Thứ sáu, 22/11/2024, 02:52

Đi tìm nguyên nhân trận lũ nặng nề tại thị xã Hoàng Mai

Trận lũ kéo dài từ đêm 29 đến hết ngày 30/9 tại thị xã Hoàng Mai đã khiến cho 8/10 phường, xã tại địa phương này bị ngập nặng. Đã có nhiều câu hỏi được người ta đưa ra sau khi lũ  đi qua.

Việc vận hành hồ Vực Mấu

Từ ngày 28 đến 30/9 vừa qua, trên địa bàn thị xã Hoàng Mai đã có mưa to đến rất to kết hợp hồ Vực Mấu mở 3 cửa tràn và thủy triều dâng đã gây ngập úng, hư hỏng, thiệt hại nhiều diện tích sản xuất và nhà cửa của người dân.

Trong đó có 19,4ha lúa mùa của người dân phường Quỳnh Dị, xã Quỳnh Lộc bị ngập; có 479,5ha rau màu vụ đông bị ngập úng và hư hỏng, thiệt hại trên 70%; hơn 460ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập. Ngoài ra, đã có 3.385 hộ dân bị nước vào nhà, 144 hộ phải di dời…

Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao năm nay hồ Vực Mấu cũng mở 3 cửa tràn, bằng với năm 2021, thế nhưng thiệt hại mà thị xã Hoàng Mai phải gánh chịu lại nặng nề hơn năm trước?

Đi tìm nguyên nhân trận lũ nặng nề tại thị xã Hoàng Mai ảnh 1

Trận lũ nặng nề khiến cho 8/10 phường, xã của thị xã Hoàng Mai bị ngập. Trong ảnh, người dân phải dùng thuyền để di chuyển trên đường làng ở xã Quỳnh Trang. Ảnh: Tiến Đông

Theo đó, năm 2021, do ảnh hưởng của bão số 6 từ ngày 23/9 đến 26/9 trên địa bàn thị xã Hoàng Mai và vùng thượng lưu hồ Vực Mấu có mưa to đến rất to, mực nước hồ đạt cao trình +21,61m, vùng lòng hồ thuộc xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) có 19 hộ nước ngập đến sân nhà.

Thời điểm đó, hồ Vực Mấu đã mở 3 cửa xả tràn, có 188 hộ gia đình bị ngập lụt, trong đó xã Quỳnh Vinh có 35 hộ, Quỳnh Trang 115 hộ, phường Mai Hùng 25 hộ, phường Quỳnh Thiện 13 hộ. Trong số này, có 103 hộ thuộc diện phải di dời.

Đi tìm nguyên nhân trận lũ nặng nề tại thị xã Hoàng Mai ảnh 2
Cửa tràn hồ Vực Mấu xả lũ. Ảnh: Tiến Đông
 

Hồ Vực Mấu là công trình thuỷ lợi cấp II, nằm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Diện tích lưu vực của hồ rộng 215km2, trong đó mực nước dâng bình thường 21m và mực nước dâng gia cường là 22,72m. Hồ này được xây dựng vào năm 1978 với 3 cửa xả ban đầu, đến năm 2010 khi nâng cấp, sửa chữa đã mở rộng thành 5 cửa xả.

Theo nhật ký vận hành hồ Vực Mấu, lúc 19 giờ 3 phút ngày 23/9, lúc này bão số 4 chưa đổ bộ vào đất liền, trên lưu vực hồ Vực Mấu có mưa, mực nước hồ đạt +20,05m vượt cao trình đường phòng phá hoại, vì vậy đơn vị vận hành đã điều chỉnh độ mở tràn cửa số 5 lên 3,42m.

Sau khi mở 1 cửa xả, mực nước hồ đã xuống +19.90m nằm dưới cao trình đường phòng phá hoại cho phép là +19.93m. Kể từ ngày đó 1 cửa tràn vẫn được mở liên tục, cho đến 19 giờ 20 phút ngày 28/9, sau khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền, do lưu vực hồ Vực Mấu có mưa to, mực nước hồ đạt +20,44m vượt cao trình đường phòng phá hoại, nên đơn vị vận hành tiếp tục mở cửa thứ 2 để xả lũ (cửa số 4 và số 5).

Đi tìm nguyên nhân trận lũ nặng nề tại thị xã Hoàng Mai ảnh 3

Theo đơn vị quản lý hồ Vực Mấu thì việc vận hành hồ thuỷ lợi này thời điểm trước, trong và sau trận lũ là hoàn toàn phù hợp với quy trình và thực tế tình hình trên địa bàn. Ảnh: Tiến Đông

Đến 1 giờ 28 phút ngày 30/9, mực nước hồ đạt +21,36m, trên lưu vực có mưa rất to, nên Xí nghiệp Thuỷ lợi Hoàng Mai đã điều chỉnh mở thêm 1 cửa tràn để xả lũ (mở 3 cửa: số 1, 4, 5). Việc mở 3 cửa tràn diễn ra liên tục từ ngày 30/9 đến 1 giờ 2 phút ngày 1/10, do mưa trên lưu vực giảm nên đơn vị vận hành đã điều chỉnh đóng dần các cửa tràn, đến ngày hôm nay vẫn tiếp tục vận hành 1 cửa để xả lũ.

Liên quan đến câu hỏi phải chăng do hồ Vực Mấu xả lũ nên mới gây lũ lớn tại thị xã Hoàng Mai, ông Võ Sỹ Thắng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thuỷ lợi Bắc Nghệ An cho rằng: Trong thời điểm này trên địa bàn đã có mưa rất to, việc đổ lỗi cho hồ Vực Mấu xả lũ gây ngập nặng là không đúng. Bởi trong năm 2021, đơn vị vận hành cũng xả cả 3 cửa nhưng số hộ bị ngập chỉ là 188 hộ. Bên cạnh đó, trước khi bão số 4 đổ bộ, đơn vị cũng đã chủ động xả lũ, khi mực nước lòng hồ chưa đạt đến 21m – mực nước dâng bình thường, thậm chí chưa đến mức 22,72m – mức nước cắt lũ.

Đi tìm nguyên nhân trận lũ nặng nề tại thị xã Hoàng Mai ảnh 4

Lãnh đạo thị xã Hoàng Mai và lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Bắc Nghệ An kiểm tra việc xả lũ tại hồ Vực Mấu vào ngày 30/9. Ảnh: Tiến Đông

Đi tìm nguyên nhân?

Ông Thắng cũng lý giải, hồ Vực Mấu xây dựng năm 1978 với 3 cửa xả, đến năm 2010 nâng cấp lên thành 5 cửa xả. Vấn đề là con sông Hoàng Mai từ sau tràn xả lũ xuống đến Lạch Cờn lòng sông bị bồi lấp rất lớn nhưng ít được nạo vét, mở rộng để lưu lượng chảy cao lên. Chưa kể hàng năm luôn có tình trạng lấn chiếm dòng sông và một số vị trí thi công cầu qua sông không bốc dọn lòng sông gây ách tắc dòng chảy khi xả lũ.

Bên cạnh đó, mặc dù mức nước cắt lũ của hồ là 22,72m nhưng thực tế khi vận hành không bao giờ đơn vị để đạt đến mức này, vì nếu đạt đến 22,72m mới xả lũ thì sẽ khiến cho 512 hộ dân ở các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu), lúc này chưa thể di dời sẽ bị ngập sâu.

Sau trận lũ lịch sử năm 2013, thị xã Hoàng Mai đã từng đề nghị nạo vét lòng sông Hoàng Mai và đầu tư xây dựng đê bao 2 bên dòng sông, từ đoạn cuối của xã Quỳnh Trang đến Lạch Cờn, đồng thời di dời 512 hộ dân ở phía thượng lưu, thế nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Đi tìm nguyên nhân trận lũ nặng nề tại thị xã Hoàng Mai ảnh 5

Con đường đất được các đơn vị thi công đắp chắn ngang sông Hoàng Mai khiến cho dòng nước bị ách tắc. Ảnh: Tiến Đông

Theo báo cáo phương án ứng phó thiên tai năm 2022 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thuỷ lợi Bắc Nghệ An đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định: Hiện nay, trên địa bàn thị xã Hoàng Mai có công trình đường cao tốc Bắc Nam đang được xây dựng, trong quá trình xây dựng các mố trụ và cầu tạm làm đất đá rơi vãi xuống lòng sông, làm co hẹp mặt cắt dòng chảy trên sông Hoàng Mai, làm ảnh hưởng đến việc thoát lũ khi hồ Vực Mấu xả tràn.

Đi tìm nguyên nhân trận lũ nặng nề tại thị xã Hoàng Mai ảnh 6

Quốc lộ 1A đoạn qua phường Quỳnh Thiện bị ngập sâu. Ảnh: Tiến Đông

Cụ thể, vào ngày 1/6/2022 Xí nghiệp Thuỷ lợi Hoàng Mai đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án 6 – Bộ Giao thông Vận tải; Công ty TNHH Hoà Hiệp, Công ty CP Trường Sơn 185, Công ty TNHH Thương mại xây dựng Trung Chính. Văn bản này nêu rõ, qua kiểm tra tuyến sông Hoàng Mai, có hai công trình thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đang thi công tại sông Hoàng Mai ở vị trí thuộc xóm 4, xã Quỳnh Trang (phía Nam) và xóm 3, xã Quỳnh Vinh (phía Bắc), đó là đường vận chuyển vật liệu của Công ty TNHH Hoà Hiệp và Công ty CP Trường Sơn 185 thi công; cầu Hoàng Mai 2 do Công ty TNHH Thương mại xây dựng Trung Chính thi công.

Việc thi công cầu phải mở rộng móng, mố cầu và làm đường vận chuyển vật liệu, đơn vị thi công đã đắp chặn ngang dòng sông, chỉ để nước lưu thông qua cầu tạm rộng 12m sẽ gây ách tắc (khẩu độ sông Hoàng Mai đoạn này lên đến 60m), và ảnh hưởng đến công tác phòng chống lụt bão năm 2022. Khi có mưa bão, phải xả tràn hồ Vực Mấu sẽ gây tăng ngập úng và ách tắc dòng chảy của sông Hoàng Mai.

Đi tìm nguyên nhân trận lũ nặng nề tại thị xã Hoàng Mai ảnh 7

Đến ngày 27/9 lúc này bão số 4 sắp đổ bộ, trên địa bàn cũng đã có mưa to, nhưng việc thanh thải lòng sông vẫn chưa được thực hiện dứt điểm. Ảnh: CSCC

Sau đó, nhiều lần Xí nghiệp Thuỷ lợi Hoàng Mai tiếp tục có văn bản gửi các đơn vị nói trên và cũng nội dung như trên. Tuy nhiên, việc khơi thông, thanh thải dòng sông vẫn không được thực hiện. Sau đó, đơn vị quản lý hồ Vực Mấu đã phải gửi văn bản cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thuỷ lợi và các đơn vị liên quan, bởi qua kiểm tra, tại vị trí xây dựng cầu Hoàng Mai 2, mực nước thượng lưu và hạ lưu nơi lòng sông bị đắp chênh nhau trên 0,5m.

Ngày 26/9, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đã kiểm tra hiện trường. Ngày 27/9, Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Ban quản lý dự án 6 – Bộ Giao thông Vận tải, nhằm chỉ đạo nhà thầu tập trung huy động phương tiện, xe máy, thiết bị để khẩn trương thanh thải, khơi thông dòng chảy sông Hoàng Mai tại vị trí giữa dòng và phía Nam sông Hoàng Mai để đảm bảo tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Vậy nhưng, đến 14h ngày 27/9, lúc này bão số 4 sắp đổ bộ, trên địa bàn cũng đã có mưa to, qua kiểm tra tại hiện trường, Xí nghiệp Thuỷ lợi Hoàng Mai vẫn chưa thấy đơn vị thi công thanh thải, khơi thông dòng triệt để.

Đi tìm nguyên nhân trận lũ nặng nề tại thị xã Hoàng Mai ảnh 8

Tính đến sáng 6/9, đoạn đường đất đắp ngang sông Hoàng Mai vẫn chưa được thanh thải hết. Ảnh: Tiến Đông

Đặc biệt, đến ngày 28/9 lúc này bão số 4 đã đổ bộ, Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Bắc đã có Báo cáo số 839/BC.KT-CT phản ánh: "Đến ngày 28/9/2022, qua kiểm tra và báo cáo của Xí nghiệp Thuỷ lợi Hoàng Mai, tại vị trí xây dựng cầu Hoàng Mai 2, hiện tại phần đường xế cầu tạm tại vị trí giữa dòng sông và phía Nam cầu Hoàng Mai 2 vẫn chưa được xử lý, thanh thải đất đá như đã cam kết tại biên bản làm việc”.

Ngày 5/10 từ Quốc lộ 48D, men theo con đường dân sinh, chúng tôi có mặt tại bờ Bắc của sông Hoàng Mai, nơi cầu Hoàng Mai 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua. Lúc này, nước cũng rút dần, lòng sông Hoàng Mai hiện lên những mỏm đất, khối bê tông mà nhà thầu thi công đường cao tốc Bắc - Nam chưa thanh thải triệt để.

Đi tìm nguyên nhân trận lũ nặng nề tại thị xã Hoàng Mai ảnh 9

Sáng 30/9 lúc này nước lũ đã lên nhanh, ngập nhiều địa phương ở thị xã Hoàng Mai thì đơn vị thi công mới phá đường đất đắp ngang kênh Nhà Lê. Ảnh: Tiến Đông

Ngoài con đường công vụ chắn dòng sông Hoàng Mai, khu vực gần Lạch Cờn, đoạn gần cầu Quỳnh Phương và đoạn kênh Nhà Lê nơi con đường ven biển đi qua, đơn vị thi công cũng đã đắp đường công vụ làm ảnh hưởng đến dòng chảy.

Ông Phạm Văn Hào - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai cho biết, kênh Nhà Lê là nơi tiêu thoát nước cho khu vực từ xã Quỳnh Vinh đổ về, tại đoạn gần cuối kênh, đơn vị thi công đường ven biển đã đắp đất chắn ngang kênh nên nước đã tràn vào khu vực nuôi tôm của người dân. Mãi đến sáng 30/9 khi này nước lũ đã dâng cao, ngập nhiều địa phương trên địa bàn, khi thị xã có ý kiến thì đơn vị thi công mới tiến hành đem máy xúc phá đường, khơi thông dòng chảy.

Phải chăng, việc ngập lụt nặng nề tại Thị xã Hoàng Mai vừa qua, có một phần nguyên nhân từ quá trình thi công hai công trình trên?.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, sau khi chia tách từ huyện Quỳnh Lưu, hệ thống tiêu, thoát nước trên địa bàn thị xã Hoàng Mai vẫn chưa được đầu tư đồng bộ. Trong khi sông Hoàng Mai là con sông chính, tiêu nước cho hồ Vực Mấu lại chảy lòng vòng trong lòng thị xã, việc không được nạo vét, gia cố đê bao đã khiến cho nguy cơ ngập lụt ở địa phương này ngày càng nặng nề hơn.

Đi tìm nguyên nhân trận lũ nặng nề tại thị xã Hoàng Mai ảnh 10
Từng có ý tưởng đào con kênh qua Quốc lộ 1A để nắn dòng sông Hoàng Mai ngay đoạn khối Thịnh Mỹ, phường Quỳnh Thiện. Thế nhưng, đến nay ý tưởng này vẫn chưa thực hiện được. Ảnh: Hồ Đình Chiến
 

Được biết, vào năm 2020 UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tiểu dự án 3: Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Hoàng Mai, thuộc Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ, sử dụng vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp.

Nhiều người hy vọng, khi dự án này được thực hiện, hệ thống thoát nước thải cũng như thoát nước mùa mưa lũ trên địa bàn thị xã Hoàng Mai sẽ được cải thiện phần nào.


Theo Tiến Đông/ Báo Nghệ An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây