Thứ sáu, 22/11/2024, 04:42

Nỗ lực cao trong thu hút FDI vào Nghệ An

Phát huy những kết quả đạt được trong 2 năm qua khi liên tiếp đứng trong tốp 10 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tỉnh Nghệ An đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng một điểm đến đáng tin cậy và hiệu quả của các nhà đầu tư nước ngoài.

 

NHIỀU TRIỂN VỌNG

Công ty TNHH Công nghệ năng lượng mới Hainan Drinda là doanh nghiệp chuyên sản xuất tế bào quang điện tính năng cao tại Trung Quốc, hiện có 3 nhà máy sản xuất đặt ở các tỉnh: Giang Tây, An Huy, Giang Tô. Trong chiến lược phát triển, Công ty Hainan Drinda lựa chọn thị trường Đông Nam Á là trọng điểm. Sau quá trình khảo sát tại nhiều nước, công ty quyết định lựa chọn Việt Nam và đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt để đầu tư dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao tại Khu Công nghiệp Hoàng Mai II (thị xã Hoàng Mai - Nghệ An).

bna_Lãnh đạo UBND tỉnh chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư dự án tại KCN Hoàng Mai II giữa Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt và Công ty TNHH CNNLM Hainan Drinda.jpg
Lãnh đạo UBND tỉnh chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư dự án tại KCN Hoàng Mai II giữa Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt và Công ty TNHH Công nghệ năng lượng mới Hainan Drinda. Ảnh: P.B

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ năng lượng mới Hainan Drinda, ông Châu Tiểu Huy nhấn mạnh, công ty dự kiến thuê khoảng 58 ha tại Khu Công nghiệp Hoàng Mai II để thực hiện dự án đầu tư nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao, công suất thiết kế 14GW, với tổng vốn đầu tư dự kiến 450 triệu USD. Tại Khu Công nghiệp Hoàng Mai II, công ty sẽ sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất trên thế giới; dự kiến sử dụng hơn 4.000 lao động và đặt mục tiêu tháng 12/2024 sẽ đưa nhà máy đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, công ty sẽ có thêm các nhà cung ứng trong hệ sinh thái cùng tham gia đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An đã nhấn mạnh: Tỉnh Nghệ An đánh giá cao việc Công ty TNHH Công nghệ năng lượng mới Hainan Drinda thực hiện dự án đầu tư sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao. Dự án của công ty sẽ giúp tỉnh Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng mới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như Việt Nam đã cam kết.

bna-cong-ty-luxshare-ict-san-xuat-cac-san-pham-cho-thiet-bi-cong-nghe-tai-kcn-vsip-nghe-an-9673.jpg
Công nhân làm việc tại Công ty Luxshare-ICT ở KCN VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Tại tỉnh Nghệ An đã có sự hiện diện của các tập đoàn điện tử, năng lượng lớn như Luxshare, Foxconn, Goertek, Shandong, Everwin, Sunny,... và Nghệ An đang dần trở thành trung tâm sản xuất thiết bị linh kiện điện tử và năng lượng xanh của cả nước. Công ty TNHH Công nghệ năng lượng mới Hainan Drinda quyết định đầu tư vào Nghệ An, đã nâng tổng số vốn FDI mà tỉnh thu hút được lên gần 500 triệu USD khi năm 2024 mới bước sang quý II.

Có thể nói, hiếm có một tỉnh, thành nào trên cả nước hiện đang quy tụ 5 ông lớn công nghệ của thế giới cùng đầu tư gồm: Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin và Juteng. Các doanh nghiệp này đã rót hơn 1,3 tỷ USD vào tỉnh, dự kiến tạo ra hơn 86.000 việc làm. Để làm được điều này, Nghệ An đã lên định hướng chiến lược chọn lọc dòng vốn FDI, ưu tiên dòng vốn chất lượng cao, các dự án hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Trong công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh tập trung vào các đối tác, lĩnh vực có định hướng; với hướng triển khai có trọng tâm, không dàn trải, lồng ghép triệt để vào các hoạt động đối ngoại, xúc tiến thương mại và du lịch.

bna_ Hạ tầng khu kinh tế Đông Nam đoạn qua dự án WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An được đầu tư đồng bộ. Ảnh Thành Duy.JPG
Hạ tầng Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An được đầu tư đồng bộ. Ảnh tư liệu: Thành Duy

NỖ LỰC ĐỂ TIẾP TỤC TẠO KỲ TÍCH

Không dừng lại ở kết quả đã đạt được, Nghệ An đặt mục tiêu phát huy những thành tựu đã có, khắc phục những hạn chế để tiếp tục thu hút vốn FDI từ cả đối tác truyền thống và mới trong giai đoạn 2021-2030. Với mục tiêu “tham vọng” khi vốn FDI đăng ký đạt từ 3-3,5 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025 và 4,5-5 tỷ USD trong giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Nghệ An tiếp tục tập trung thực hiện 5 giải pháp trọng tâm.

Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bổ sung thêm nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và xác định Khu Kinh tế Đông Nam là một trong những động lực tăng trưởng của tỉnh. Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang triển khai lập đề án mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam trên 20.000 ha lên trên 100.000 ha.

vi-tri-kkt-dong-nam-trong-tinh-nghe-an-7496-537.png

Ngoài các hạ tầng dùng chung, tỉnh Nghệ An đang tập trung huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu như: Dự án đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh; đồng thời, quan tâm hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi và hiện có 3 nhà hạ tầng khu công nghiệp có năng lực, kinh nghiệm: VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt. Hiện 3 nhà đầu tư này đang phát triển 5 khu công nghiệp trên địa bàn. Đến năm 2025, tỉnh Nghệ An bảo đảm có đủ quỹ đất, mặt bằng sạch với khoảng 1.500 ha để thu hút đầu tư.

Để đáp ứng mặt bằng cho các nhà đầu tư, Nghệ An đã quy hoạch để mở rộng các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại. Ông Lê Tiến Trị - Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cho biết, trong năm 2024, Nghệ An sẽ tập trung khai thác hạ tầng Khu Công nghiệp Thọ Lộc với quy mô 500 ha, hạ tầng Khu Công nghiệp Hoàng Mai II với quy mô 335,23 ha và tiếp tục đề xuất đầu tư Khu Công nghiệp WHA giai đoạn 3 (250 ha), Khu Công nghiệp Thọ Lộc B (180 ha), Khu Công nghiệp Nghĩa Đàn (160 ha).

Bieudo - Khai thác, mở rộng KCN 2024.jpg

Với lợi thế quy mô dân số hơn 3,4 triệu người, trong đó, có hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, trên địa bàn tỉnh có 6 trường đại học, 11 trường cao đẳng và 70 cơ sở đào tạo nghề, hằng năm bổ sung vào thị trường lao động khoảng 45.000 người, với trên 65% lao động đã qua đào tạo. Tỉnh đang tập trung liên kết trong đào tạo giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ sở đào tạo. Đặc biệt, tỉnh đang tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỉnh Nghệ An luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư; coi khó khăn của nhà đầu tư là của tỉnh; giải quyết thủ tục đúng và nhanh nhất, có dự án chỉ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 5 ngày làm việc.

bna_Người dân thực hiện giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh Nguyên Nguyênjpg.jpg
Người dân thực hiện giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Nguyên Nguyên

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá: Nghệ An đang có nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư. Vì vậy, các ngành, địa phương cần tiếp tục phát huy kết quả tích cực trong những năm qua; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các nhà đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đang triển khai dự án trên địa bàn; tiếp tục rà soát, hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục để thực hiện các dự án mới, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng lao động của các nhà đầu tư. Các địa phương, nhất là huyện Diễn Châu, thị xã Hoàng Mai quan tâm công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án Khu Công nghiệp Thọ Lộc (VSIP II), Khu Công nghiệp Hoàng Mai II nhằm tạo mặt bằng để thu hút đầu tư.


Phạm Bằng/baonghean.vn

 Tags: FDI Nghệ An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây