(Hoinhabaonghean) - Từ một miền hoang cách trở được mệnh danh như “vùng đất chết”, với khát vọng vươn lên thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn đã rũ sỏi đá khô cằn, vươn dậy và đang trở thành điểm sáng xây dựng Nông thôn mới(NTM) ở phía Tây Nam Nghệ An.
Vùng chè Hùng Sơn - Anh Sơn
Một thời “vùng đất chết”Vào những thập kỷ 80, 90 thế kỷ trước, Hùng Sơn là xã miền núi nằm tả ngạn sông Lam, cách trung tâm huyện Anh Sơn hơn 12 km về phía Tây Bắc. Do cách trở nên vào mùa mưa Hùng Sơn như một ốc đảo. Những trận lũ lụt lịch sử đưa cát phủ lấp lớp đất bãi phù sa dọc sông Lam, tập quán phát nương làm rẫy của bà con gây xói mòn đất đai nghiêm trọng…Cuộc sống khó khăn, không ít người bỏ xứ đi tìm miền đất hứa. Hồi đó, cả xã không có người nào học hết cấp 2... Lãnh đạo địa phương nơi đây bao phen trăn trở tìm hướng đi cho Hùng Sơn. Xã bao lần ra Bắc tìm giống vải thiều về trồng để phát triển kinh tế vườn đồi, rồi dự án trồng dâu nuôi tằm, nuôi dê và sang vùng Phủ Quỳ, lên vùng Bãi Phủ đưa cây tiêu, các loại cây ăn quả về trồng…nhưng đều không thành công. Hùng Sơn vẫn tiêu điều, xác xơ.
Ông Võ Văn Hiền, trước đây là Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn, người gắn bó với các phong trào Hùng Sơn từ những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, chia sẻ: Hùng Sơn có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng giống xã Long Sơn (Anh Sơn), có thể trồng chè ở vùng đồi cho hiệu quả kinh tế cao. Đầu năm 2000, ông Hiền lúc đó là Chủ tịch Hội Nông dân xã nhận nhiệm vụ dẫn 120 cán bộ, đảng viên và những nông dân có chí hướng làm ăn xuống xã Long Sơn - nơi có Tổng đội TNXP 1 trồng chè để tham quan, học tập. Sau chuyến đi về, Bí thư đảng ủy xã bấy giờ là ông Cao Đình Khang cùng hai nông dân khác là Võ Văn Đông và Võ Thị Thanh bắt tay vào trồng 3 hecta chè đầu tiên, sau đó phát động nhân dân trồng được 27 hecta chè. Không phụ công, cây chè nhanh chóng bén duyên đất Hùng Sơn. Sau bốn năm, chè phát triển tốt cho thu hoạch, lợi nhuận gấp đôi cây lúa đã mở hướng đi mới cho Hùng Sơn.
Thu hoạch chè của người dân xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn
Được huyện Anh Sơn có chính sách hỗ trợ trồng chè, diện tích chè của Hùng Sơn tăng dần theo từng năm, lên 50, rồi 200, 300 hecta... Ông Nguyễn Văn Thuận, thôn Quang Tiến, người trồng 3 hecta chè cho biết: Trồng chè đầu tư không lớn, nhưng cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa và một số cây trồng khác, chè cho thu hoạch quanh năm, mặc dù giá cả cây chè có lúc lên xuống theo thị trường. Chè Hùng Sơn thơm ngon, sản xuất đến đâu, tiêu thụ gọn đến đó, nhất là khi Công ty chè Nghệ An đặt cơ sở thu mua và đầu tư xí nghiệp chế biến chè ngay tại địa phương, đã tạo cho bà con phấn khích hăng say trồng chè. Những đồi trọc ở vùng Khe Lầy được mệnh danh là đồi “chết”, nay thành đồi chè 50 héc ta xanh ngút ngát. Vậy là sau 20 năm tạo dựng, Hùng Sơn trở thành vựa chè của huyện Anh Sơn và của Nghệ An với hơn 600 hecta chè LDP1. Giờ đây, đến Hùng Sơn những đồi chè xanh tít tắp, đẹp như bức tranh thủy mặc, những đồi keo trước đây nhừng chỗ dần cho những đồi chè bởi giá trị kinh tế đem lại cho người dân.Cùng với phát triển vùng nguyên liệu chè, Hùng Sơn đã xuất hiện các tổ hợp, HTX chế biến chè với năng lực chế biến đạt 100 tấn chè búp tươi/ngày. Năm 2020, Hùng Sơn sản xuất và tiêu thụ được hơn 10 nghìn tấn chè các loại, đạt doanh thu gần 40 tỷ đồng.
Điểm sáng miền Tây
Từ ngày cây cầu cứng bắc qua sông Lam và hạ tầng giao thông tuyến Tỉnh lộ 534 đi qua xã Hùng Sơn đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phía tả ngạn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Hùng Sơn như được lột xác, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu mía dọc bãi bồi cung cấp cho nhà máy đường Sông Lam. Theo UBND xã Hùng Sơn, đến nay vùng nguyên liệu chè được mở rộng với hơn 600 hecta, cùng với đó là 600 hecta keo và hơn 150 hecta mía. Riêng chè và mía, mỗi năm cho thu nhập khoảng hơn 100 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân còn phát triển mạnh dịch vụ, tăng cường xuất khẩu lao động ra các thị trường nước ngoài và các tỉnh... Hùng Sơn còn có trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao do Tập đoàn Mavin (Úc) đầu tư, diện tích 100 hecta, hàng năm cung cấp khoảng 500 nghìn con lợn giống ra thị trường, đã khuyến khích người dân phát triển mô hình nuôi lợn vệ tinh gia công cho Mavin. Đến nay, thu nhập của người dân Hùng Sơn đạt hơn 53 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân chung của tỉnh và huyện; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,2 %... Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa 100%.
Cơ sở chế biến chè tư nhân Minh Sáng ở xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn
Sau khi đi thăm một số mô hình trồng và chế biến chè, ông Nguyễn Công Bình, Bí thư đảng ủy xã Hùng Sơn thăm trụ sở của xã. Có thể nói, trụ sở làm việc của Hùng Sơn khang trang, bề thế nhất nhì so với các huyện trong tỉnh. Xã có gần một nghìn hộ, hơn 4.200 khẩu, trong đó 33% giáo dân. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự năng động của lãnh đạo và sự đoàn kết lương giáo, hỗ trợ của tỉnh, huyện, đã đưa Hùng Sơn hoàn thành 19 chỉ tiêu và về đích năm 2015 và về đích xã NTM nâng cao đầu tiên của huyện miền núi Anh Sơn vào cuối năm 2020. Hiện Hùng Sơn đang triển khai và hoàn thiện đề án chỉnh trang ở các xóm theo hướng thân thiện môi trường xanh, sạch, đẹp, sáng. Phấn đấu 100% tuyến đường trong xóm đều có điện chiếu sáng, cây xanh và hoa… Hùng Sơn đang tập trung phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái.Để làm được việc này, Hùng Sơn sẽ tập trung nguồn lực để ưu tiên phát triển “3Đ” (Đường, Đập và Điện) vào vùng chè, để vừa phát triển kinh tế, kết hợp du lịch sinh thái và điều hòa môi trường. Cụ thể, sẽ bê tông hóa 50 km đường cho vùng nguyên liệu chè; đầu tư mới ba đập lớn có trữ lượng nước từ ½ triệu đến một triệu m3 nước/hồ để chủ động nước tưới cho cây chè, đưa điện lưới đến vùng chè. Khuyến khích người dân lắp đặt hệ thống tưới tự động cho vùng nguyên liệu chè và đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, được hỗ trợ xi măng, Hùng Sơn sẽ hoàn thành 30 km kênh mương thoát nước dọc các trục giao thông lớn và các khu dân cư…Qua trao đổi, được biết, các dự án này đã được địa phương chuẩn bị khá chu đáo, cùng với sự hỗ trợ giúp sức của huyện Anh Sơn của tỉnh Nghệ An và các doanh nghiệp.
Chia tay Hùng Sơn về xuôi, nhìn những đồi chè như những chiếc bát xanh úp trùng điệp và xa xa những ngôi nhà như những căn biệt thự mái lợp xanh, đỏ ẩn hiện, lấp ló dưới lưng đồi soi bóng xuống dòng Lam thì niềm tin Hùng Sơn trở thành xã NTM kiểu mẫu của huyện miền núi Anh Sơn là hiện thực không xa.
Minh Thư