Làm dâu xứ lạ
Sinh ra và lớn lên ở Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, vì điều kiện kinh tế gia đình, chị Hải Yến sớm chọn cho mình một hướng riêng, đó là đi xuất khẩu lao động tại Malaysia. Những năm tháng làm việc tại xứ người, cơ duyên cho chị gặp và phải lòng chàng trai xứ Nghệ. Từ cảm mến nhau, rồi yêu nhau, hai anh chị đã nên duyên chồng vợ. Chồng chị là anh Nguyễn Trọng Khắc ở xã Xuân Tường (Thanh Chương). Năm 2012, chị theo chồng về xứ Nghệ làm dâu. Nhớ lại những ngày đó, chị Yến bồi hồi: “Ban đầu mình chưa mường tượng được miền Trung khí hậu như thế nào, con người, phong tục, tập quán ra sao. Lần đầu về nhà chồng cũng là lần đầu mình đặt chân đến Nghệ An, dù khó khăn nhiều, nhưng mình đã dần yêu mến mảnh đất này”.
Vợ chồng anh Nguyễn Trọng Khắc và chị Nguyễn Thị Hải Yến. Ảnh: Ngân Hạnh |
Cưới nhau chưa được bao lâu, vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, anh Nguyễn Trọng Khắc chồng chị lại phải xa người vợ trẻ, tiếp tục đi xuất khẩu lao động để kiếm thêm thu nhập, chị ở lại quê nhà cùng đứa con thơ. Về làm dâu nơi xa xứ, bước đầu chị bỡ ngỡ nhiều thứ, phong tục, tập quán chưa quen, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống mới khó khăn, không có chồng ở cạnh. Đó là những thử thách không hề nhỏ với chị. Vốn chịu thương, chịu khó, lại đảm đang, tháo vát, chị Yến nhanh chóng vượt qua những khó khăn ngày đầu để vừa cáng đáng vai trò của một người mẹ, vừa vẹn toàn chăm sóc gia đình chồng. Mỗi sáng, chị Yến theo mẹ chồng đi chợ bán bún, chiều về phụ giúp gia đình làm nông và chăn nuôi. Bao vất vả chị đều vượt qua, nhanh chóng thạo việc đồng áng, buôn bán, chăn nuôi. Được nhà chồng và bà con láng giềng yêu quý, chị phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ chồng, nhớ gia đình, quê ngoại cách xa hàng ngàn cây số. Dẫu vậy, sau 2 năm gạo chợ, nước sông nơi quê chồng, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2014, chị đành gạt nước mắt, gửi con nhỏ nhờ ông bà nội chăm sóc, phần mình lại tiếp tục đi xuất khẩu lao động.
Vượt khó khởi nghiệp và giấc mơ OCOP
Năm 2018, một biến cố đến với gia đình anh chị. Bố chồng chị qua đời, gia đình mất đi một trụ cột về kinh tế lẫn tinh thần. Cũng năm đó, vợ chồng chị Yến trở về nước để cáng đáng việc nhà. Về quê, vợ chồng chị luôn trăn trở phải làm gì, làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình, bởi làm nông chẳng đủ để lo cuộc sống. Chị kể, trong một lần đi siêu thị, chị mua cơm nếp sấy làm quà cho con, thấy con khen ngon, vốn khéo tay nên chị mày mò thử làm tại nhà, bất ngờ kết quả thành công. Từ món quà nhỏ này, chị Yến đã nung nấu ý tưởng về một dây chuyền sản xuất cơm nếp sấy, và ý tưởng đó luôn đau đáu trong chị.
Tự mình mày mò, học hỏi từ trên mạng cho đến những thử nghiệm thực tế, chị Yến mất đến nửa năm để hoàn thiện công thức sản xuất cơm nếp sấy cho riêng mình. Chị liên tục thử nghiệm nhiều công thức khác nhau, làm đi, làm lại để cho ra thành quả ưng ý nhất.
Chị Yến cùng sản phẩm “cơm nếp sấy làng Thượng Thọ”. Ảnh: CSCC |
Khi đã tự tin về chất lượng sản phẩm, vợ chồng chị bàn nhau đầu tư hơn 300 triệu đồng vào hệ thống máy móc sản xuất cơm nếp sấy. Tháng 7/2019, chị chính thức mở cơ sở và đăng ký hồ sơ pháp lý, cho ra sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu. Năm 2020, sản phẩm “cơm nếp sấy" của vợ chồng chị Yến đã có vị trí nhất định trên thị trường. Không chỉ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, chị Yến mở rộng thêm 3 nhà phân phối tại các tỉnh Hải Dương, Nam Định và Vũng Tàu. Năm 2022, chị mở rộng thêm 6 nhà phân phối tại Hà Nội, Phú Thọ, Nam Đàn, Đô Lương, Quảng Bình, Bình Dương. Những gói cơm cháy đặc sản Thanh Chương xứ Nghệ dần dà đã quen với người tiêu dùng ở nhiều nơi trên cả nước, từ Bắc chí Nam.
Mô hình kinh doanh của chị Yến ngày càng mở rộng, cũng là lúc nhiều phụ nữ trong làng có thêm việc làm. Khi mới nhen nhóm ý tưởng, vài ba người chung sức với chị đều là chị em hàng xóm láng giềng. Đến nay, cơ sở sản xuất của chị Yến đã tạo việc làm cho 10 nhân công, tất cả đều là phụ nữ. Đặc biệt, chị luôn quan tâm tới những lao động nữ không đủ điều kiện sức khỏe đi làm công nhân xa, những người quá tuổi lao động, nhằm giúp họ có thêm thu nhập ngay tại quê nhà.
Nhân công tại cơ sở sản xuất của chị Yến đều là phụ nữ, hầu hết trong số họ đều quá tuổi lao động hoặc không đủ sức khỏe để đi làm ăn xa. Ảnh: CSCC |
Sau thành công của cơm nếp sấy làng Thượng Thọ, đầu năm 2021, chị Yến bàn với chồng tiếp tục phát triển thêm sản phẩm mang dấu ấn của quê hương. Đó là rượu nếp cái hoa vàng. Chị đầu tư 1,3 tỷ đồng trang bị dây chuyền sản xuất rượu khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận, chị thực hiện mô hình nấu rượu kết hợp chăn nuôi, dùng bã rượu để làm thức ăn cho đàn lợn gần trăm con. Quy trình sản xuất này giúp tiết kiệm chi phí chăn nuôi, nhờ đó mô hình đem lại hiệu quả cao.
Chị Yến tâm sự: “Được cơ quan chức năng các cấp hỗ trợ, hướng dẫn, mình đang hoàn thiện các thủ tục để đăng ký sản phẩm OCOP cho 2 sản phẩm đó, mong muốn tạo ra một thương hiệu đặc sản cho vùng lúa Thanh Chương”. Không chỉ thành công trong sản xuất, kinh doanh, chị Yến còn tham gia tích cực phong trào tại địa phương và các hoạt động nhân đạo, từ thiện.
Năm 2021, chị Yến được Hội LHPN tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc. Ảnh: CSCC |
Chị Yến phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Phụ nữ huyện Thanh Chương lần thứ XXIX. Ảnh: CSCC |
Nhờ tư duy sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, dám nghĩ, dám làm, thành công đã đến với chị. Ghi nhận thành quả đó, các năm 2019, 2020, chị Yến đạt giải ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp cấp huyện. Mô hình của chị được nhiều đoàn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, cá nhân chị được đi báo cáo điển hình phụ nữ toàn tỉnh. Năm 2021, chị được Hội LHPN tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc. Thành công của giấc mơ khởi nghiệp và xây dựng sản phẩm OCOP của chị đang đến gần, đặc sản cơm nếp sấy và rượu nếp cái hoa của chị sẽ ngày càng được nhiều người biết đến. Đặc sản của huyện Thanh Chương giờ đây không chỉ là nhút, mà hơn thế, các sản vật quê nhà được quảng bá rộng rãi, sẽ góp phần mở hướng làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.