Thứ tư, 01/05/2024, 19:31

Cần có sự liên minh để cùng ngăn chặn hiện tượng "ăn cắp chất xám”

Không phải thời gian gần đây, mà từ rất nhiều năm trước tình trạng vi phạm nghiêm trọng bản quyền báo chí đã rất phổ biến. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài tình hình có vẻ không chuyển biến nhiều. Thực trạng này cho thấy, một cơ quan báo chí không thể đơn độc trong cuộc chiến "ăn cắp chất xám" này...

Ý thức tự bảo vệ bản quyền chưa cao

Trên môi trường số hiện nay, bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện quan trọng để thảo gỡ rào cản cho sự phát triển nội dung số và các vấn đề liên quan như kinh doanh số, là điều kiện quan trọng cho sự thành công của chuyển đổi số báo chí.

Khảo sát thực trạng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ tại Báo Tuổi trẻ -  một trong những tờ báo có lượng độc giả đông nhất cả nước cho thấy, hiện nay, tình trạng copy “có xào nấu” từ tin tức của Báo Tuổi Trẻ là rất nhiều. Các “thủ đoạn” được một bộ phận các cơ quan báo chí khác sử dụng là copy từng phần, copy nội dung chính, copy tin tức và copy nguyên bài… 

Chưa hết, trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như YouTube, Facebook, TikTok, Instagram,… xảy ra rất nhiều tình trạng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ. Đến nay đã có 6 kênh YouTube bị Báo Tuổi trẻ cắm cờ cảnh báo do lấy trái phép thông tin từ báo Tuổi trẻ (trong đó có cả cơ quan báo chí lớn). Sau đó nhờ gỡ nên báo Tuổi trẻ đã gỡ trên tinh thần nhắc nhở. Mới chỉ có một số cơ quan báo chí ở Việt Nam gửi văn bản xin trích nguồn đến Báo Tuổi trẻ với tinh thần cầu thị.

Ngoài bị vi phạm bản quyền trong nước, Báo Tuổi trẻ còn bị các trang mạng nước ngoài “vô tư” sử dụng thông tin, dữ liệu, theo đó đã có 26 kênh nước ngoài khác bị Báo Tuổi trẻ gắn cờ bản quyền, tuy nhiên họ không gỡ…

can co su lien minh de cung ngan chan hien tuong an cap chat xam hinh 1

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM cho rằng, các cơ quan báo chí có thể chủ động hợp tác với nhau thành lập Liên minh bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí để hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động này.

Theo nhận định từ các chuyên gia, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự gia tăng tình trạng vi phạm bản quyền báo chí là vẫn còn tình trạng một tỷ lệ không nhỏ người dùng, bao gồm cả các nhà báo và những nhà sáng tạo nội dung còn thiếu hiểu biết về quyền bản quyền và có thể vi phạm bản quyền một cách không chủ ý.

Ý thức tự bảo vệ bản quyền, những kiến thức, kỹ năng, chuẩn mực văn hoá và đạo đức của nhà báo và cơ quan báo chí chưa thật sự được quan tâm tương xứng với mức cần thiết của nó.

Nói về thực trạng trên, nhà báo Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM chia sẻ, có những thông tin đăng trên một tờ báo chỉ có độ phủ sóng nhất định, các tin bài phái sinh thậm chí thu hút lượng độc giả nhiều hơn, xâm phạm đến quyền lợi ở nhiều mặt của cơ quan giữ bản quyền. 

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển cho biết: "Cách đây khoảng 4 năm, một số cơ quan báo chí lớn ở TP.HCM như Tuổi trẻ, Thanh Niên, Pháp luật, Phụ nữ cũng bàn nhau lập liên minh để ngăn chặn tình trạng này, nhưng tôi tham gia đến cuộc họp thứ 3 lại không thấy nội dung này được tiếp tục nữa. Điều này cho thấy bản thân chúng ta cũng không thống nhất trong ý chí và hành động để bảo vệ chúng ta".

Đưa ra ví dụ về cơ quan của mình, ông Nguyễn Đức Hiển cho hay, báo Pháp luật TP.HCM, trong 2 năm vừa qua đã xử lý kỷ luật nhiều phóng viên về việc lấy bài của tờ báo khác để lắp vào bài của mình - điều này phát hiện rất khó, tuy nhiên khi phát hiện báo Pháp luật TP.HCM đã xử lý rất kiên quyết.

Có những lần tờ báo bị Google hạn chế tương tác và view bị giảm một cách bất thường - còn 40% trong 2 tuần, sau này qua nhiều lần trao đổi thì Google nói rằng báo Pháp luật TP.HCM đã lấy một đoạn bài báo đã được công bố trước đó. Tuy nhiên, một mặt khác của vấn đề cho thấy, ví dụ bài phát biểu trước Quốc hội thì báo nào cũng đưa giống nhau, và họ quét một cách ngẫu nhiên.

Cách đây một năm rưỡi, báo Pháp luật TP.HCM nhận được một bức thư điện tử từ một văn phòng luật sư tại London, họ đòi khởi kiện vì một bản tin của báo dịch từ trang tin của họ, họ đưa ra các cơ sở bảo vệ bản quyền.

Theo ông Hiển, những ví dụ nêu trên cho thấy nhận thức của mỗi nhà báo và cơ quan báo chí ở Việt Nam về vấn đề bản quyền là rất thấp. 

Với góc nhìn của lãnh đạo một cơ quan báo chí lớn, nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên - Phó Tổng biên tập, Thư kí chi hội nhà báo báo Tuổi Trẻ cho rằng, các cơ quan báo chí cũng đã có một số động thái trong việc bảo vệ bản quyền nhưng lại thiếu sự chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện. Đề xuất mỗi cơ quan báo chí cần thành lập một bộ phận, trong đó có bố trí nhân sự chuyên trách, xem việc bảo vệ bản quyền cũng là một chuyên môn của nghề báo thì việc tổ chức thực hiện mới quyết liệt, cụ thể và hiệu quả hơn. 

"Một cơ quan báo chí đương nhiên không thể đơn độc chống lại tình trạng vi phạm bản quyền, mà cần có sự đoàn kết, chung tay, góp sức của nhiều cơ quan báo chí. Chúng ta từng nói nhiều đến sáng kiến thành lập liên minh, hoặc một trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí, vậy sáng kiến này đến nay ai là người đầu tàu tham mưu thành lập? Câu hỏi này cần có giải pháp và sớm có các bước đi cần thiết để thành lập", nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên nhận định.

Cần phải có hành động nhanh chóng để xử lý

Theo đánh giá của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT), vi phạm bản quyền nội dung số có xu hướng gia tăng, chủ yếu về giải trí như bóng đá, phim, game show, ca nhạc….

Các hành vi vi phạm bản quyền được thực hiện với những cách thức hết sức tinh vi, luôn thay đổi, và khó khăn khi xử lý đối với hoạt động vi phạm được thực hiện xuyên biên giới, từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý, của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, của các tổ chức, đại diện chủ sở hữu quyền, chủ sở hữu quyền trong công tác phối hợp, nhưng diễn biến vi phạm bản quyền gia tăng đòi hỏi phải có giải pháp thực tế có tính khả thi hơn.

can co su lien minh de cung ngan chan hien tuong an cap chat xam hinh 2

Giải vô địch Ngoại hạng Anh do K+ đang nắm giữ bản quyền, trung bình cứ 1 tháng có khoảng 50 website mới được ra đời. Các trang web lậu vi phạm bản quyền đều có tên miền quốc tế, máy chủ đặt ở nước ngoài và họ đều có quảng cáo trái phép các trò chơi cờ bạc hoặc cá độ bóng đá bất hợp pháp. (Ảnh VTV)

Thời gian qua, các chủ sở hữu quyền bức xúc vì nạn ăn cắp bản quyền trắng trợn, công khai, như: một số báo dẫn đường link và livestream nội dung của K+ mà không xin phép; 7 cơ quan báo chí bị VTV-cap khởi kiện; các trang web được mở ra để livestream các trận bóng đá mà Đài truyền hình VTV, VTC truyền hình trực tiếp; chặn trang web này thì lại có ngay trang web khác.

Hơn nữa, quy trình xử lý vi phạm mất cả tuần nên chủ sở hữu quyền rơi vào tình trạng “được vạ thì má đã sưng”, thiệt hại kinh tế là rất lớn.

Với vai trò cơ quản quản lý về quyền tác giả và các quyền liên quan, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTT&DL cho biết, Cục Bản quyền tác giả đã tham mưu trình Chính phủ và Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi bổ sung một số điều luật về sở hữu trí tuệ vào ngày 16/6/2022, trong đó có những sửa đổi rất quan trọng trong việc bảo vệ bản quyền trong môi trường số và báo chí là một trong những loại hình tác phẩm được bảo vệ bản quyền theo điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Đáng chú ý, có những quyền mới đó là quyền cung cấp, quyền truyền đạt tác phẩm tới công chúng bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm tới công chúng ở thời gian và địa điểm đã được lựa chọn. Nếu những cá nhân tổ chức khác sao chép tác phẩm báo chí mà không được sự đồng ý của các chủ sở hữu quyền đó là vi phạm, đặc biệt đưa các tác phẩm báo chí của các toà soạn lên các trang MXH không được sự đồng ý, đó là xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng. 

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, các cơ quan báo chí hiện tại chưa có sự chủ động trong việc bảo vệ bản quyền của mình, thì luật sở hữu trí tuệ sửa đổi đã có một chương nêu rõ trách nhiệm pháp lý của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc thực thi về bản quyền - đây là nội dung hoàn toàn mới trong Luật Sở hữu trí tuệ lần này, cũng là để thực thi các cam kết quốc tế.

"Một trong những điểm đặc biệt quan trọng đó là cơ chế thông báo gỡ bỏ từ trực tiếp các chủ thể quyền, các toà soạn, các nhà báo tới các đơn vị buộc gỡ bỏ các nội dung số vi phạm", bà Oanh nhấn mạnh và cho biết thêm, Chính phủ đã ban hành Quy chế thông báo gỡ bỏ - yêu cầu trong 72 giờ khi nhận được thông báo phải thực hiện gỡ bỏ nội dung vi phạm.

Còn với những chương tình truyền hình trực tiếp nêu trên đã có những quy định gỡ bỏ ngay lập tức, bà Oanh đề nghị các báo, chủ động thực hiện và nghiên cứu kỹ từ điều 110- 114 của nghị định 17 mới được ban hành vào 26/4/2023, và điều 198B của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong nghị đinh 17 đã có một phần riêng quy định về cách thức thực thi quyền, nộp đơn ra sao, yêu cầu đến cơ quan nào.

"Tôi mong rằng bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, một vấn đề quan trọng được nhắc đến rất nhiều đó là các đơn vị cần nâng cao ý thức của chủ thể mang quyền sở hữu trí tuệ, sự đoàn kết và liên kết mạnh mẽ giữa các cơ quan báo chí, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan quản lý báo chí truyền thông để đấu tranh chống lại vấn nạn vi phạm bản quyền", bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết.

Phan Hoà Giang/Congluan.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây