Thứ năm, 05/12/2024, 05:42

30 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ (1994-2024): Vượt lên quá khứ để nhìn về tương lai vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững

(Hoinhabaonghean.vn) - Ngày 30/4/1975, Hoa Kỳ áp dụng lệnh cấm vận thương mại đối với toàn bộ Việt Nam sau khi áp dụng lệnh này đối với miền Bắc của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1964. Ngày 3/2/1994, đúng ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Và mới đây, ngày 10/9/2023, trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ J. Biden, 2 nước đã chính thức nâng cấp quan hệ ngoại giáo lên tầm“Đối tác chiến lược toàn diện” vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Đoàn công tác tỉnh Nghệ An chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ Ảnh BNA
Đoàn công tác tỉnh Nghệ An chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh- người khơi nguồn cội cho quan hệ Việt - Mỹ
Lịch sử Việt Nam từ thời các chúa Nguyễn và thời Tây Sơn, đã bắt đầu có manh nha những động thái mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao. Vào những năm 1784-1789, Đại sứ Hoa Kỳ ở Pháp là Thomas Jeffeson đã liên hệ với các chúa Nguyễn để xin giống lúa thơm đồng bằng sông Cửu Long về trồng tại quê hương. Trước đó, chính ông là người chấp bút bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ được G.Oasinhton công bố ngày 4/7/1776 để khai sinh ra nước Mỹ và sau này, ông trở thành Tổng thống thứ ba của nước Mỹ.
Năm 1803, khi vương triều Nguyễn vừa được xác lập, vị thuyền trưởng John Briggs là người Mỹ đầu tiên đưa tàu mang quốc tịch Mỹ tới Việt Nam. Năm 1832, dưới thời Minh Mạng, Phái bộ ngoại giao của Chính phủ Hoa Kỳ chính thức tới Đại Nam. Sử sách của vương triều Nguyễn cũng đã ghi lại dấu ấn bang giao chính thức đầu tiên giữa 2 quốc gia khi vua Tự Đức cử Bùi Viện hai lần sang Hoa Kỳ thực hiện sứ mệnh ngoại giao vào giai đoạn 1873-1875. Hơn nửa thế kỷ sau đó, mi quan hệ bang giao giữa hai nước chủ yếu thông qua Pháp trong thời kỳ Pháp thuộc.

Trong hành trình 30 năm ra nước ngoài tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Tại Mỹ, Người đã có thời gian sinh sống và làm việc ở nhiều thành phố như New York, Bostal. Người đã đi sâu thực tiễn, tìm hiểu đời sống xã hội bằng góc nhìn biện chứng, khách quan về nước Mỹ, hiểu những giá trị tốt đẹp mà bản Tuyên ngôn độc lập 1776 và Hiến pháp 1787 của Mỹ, công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân Mỹ cũng như những mặt trái của giai cấp tư sản và chế độ tư bản ở Mỹ.

Mùa xuân năm 1941, sau hành trình 30 năm tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Người đã tổ chức Hội nghị VIII (5/1941), thành lập Mặt trận Việt Minh, chủ trương đoàn kết dân tộc và làm bạn với tất cả các nước dân chủ. Dưới sự chỉ đạo của Người, Việt Minh đã liên hệ với cơ quan OSS (tiền thân của Tình báo Trung ương Mỹ sau này) để chống phát xít và đã đón nhận nhiều sự hỗ trợ của tổ chức này trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ngay trong bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước thế giới và quốc dân đồng bào vào ngày 2/9/1945, không đơn giản mà Người đã mở đầu bằng câu “ Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy trong bản “Tuyên ngôn độc lập” năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là, tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư, điện đến Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ. Nói vậy để thấy, ngay từ khi nhà nước cách mạng vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định vị trí tối quan trọng của quan hệ Việt- Mỹ. Ngày 16/2/1946, trong thư gửi Tổng thống H.Truman, Người viết: “Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ.Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”. Tiếc rằng, thiện chí đó đã bị bỏ lỡ bởi sự can thiệp của nước Mỹ vào cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Lịch sử phải chờ đến 78 năm sau, chiều ngày 10/9/2023 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ J. Biden mới ký thông báo Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ J.Biden trở thành chuyến thăm lịch sử, hoàn thành chặng đường thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện giữa hai quốc gia mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn xa trông rộng và khởi động từ 78 năm trước.
 
Hành trình 10 năm (2013-2023) từ “Đối tác chiến lược” lên “Đối tác chiến lược toàn diện”
Trải qua 10 năm hai nước thiết lập quan hệ “Đối tác toàn diện”, độ tin cậy chính trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước cải thiện đáng kể, tạo điều kiện cho quan hệ song phương phát triển sang một giai đoạn mới, sâu sắc hơn, tin cậy hơn và toàn diện hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp và vun đắp cho một khu vực Châu Á- Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động và thịnh vượng. Trong 10 năm, hai nước đã có những cuộc trao đổi và những chuyến thăm, bao gồm cả những chuyến thăm cấp cao để thúc đẩy quan hệ. Mở đầu là vào năm 2013, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để thiết lập quan hệ “Đối tác toàn diện”. Tháng 7/2015, chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vì lần đầu tiên một Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Hoa Kỳ. Tổng Bí thư đã hội đàm với Tổng thống Obama và ra tuyên bố tầm nhìn quan hệ hai nước. Tháng 5/2016, Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam. Tháng 11/2017 là chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump và sau đó, đến tháng 2/2019, Tổng thống Trump cũng đã đến Hà Nội để tham dự Hội nghị cấp cao Mỹ- Triều. Tháng 8/2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng có chuyến thăm Việt Nam.

Thời gian, số lượng và mật độ của những chuyến thăm cấp cao đó đã thúc đẩy, làm sâu sắc thêm và đưa mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Ngày 10/9/2023, Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”, một lần nữa ghi dấu mốc quan trọng mới trong quan hệ hai nước cũng như trên hành trình nỗ lực chung của hai nước để hiện thực hóa mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan hệ hợp tác đầy đủ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống J. Biden không chỉ có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự tôn trọng và coi trọng của Hoa Kỳ với Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà còn là một minh chứng sống động, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Đó cũng thể hiện quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc đưa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ lên tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu, bền vững hơn, hiệu quả hơn và tạo ra nhiều bước phát triển đột phá mang tính chiến lược hơn.

Hành trình 10 năm từ “Đối tác chiến lược”, bỏ qua “Đối tác toàn diện” lên “Đối tác chiến lược toàn diện” xuất phát từ cơ sở nhận thức và định hướng chung trong quan hệ hai nước, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt mốc phát triển mới, mang ý nghĩa lịch sử. Để có được thành tựu lớn lao này, là do trong nhiều năm qua, hai nước đã thực sự cùng nhau nỗ lực phát triển quan hệ với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” và thái độ đối thoại chân thành, thẳng thắn, xây dựng. Đó cũng chính làm nên tính “khác biệt” và “đặc biệt” trong quan hệ hai nước như nhiều chuyên gia ngoại giao, các nhà nghiên cứu chính trị đã bình luận rằng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là một mẫu mực của cố gắng “vượt lên quá khứ để nhìn về tương lai”.

Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai.
Trong hơn 1/4 thế kỷ qua, Hoa Kỳ và Việt Nam đã từng bước vượt qua vết thương chiến tranh để xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực giáo dục, thương mại, y tế cộng đồng. 27 năm đầy thách thức và những người trong cuộc của hai bên cựu thù trước đây đã chiến thắng nỗi đau của chính mình để tìm tới trái tim của phía bên kia và thưởng cho lòng vị tha và tình bạn. Hành động đó cũng dũng cảm như “vén mây giữa trời”- nói như ông Biden khi còn làm Phó Tổng thống Mỹ, đã trích dẫn “Truyện Kiều” của Nguyễn Du để chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi thăm Việt Nam năm 2018 cũng đã trích Kiều trong diễn văn của mình :
“Rằng trăm năm cũng từ đây
Của tin còn một chút này làm ghi...”
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam ngày 10/9/2023 là một chuyến thăm đặc biệt. Lần đầu tiên, một Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra đúng dịp 10 năm hai nước xác lập quan hệ “Đối tác toàn diện” (2013-2023). Lần đầu tiên trong một nhiệm kỳ, cả Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ cùng thăm Việt Nam. Chuyến thăm này là một minh chứng cho thấy hai bên đều rất coi trọng nhau trong chính sách đối ngoại của mình và trong chính sách đối với khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nói riêng.
 
Toàn cảnh diễn đàn Kết nối đầu tư Nghệ An Hoa Kỳ Ảnh BNA
Toàn cảnh diễn đàn Kết nối đầu tư Nghệ An - Hoa Kỳ. Ảnh BNA

Trong “Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện”, có đoạn viết :“ Hai nhà lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng của hợp tác giữa hai nước và với các chuyên gia ngoài chính phủ nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp phát thải thấp và có sức chống chịu trước biến đổi khí hậu. Sự kiện 2 quốc gia cựu thù Việt - Mỹ năm xưa quyết định nâng quan hệ ngoại giao lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện” là một nhu cầu tất yếu và khách quan, bởi cả Việt Nam và Mỹ đều cần, vì lợi ích quốc gia dân tộc trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động theo chiều phức tạp, khó lường.

Về phía Mỹ, đó là một sự thay đổi về chiến lược, xuất phát từ lợi ích nước Mỹ và Mỹ đã chấp nhận tôn trọng thể chế Việt Nam không chỉ bằng lời nói mà cả hành động. Về phía Việt Nam, đây là một sự kiện lớn trong công cuộc hội nhập, một thắng lợi lớn trên mặt trận ngoại giao phản ảnh một thực tế khách quan vì quyền lợi Việt Nam.

Triển vọng mới trong quan hệ hợp tác giữa tỉnh Nghệ An với Hoa Kỳ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho quê hương Nghệ An nhiều tình cảm thiêng liêng và sâu nặng. Trong lá thư gửi Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, ngày 21/7/1969, Người căn dặn : “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào, đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. Trăn trở với mong muốn của Người, trong nhiều nhiệm kỳ qua, lãnh đạo Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân luôn nỗ lực vượt khó để từng bước xây dựng quê hương giàu mạnh. Dành sự quan tâm cho quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã luôn dõi theo tình hình và có những chủ trương, chính sách, nghị quyết riêng cho Nghệ An phát triển tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng của địa phương. Ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Nghị quyết này, định hướng mục tiêu cho Nghệ An đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ, là trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Nghệ An trong giai đoạn này hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm nhà máy tại thành phố Garland (Hoa Kỳ)
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm nhà máy tại thành phố Garland (Hoa Kỳ)
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã chủ trì phiên làm việc với sự tham dự của đại diện các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp đến từ nhiều bang của Hoa Kỳ. Cũng trong chuyến công tác của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đã có cuộc làm việc với Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ và Hội đồng kinh tế Mỹ - ASEAN, tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư vào tỉnh Nghệ An ở bang Texas với chủ đề “Triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam sau nâng cấp quan hệ Việt- Mỹ và cơ hội đầu tư vào Nghệ An”.

Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao tỉnh Nghệ An đã lựa chọn Hoa Kỳ là đối tác để thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay, ngay sau các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước. Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tích cực cho tỉnh trong việc thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ đến Nghệ An. Như vậy, cùng với việc từng bước triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ của đoàn công tác tỉnh Nghệ An trước thềm năm mới 2024 hết sức có ý nghĩa, mở ra một giai đoạn lịch sử mới trong quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ, cũng như mong muốn của tỉnh Nghệ An có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Hoa Kỳ./.
Trần Trung Hiếu
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây