Thứ hai, 02/12/2024, 05:55

Băn khoăn đặt tên làng, tên xã sau sáp nhập

Một vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm liên quan đến dự kiến đặt tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập ở các địa phương hiện nay. Vậy, đặt tên như thế nào đảm bảo phù hợp là việc cần phải được nghiên cứu bài bản.

 

bna_ MH3.jpg
Lãnh đạo Phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ Nghệ An kiểm tra công tác lập và niêm yết danh sách cử tri chuẩn bị cho hội nghị lấy ý kiến cử tri vào đề án sắp xếp đơn vị hành chính tại xã Công Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Mai Hoa

Đề cao yếu tố lịch sử - văn hóa

Theo quy định tại Điều 129, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015: việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã, đều thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phải được tiến hành theo quy trình, trình tự qua nhiều cấp và lấy ý kiến Nhân dân.

Một góc xã Diễn Hoa (Diễn Châu).jpeg
Một góc xã Diễn Hoa (Diễn Châu). Ảnh tư liệu Sách Nguyễn

Ở huyện Thanh Chương, theo Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Nguyễn Trọng Anh: Phương án đặt tên mới sau sáp nhập đối với các đơn vị hành chính được Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện dự kiến trên cơ sở nghiên cứu và đặt yếu tố lịch sử, văn hoá lên hàng đầu. Từ dự kiến của Ban Chỉ đạo huyện tiếp tục lấy ý kiến của các đơn vị thuộc diện sáp nhập thông qua cuộc họp ban chỉ đạo mở rộng; giao đồng chí thường vụ huyện uỷ là thành viên ban chỉ đạo họp cùng ban chấp hành các xã sáp nhập để thảo luận, thống nhất và gửi văn bản về huyện để chốt phương án trước khi đưa ra lấy ý kiến cử tri vào tháng 5 tới.

bna_Đoàn công tác huyện Thanh Chương giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của công chức tại xã Thanh Phong.jpg
Cán bộ Huyện uỷ Thanh Chương kiểm tra kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của công chức xã Thanh Phong. Ảnh: Mai Hoa

Do lấy yếu tố lịch sử làm căn cứ đặt tên đơn vị hành chính mới, nên tên các đơn vị sau sáp nhập ở huyện Thanh Chương cơ bản trở về tên cũ trước đây. Như 2 xã Thanh Hoà và Thanh Nho được chia tách từ xã Minh Sơn năm 1954, sau sáp nhập trở về tên cũ Minh Sơn. Tương tự, 2 xã Thanh Khê và Thanh Chi vốn trước đây được tách từ xã Thanh Quả, sau sáp nhập trở lại tên Thanh Quả. Hay 3 xã Thanh Lương, Thanh Yên, Thanh Khai vốn được chia tách từ xã Minh Tiến trước đây, sau sáp nhập trở lại tên Minh Tiến…

Cùng lựa chọn tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập dựa trên yếu tố lịch sử, tại huyện Diễn Châu, thị trấn Diễn Châu sáp nhập vào xã Diễn Thành, lấy tên mới sau sáp nhập là thị trấn Diễn Thành. Lý giải việc lấy tên thị trấn Diễn Thành, ông Lê Đức Phát – Bí thư Đảng uỷ xã Diễn Thành cho biết: Trước đây, thị trấn Diễn Châu và xã Diễn Thành vốn là một đơn vị hành chính, đến năm 1977 mới tách ra. Mặt khác, trong định hướng phát triển, huyện Diễn Châu sẽ phát triển thành thị xã Diễn Châu và khi đó thị trấn sẽ là một phường trong thị xã; nên để đảm bảo sự ổn định về tên gọi, Ban Chấp hành Đảng bộ 2 đơn vị đã thống nhất đề xuất đặt tên thị trấn Diễn Thành.

bna_ MH4.jpg
Niêm yết danh sách cử tri tham gia lấy ý kiến sắp xếp đơn vị hành chính của xã Diễn Thành (Diễn Châu). Ảnh: Mai Hoa

Tương tự, ở huyện Yên Thành, 2 xã Công Thành và Khánh Thành được chia tách từ xã Vân Tụ vào năm 1953, nay sáp nhập, lấy tên cũ trước đây là Vân Tụ; 2 xã Đại Thành và Minh Thành được chia tách từ xã Minh Thành (cũ) năm 1999, nay sáp nhập trở về tên cũ Minh Thành; 2 xã Phú Thành và Hồng Thành được tách từ xã Phú Thành năm 1994, nay sáp nhập lấy tên Phú Thành; 2 xã Hậu Thành và Hùng Thành được chia tách từ xã Hậu Thành năm 2007, nay sáp nhập lấy tên Hậu Thành…

Băn khoăn những tên làng, tên xã

Dự kiến đặt tên mới cho đơn vị hành chính sau sáp nhập, bên cạnh tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trên cơ sở nghiên cứu và dựa vào yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hoá, thì vẫn còn một số tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập đang đặt ra nhiều băn khoăn, trăn trở trong dư luận nhân dân.

Cụ thể, hiện nay, ở một số địa phương, đặt tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập đơn thuần chỉ ghép tên 2 đơn vị trước khi sáp nhập. Ví như tại huyện Thanh Chương, 2 xã Thanh Giang và Thanh Mai sẽ sáp nhập. Ban Chỉ đạo huyện đã đề xuất tên gọi là xã Tân Dân nhưng không nhận được sự đồng ý của cán bộ, đảng viên 2 xã nên dự kiến tên xã mới là Mai Giang; xã Xuân Tường sáp nhập xã Thanh Dương, dự kiến tên xã mới là Xuân Dương.

bna_ MH.jpg
Công chức xã Diễn Thành (Diễn Châu) giải quyết công việc cho dân. Ảnh: Mai Hoa

Hoặc huyện Diễn Châu, xã Diễn Xuân sáp nhập xã Diễn Tháp, dự kiến lấy tên Xuân Tháp; xã Diễn Ngọc sáp nhập xã Diễn Bích lấy tên xã Ngọc Bích; xã Diễn Hùng sáp nhập xã Diễn Hải, dự kiến tên mới xã Hùng Hải; xã Diễn Hạnh sáp nhập xã Diễn Quảng, dự kiến tên mới, xã Hạnh Quảng.

Hay huyện Hưng Nguyên, sáp nhập 2 xã Hưng Thịnh và Hưng Mỹ, dự kiến lấy tên mới là xã Thịnh Mỹ; xã Hưng Thông sáp nhập Hưng Tân, dự kiến tên xã mới là Thông Tân; xã Hưng Phúc sáp nhập xã Hưng Lợi, dự kiến tên xã mới là Phúc Lợi.

Ở huyện Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Đôi sáp nhập xã Quỳnh Hậu, dự kiến tên xã mới là Đôi Hậu; sáp nhập xã Quỳnh Mỹ và Quỳnh Hoa, dự kiến tên xã mới là Hoa Mỹ; sáp nhập xã Quỳnh Lương và Quỳnh Minh, dự kiến tên xã mới là Minh Lương; sáp nhập xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ, dự kiến tên xã mới là Hải Thọ; sáp nhập xã Quỳnh Long và Quỳnh Thuận, dự kiến tên xã mới là Thuận Long…

bna_ MH1.jpg
Cán bộ xã Minh Thành (Yên Thành) kiểm tra việc niêm yết danh sách cử tri tại xóm. Ảnh: Mai Hoa

Trao đổi với chúng tôi liên quan đến dự kiến đặt tên các đơn vị hành chính sau sáp nhập theo phương án ghép tên 2 xã, ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Việc ghép tên 2 xã sáp nhập thành tên xã mới theo phương án hiện tại, huyện cũng đang có những băn khoăn, trăn trở. Theo quan điểm và phương án dự kiến đặt tên ban đầu huyện lựa chọn là giữ lại tên của 1 trong 2 xã sáp nhập với mục đích là giảm áp lực cho người dân trong việc thay đổi thông tin trên các giấy tờ sau sáp nhập. Ví dụ, xã Quỳnh Long sáp nhập xã Quỳnh Thuận, lấy tên xã mới là Quỳnh Thuận; hay xã Sơn Hải sáp nhập xã Quỳnh Thọ, lấy tên Sơn Hải; xã Quỳnh Hậu sáp nhập Quỳnh Đôi, lấy tên Quỳnh Đôi…

Tuy nhiên, khi lấy ý kiến trong Ban chấp hành Đảng bộ các địa phương sáp nhập (có đơn vị lấy ý kiến tận các chi bộ), một số cán bộ, đảng viên các địa phương không đồng tình với phương án huyện đưa ra và đề xuất một phương án khác. Mặc dù, Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện đã rà soát lại, đồng thời, thành lập các tổ công tác về làm việc với từng đơn vị và làm việc chung với các đơn vị sáp nhập với nhau; có đơn vị, ngoài họp ban chấp hành Đảng bộ xã, còn họp các đại biểu HĐND xã, bí thư chi bộ, xóm trưởng, trưởng các đoàn thể để tuyên truyền, vận động, nhưng vẫn chưa tạo được sự thống nhất theo phương án ban đầu.

Đến thời điểm này, do yêu cầu chốt nội dung để làm các quy trình tiếp theo trong lộ trình sắp xếp, nên huyện có văn bản đề xuất với tỉnh điều chỉnh tên gọi 5 đơn vị hành chính sau sáp nhập theo đề xuất của các đơn vị, bởi theo quy định, việc đặt tên xã phải tôn trọng ý kiến cán bộ và người dân địa phương.

bna_ MH, QL.jpg
Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu kiểm tra đạo đức công vụ của công chức xã Quỳnh Hồng. Ảnh: Mai Hoa

Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cũng thông tin thêm: Việc xác định tên gọi các đơn vị hành chính sau sáp nhập tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của cử tri và nhân dân, dự kiến tổ chức vào ngày 15/5 tới; nếu còn có ý kiến trái chiều thì tiếp tục xem xét và làm lại quy trình. Sau ý kiến của cử tri, HĐND xã sẽ tiến hành họp, đến HĐND huyện và HĐND tỉnh họp để thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính, khi đó tên gọi mới được “chốt” chính thức để trình Trung ương xem xét, quyết định.

Việc đặt tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, qua nắm bắt ở một số địa phương, tâm lý, tư tưởng cục bộ địa phương trong một số cán bộ, đảng viên và người dân không muốn “mất” tên xã mình. Điều này đặt ra cho cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần vào cuộc tuyên truyền và giải thích cho cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ: tên xã không đơn thuần chỉ là tên gọi mà điều quan trọng, tên gọi phải được gắn bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá, với cốt cách con người một vùng quê đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành niềm tự hào, ý thức giữ gìn và động lực phấn đấu xây dựng quê hương phát triển trong mỗi người dân.

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, Nghệ An có 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 67 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp, trong đó có 27 đơn vị cấp xã liền kề.


Mai Hoa/baonghean.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây