Hai dự thảo luật quan trọng sẽ trình Quốc hội
Sự xuất hiện và phổ biến của các app nhắn tin, gọi điện như Zalo, Viber, WhatsApp, Telegram đã đặt ra những vấn đề mới trong công tác quản lý hoạt động viễn thông. Xu hướng của các nhà mạng trên thế giới hiện nay là trở thành những nền tảng số, các công ty công nghệ số. Họ cung cấp rất nhiều dịch vụ, từ nội dung số cho đến dịch vụ viễn thông, Internet. Điều này đặt ra những bài toán quản lý mới cho lĩnh vực TT&TT.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, tại kỳ họp Quốc hội tới đây, Bộ TT&TT, Chính phủ có trình ra Quốc hội hai dự thảo luật sửa đổi, trong đó có Dự thảo sửa đổi Luật Viễn thông - nhằm bảo vệ các đơn vị đang cung cấp dịch vụ viễn thông đúng với quy định của pháp luật và quản lý những đơn vị cung cấp các dịch vụ viễn thông trên nền tảng Internet xuyên biên giới.
"Với những vi phạm tiếp diễn hiện nay, việc siết chặt quản lý quảng cáo trên mạng là hết sức cần thiết", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, chúng ta đang gặp phải vấn đề về PT-TH trong việc ứng xử với các nền tảng xuyên biên giới. Trong Dự thảo sửa đổi Luật Viễn thông lần này sẽ trình bày rất rõ về những hành vi bị cấm không chỉ là của những doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông mà cả những người sử dụng mạng viễn thông. Ví dụ như sử dụng mạng viễn thông để lừa đảo, bôi nhọ nói xấu, tung tin giả, lan truyền thông tin thất thiệt, chống phá Đảng và Nhà nước. Dự thảo luật sẽ làm rõ hơn quy trình kích hoạt vấn đề ứng xử, xử lý thế nào đối với những cá nhân tổ chức sử dụng mạng viễn thông công cộng để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
"Nếu như những cá nhân tổ chức sử dụng mạng viễn thông công cộng để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật thì chưa nói đến việc xử lý của cơ quan quản lý Nhà nước mà ngay nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã có quyền ngừng cung cấp dịch vụ đó - đây là một điểm mới sẽ có sức răn đe cao", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT sẽ báo cáo, trình bày tại Quốc hội về Dự thảo luật Giao dịch Điện tử sửa đổi. Trong đó, nội dung mà báo chí truyền thông và xã hội quan tâm nhiều là câu chuyện phổ cập chữ ký số đến toàn dân. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, ngay cả trong lĩnh vực báo chí hiện nay cũng chưa phải cơ quan báo chí nào cũng có chữ ký số và cũng chưa phải đã thực hiện giao dịch trên hệ thống trục liên thông văn bản toàn quốc. Nếu câu chuyện chữ ký số được xử lý sẽ đưa giao dịch trên môi trường điện tử trở thành một giao dịch thường xuyên, bắt buộc giúp giảm áp lực công việc cho toàn xã hội nói chung.
Mặt trận đấu tranh mới - "siết" vi phạm quảng cáo
Thời gian qua, quảng cáo trên môi trường mạng, đặc biệt là quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, bộc lộ nhiều nguy cơ khi người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không đảm bảo quản lý tốt vị trí hiển thị quảng cáo, để cho quảng cáo cài đặt vào các nội dung nhảm nhí, phản cảm, thậm chí là xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước.
Đối với các hành vi trên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo - là một trong nhóm giải pháp nằm trong nhóm giải pháp chung để quản lý và xử lý những vi phạm quảng cáo nói trên.
Quảng cáo gắn vào video xấu độc trên YouTube (Ảnh: Bộ TT&TT)
Việc doanh nghiệp Việt Nam khi đưa nội dung quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ của mình lên trên mạng nhưng lại bị đẩy vào những nhóm kênh nội dung xấu độc, chống phá Nhà nước, vi phạm pháp luật là một hiện tượng phổ biến hiện nay. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, điều này làm tổn hại đến chính doanh nghiệp tạo ra khủng hoảng về an toàn nhãn hiệu. Song song với đó về bản chất đồng tiền của doanh nghiệp dùng để quảng cáo là đồng tiền của người dân khi đi mua hàng hoá sản phẩm, dịch vụ, vô hình chung dòng tiền này được chảy vào những kênh chống phá pháp luật.
Các cơ quan báo chí cũng là nạn nhân của vấn nạn này, bởi vì tiền quảng cáo của doanh nghiệp nếu không tìm đến kênh báo chí chính thống mà đến những kênh vi phạm. Bên cạnh đó vi phạm pháp luật bao gồm cả vi phạm bản quyền của cơ quan báo chí. Như vậy sức lao động của chúng ta bị khai thác ở những kênh xấu độc - dòng tiền quảng cáo đi về đó.
"Chúng tôi cam kết các cơ quan báo chí gửi sai phạm về quảng cáo đến Bộ TT&TT bằng bất cứ hình thức nào, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý nhanh. Đây là một mặt trận mới, chúng ta phải nắn dòng tiền quảng cáo trên không gian mạng về kênh nội dung được xác thực", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT diễn ra ngày 5/5, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục PT-TH và Thông tin điện tử cho biết, năm qua Cục đã tiến hành xử phạt hơn 20 công ty quảng cáo sai phạm. Công tác chấn chỉnh hoạt động quảng cáo đặc biệt trên các nền tảng xuyên biên giới được tuyên truyền rộng rãi đến các đại lý quảng cáo và nhãn hàng tại Việt Nam. Vừa rồi, Cục cũng đã có hàng loạt động thái để chấn chỉnh việc này cũng như hướng lái dòng tiền quảng cáo về những nền tảng sạch.
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã lập các đoàn kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ theo yêu cầu của Bộ.
Yêu cầu người phát hành quảng cáo và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo trong nước kiểm soát chặt hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, dừng hợp tác với các nền tảng quảng cáo có nhiều vi phạm…