Thứ tư, 04/12/2024, 21:55

Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế báo chí đang rất khó khăn

Cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết hiện nay cả báo giấy và báo điện tử đều khó khăn, do đó cần được nghiên cứu thêm về đối tượng không chịu thuế VAT.

 

Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế báo chí đang rất khó khăn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Đông

Chiều 23.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần tiếp tục rà soát các luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất (Luật Các tổ chức tín dụng 2024; Luật Hải quan; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu...).

Theo Chủ tịch Quốc hội, nên chăng cần nghiên cứu để bổ sung một số hành vi vi phạm, hành vi bị cấm và chế tài. Đây là luật thuế về chính sách, ngoài những điều cấm trong Luật quản lý thuế đã có thì do tính chất đặc thù của thuế VAT có thể phát sinh nhiều hành vi vi phạm nên cần có răn đe.

Do đó có thể nghiên cứu trong quy định chung thêm một điều nói về những hành vi cấm, chế tài xử phạt những trường hợp chưa được cụ thể hóa trong Luật Quản lý thuế. Có thể ví dụ như hành vi gian lận hóa đơn, chứng từ, vi phạm về thời gian nộp thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế, lừa đảo chiếm đoạt thuế, khai khống hóa đơn VAT, thành lập cơ sở kinh doanh để bán hóa đơn VAT...

Chủ tịch Quốc hội cho biết dự thảo đã liệt kê 26 nhóm đối tượng không chịu thuế, trong đó chuyển 10 nhóm hàng hóa sang chịu thuế 5%...

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Đông
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Đông

Với đối tượng không chịu thuế VAT, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm các ý kiến nhà khoa học, trí thức đề xuất nên chăng đưa sách chuyên khảo vào đối tượng miễn thuế VAT. Hiện trong dự thảo luật mới nói đến sách giáo khoa, trong khi sách chuyên khảo có hàm lượng khoa học rất cao, loại tri thức cao hơn và cần được khuyến khích.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập đến lĩnh vực báo chí xuất bản có đưa vào luật này hay không?. "Hiện nay báo giấy với báo điện tử thì đều khó khăn cả, báo điện tử cũng rất khó khăn. Kinh tế báo chí rất khó khăn trong điều kiện quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển như hiện nay. Lĩnh vực báo chí đang rất khó, các đồng chí cũng nên nghiên cứu thêm chỗ này", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Phát biểu bế mạc phiên họp thứ 32, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ sau 4,5 ngày làm việc, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành các nội dung đề ra.

Về lập pháp, trong phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào 2 nhóm vấn đề chính.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Nội dung này sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định vào kỳ họp thứ 7 tới.

Đồng thời, Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận kỹ lưỡng, xem xét, cho ý kiến với 6 dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 bao gồm dự Luật Di sản văn hóa sửa đổi, Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, Luật Dược sửa đổi.

Với việc cho ý kiến vào 6 dự án luật tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào 21/24 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 hoặc xem xét thông qua.

Còn 3 nội dung, theo Chủ tịch Quốc hội sẽ chuyển sang phiên họp tiếp theo là Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đồng thời 2 dự thảo nghị quyết liên quan cơ chế đặc thù với TP Đà Nẵng, Nghệ An.

"Căn cứ vào kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, gửi đến đại biểu Quốc hội theo quy định. Nội dung nào xong rồi các cơ quan cố gắng gửi sớm cho đại biểu nghiên cứu", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Điều 5 của dự thảo luật quy định rõ các đối tượng không chịu thuế, trong đó có:

Xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin, đặc san, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học - kỹ thuật, sách phục vụ thông tin đối ngoại, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số và tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động, kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ liệu điện tử; tiền, in tiền.


Phạm Đông/laodong.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây