Thứ sáu, 22/11/2024, 10:00

Chấn chỉnh lộn xộn mua bán bảo hiểm: Ngân hàng không được chào bán, 'thu xếp' khi khách vay vốn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia ủng hộ Bộ Tài chính có quy định siết chặt hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, không để tiếp tục xảy ra tình trạng người vay vốn bị ép mua bảo hiểm nhân thọ như thời gian qua.

 

Người dân tập hợp đơn khiếu nại bị tư vấn mập mờ về bảo hiểm nhân thọ bán qua ngân hàng - Ảnh: B.M.

Người dân tập hợp đơn khiếu nại bị tư vấn mập mờ về bảo hiểm nhân thọ bán qua ngân hàng - Ảnh: B.M.

Như Tuổi Trẻ thông tin, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo hướng dẫn về hoạt động phân phối bảo hiểm qua đại lý, trong đó có quy định "ngân hàng không được phép tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp ký kết hợp đồng bảo hiểm cho khách trong thời gian khách thực hiện các thủ tục vay vốn...".

Liệu các quy định mới có giúp lập lại trật tự của thị trường bảo hiểm nhân thọ?

* Đại biểu Phạm Văn Hòa (ủy viên Ủy ban Pháp luật QH):

 

Tăng giám sát xã hội, bảo vệ người dân

Đại biểu Phạm Văn hòa (ủy viên Ủy ban Pháp luật QH)

Đại biểu Phạm Văn hòa (ủy viên Ủy ban Pháp luật QH)

Vừa qua báo chí phản ánh nhiều việc khách hàng khi vay vốn, thậm chí gửi tiết kiệm, bị "ép" hoặc "biến" thành mua bảo hiểm nhân thọ.

Do vậy, bên cạnh việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, các công ty bảo hiểm có liên quan cũng cần sớm có giải pháp bảo đảm quyền lợi khách hàng để bảo vệ cho uy tín kinh doanh của mình.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quản quan lý nhà nước về lĩnh vực ngân hàng, tài chính cần nhanh chóng quyết liệt vào cuộc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, người gửi tiền. Nếu phát hiện sai phạm phải xem xét xử lý theo quy định cả hành chính và cả về hình sự.

Các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức xã hội và cả các cơ quan báo chí cũng cần tiếp tục lên tiếng, giám sát xã hội nhằm bảo vệ tốt hơn cho người dân.

Đặc biệt, cần có quy định cấm các ngân hàng nhận tiền hoa hồng "lót tay" của các công ty bảo hiểm nhân thọ. Bởi đã có thông tin cho rằng do đã nhận tiền hoa hồng của các công ty bảo hiểm lên tới cả ngàn tỉ đồng, các ngân hàng giao chỉ tiêu xuống cho nhân viên tín dụng.

Vì phải chạy đủ chỉ tiêu, nhân viên tín dụng sẽ ép khách hàng vay tiền phải mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân. Để giải quyết câu chuyện này phải quy định để làm rõ, minh bạch mối quan hệ giữa ngân hàng - công ty bảo hiểm.

* Ông Trần Nguyên Đán (Hội Luật gia Việt Nam):

Độc quyền bán bảo hiểm sinh nhiều hệ lụy

Ông Trần Nguyên Đán (Hội Luật gia Việt Nam)

Ông Trần Nguyên Đán (Hội Luật gia Việt Nam)

Để được độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ ở một ngân hàng trong vòng 15 - 20 năm, công ty bảo hiểm nhân thọ phải chi khoản tiền "lót tay" từ 6.000 - 10.000 tỉ đồng cho ngân hàng, được chia theo từng giai đoạn, chưa kể khoản thưởng khác.

Như vậy, muốn nhận được khoản tiền lớn, ngân hàng buộc phải hoàn thành được các chỉ tiêu do công ty bảo hiểm nhân thọ đặt ra như doanh số bán bảo hiểm mới tăng, tỉ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm từ năm thứ hai trở đi của khách hàng cũ cao...

Chính sức ép về tăng trưởng đã tạo áp lực lên đội ngũ kinh doanh của ngân hàng, gây méo mó thị trường bảo hiểm. Áp lực này cũng khiến cả nhân viên ngân hàng khổ trăm bề, khó tránh khỏi hiện tượng "cắt máu", tức thỏa thuận ngầm sẽ chia bớt hoa hồng cho khách hàng, để hoàn thành chỉ tiêu doanh số.

Do đó, nếu không ký kết hợp đồng độc quyền và nhận tiền "lót tay" từ công ty bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng sẽ không bị áp lực chỉ tiêu do công ty bảo hiểm áp vào, không dồn ép khách đến đường cùng.

Khi các ngân hàng không ký độc quyền với một công ty bảo hiểm, nếu có nhu cầu, khách hàng có thêm quyền lựa chọn sản phẩm, công ty bảo hiểm để ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nếu có nhu cầu.

* TS Phan Phương Nam (Trường ĐH Luật TP.HCM):

Phải bố trí khu vực bán bảo hiểm riêng biệt

TS Phan Phương Nam (Trường ĐH Luật TP.HCM)

TS Phan Phương Nam (Trường ĐH Luật TP.HCM)

Nhiều năm nay tồn tại thực trạng mập mờ trong việc tư vấn và bán bảo hiểm nhân thọ tại các ngân hàng.

Nhiều khách hàng tới vay vốn và bị dồn vào thế buộc phải mua bảo hiểm, nhưng quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm lại được thực hiện ngay tại quầy giao dịch ngân hàng như bao nghiệp vụ khác của ngân hàng, không có sự tách biệt với bảo hiểm.

Thậm chí, trong hàng loạt đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng, nhiều người dân còn cho biết đã bị nhầm tưởng đang làm việc với nhân viên ngân hàng, nhưng thực chất là người của công ty bảo hiểm nhân thọ, vì những người này vẫn làm việc tại quầy giao dịch và không có dấu hiệu nào khác để nhận biết là đại lý bảo hiểm.

Người dân cứ ngỡ là đang tham gia sản phẩm đầu tư sinh lãi cao do nhân viên ngân hàng tư vấn nhưng thực chất là mua bảo hiểm nhân thọ.

Do vậy, các ngân hàng cần bố trí khu vực riêng biệt dành cho hoạt động bán bảo hiểm, có bảng thông tin để khách hàng nhận diện rõ ràng, thể hiện sự chuyên nghiệp đồng thời tránh việc nhầm lẫn.

* PGS.TS ĐInh Trọng Thịnh:

Cửa vay rộng mở, cửa ép mua bảo hiểm nhân thọ sẽ hẹp lại

PGS.TS ĐInh Trọng Thịnh

PGS.TS ĐInh Trọng Thịnh

Việc đưa ra quy định cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trong thời gian khách thực hiện thủ tục vay vốn sẽ góp phần hạn chế tình trạng ép mua bảo hiểm. Tuy nhiên, đây chỉ là quy định mang tính hành chính, chưa căn cơ bởi không loại trừ trường hợp sẽ phát sinh những cách lách luật để bán bảo hiểm.

Điều quan trọng là phải giải quyết tận gốc vấn đề. Trong thực tế vẫn tồn tại tình trạng ngân hàng đứng "chiếu trên", có vị thế mạnh hơn nhiều so với người đi vay nên mới phát sinh việc ép mua bảo hiểm mới giải ngân.

Vì vậy, cần kiểm soát hoạt động cho vay tại tất cả ngân hàng. Những hồ sơ đáp ứng đủ các điều kiện ràng buộc về mặt tín dụng, phải cho người dân, doanh nghiệp vay một cách đơn giản, thuận tiện.

Khi cửa vay vốn rộng mở cho người đủ điều kiện, cửa ép mua bảo hiểm nhân thọ để được giải ngân khoản vay sẽ bị hẹp lại.

* Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế QH):

Sớm thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ

Đại biểu nguyễn Mạnh hùng (ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế QH)

Đại biểu nguyễn Mạnh hùng (ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế QH)

Thời gian vừa qua tôi đã nhận được rất nhiều đơn của người dân là các khách hàng vay vốn của ngân hàng phản ảnh việc phải mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân. Nhiều người cũng phản ảnh việc không rõ ràng minh bạch của ngân hàng khi làm trung gian để xử lý cho các hợp đồng bảo hiểm.

Vì vậy, việc xử lý vấn đề này cần được nghiên cứu thấu đáo. Ngoài ra, qua phản ảnh của khách hàng cũng cho thấy rõ ràng có việc kết nối giữa ngân

hàng và bảo hiểm. Do vậy, cần phải giám sát cụ thể để làm rõ xem có hay không việc "lót tay" và lợi ích như thế nào, ra sao, có làm lợi cho các công ty bảo hiểm, gây hại cho khách hàng không?

Tại nghị quyết của kỳ họp thứ 5 mới đây, Quốc hội yêu cầu thanh tra, giám sát toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư. Chúng tôi cũng đang xem xét lại các nội dung liên quan để chuẩn bị cho việc giám sát.

Ngân hàng không chào bán bảo hiểm khi khách làm thủ tục vay vốn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Quản lý - giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính cho biết Bộ Tài chính đang dự thảo thông tư về hoạt động phân phối bảo hiểm qua đại lý, trong đó có quy định về việc "ngân hàng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời gian khách hàng thực hiện các thủ tục vay vốn và trong thời hạn ba tháng kể từ ngày giải ngân khoản vay".

Cũng theo vị này, nghị định 46 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng quy định rõ các đại lý là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là ngân hàng) phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.

Tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng phải thiết lập một quầy hoặc bàn giao dịch riêng để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực giao dịch, hoạt động nghiệp vụ khác của ngân hàng.

Ngoài ra, người đứng đầu bộ phận chuyên trách thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải có tối thiểu ba năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm.

Trường hợp không có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm, phải có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây