Chủ nhật, 08/09/2024, 14:51

Vui thống nhất, mừng đất nước trên đường đổi mới!

Hân hoan trong niềm vui 49 năm ngày giang sơn thống nhất, chúng ta càng tự hào và kỳ vọng vào tương lai của đất nước trên con đường đổi mới.

 

Những ngày cuối tháng Tư này, chúng ta bồi hồi nhớ về niềm vui của mùa Xuân 49 năm trước, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, núi sông nối liền một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà. Càng vui hơn khi niềm khát khao cháy bỏng của Bác Hồ cùng toàn thể dân tộc Việt Nam đã trở thành hiện thực sau hơn hai mươi năm phải đánh đổi bao mất mát, hy sinh xương máu, mà chỉ có một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục như Việt Nam mới có thể làm được.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta kết thúc bằng thắng lợi rực rỡ của Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975, xứng đáng được ghi danh vào lịch sử như đỉnh cao của truyền thống yêu nước và nghệ thuật chiến tranh nhân dân kỳ diệu, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh của những giá trị cao cả đó.

Giải phóng miền nam.jpg
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - chiến dịch quyết chiến, chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - là mốc son chói lọi đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi. Ảnh tư liệu: TTXVN

Cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đã hòa quyện số phận của mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ chung số phận với toàn dân tộc. Cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải từng là nỗi đau chia cắt, là biểu tượng của khát vọng thống nhất non sông, giờ vẫn hiện hữu cùng Quốc lộ 1A và nhiều con đường rộng dài khác, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước trên khắp mọi miền.

Quá khứ hào hùng, cuộc đấu tranh chính nghĩa luôn được trân trọng và ghi ơn. Hơn thế nữa, đó còn là lời nhắc nhở về tình yêu hòa bình, tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc, vì những cuộc đời tươi mới và hạnh phúc. Bởi một dân tộc mạnh mẽ là một dân tộc luôn biết đề cao nhân nghĩa, biết khép lại chuyện hơn thua để hướng tới tương lai.

Chiến thắng 30/4/1975 đã mang tất cả những giá trị tinh hoa của thời đại khi khép lại hơn 20 năm đầy gian khổ hy sinh dưới gót giày xâm lược, mở ra hành trình mới của kỷ nguyên độc lập và chủ nghĩa xã hội cho đất nước.

Nhìn lại hành trình của “con tàu Việt Nam” sau gần nửa thế kỷ non sông thống nhất, thực sự là một chặng đường dài với đầy rẫy những chông gai, thách thức; đầy rẫy những “khúc cua tử thần” mà nếu người cầm lái không vững vàng, chẳng thể lường trước hậu quả thế nào.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986). Ảnh Tư liệu.jpg
Tại Đại hội lần thứ VI (12/1986), Đảng chủ trương đổi mới toàn diện và triệt để tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ảnh: Tư liệu

10 năm dò dẫm tìm đường thoát ra khỏi những “hố bom” chiến tranh để lại, đã có những sai lầm trong phát triển kinh tế được chúng ta nhận ra và phải trả giá. Song nhờ đó mà chúng ta có thêm những bài học kinh nghiệm để nung nấu quyết tâm đổi mới. Đại hội VI của Đảng đã ghi dấu ấn sâu đậm và giá trị cho sự thành bại của một đảng cầm quyền. Vì cuộc sống nhân dân, vì tương lai đất nước, một Đảng từng đứng trên đỉnh cao về nghệ thuật lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nhận sai và sửa sai để đón luồng gió mới. Đó là một bước đi mang tính sống còn với thể chế chính trị và nền kinh tế đất nước.

Cái giá của hòa bình, độc lập, tự do, vì thế mà khó gì có thể so sánh!

Thành quả của sự nghiệp đổi mới đã khẳng định vai trò của Đảng trong việc lãnh đạo đất nước phát triển kinh tế. Những khó khăn trong quá trình chuyển đổi tư duy về kinh tế thị trường dần được khắc phục; nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài... đã dần khẳng định được tính tích cực và bám được với môi trường đầu tư khi Việt Nam mở cửa, hội nhập. Với tiềm lực, năng lực, kinh nghiệm và sự đồng lòng, đoàn kết sẵn có, Việt Nam đã tự tin vượt qua nhiều đợt sóng dữ, từng bước tiến kịp thời đại, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, có vị thế xứng đáng trên thế giới như hôm nay.

Khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh cũng mãnh liệt chẳng khác gì quyết tâm giành độc lập, thống nhất Tổ quốc năm nào!

bna_39567694_2512021.jpg
Việt Nam đã tự tin vượt qua nhiều đợt sóng dữ, từng bước tiến kịp thời đại, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, có vị thế xứng đáng trên thế giới như hôm nay. Ảnh minh họa: T.D

Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư năng động nhờ chính trị ổn định, khung pháp lý, chế độ thuế quan hấp dẫn. Dù chịu tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức, “con tàu” kinh tế Việt Nam vẫn kiên cường “vượt sóng” và đạt những thành tựu đáng kể, là điểm sáng trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2023, GDP tăng trưởng hơn 5,05%, tuy chưa đạt mục tiêu từ 6-6,5% như kỳ vọng nhưng vẫn là mức cao so với nhiều nước. Lạm phát được kiểm soát thành công, CPI tăng bình quân 3,25%/năm, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống nhân dân, gia tăng xuất khẩu với tổng kim ngạch trên 53 tỷ USD. Công nghiệp phục hồi tích cực. Thương mại, dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng khá. Du lịch phục hồi nhanh, với 12,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt đề ra đầu năm. Lần thứ 4 chúng ta được vinh danh là điểm đến di sản hàng đầu thế giới... Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng ấn tượng với hơn 23 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022 và cao nhất từ trước đến nay.

Nét nổi bật trong năm 2023 là các hoạt động ngoại giao kinh tế của Đảng, Nhà nước được tăng cường, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Nhật Bản và Hoa Kỳ, kỳ vọng mang lại làn sóng đầu tư mới, chất lượng vào Việt Nam trong thời gian tới.

Thành phố Hồ Chí Minh.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: Tư liệu

Những kết quả khả quan này là cơ sở để chúng ta kỳ vọng vào bức tranh kinh tế năm 2024 sẽ bứt phá ngoạn mục, khi chính sách điều hành tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; 3 động lực: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; những bất cập, vướng mắc của doanh nghiệp, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... được Chính phủ tập trung tháo gỡ và chuyển biến tích cực hơn trong năm 2023; các cực tăng trưởng ở khu vực đồng bằng - trung du Bắc Bộ (Hà Nội - Vĩnh Phúc - Bắc Ninh - Quảng Ninh), Bắc miền Trung (Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh), Nam Trung Bộ, TP.Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, Tây Nguyên dần định hình, tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế phát triển bền vững. Những tín hiệu đó cho phép Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% trong năm 2024. Đồng thời cho thấy xu hướng tăng trưởng cao của nền kinh tế trong những năm tới.

Hân hoan trong niềm vui 49 năm ngày giang sơn thống nhất, chúng ta càng tự hào và kỳ vọng vào tương lai của đất nước trên con đường đổi mới.

anh-3-2482.jpg
Ảnh minh họa: Tư liệu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây