổi. Kể về Quân, người thân, hàng xóm tâm sự anh là người rất tốt tính, hòa đồng với mọi người. "Cháu mất đi để lại mẹ già, các con còn nhỏ thế này rất đau đớn, xót xa, nhưng gia đình chúng tôi cũng tự hào vô cùng vì cháu hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu người", cậu của trung tá Quân nói.

Đứng ở khu vực trước sân nhà tang lễ, bố trung úy Đỗ Đức Việt (sinh năm 1998) liên tục lau nước mắt, nghẹn ngào: "Còn nỗi đau nào lớn hơn nữa đây con ơi". Ông kể khoảng 16h, ông nhận được điện thoại của người cháu ruột làm ở Cục Cảnh sát PCCC&CNCH kể nghe tin Việt đi chữa cháy gặp nạn và nói ông đến bệnh viện ngay. 

Ông rụng rời, bắt vội xe ôm đến Bệnh viện 19-8 và cứ cầu nguyện rằng con chỉ ở phòng cấp cứu, không sao cả. Nhưng khi đặt chân tới bệnh viện, được thông báo đi sang nhà tang lễ, ông đã gần như ngã quỵ!

Lúc đó, ông chỉ dám gọi cho người anh trai, chứ chưa dám nói với vợ, sợ bà không chịu nổi cú sốc đau thương. "Dù gia đình lo lắng nhưng con rất thích nghề lính cứu hỏa nên chúng tôi ủng hộ. Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ rằng con sẽ ra đi như vậy", bố trung úy Việt vừa nói vừa lau nước mắt. Tưởng rằng sẽ giấu được vợ nhưng đến hơn 18h, mẹ trung úy Việt với mấy người thân dìu cạnh bên đã đến sân nhà tang lễ. 

"Thôi, tôi không vào đâu, sao lại vào đây. Việt ơi, con ơi, sao con lại ở đây. Mẹ không vào đâu, con ở đâu con ơi", những tiếng khóc lớn của mẹ trung úy Việt làm các đồng đội, người thân của anh cũng không kìm được nước mắt.

Anh Hoàng Minh (nhà ở Hà Đông, Hà Nội) nghẹn giọng khi kể lại lần cuối gặp bạn thân Đỗ Đức Việt. Đó là 3 ngày trước, khi Việt đi ăn sinh nhật lần thứ 23 của người bạn khác. Suốt những ngày tiếp theo, hai người bạn không liên lạc do công việc trái giờ giấc. 

Lần gần nhất, Minh gọi cho bạn là khi nghe tin từ người quen về việc Việt gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ. Cậu gọi cho bạn thân 4 cuộc nhưng chỉ có những tiếng tút dài hồi đáp, không ai nhấc máy.

"Nó bỏ em đi, không một lời chào. Nó đã hứa 2 năm nữa sẽ cùng em làm tiệc kỷ niệm 10 năm chơi với nhau, nhưng giờ nó thất hứa", Minh nói rồi khóc nấc lên. Kể về người bạn của mình, Minh trải lòng Việt là người sống nội tâm, ít nói, rất ít bạn thân, nhưng sống tình cảm, chân thành. 

Trước những vất vả của công việc, cậu thường lạc quan vì rất yêu thích công việc của một lính cứu hỏa và mong muốn được theo đuổi nghề này. Nhưng mọi ước muốn đều phải dừng lại trước ngưỡng tuổi 24 đầy đam mê, nhiệt huyết.

Chữa cháy, 3 chiến sĩ hy sinh: Các anh đã cứu 8 người - Ảnh 2.

Lực lượng chữa cháy tại hiện trường tối 1-8

Phải dừng ước mong chăm sóc mẹ

Ở một góc khác của nhà tang lễ có một phụ nữ ngồi lặng lẽ khóc ngất. Đó là mẹ của chiến sĩ nghĩa vụ Nguyễn Đình Phúc - người trẻ tuổi nhất trong 3 chiến sĩ hy sinh. Phúc sinh năm 2003, vừa tròn 19 tuổi, mới tham gia nghĩa vụ được một năm. 

Theo người thân của Phúc, bố anh mất sớm nên mẹ là người thân duy nhất. Mẹ mở cửa hàng bán cơm chay ở gần nhà nên hằng ngày sau khi kết thúc công việc chàng chiến sĩ trẻ lại về phụ giúp và rất ngoan ngoãn.

Người bạn thân của mẹ Phúc cho hay đã vài ngày nay Phúc phải trực cơ quan nên mẹ con không gặp nhau. Ngay sáng 1-8, chính Phúc cùng các đồng đội đã cứu nạn thành công, dập tắt một đám cháy. Đến trưa khi về nghỉ ngơi, anh đã nhắn tin thông báo cho mẹ về việc hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng rồi anh lại tiếp tục cùng đồng đội xông vào đám cháy, cứu người...

Khoảng 16h, khi được người thân thông báo, mẹ Phúc không tin vào tai mình và nhờ mọi người đưa lên đơn vị hỏi. Khi nhận được thông tin chính thức, bà đã vào ngay bệnh viện và khóc con mãi.

"Phúc là người con rất ngoan, chưa có bạn gái và mong ước duy nhất của cậu là được chăm sóc mẹ thật lâu, thật nhiều. Nhưng ước mơ đó của chàng trai chưa được trải nghiệm cuộc đời đã dừng lại hôm nay để lại mẹ một mình. Đau xót lắm, song chúng tôi cũng rất tự hào vì cháu đã hy sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu người", một người thân của chiến sĩ Phúc bày tỏ.

Chữa cháy, 3 chiến sĩ hy sinh: Các anh đã cứu 8 người - Ảnh 3.

Chữa cháy trên tầng cao quán karaoke số 231 Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Chiến sĩ Trần Phi Hùng cho hay khoảng 13h, anh cùng đồng đội được điều đến hiện trường để dập lửa. Gần 9 tiếng làm nhiệm vụ, tiếp xúc với khói độc khiến Hùng lả người, nôn ói, nằm bệt xuống vỉa hè và được đồng đội chăm sóc.

"Trong suốt thời gian đi làm lính cứu hỏa, đây là vụ cháy vất vả và đau lòng nhất tôi từng tham gia. Biết tin đồng đội hy sinh tôi vô cùng đau xót, nhưng vẫn nén nỗi đau để tiếp tục nhiệm vụ chữa cháy còn dang dở", Hùng chia sẻ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới lực lượng Công an nhân dân và gia đình 3 cán bộ, chiến sĩ dũng cảm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu người.

Theo TTO


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây