Thứ năm, 21/11/2024, 19:28

Tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022

Sáng 5/10, tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia; Tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai Chương trình hỗ trợ năm 2023, 2024.
 

Toàn cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có đồng chí Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An.

Về phía Hội Nhà báo Việt Nam có đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam; cùng các đại biểu đến từ cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo 19 tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên.

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Trần Minh Ngọc - Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An, đồng chí Đỗ Thị Thu Hằng -Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam đồng chủ trì hội nghị

Hội nghị Tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia; Tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai Chương trình hỗ trợ năm 2023, 2024 nhằm phân tích, đánh giá kết quả đạt được qua 17 năm tổ chức Giải Báo chí Quốc gia, cũng như những khó khăn, vướng mắc và những bất cập hiện nay trong quá trình tổ chức Giải, từ đó đặt ra những đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới hoạt động của Giải nhằm phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của Giải chuyên ngành lớn nhất cả nước. Đồng thời, Hội nghị cũng nhằm đánh giá kết quả 01 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ chất lượng cao giai đoạn mới để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao trong các năm 2023, 2024.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số vấn đề: thứ nhất là đánh giá kết quả của Giải Báo chí Quốc gia qua 17 năm triển khai, những vấn đề vướng mắc và bất cập hiện nay cùng các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới chất lượng của Giải; thứ hai là về phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp, tạo không gian sáng tạo thoải mái cho báo chí, phục vụ tốt công tác tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền địa phương; thứ ba, là đóng góp của Chương trình đối với việc củng cố chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tăng cường chất lượng sản phẩm của cơ quan báo chí, phục vụ hiệu quả các kế hoạch công tác của đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương; thứ tư là về việc tuyển chọn các tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác; thứ năm, là về các quy trình, quy định trong thẩm định tác phẩm; thủ tục ký hợp đồng, thanh quyết toán và các vấn đề tài chính – kế toán.

17 năm Giải Báo chí Quốc gia - Giải thưởng cao quý nhất của giới báo chí cả nước
Ngày 29/03/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 369/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải Báo chí Quốc gia và giao cho Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) và mời Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) tham gia thực hiện. Đây là giải thưởng cao quý nhất của giới báo chí cả nước. Giải Báo chí Quốc gia được báo giới nói riêng và xã hội nói chung hưởng ứng và đón nhận hằng năm. Tham dự Giải là các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên, hoạt động trong lĩnh vực báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử trong cả nước bằng những tác phẩm xuất sắc nhất sáng tác trong một năm lao động bền bỉ. 
Lễ trao Giải hàng năm được tổ chức đúng dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam đã trở thành ngày hội của giới báo chí cả nước. Giải Báo chí Quốc gia có tác dụng tập hợp, đoàn kết đông đảo đội ngũ phóng viên - nhà báo làm việc trong các cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo trong cả nước. Giải Báo chí Quốc gia thực sự là nguồn cổ vũ lớn lao đối với người làm báo, ghi nhận, tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của những người làm báo nói chung và những người được giải nói riêng trong lĩnh vực hoạt động đặc thù của mình. Đồng thời, giải thưởng có tác dụng động viên, cổ vũ giới báo chí tiếp tục hăng hái thi đua, lao động sáng tạo, xứng đáng với vai trò, vị thế của báo chí là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng và Nhà nước.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: trải qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước gửi về cho thấy sức hút của Giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng. Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. 

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị

Đồng thời, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định rằng trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức Giải.
Để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia Giải Báo chí Quốc gia, Hội Nhà báo Việt Nam cùng Hội Nhà báo các tỉnh và cơ quan sở, ban, ngành không ngừng tìm kiếm những giải pháp hữu ích để nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí vừa nhằm đáp ứng nhu cầu của công chúng báo chí và yêu cầu nhiệm vụ chính trị, vừa để có những tác phẩm thực sự chất lượng để tham gia Giải Báo chí Quốc gia.
Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: trải qua 17 mùa giải, đến nay trung bình mỗi năm Giải Báo chí Quốc gia thu hút được sự tham dự của gần 2.000 tác phẩm báo chí, được sàng lọc, tuyển chọn trong số hàng vạn tác phẩm báo chí đã phát hành, phát sóng gửi về dự thi, dù biết rằng số lượng Giải thưởng chỉ có hạn. Quy trình thẩm định và chấm Giải luôn được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, minh bạch, đúng Quy chế, Điều lệ Giải từ vòng sơ khảo đến chung khảo. Mỗi năm có trên 100 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất thuộc các loại hình báo chí được trao các loại giải A, B, C và Khuyến Khích. 

Đồng chí Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Quyết định trao giải, nhất là những loại giải cao, được thực hiện rất chặt chẽ, cân nhắc kỹ lưỡng, được thẩm định kỹ càng, theo tiêu chuẩn chất lượng là chính, không tràn lan. Bằng chứng là không năm nào Hội đồng Giải tuyển chọn đủ tác phẩm, cụm tác phẩm thuộc các loại giải để trao giải A. Và nhờ sự chặt chẽ, minh bạch đó, uy tín của Giải Báo chí Quốc gia không ngừng được nâng cao.
Có thể nói Giải Báo chí Quốc gia đã và đang có tác dụng to lớn, cổ vũ tinh thần thi đua giữa các nhà báo, giữa các cơ quan báo chí, qua đó đã phát hiện và tôn vinh những tài năng, sự tâm huyết của những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, theo đúng tinh thần của Chỉ thị 37-CT/TW ngày 13/8/2004 của Ban Bí thư “về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới” và sau đó là Chỉ thị 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”.
Bên cạnh đó, đồng chí Đỗ Thị Thu Hằng cũng nhận định: thành công của Giải là cơ bản, nhưng so với thực tế phát triển mạnh mẽ của báo chí cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, so với yêu cầu cao hơn đối với báo chí trong tình hình mới như vậy thì Giải Báo chí Quốc gia với tư cách là một động lực thúc đẩy sự phát triển của báo chí nước ta vẫn còn tồn tại những hạn chế. Ngày nay, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày 6/4/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Giải báo chí Quốc gia cũng cần bắt kịp xu hướng quan trọng và cấp thiết này.

Nâng cao công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao khu vực Miền Trung – Tây Nguyên

Ngày 08/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 – 2025 (gọi tắt là “Chương trình”). 
Việc Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã động viên, khích lệ lớn đối với hội viên, nhà báo. Các tác phẩm báo chí được hỗ trợ là những tác phẩm tiêu biểu, từ các cấp hội, thuộc các mảng đề tài ưu tiên theo Chương trình. Nội dung các tác phẩm phản ánh kịp thời, sâu sát, có tính phát hiện những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm ở Trung ương và địa phương, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là những tác phẩm báo chí giúp các nhà báo, hội viên học tập kinh nghiệm quý về nghiệp vụ báo chí, góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ, tiếp tục sáng tạo những tác phẩm có chất lượng tốt hơn nữa.
Nhờ có kinh phí bổ sung, nhiều Hội Nhà báo địa phương khó khăn về tài chính đã có thêm nguồn lực để đầu tư vào hoạt động sáng tác tác phẩm chất lượng cao, được coi như một “phao cứu sinh” trong lúc kinh tế khó khăn. Nhiều nhà báo cho rằng, đối với những cơ quan báo chí còn eo hẹp về kinh phí hoạt động thì đây là một nguồn hỗ trợ rất quan trọng. Còn với những cơ quan thuận lợi về tài chính thì đây cũng là nguồn khích lệ, tiếp sức cho anh chị em nhà báo, hội viên sáng tạo hay hơn, cao hơn…. Chương trình cũng tạo điều kiện cho Hội Nhà báo có thêm điều kiện hoạt động, tìm tòi đề tài mới theo nội dung Chương trình, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.
Theo báo cáo tại Hội nghị, Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2022 đã thu được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí thông qua thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục: 
Thứ nhất, nguồn hỗ trợ tuy đã được điều chỉnh tăng (khoảng 1,5-1,6 lần so với giai đoạn trước, tùy từng đơn vị) nhưng vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế đòi hỏi cần hỗ trợ của các đơn vị. Công tác hỗ trợ chưa được triển khai đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, chưa có sự thống nhất trong cả nước. Nếu tiếp tục tình trạng này sẽ là trở ngại lớn cho việc hoạch định kế hoạch trung hạn để có thể sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có quy mô, tầm cỡ, có giá trị xứng đáng với tầm vóc của cách mạng và của cuộc sống ở cả hai khía cạnh nội dung và hình thức thể hiện.
Thứ hai, mức hỗ trợ bình quân cho một tác phẩm rất thấp, do nguồn kinh phí hỗ trợ thấp, số đơn vị cần hỗ trợ lại nhiều nên Hội đồng thẩm định và xét duyệt Trung ương Hội phải chia đều cho các đơn vị, các đơn vị cấp Hội lại phải chia đều cho hội viên theo mức bình quân (có tính dàn trải) để tránh thắc mắc.
Thứ ba, thiếu kinh phí cho việc bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao và phổ biến tác phẩm trong hội viên (không có kinh phí để in sách, in đĩa). Công tác hỗ trợ mới tập trung vào những nguồn sáng tạo (chất xám) hiện có mà chưa chú trọng đến khâu bồi dưỡng các tài năng trẻ, là gạch nối, là sự chuyển tiếp của thế hệ đi trước.
Nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tạo tác phẩm chất lượng cao với yêu cầu cao về kĩ năng nghiệp vụ (nhất là các kĩ năng làm báo hiện đại trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội) là rất lớn, nhưng các cấp hội đều chưa đáp ứng được vì thiếu kinh phí. 
Thứ tư, mục tiêu, phương thức hỗ trợ chưa có sự thống nhất giữa các Hội, chưa phù hợp với sự chuyển đổi nền kinh tế của đất nước theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và định hướng Xã hội chủ nghĩa.  
Thứ năm, sự ra đời các phương tiện truyền thông mới đã và đang tác động sâu sắc đến việc tiếp cận thông tin của công chúng hiện đại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, đặt ra cho các tòa soạn và nhà báo những thách thức chưa từng có. Trước hết là việc các cơ quan báo chí không còn độc quyền trong việc cung cấp thông tin do sự xuất hiện các mạng xã hội và hàng triệu các trang thông tin cá nhân. Bên cạnh đó là sự thay đổi hành vi của công chúng - từ chỗ chỉ là người tiếp nhận thông tin một cách bị động, nay họ đã trở thành người chủ động tham gia sản xuất, cung cấp và chia sẻ thông tin. Việc tích hợp các loại hình viễn thông và các loại hình báo chí truyền thông khác nhau trên cùng một thiết bị có thể tạo ra những thay đổi quan trọng, tạo tiền đề cho ra đời những dịch vụ mới ngày càng tiện ích hơn.

Các đại biểu tham dự hội nghị chung tay ủng hộ đồng bào tỉnh Nghệ An bị ảnh hưởng bởi lũ lụt vừa qua

Trong bối cảnh tình hình chính trị - kinh tế thế giới ngày càng biến động phức tạp, nhiệm vụ đối với báo chí càng ngày càng nặng nề, khó khăn với nhiều đặc thù mới. Do đó, để triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới", Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và gần đây là Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,  hơn lúc nào hết, các cấp Hội Nhà báo và người làm báo trong cả nước rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước trong việc điều chỉnh mức kinh phí hỗ trợ có thêm nguồn kinh phí tiếp cận với phương thức tác nghiệp hiện đại trong bối cảnh chuyển đổi số và có điều kiện “dấn thân” tác nghiệp trong bối cảnh thiên tai, thảm họa hay dịch bệnh.

Song Anh - Sơn Hải/hoinhabao.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây